Tự thú của bậc thầy làm giả tượng điêu khắc Giacometti

Thứ Ba, 17/09/2013, 14:30

Robert Driessen là một trong những bậc thầy làm tranh giả thành công nhất trên thế giới. trong hơn 30 năm miệt mài “lao động”, ông hầu như chỉ chuyên tâm nghiên cứu, làm giả tượng đồng của nhà điêu khắc Thụy Sĩ Alberto Giacometti (1901-1966).

Robert Driessen sống ở Thái Lan trong 8 năm qua. Ông sở hữu một quán cà phê gần bờ biển. Ông là đối tượng săn lùng của cảnh sát châu Âu, nhất là Ernst Scholler - thám tử thành phố Stuttgart, Đức chuyên trách về loại tội phạm trong lĩnh vực nghệ thuật. Hai tòng phạm của Driessen đang ngồi tù ở Đức. Cảnh sát cho biết Driessen đã làm giả ít nhất 1.000 tác phẩm của Giocometti. Nhưng, Driessen tiết lộ con số có lẽ là 1.300. Và, hôm nay Driessen muốn kể câu chuyện phạm pháp của chính mình.

Làm nên sự nghiệp nhờ sao chép tranh và tượng

Robert Driessen, 54 tuổi, đã trải qua hơn 30 năm giả mạo tác phẩm nghệ thuật, bao gồm những bức họa và tượng điêu khắc và sống nhàn hạ nhờ số tiền khổng lồ thu được từ hoạt động phạm pháp. Ông không cảm thấy hối tiếc nếu phải ngồi tù và cho rằng đã đến lúc nói cho thế giới biết về bản thân ông cũng như công việc bất chính của ông. Wolfgabg Beltracchi, một họa sĩ ở khu Rhinelnag của Đức, làm giả ít nhất 100 bức họa của các nghệ sĩ theo chủ nghĩa Biểu hiện và kiếm được khoảng 30 triệu euro.

Cũng giống như Driessen, Beltracchi được coi là ông vua làm giả tác phẩm nghệ thuật và nổi tiếng trong giới truyền thông khi bị bắt giữ cách đây 3 năm. Driessen tuyên bố ông chỉ đứng sau Beltracchi. Thật ra, Driessen là công dân Hà Lan và có gốc gác ở thành phố Arnhem ở miền Đông nước này, nhưng ông nói tiếng Đức rất trôi chảy.

16 tuổi, Driessen bỏ học và bắt đầu vẽ tranh kiếm tiền: những cối xay gió, con kênh, người câu cá và biển. Cuối cùng, người bán tranh cho Driessen đề nghị ông sao chép tác phẩm của các danh họa phái Lãng mạn Hà Lan như là: Paul Gabriel, Johan Hendrick, Weissenbruch, Hendruck Willem Mesdag. Thế là, một thế giới khác mở ra cho Driessen.

Lúc đầu không ai quan tâm đến những bức vẽ của Driessen. Sau đôi ba năm, Driessen chuyển sang sao chép tác phẩm của các nghệ sĩ Biểu hiện như là: Emil Nolde, August Macke, Wassily Kandinsky và Karl Schmidt-Rottluff. Chẳng bao lâu sau, nhiều nhà buôn nghệ thuật tìm đến mua tranh của Driessen.

Một trong số đó là Michel van Rijin - người cuối cùng nổi tiếng là tay buôn lậu nghệ thuật thành công nhất thế giới. Ví dụ, Driessen được trả từ 500 đến 700 euro cho một bức tranh giả của Schmitt-Rottluff. Những nhà buôn nghệ thuật cũng "đặt hàng" cho Driessen. Ông nhớ lại có lúc chỉ trong một ngày ông giả mạo được 15 bức tranh màu nước của Nolde!

Các tượng giả Giacometti được trưng bày ở Mainz, tháng 8/2009.

Driessen không bận tâm đến số phận của những bức tranh giả của mình. Ông tiết lộ: "Có lẽ có một hay 2 bức trong số đó được treo trong nhà bảo tàng của Đức hay Hà Lan gì đó". Driessen nhớ lại có một nhà buôn còn đem bán những bức tranh giả của ông tại phiên đấu giá của Sotheby's và Christie's.

Driessen thú thật: "Tôi biết tôi làm giả nghệ thuật. Các nhà buôn cũng biết họ mua đồ giả. Nhưng chúng tôi không nói chuyện về điều đó. Tôi thừa nhận họ bán tranh giả như là tranh thật". Đó là vào thập niên 80 thế kỷ trước, khi mà lĩnh vực kinh doanh đồ giả phát triển mạnh.

Nhờ bán tranh giả mà Driessen có được cuộc sống xa hoa. Ông thuê một căn biệt thự 11 phòng ngủ, 6 phòng tắm và 3 studio trên tầng mái ở thành phố Arnhem, chỉ cách biên giới nước Đức chừng 10km. Năm 1987, Driessen bắt đầu thử tay nghề ở lĩnh vực tượng điêu khắc nhờ ngón nghề mà ông học được từ Roel Maaskant, thợ đúc ở Brummen gần Arnhem. Những bức tượng đồng đắt tiền và công việc bắt đầu từ mẫu sáp hay thạch cao đến khuôn nhựa để hoàn tất tác phẩm là con đường dài phức tạp. Nhưng, như Driessen bộc lộ, "rất hứng thú".

Nghệ sĩ Thụy Sĩ Alberto Giacometti trong studio của ông năm 1952.

Thị trường tượng điêu khắc thường u ám hơn thị trường tranh do công việc đúc lại dễ dàng hơn vẽ tranh. Có nhiều trường hợp người thừa kế cho đúc lại tác phẩm của nghệ sĩ sau khi người này qua đời. Ví dụ, có đến 80 mẫu đúc một bức tượng nổi tiếng của nghệ sĩ Đức Georg Kolbe. Do đó, khó mà thẩm định có bao nhiêu mẫu đúc một tác phẩm điêu khắc, một phần do các xưởng đúc thường thực hiện sao chép hay tạo ra nhiều khuôn tượng hơn nghệ sĩ đặt làm. Kết quả là, không thể phân biệt được đâu là tượng thật và đâu là tượng giả.

Những tuyệt tác Giacometti giả

Alberto Giacometti là một trong những nghệ sĩ lớn của thế kỷ XX, và ngày nay - 47 năm sau khi ông qua đời - ông được đánh giá là nhà điêu khắc đắt giá nhất thế giới. Cách đây 3 năm, vợ góa của chủ ngân hàng Liban mua bức tượng "Người đàn ông đi bộ" của Giacometti tại phiên đấu giá của Sotheby's với giá tương đương 74 triệu euro! Những cuộc triển lãm tác phẩm điêu khắc của Giacometti bao giờ cũng bảo đảm gặt hái thành công ngoài sự mong đợi.

Nhà điêu khắc Giacometti từ thành phố quê nhà Bergell ở Thụy Sĩ của ông đến thủ đô Paris nước Pháp khi tròn 20 tuổi. Ông là bạn của các tên tuổi lớn như là Max Ernst, Joan Miro, Pablo Picasso, Jean-Paul Sartre, Jean Genet và Igor Stravinsky. Bức ảnh của Giacometti - với đôi mắt to, đầu tóc đen rối bù hoang dã và gương mặt phủ đầy các nếp nhăn - được in trên tờ giấy bạc 100 franc của Thụy Sĩ ngày nay.

Giacometti được tin là sáng tác hơn 500 bức tượng điêu khắc độc đáo. Sau khi Giacometti qua đời, người vợ góa của nghệ sĩ thành lập một tổ chức gọi là Quỹ Alberto và Annette Giacometti để vinh danh chồng. Giacometti thường sử dụng nhiều xưởng đúc khác nhau để làm ra những bức tượng đồng từ cùng một mẫu thiết kế.

Thanh tra Horst Haug thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm (LKA) bang Baden-Wurttemberg với một tượng giả Giacometti được bán với giá của tượng thật.

Hiện nay, không có catalogue về tác phẩm của Giacometti mà chỉ có một cơ sở dữ liệu chưa hoàn thành với những hình ảnh tác phẩm điêu khắc của ông trên Internet. Robert Driessen cho biết "không khó làm giả tượng của Giacometti". Theo tiết lộ của Driessen, chỉ cần 30 đến 40 phút là đủ cho ông hoàn tất các bức tượng nhỏ của Giacometti. Nhưng chúng không đơn giản là những bản sao tác phẩm của Giacometti, mà thậm chí Driessen còn tự "sáng tác" ra những bức tượng "theo phong cách Giacometti" và sử dụng chính những xưởng đúc mà nghệ sĩ sử dụng ngày xưa.

Robert Driessen sao chép bức tượng đầu tiên của Giacometti vào năm 1998. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng phong cách, chữ ký và dấu xưởng đúc của Giacometti, Driessen thực hiện bức tượng thạch cao mảnh cao 2,7 mét và đặt tên là "Annette" - theo tên vợ của Giacometti - rồi cất giữ trên căn gác mái nhà mình. Về sau, có người tìm đến Driessen - một nhà buôn nghệ thuật người Hà Lan tên là Guido S. mà ông quen biết từ lâu, một người buôn đồ cổ đến từ thành phố Mainz, Đức và một người Hy Lạp sống ở vùng Swabia, miền Nam nước Đức. Thế là những cuộc lừa đảo bán tượng giả Giacometti bắt đầu. Guido S. làm trung gian bán 12 bức tượng đồng giả Giacometti cho Driessen với giá 6.000 mark Đức.

Guido S. nói với Driessen rằng ông có kế hoạch mở một gallery gần Lagos trong vùng Algarve của Bồ Đào Nha để cất giữ 1.500 bức tượng điêu khắc của Giacometti. Hai người đàn ông thường gặp nhau vào chủ nhật. Driessen chở tượng giả trên chiếc BMW của mình giao cho Guido S. và nhận những phong bì tiền mark mới cứng từ người này hoặc thông qua tài khoản ngân hàng. Nghề kinh doanh tượng giả của Driessen kéo dài êm xuôi suốt 10 năm. Khách hàng của Driessen thường là những người giàu có nhưng lại không có mấy kiến thức về nghệ thuật.

Robert Driessen ở Thái Lan.

Năm 2005, Robert Driessen cùng vợ và con trai di cư đến Thái Lan để trốn tránh những mùa đông khắc nghiệt tại quê nhà. Trước khi bay đến Thái Lan, Driessen đốt hết mọi hình ảnh về các tượng điêu khắc giả. Driessen thuê một biệt thự rộng lớn ở Vịnh Thái Lan, trong khi từ nước Đức Guido S. vẫn tiếp tục gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của ông.  Lúc đầu, Driessen thường bay về Hà Lan để tiếp tục cho ra lò những bức tượng giả Giacometti.

Vào tháng 3/2009, Driessen nhận được thông điệp cảnh báo từ Guido S.: "Tôi đang chuyển tiền vào tài khoản của ông, nhưng hãy chắc chắn rằng ông không bay về Đức". 5 tháng sau đó, một đơn vị cảnh sát cơ động Đức bắt giữ Guido S., Lothar S. và hai phụ tá của Driessen ngay tại sân bay Frankfurt khi họ đang giao dịch bán 5 tượng giả Giacometti với giá 338.000 euro tiền mặt.

Lục soát nhà kho của số người này ở thành phố Mainz, cảnh sát thu được 831 tượng đồng và 171 tượng thạch cao theo phong cách của Alberto Giacometti. Tòa án khu vực Stuttgart tuyên án Lothar S. 9 năm tù, còn Guido S. 5 năm và 4 tháng tù. Vụ án chống lại Robert Driessen vẫn chưa khép lại, nhưng do ông không phải là công dân Đức cho nên các nhà điều tra không thể dẫn độ ông từ Thái Lan về Đức.

Tháng 6/2012, nhà điều tra Ernst Scholler và đồng sự cho vận chuyển hơn 1.000 tượng điêu khắc giả của Driessen đến một xưởng đúc ở tỉnh Sussen. Một máy xúc đất được sử dụng để phá hủy những bức tượng thạch cao, còn số tượng đồng được nấu chảy thành những thỏi ở nhiệt độ hơn 1.000 độ C. Về sau, khoảng 5 tấn đồng này được đúc làm những cánh cửa cho một khách hàng giàu có ở Abu Dhabi. Driessen xem trên tivi về tiến trình phá hủy các tượng giả nhưng ông không mảy may xúc động.

Ông nói: "Những người tin rằng có thể mua được một bức tượng điêu khắc thật của Giacometti với giá 20.000 euro thì đáng bị lừa lắm!". Driessen không biết có trở lại nghề làm giả tượng nữa hay không. Vợ và con trai của ông đã bay về châu Âu. Nhưng, Driessen không muốn rời khỏi Thái Lan

Duy Minh (tổng hợp)
.
.