“Tuyệt mật Umbra” - hồ sơ theo dõi các nhà khoa học hạt nhân Ấn Độ

Thứ Tư, 23/04/2008, 10:45
Vào ngày 10/5/1998, Chính phủ Mỹ lên tiếng cảnh báo thế giới về khả năng xảy ra một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong lòng đất của Ấn Độ tại vùng Pokhran. Họ còn cảnh báo Ấn Độ sẽ phải gánh chịu những chế tài của cộng đồng quốc tế nếu cứ tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Ba ngày sau, bất chấp cảnh báo từ phía Mỹ, Ấn Độ đã tiến hành một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ hai trong vòng 24 năm (lần thứ nhất cũng diễn ra tại Pokhran vào ngày 18/5/1974). Từ thành công của vụ thử nghiệm này, Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee tuyên bố Ấn Độ là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Việc Chính phủ Mỹ nắm bắt được thông tin về thời gian diễn ra vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Ấn Độ vào ngày 13/5/1998 không phải từ hoạt động tình báo hiệu quả của một điệp viên nội ứng của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cài vào Ủy ban Năng lượng hạt nhân Ấn Độ (IAEC) hay trong Chính  phủ Ấn Độ, mà là từ hoạt động do thám hiệu quả của Cơ quan Tình báo thông tin Mỹ (NSA) nhắm vào các cuộc trao đổi thông tin của các nhà khoa học hạt nhân Ấn Độ và cả của nội bộ IAEC. Và đây cũng là nội dung một hồ sơ tình báo tuyệt mật của NSA có tên gọi “Tuyệt mật Umbra” vừa được tiết lộ trên tạp chí Tình báo - Phản gián CiCentre của Mỹ.

Được thành lập vào ngày 1/11/1952, NSA là một cơ quan tình báo chuyên thu thập thông tin được phát bằng sóng vô tuyến của các quốc gia trên thế giới. Đến năm 1970, NSA còn tổ chức thu thập thông tin nội địa thông qua việc tổ chức nghe lén các cuộc điện đàm của công dân Mỹ.

Việc phóng hàng loạt vệ tinh do thám và xây dựng các căn cứ thu nhận thông tin tại nhiều quốc gia trên thế giới đã tạo điều kiện cho NSA phát huy hết khả năng tình báo thông tin của mình.

Từ năm 1971, qua nguồn tin được cung cấp bởi một thành viên Chính phủ Ấn Độ có quan hệ mật thiết với Thomas Power, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, Chính phủ Mỹ biết rằng Ấn Độ đang bí mật tiến hành một chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhưng cho dù có cố gắng đến đâu, CIA vẫn không cài được điệp viên nội gián vào IAEC để thu thập thông tin.

Tài liệu lưu trữ trong hồ sơ “Tuyệt mật Umbra”

Vì vậy, NSA được lệnh huy động tất cả các phương tiện để cố gắng thu thập thông tin về chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Ấn Độ thông qua việc tổ chức nghe lén các cuộc đàm thoại của các nhà khoa học hạt nhân Ấn Độ, “đọc” các bản fax, giải mã các điện văn được cài mã có nội dung trao đổi giữa các nhà khoa học Ấn Độ với nhau, giữa họ và các đồng nghiệp nước ngoài, giữa họ với cấp trên. Từ đó ra đời hồ sơ theo dõi các nhà khoa học hạt nhân Ấn Độ có tên gọi “Tuyệt mật Umbra” vào ngày 30/8/1972.

Theo tiết lộ của hồ sơ “Tuyệt mật Umbra”, từ tháng 5/1972, NSA đã tổ chức xây dựng tại Sri Lanka một trạm thu phát thông tin với tên gọi Chi nhánh Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) để tổ chức nghe lén các cuộc điện đàm trao đổi thông tin của các nhà khoa học hạt nhân Ấn Độ.

Chỉ từ tháng 5/1972 đến tháng 3/1973, các vệ tinh và các “tai nghe” của NSA đặt tại Sri Lanka đã thu thập gần 1.000 cuộc điện đàm của các nhà khoa học hạt nhân Ấn Độ, các cuộc trao đổi của một số cơ quan nước ngoài có liên quan đến chương trình hạt nhân của Ấn Độ.

Đặc biệt trong đó có gần 100 cuộc trao đổi thông tin giữa trụ sở Ngân hàng Quốc gia Pháp (BNP) tại thủ đô Paris và chi nhánh của BNP tại thủ đô Dehli về việc giải ngân nhiều khoản tiền phục vụ cho một dự án hợp tác nghiên cứu hạt nhân giữa Pháp và Ấn Độ được ký kết vào ngày 20/3/1972.

NSA còn thu thập thông tin trao đổi giữa IAEC và một công ty của Pháp về việc vận chuyển các chuyến hàng đặc biệt từ Thụy Điển đến Ấn Độ. Các “tai nghe” của NSA còn thu thập các cuộc trao đổi thông tin của các nhà khoa học hạt nhân Ấn Độ và các đồng nghiệp người Pháp về kỹ thuật sản xuất nước nặng, nguyên liệu chính phục vụ cho việc làm giàu uranium.

Một báo cáo tổng hợp của NSA về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Ấn Độ đã được đặt lên bàn của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, nhưng không cho biết chính xác thời điểm diễn ra một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Các đánh giá của NSA được lưu giữ trong hồ sơ “Tuyệt mật Umbra” có đưa ra nhận định về khả năng diễn ra một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Ấn Độ sẽ diễn ra vào cuối năm 1974 và chậm nhất là vào tháng 5/1975.

Thế nhưng, việc Ấn Độ tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần đầu tiên vào ngày 18/5/1974 đã khiến Chính phủ Mỹ hoàn toàn bất ngờ. Cả CIA và NSA đều bị Quốc hội Mỹ chỉ trích vì đã không nắm được thông tin chính xác về thời gian thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Ấn Độ để Chính phủ Mỹ có biện pháp gây sức ép.

Sau một thời gian bị gián đoạn, từ năm 1979, NSA tiếp tục triển khai việc thu thập thông tin về chương trình hạt nhân của Ấn Độ bằng việc đưa vào sử dụng các vệ tinh do thám thế hệ MORAY và SPOKE.

Các cảm ứng siêu nhạy được lắp đặt trên các vệ tinh sẽ ghi nhận hàng chục ngàn cuộc điện đàm, hàng ngàn bản fax, hàng ngàn điện văn được mã hóa rồi chuyển gấp về các căn cứ của NSA tại Sri Lanka, Nhật và Philippines để giải mã và phân loại. Tất cả các thông tin sau khi được giải mã sẽ được sàng lọc rồi đưa vào lưu giữ trong hồ sơ “Tuyệt mật Umbra”.

Theo tiết lộ của hồ sơ “Tuyệt mật Umbra”, nhờ cách vận hành này mà trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, NSA đã ghi nhận được hàng triệu cuộc điện đàm, trao đổi thông tin của các nhà khoa học hạt nhân Ấn Độ. Việc sàng lọc và giải mã các cuộc điện đàm này đã giúp cho NSA biết chính xác thời gian diễn ra vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ hai của Ấn Độ vào ngày 13/5/1998.

Từ thông tin chính xác được cung cấp bởi NSA, Chính phủ Mỹ đã cảnh báo Ấn Độ nhưng đã quá trễ để có thể ngăn chặn việc Ấn Độ quyết tâm tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ hai của họ

Hà Văn (theo CiCentre)
.
.