Tung tin đồn nhảm: Xưa và nay

Thứ Tư, 15/06/2011, 15:40

Trong tình thế hỗn loạn diễn ra tại Syria hồi cuối tháng 4 vừa qua, chiến dịch làm sai lệch thông tin đã được “soạn lại” nhằm biện minh cho sự can thiệp quân sự của phương Tây. Triết gia Domenico Losurdo, người Italia, nhắc lại rằng nước cờ này không có gì là mới mẻ. Chỉ đơn giản là trong trường hợp này các phương tiện truyền thông hiện đại đã tiến hành một cách tinh vi hơn.

Hiện nay, việc tung tin đồn nhảm không chỉ là phương tiện của báo viết, báo nói và báo hình mà nó còn được Facebook và YouTube sử dụng.

Chuyện gì đã xảy ra tại Syria?

Hạ tuần tháng 4/2011, một số nhóm người bí ẩn đã bắn vào những người tham gia biểu tình, đặc biệt là những người tham gia tang lễ những nạn nhân bị giết sau những vụ tấn công đẫm máu tại Syria. Các nhóm người bí mật này là ai? Nhà chức trách Syria lập luận rằng, đó là những kẻ gây rối, chủ yếu có liên quan đến mật vụ nước ngoài.

Ngược lại, tại phương Tây, người ta tin tưởng tuyệt đối vào những điều mà Nhà Trắng công bố: những tay súng đó là cảnh sát Syria mặc thường phục. Trong khi đó, Hãng Thông tấn Sana của Syria có nhắc đến việc phát hiện "những chai nhựa đầy máu" dùng để quay "những đoạn video giả mạo" cảnh người chết và bị thương trong đoàn người biểu tình. Có thể hiểu những thông tin trên như thế nào?

Thời gian vừa qua, với những can thiệp hầu hết là của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, chính quyền Obama đã không bỏ lỡ cơ hội tận dụng Internet, Facebook, Twitter như những công cụ truyền bá "sự thật" và xúc tiến hòa bình một cách gián tiếp. Washington đã chi những khoản đầu tư đáng kể để nâng cấp những công cụ này và khiến nó trở nên bất khả xâm phạm trước sự kiểm duyệt  và sự tấn công của những "thế lực thù địch".

Trong thực tế, đều có một quy tắc cho dù đó là phương tiện truyền thông mới hay cũ: chúng có thể là những công cụ của những trò giật dây, là thứ gợi nên sự thù hận và cả chiến tranh. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Tuyên truyền của Đức Quốc xã Joseph Goebbels đã khéo léo sử dụng đài phát thanh với mục đích như thế.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, không chỉ là một công cụ để tuyên truyền, đài phát thanh còn là vũ khí của cả hai chiến tuyến: xây dựng một "Psychological Warfare Workshop" hiệu quả (tạm dịch: xưởng chiến tranh tâm lý) là nhiệm vụ hàng đầu của CIA. Việc sử dụng những thông tin sai lệch đóng một vai trò quan trọng vào thời kỳ cuối Chiến tranh lạnh. Cũng vào thời đó, bên cạnh đài phát thanh, người ta còn sử dụng cả đài truyền hình.

Ngày 17/11/1989, cuộc "Cách mạng nhung" giành chiến thắng tại Praha với một khẩu hiệu mang phong cách của Mahatma Gandhi: "Tình yêu và Sự thật". Thực tế thì việc phát tán thông tin sai lệch giữ vai trò quyết định trong chiến thắng này, theo đó, một sinh viên đã bị cảnh sát "giết một cách dã man". Đó là điều mà một nhà báo và đồng thời cũng là thủ lĩnh một nhóm chống đối đăng tải, anh ta rất hài lòng với cách làm của mình, lời nói dối của anh ta đã khơi lên sự phẫn nộ của dân chúng và làm sụp đổ một chế độ vốn đã suy tàn.

Cuối năm 1989, dù đã mất uy tín nhưng nhà lãnh đạo Nicolae Ceausescu vẫn còn quyền lực tại Roumani. Làm thế nào để thay đổi tình thế? Các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây cho phát sóng rộng rãi trong dân chúng những hình ảnh và thông tin về "nạn diệt chủng" mà cảnh sát của Ceausescu gây ra tại Timisoara. Và điều gì đã xảy ra trong thực tế?

Hãy để một triết gia uy tín, ông Giorgio Agamben, trả lời câu hỏi này: "Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, những xác chết đã bị chôn vùi được đào lên một cách vội vàng hoặc nằm xếp hàng trên bàn và bị tra tấn trước máy quay để mô phỏng những tội ác diệt chủng nhằm hợp pháp hóa chế độ mới. Những gì mà cả thế giới nhìn thấy trên màn hình đều là giả dối, ngay cả khi sự giả dối ấy là điều hiển nhiên, giới truyền thông cũng biến nó trở thành sự thật và rõ ràng rằng giờ đây, sự thật chỉ là một thời điểm của cả phong trào giả dối".

Mười năm sau đó, kỹ thuật nói trên được sử dụng lại và tạo ra nhiều thành công mới. Một chiến dịch khủng khiếp đã được thực hiện tại Nam Tư, đất nước sắp bị chia cắt và chuẩn bị nổ ra chiến tranh nhân đạo: "Vụ thảm sát tại Racak thật tàn bạo, những thân thể bị cắt xẻo, những chiếc đầu lăn lóc. Đó là một cách lý tưởng để khơi dậy sự phẫn nộ của dư luận thế giới. Có thể người cắt xẻo những xác chết không phải là người Serbia mà là lính du kích Albanie. Sau đó, sự thật về "chiến tranh nhân đạo" năm 1999 chống lại Nam Tư cũng đã được phanh phui nhưng trong thời gian đó, việc chia đôi đất nước đã được quyết định và tại Kosovo xuất hiện một căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ.

Một tờ báo Pháp về địa chính trị (tờ Hérodote) đã nhấn mạnh vai trò quan trọng trong cuộc "cách mạng hoa hồng" diễn ra tại Georgia vào năm 2003 của những đài truyền hình thuộc phe đối lập và những đài truyền hình phương Tây khi cho phát sóng liên tục những hình ảnh (mà sau đó được chứng minh là giả mạo) về ngôi biệt thự được xem là bằng chứng cho sự tham nhũng của Edouard Chevardnadze, vị lãnh đạo cần phải lật đổ.

Sau khi công bố kết quả bầu cử mà chiến thắng thuộc về Chevardnadze, người bị phe đối lập tố cáo tham nhũng, phe đối lập đã quyết định tổ chức một cuộc diễu hành tại Tbilissi, đóng mác "sự trở lại biểu tượng vì hòa bình tại thủ đô của một đất nước đang giận dữ". Nhờ có những hình ảnh được phát sóng đầy tinh vi và chuyên nghiệp, phe đối lập ngày càng kiêu ngạo và hung hăng hơn bao giờ hết, đặc biệt là kể từ khi được giới truyền thông quốc tế và chính phủ các nước phương Tây khuyến khích và bảo vệ. Thời cơ của cuộc đảo chính đã chín muồi, cần phải trao lại quyền lực cho Mikhail Saakashvili, người đã có thời gian học tập tại Mỹ, nói tiếng Anh trôi chảy và rất hiểu mệnh lệnh của “cấp trên”.

Rất nhiều tên bắn tỉa đã bị an ninh Syria bắt vào tháng 4/2011.

Mùa hè năm 2009, người ta có thể đọc được trên một tờ nhật báo Italia uy tín những dòng tin như sau: "Trong những ngày gần đây, trên Twitter xuất hiện một hình ảnh không rõ nguồn gốc. Một phụ nữ với chiếc mạng che mặt màu đen, mặc áo pull xanh và quần jean. Cô ấy đang đứng một mình, cánh tay phải giơ lên và lòng bàn tay nắm chặt. Đối diện cô là một chiếc SUV đắt tiền và ngồi bên trong là nhà lãnh đạo Iran Mahmoud Ahmadinejad. Đó là một bức ảnh ghép rất giống thật khiến mọi người tin tưởng tuyệt đối.

Bên cạnh đó, các trò giật dây thì đầy rẫy. Cuối tháng 6/2009, những phương tiện truyền thông mới tại Iran và tất cả các phương tiện truyền thông phương Tây cho đăng tải hình ảnh về một thiếu nữ đẹp bị bắn: "Cố ấy bắt đầu chảy máu, cô ấy dần mất ý thức. Một vài giây sau đó, cô ấy chết. Không ai dám chắc rằng cô ấy bị lạc đạn hay bị nhắm bắn". Kèm theo đó, một thông điệp được lan truyền và... hấp dẫn hơn: "Không thể hờ hững và bàng quan khi theo dõi trên Internet đoạn video về Neda Soltani, cảnh mà cha cô và một bác sĩ đang cố gắng giành lại sự sống cho cô gái Iran 26 tuổi này".

Với bức ảnh ghép, cũng như với hình ảnh về Neda, chúng ta đang phải đối mặt với những trò giật dây tinh vi, được thiết kế cẩn thận gây hiệu ứng trong từng chi tiết (hình ảnh, chính trị, tâm lý) nhằm tạo ra một cái nhìn ghê tởm và làm mất uy tín của giới chính quyền Iran.

Bây giờ chúng ta sẽ xét về trường hợp của Lybia, một tờ báo địa chính trị của Italia đã mô tả vấn đề này như "việc sử dụng chiến thuật lừa đảo", như "sự phân vân về những ngôi mộ giả". Người ta đã sử dụng kỹ thuật này hàng thập kỷ nay nhưng hiện nay, với những phương tiện truyền thông mới, kỹ thuật này đem lại những kết quả tuyệt vời: "Đầu tiên, cuộc chiến này hiện lên như sự kết hợp giữa phe mạnh và phe yếu không phòng vệ, và sau đó, biến đổi nhanh chóng thành cuộc chạm trán giữa cái Thiện và cái Ác". Chúng ta đang phải đối mặt với sự giật dây, thứ "bó hẹp quyền lựa chọn của người xem", "không gian để phân tích bị thu hẹp một cách tối đa, đặc biệt, khai thác tính tạo cảm xúc nhanh của hình ảnh".

Chúng ta đang ở một chương mới của chiến tranh tâm lý. Trong lĩnh vực này, Mỹ đang là nước tiên phong trong việc nghiên cứu và thực nghiệm từ nhiều thập kỷ qua. Vài năm trước, Rebecca Lemov, nhà nhân chủng học của Đại học quốc gia Washington đã cho xuất bản một cuốn sách, trong đó cho thấy những ý định vô nhân đạo của CIA và một số bác sĩ tâm thần: "phá hủy và tái xây dựng tinh thần của bệnh nhân trong những năm 50". Và chúng ta đã có thể hiểu một sự kiện xảy ra trong giai đoạn đó.

Ngày 16/8/1951, những hiện tượng kỳ lạ và đáng lo ngại xảy ra ở Pont-Saint-Esprit, "một ngôi làng thanh bình đẹp như tranh vẽ" nằm ở Đông Nam nước Pháp. Ít nhất 5 người chết, hàng chục người phải vào nhà thương điên, hàng trăm người có dấu hiệu ảo tưởng và bị ảo giác và rất nhiều người kết thúc cuộc đời trong tình trạng bị trói chân tay vào giường bệnh.

Bí ẩn của cái gọi là "sự hóa điên tập thể" đã được tìm ra, đó là "sự thử nghiệm của CIA cùng với Special Operation Division (SOD), một đơn vị bí mật của quân đội Mỹ tại căn cứ Fort Detrick, tiểu bang Maryland". Những viên chức của CIA đã tẩm LSD vào bánh mỳ được bày bán trong các cửa hàng của làng, kết quả là những điều mà các bạn đọc được ở phía trên. Đó là khoảng thời gian đầu của Chiến tranh lạnh, tất nhiên, Mỹ là đồng minh của Pháp nhưng đó cũng là lý do vì sao Pháp được sử dụng làm nơi thử nghiệm chiến tranh tâm lý.

Hãy đặt câu hỏi: Sự kích động và hóa điên của đám đông có phải chỉ do những loại hóa chất gây nên? Với sự ra đời và sự lan truyền của Internet, Facebook, Twitter, một loại vũ khí mới đã xuất hiện, có thể thay đổi đáng kể cán cân quyền lực trên trường quốc tế. Điều này không còn là bí mật với bất kỳ ai nữa. Tại Mỹ, ông vua châm biếm của truyền hình, Jon Stewart, đã phải thốt lên: "Tại sao chúng ta lại phải gửi quân đội đi trong khi việc hạ gục đối thủ qua Internet dễ dàng như mua một đôi giày?".

Internet có phải là một sự thể hiện, một sự tự phát của cá nhân? Chỉ có những người nghèo nhất và ít lo lắng nhất mới lập luận như thế. Douglas Paal, người từng là cộng sự của cố Tổng thống Reagan và Bush cha nhận định rằng hiện nay, Internet đang bị quản lý bởi một tổ chức không chỉ đặt mục tiêu hàng đầu là thương mại.

Nói về đề tài này, tờ tuần san Die Zeit đã yêu cầu James Bamford, một trong những chuyên gia về lĩnh vực mật vụ Hoa Kỳ, làm rõ vấn đề: Những viện nghiên cứu nước ngoài đều đã bị mật vụ Mỹ xâm nhập, lực lượng này còn có thể ngăn chặn các cuộc điện thoại trên khắp thế giới và được xem như những hacker nguy hiểm nhất.

Hai nhà báo Đức cũng khẳng định một lần nữa trên Die Zeit: "Những tập đoàn Internet lớn đã trở thành công cụ địa chính trị của Mỹ. Trước đây, người ta cần tốn nhiều công sức và thời gian hoạt động bí mật để củng cố phong trào địa chính trị tại các nước xa xôi nhưng giờ đây, chỉ cần một chút công nghệ truyền thông được thiết lập từ phương Tây. Sở mật vụ kỹ thuật Hoa Kỳ, National Security Agency, đang trong quá trình thiết lập một cơ sở hoàn toàn mới cho những cuộc chiến tranh trên Internet".

Chúng ta đang ở trong một tình thế mà việc xác minh sự thật của những sự giật dây là không thể thực hiện được. Một công ty Mỹ đã thực hiện những "chương trình cho phép một chủ thể có thể phát tán những thông tin sai lệch bằng cách đăng nhập cùng lúc vào 70 tài khoản khác nhau (tài khoản mạng xã hội, tài khoản diễn đàn,…). Tất cả những thứ mà người ta không thể khám phá đang giật dây cho con rối ảo này. Ai đang sử dụng những chương trình này? Không khó để có thể đoán được.

Hãy nhớ lại cuộc thử nghiệm mà CIA tiến hành vào mùa hè năm 1951, gây ra "sự cuồng nộ tập thể" tại "ngôi làng thanh bình đẹp như tranh vẽ" Pont-Saint-Esprit. Và một lần nữa, chúng ta phải đặt lại câu hỏi lúc đầu: liệu sự cuồng nộ tập thể là do hóa chất hay còn do một nguyên nhân khác là việc sử dụng công nghệ của phương tiện truyền thông đại chúng?

Trong thực tế, "những cuộc chiến tranh  trên Internet" được công nhận và cổ xúy bởi những hãng thông tấn nổi tiếng của phương Tây, ngoại trừ trong phát ngôn của phương Tây, việc thúc đẩy những cuộc chiến trên Internet là “nhằm xúc tác cho tự do, dân chủ và hòa bình”. Mục đích của những hành động này không phải là vô ích vì trong tất cả các cuộc chiến tranh, những kẻ yếu luôn tìm cách khắc phục điểm yếu của mình bằng cách học hỏi kẻ mạnh

Mộc Thạch - Văn Bôl (tổng hợp)
.
.