Tự thuật của cựu “phi công màn hình” điều khiển máy bay không người lái

Thứ Sáu, 25/01/2013, 11:45

Brandon Bryant là phi công điều khiển máy bay không người lái (drone) trong một đơn vị đặc biệt của không quân Mỹ. Từ căn cứ ở New Mexico, anh ta đã sát hại khoảng 10 người cho đến khi tuyên bố từ bỏ nhiệm vụ.

Trong hơn 5 năm Brandon Bryant làm việc trong một container dài như một xe van, không cửa sổ, nhiệt độ trong phòng luôn ở mức 17oC và cửa chính luôn khóa vì lý do an ninh. Trước mặt Brandon và các đồng nghiệp là 12 màn hình, còn dưới tay là 4 bàn phím. Chỉ cần Brandon nhấn 1 cái nút ở New Mexico, sẽ có 1 người chết ở đầu kia thế giới.

Một đứa bé hay là một con chó đi bằng hai chân?

Bên trong container, những chiếc máy vi tính chạy suốt ngày. Đó là bộ não của những chiếc drone. Trong không quân Mỹ người ta gọi gian phòng đó là "buồng lái". Chỉ có điều khác biệt là những phi công ở đây không bay mà chỉ việc điều khiển. Brandon là một trong số đó. Anh còn nhớ rất rõ những vòng số 8 mà chiếc drone đang vẽ trên bầu trời Afghanistan cách xa anh hơn 10.000km.

Trong máy ngắm của chiếc Predator là một căn nhà đất thấp tè với một chuồng dê. Khi lệnh khai hỏa được ban ra, Brandon nhấn nút đánh dấu căn nhà bằng laser rồi viên phi công ngồi bên cạnh khai hỏa bằng một cái cần. Chiếc drone phóng ra một quả tên lửa Hellfire. Còn 16 giây trước khi tên lửa đến mục tiêu. "Thời gian như đi chậm lại" - Brandon vẫn còn nhớ. Các hình ảnh được thu bằng camera hồng ngoại rồi truyền qua vệ tinh đến màn hình của anh với độ trễ từ 2 đến 5 giây.

Chỉ còn 7 giây nữa, vẫn không có một bóng người. Ngay lúc ấy, Brandon vẫn còn có thể chuyển hướng quả tên lửa. Còn 3 giây. Brandon nhìn chăm chú vào màn hình. Đột nhiên một đứa trẻ xuất hiện ở góc ngôi nhà. Khi đốm lửa bùng lên, thế giới ảo của Brandon và thế giới thật của một ngôi làng nằm giữa Baghlan và Mazar-el Charif đã đổ ụp vào nhau. Bradon thấy một vầng sáng lóe trên màn hình. Những mảng tường sụp xuống, đứa trẻ đã biến mất. Bụng Brandon co thắt lại.

- Chúng ta vừa giết một đứa bé hả? - Brandon hỏi đồng người đồng nghiệp bên cạnh.

- Tôi cũng nghĩ rằng đó là một đứa bé.

"Đó là một đứa bé?" - họ gõ vào cửa sổ hội thoại trên màn hình.

Lúc ấy có ai đó chen vào, một người ở đâu đó trong Bộ chỉ huy không quân đang theo dõi vụ oanh kích trả lời bằng một câu lạnh lùng: "Không, đó là một con chó".

Họ xem lại phần ghi hình. Chẳng lẽ một con chó đi 2 chân? Hôm ấy khi Brandon bước ra khỏi container, trái tim nước Mỹ trải rộng trước mắt anh: thảm cỏ trên thảo nguyên bao la đến mút mắt, những cánh đồng, mùi phân chuồng. Tháp radar của căn cứ Cannon từng chập lại chiếu sáng trong buổi hoàng hôn. Một cuộc chiến tranh đang diễn ra.

Cuộc chiến hiện đại là vô hình, khoảng cách làm mất đi trọng lượng của nó. Đó là một cuộc chiến được kiểm soát, được điều khiển từ các đơn vị nhỏ rải rác tại nhiều địa điểm trên hành tinh. Cuộc chiến mới muốn có độ chính xác cao hơn là chiến tranh truyền thống. Nhiều người cho thế là "nhân bản" hơn.

Hai phi công điều khiển drone.

Trong một hành lang ốp gỗ của Lầu Năm Góc là nơi đặt văn phòng của các quan chức không quân. Bên cạnh chân dung của các tướng lĩnh có ảnh của một chiếc Predator. Theo lời của các tướng lĩnh quân đội, từ nhiều năm qua chưa có phát minh nào chứng tỏ được tính hiệu quả bằng những chiếc drone trong cuộc chiến chống khủng bố. Quân đội điều khiển các máy bay không người lái đó từ những căn cứ nằm trong lãnh thổ nước Mỹ và cả nước ngoài như tại Djibouti (châu Phi). Từ trụ sở tại Langley, cơ quan CIA tác động đến tận Pakistan, Somalia hay Yemen.

Cho đến khi được đề bạt vào Bộ Quốc phòng với trọng trách điều hành lực lượng drone cách đây vài tháng, Đại tá William Tart là Tư lệnh Căn cứ không quân Creech ở Nevada, từ đấy ông chỉ huy hoạt động của những chiếc drone. Ông nhắc đến ứng dụng nhân đạo của drone sau vụ động đất tại Haiti và các thành tích quân sự trong cuộc chiến tại Libya. Ông kể lại việc phá hủy một chiếc xe tải oanh kích Misrata hay truy lùng đoàn xe chở Gaddafi tẩu thoát. Ông còn cho biết binh lính tại Afghanistan không ngớt lời khen ngợi sự yểm trợ bằng không lực. "Chúng ta đã cứu vớt nhiều sinh mạng". 

Nhưng ông rất ít lời về những vụ "ám sát có mục tiêu". Trong 2 năm chỉ huy Căn cứ Creech, ông khẳng định chỉ thấy binh sĩ chết. Các mục tiêu chỉ bị triệt hạ khi không có phụ nữ và trẻ em. Những cuộc tấn công của drone được đặt dưới sự chỉ đạo giống như mọi cuộc tấn công khác của không quân. Một sĩ quan tại quốc gia liên quan sẽ đưa ra lệnh khai hỏa.

Tuy nhiên, Đại tá William Tart không thích nghe nói đến từ "tấn công phẫu thuật". Điều này khiến ông nghĩ đến các cựu chiến binh ở Việt Nam thường chê trách ông chưa hề bì bõm dưới bùn, chưa hề nghe mùi máu, không hề biết thế nào là chiến tranh. Ông sẽ phản bác là nhảm nhí. Chặng đường từ Las Vegas đến nơi làm việc thường rất cần thiết để ông có thời gian suy xét mọi việc.

"Chúng tôi quan sát mọi người suốt nhiều tháng, nhìn thấy họ chơi đùa với lũ chó hay phơi đồ. Chúng tôi biết thói quen của họ như những người láng giềng của chúng tôi, thậm chí chúng tôi còn đến dự tang lễ của gia đình họ. Với loại máy bay drone, chiến tranh có cái gì đó rất cá nhân" - Đại tá William Tart thổ lộ.

Biển tử thi bên dưới cánh đồng

Một ngôi nhà gỗ màu vàng bên rìa thị trấn Missoula ở Montana. Hậu cảnh là những dãy núi, các khu rừng và sương mù. Brandon Bryant, 27 tuổi, nằm dài trên trường kỷ của mẹ. Anh về sống cùng mẹ sau khi rời khỏi quân đội, hàm râu 3 ngày chưa cạo và đầu cạo trọc. "Đã 4 tháng tôi không còn nằm mơ với hình ảnh hồng ngoại nữa" - Brandon mỉm cười thổ lộ.

Đó là một chiến thắng đối với Brandon. Anh đã làm việc trong không quân Mỹ 6 năm có tổng cộng 6.000 giờ bay. "Trong 6 năm đó tôi đã nhìn thấy đàn ông, phụ nữ và trẻ em chết" - Brandon cho biết. Không bao giờ anh có thể tưởng tượng mình đã giết nhiều người đến thế. Thật ra anh cũng không thể tưởng tượng mình giết dù chỉ 1 người.

Một chiếc predator tại căn cứ Creech.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Brandon Bryant muốn trở thành phóng viên. Nhưng sau 6 tháng học hành anh bị mắc nợ vài ngàn đôla. Brandon gia nhập quân đội chỉ do tình cờ: anh đi theo một người bạn đến đăng ký vì nghe rằng không quân có một trường đại học riêng và anh có thể học miễn phí tại đấy. Brandon vượt qua các kỳ thi một cách xuất sắc và người ta bố trí anh vào ban tình báo. Anh được học cách điều khiển camera và laser của những chiếc drone, phân tích hình ảnh dưới đất, bản đồ và các dữ liệu khí tượng.

Brandon bắt đầu tham gia sứ mệnh đầu tiên tại Iraq. Hôm đó ánh nắng mặt trời như thiêu đốt sa mạc Nevada, nhưng container của Brandon nằm trong bóng tối. Tại vùng Cận Đông, bình minh sắp lên. Một toán lính Mỹ sắp trở về căn cứ. Nhiệm vụ của Brandon là dò xét lộ trình, giữ vai trò "thiên thần hộ mệnh" của họ. Anh nhận thấy một "con mắt" trên đường. Trong thời gian đào tạo anh đã biết thế nào là "con mắt". Khi định chôn một khối thuốc nổ dưới lòng đường, kẻ thù sẽ đốt một lốp xe để làm mềm nhựa đường, và vết tích đó giống như một con mắt.

Đoàn xe còn cách "con mắt" vài kilômét. Brandon Bryant thông báo cho cấp trên, ở đó lại báo cáo lên bộ chỉ huy. Nhiệm vụ của anh  sau đó là quan sát những chiếc xe tại hiện trường.

"Chúng ta phải làm gì đây?" - Brandon hỏi người đồng nghiệp bên cạnh. Không thể nào liên lạc với các binh sĩ ở đấy vì họ đã kích hoạt máy gây nhiễu. Brandon thấy chiếc xe đầu đi qua: không có gì xảy ra. Chiếc thứ nhì vừa đến. Brandon thấy một ánh chớp lóe bên dưới xe rồi một tiếng nổ vang lên. Năm binh sĩ Mỹ vừa thiệt mạng.

Kể từ ngày đó, Brandon tự nhủ rằng lương tâm anh phải mang trách nhiệm về cái chết của 5 chiến hữu. Và anh nhất quyết học nằm lòng mọi thứ, các sách chỉ dẫn về drone Predator, về tên lửa. Anh làm quen với mọi kịch bản khả dĩ. Anh muốn trở thành người giỏi nhất để những điều tương tự sẽ không bao giờ tái diễn. Anh làm việc 12 giờ liên tục. Không quân Mỹ không có đủ nhân lực cho cuộc chiến điều khiển từ xa tại Iraq và Afghanistan. Các phi công lái drone thường bị xem là những kẻ hèn nhát chỉ biết bấm nút. Vị trí đó dễ bị dè bỉu nên người ta còn định tuyển mộ những quân nhân hưu trí.

Brandon còn nhớ đến vụ bắn tên lửa đầu tiên: 2 người chết tại chỗ và anh chứng kiến người thứ ba hấp hối. Người đó bị mất 1 chân, anh ta nắm chặt khúc chân cụt, máu nhỏ giọt xuống mặt đường. Cảnh tượng đó kéo dài 2 phút. Khi trở về nhà Brandon khóc và gọi cho mẹ. "Trong suốt một tuần tôi như bị tách biệt với thế giới" - anh tâm sự.

Brandon được thuyên chuyển đến Iraq vào năm 2007. Từ một căn cứ của Mỹ cách Baghdad 100km, anh có nhiệm vụ cho những chiếc drone cất cánh và hạ cánh. Hai năm sau, anh được chuyển sang một đơn vị đặc biệt tại căn cứ Cannon. Tại đấy anh cùng với các đồng nghiệp ngụ trong thị trấn Clovis đầy bụi và cách biệt. Brandon thích làm ca đêm vì lúc ấy đang là ban ngày ở Afghanistan. Vào mùa xuân, khung cảnh Afghanistan khiến anh nhớ đến vùng Montana quê hương với những đỉnh núi phủ tuyết và các thung lũng xanh ngát. Anh thấy nông dân làm việc trên cánh đồng, thanh niên chơi đá bóng, đàn ông hôn vợ và con cái.

Khi đêm xuống, Brandon bật camera hồng ngoại lên. Vào mùa hè rất nhiều người dân Afghanistan ngủ trên mái nhà do trời quá nóng. Anh quan sát một số người trong nhiều tuần lễ, nhất là binh lính Taliban đang chôn giấu vũ khí hoặc những kẻ có tên trong danh sách vì quân đội, cơ quan an ninh hay những người chỉ điểm tại địa phương biết chút gì đó về chúng. "Tôi tập nhận biết chúng chờ đến khi một sĩ quan cao cấp ra lệnh khai hỏa" - Brandon cho biết. Nhưng ý nghĩ khiến cho những đứa trẻ phải mất cha làm cho anh áy náy. Vào những lúc rảnh rỗi Brandon chơi video game hay uống vài ly cùng bạn bè.

Một hôm, Brandon Bryant chỉ còn một mong muốn là ra đi, làm một công việc khác. Anh đã được phái sang Afghanistan vài tháng. Khi trở về New Mexico anh cảm thấy ghét cái buồng lái ám mùi mồ hôi và phải xịt nước khử mùi. Anh muốn cứu vớt nhiều sinh mạng chứ không phải hủy hoại họ. Chẳng hạn như tổ chức những khóa tập huấn sinh tồn. Bạn bè đã cố can ngăn anh.

Vào những hôm cảm thấy thời gian quá dài, anh lại viết nhật ký: "Trên chiến trường không có kẻ tham chiến mà chỉ có máu, chiến tranh toàn diện. Tôi cảm thấy như đã chết. Tôi muốn đôi mắt tôi bị hư hỏng đi". Vấn đề chính là anh vẫn làm tốt công việc.

Rồi một hôm anh gục ngã trên bàn, khạc ra máu. Bác sĩ ký lệnh cho anh nghỉ. Anh có thể trở lại làm việc khi đã ngủ mỗi đêm 4 giờ suốt 15 hôm liền.

Mới đây, Brandon đưa một bức hình lên Facebook. Trong đó người ta thấy một đôi tình nhân nắm tay nhau trên đồng cỏ xanh mướt, mắt ngước nhìn lên cao. Trên thảm cỏ là một đứa trẻ và một con chó đang nằm. Nhưng cánh đồng cỏ đó chỉ thể hiện một phần của thế giới. Phía dưới người ta thấy một biển lính đang hấp hối cố nâng đỡ cánh đồng với nỗ lực cuối cùng, một biển thi thể, tứ chi đứt lìa và máu. Các bác sĩ của hội cựu chiến binh chẩn đoán anh bị hội chứng hậu chiến tranh

Minh Luân (theo Courrier International)
.
.