Từ vụ Nga trục xuất điệp viên CIA: Cuộc chiến tranh lạnh vẫn tiếp diễn

Thứ Năm, 23/05/2013, 22:40

Vụ phản gián Nga bắt giữ và sau đó trục xuất một điệp viên CIA hoạt động ngầm bên trong Đại sứ quán Mỹ tại Moskva đã khơi dậy dư luận về những vụ "đấu gián điệp" qua lại giữa Nga và Mỹ đã diễn ra liên tục trong nhiều năm qua, kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Nó còn làm sâu thêm hố ngăn cách giữa tình báo Nga và phương Tây, cụ thể là Mỹ.

Theo báo chí Nga, điệp viên CIA bị bắt là một người Mỹ tên Ryan Christopher Fogle, Bí thư thứ ba phụ trách mảng chính trị trong Đại sứ quán Mỹ tại Moskva. Fogle bị Cơ quan Phản gián Cục An ninh Nhà nước Nga (FSB) bắt giữ vào khoảng nửa đêm 13 rạng sáng 14/5 vừa qua tại khu dân cư đối diện một công viên ở tây nam Moskva.

Anh ta bị FSB tạm giữ thẩm vấn trong vài tiếng đồng hồ, sang ngày 14/5 được trao trả cho Đại sứ quán Mỹ quản lý. FSB cáo buộc Fogle là điệp viên CIA hoạt động bí mật bên trong Đại sứ quán Mỹ với vỏ bọc là Bí thư thứ ba của Đại sứ quán. Đồng thời, với hành động bị bắt quả tang và các chứng cứ thu giữ được trên người Fogle, FSB cáo buộc anh ta tội hoạt động gián điệp trái phép, cố tình tuyển mộ các điệp viên Nga làm việc cho CIA và ra lệnh trục xuất Fogle ra khỏi nước Nga.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Nga đăng thông báo trên website của mình, tuyên bố Fogle là "người không được hoan nghênh" (persona non grata) và yêu cầu ông này phải rời khỏi nước Nga ngay lập tức.

Theo thông báo của FSB, Fogle bị điệp viên phản gián Nga bắt quả tang khi anh ta đang thực hiện việc tuyển mộ một điệp viên Nga làm việc cho CIA. Anh ta bị bắt khi đang cải trang bằng một bộ tóc giả màu vàng nâu. FSB thu được các bằng chứng là những vật dụng công nghệ kỹ thuật cao mà các điệp viên thường sử dụng, các giấy tờ liên quan, như thẻ chứng minh thư ngoại giao do Bộ Ngoại giao Nga cấp ngày 29/4/2011 có hiệu lực trong 3 năm, những bộ tóc giả, thiết bị ghi âm, một dao bấm, compa, một xấp tiền euro, kính râm và bản đồ Moskva,…

Ryan Christopher Fogle trả lời thẩm vấn trong một văn phòng của FSB trước khi được trao trả cho Đại sứ quán Mỹ.

Bằng chứng quan trọng nhất mà FSB thu được trên người Fogle là lá thư viết một trang giấy A4 đề gửi "Bạn thân mến", mục tiêu gửi đến các điệp viên Nga. Nội dung thư chứa đựng những lời chiêu dụ và các "hướng dẫn làm việc", trong đó đưa ra mức tiền thưởng "ra mắt" là 100.000 USD để được tiếp xúc và phỏng vấn, và sau đó là mức thù lao lên đến 1 triệu USD/năm nếu "điệp viên tương lai" chấp nhận làm việc và cung cấp mẻ thông tin đầu tiên cho phía Mỹ.

Để chứng minh "đẳng cấp công nghệ" gián điệp của mình, điệp viên Mỹ còn đưa ra các hướng dẫn chi tiết về cách thức tạo hộp thư điện tử Gmail để sử dụng trong các giao dịch tương lai, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không bao giờ sử dụng các thông tin thật của cá nhân, như số điện thoại, địa chỉ e-mail, hay địa chỉ nhà,… để tạo tài khoản e-mail; khuyến cáo các ứng viên không sử dụng các thiết bị cá nhân như điện thoại di động hoặc máy tính xách tay để đăng ký hoặc đăng nhập Internet, thay vì thế nên sử dụng dịch vụ Internet công cộng tại các quán cà phê.

Trường hợp đặc biệt cần thiết, ứng viên tương lai nên sắm thêm điện thoại di động và máy tính xách tay chuyên biệt chỉ sử dụng cho việc giao dịch "gián điệp" này mà thôi. Phía Mỹ sẽ hoàn trả các chi phí mua sắm các thiết bị này. Lời dặn cuối cùng: sau khi đã tạo xong hộp thư Gmail, "điệp viên tương lai" phải gửi một e-mail đến địa chỉ (unbacggdA@gmail.com) và đợi một tuần sau để nhận câu trả lời.

Các vật chứng FSB tịch thu được trên người Fogle.

Vụ việc điệp viên Fogle của CIA bị bắt quả tang và bị trục xuất với những tình tiết quá lộ liễu đã khiến cho các chuyên gia trong ngành tình báo, kể cả tình báo Mỹ và FSB của Nga lấy làm ngạc nhiên và không tin rằng đó là một chuyện có thật. Giới chức và chuyên gia Mỹ không phủ nhận việc Fogle là điệp viên CIA, nhưng đa số đều không tin rằng Fogle "cố ý tuyển mộ điệp viên Nga".

Mark Galeotti, một chuyên gia về ngành tình báo tại Đại học New York, đã chỉ ra các món vật chứng mà FSB thu được trên người Fogle để bình luận rằng, thời buổi bây giờ ai mà còn sử dụng cái compa để làm gián điệp cơ chứ? CIA không bao giờ dạy phải làm như thế. Rõ ràng ở đây có sai sót kỹ thuật tình báo nghiêm trọng hoặc là một sự dàn dựng thô thiển để "chơi xấu" CIA.

Tờ nhật báo Kommersant của Nga trích nhận xét của FSB cho rằng, có thể Fogle đang thực hiện nhiệm vụ điều tra về anh em nhà Tsarnaev - các nghi can đánh bom khủng bố ở Boston, vì thế anh ta cố tình tìm cách chiêu mộ sĩ quan tình báo chống khủng bố của Nga cư ngụ tại khu vực tây nam Moskva. Tuy nhiên, cách Fogle tiến hành nhiệm vụ lại không tốt, hoặc là quá non tay nghề. Một chuyên gia tình báo Nga (giấu tên) nhận định, có thể Fogle chỉ là một "sĩ quan nghiên cứu tình huống" sang Moskva để tập sự, và việc anh ta bị tóm chỉ là tai nạn do chưa rành nghề.

Bức thư Fogle sử dụng để tuyển mộ điệp viên.

Tuy nhiên, vụ việc đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho quan hệ hợp tác tình báo Nga-Mỹ, tạo nên một tình huống bối rối cho cả nước Mỹ và Nga - vốn đang có những động thái hướng đến hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, kể cả lĩnh vực tình báo, chống khủng bố.

Trong thông báo ngày 14/5, Bộ Ngoại giao Nga cũng phê phán việc Fogle hoạt động gián điệp trái phép theo kiểu Chiến tranh lạnh bị bắt quả tang xảy ra trong bối cảnh 2 nước Nga - Mỹ đang có những động thái tích cực hướng đến mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực tình báo,… là hành động vô trách nhiệm, làm suy giảm niềm tin, gây cản trở tiến trình xây dựng quan hệ hợp tác mới giữa 2 quốc gia.

Ngay sau khi rời khỏi trụ sở Bộ Ngoại giao Nga theo lệnh triệu tập, Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul tỏ vẻ buồn bực và không nói câu nào với báo chí. Trên mạng xã hội Twitter, khi được hỏi về vụ Ryan Fogle, Đại sứ McFaul chỉ trả lời "Không".

Vụ việc đã khiến cho nước Mỹ phải im lặng và không thể trách cứ nước Nga, càng không có lý do gì để xem xét một hành động trả đũa tương tự

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.