UDU: Đơn vị đặc nhiệm tình báo bí mật của Hải quân Hàn Quốc

Thứ Sáu, 28/04/2006, 08:00

Trong thời kỳ căng thẳng nhất của cuộc đối đầu giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, Hải quân Hàn Quốc đã tổ chức một đơn vị đặc nhiệm tình báo đặc biệt có tên gọi Đơn vị phá hoại dưới nước (Underwater Demolition Unit - UDU).

Đơn vị này chưa từng bao giờ được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin hay nhắc đến do yêu cầu phải giữ bí mật tuyệt đối. Thế nhưng trong không khí hòa hợp và tái thống nhất giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên như hiện nay, nhiều hoạt động tình báo, nhất là hoạt động của Cục Tình báo trung ương Hàn Quốc (KCIA) và Cục Tình báo quân đội Hàn Quốc (AIU) đã được báo chí mổ xẻ. Tuy nhiên, các hoạt động của KCIA và của AIU mới chỉ là một phần trong toàn bộ bức tranh tình báo trên bán đảo Triều Tiên mà thôi. Bên cạnh đó còn có những chiến dịch tình báo khác do các đơn vị tình báo bí mật tiến hành như đơn vị UDU cho đến nay mới được tiết lộ.

Đơn vị UDU được chính thức thành lập vào năm 1954 nhưng tổ chức mẹ của UDU là AIU lại được thành lập từ tháng 9-1949 dưới sự đỡ đầu của Cục Phản gián quốc phòng (CIC) của quân đội Mỹ. Trong nỗ lực hoạt động của mình, CIC đã giúp cho AIU thành lập một đơn vị đặc nhiệm tình báo chuyên hoạt động dưới nước để thâm nhập vào lãnh thổ đối phương. Đó là đơn vị UDU, đặt dưới sự quản lý về mặt hình thức của Hải quân Hàn Quốc.

Khi mới được thành lập, việc tuyển mộ điệp viên cho đơn vị UDU được tiến hành bán công khai nhưng hết sức kỹ càng và đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các cố vấn tình báo Mỹ. Ban đầu, nguồn tuyển mộ cho UDU là binh lính thiện chiến của Hải quân Hàn Quốc nhưng về sau lại được mở rộng cho cả các đối tượng dân sự đã được chọn lọc.

Sau thời gian sát hạch, mỗi đợt tuyển mộ UDU chỉ tiếp nhận từ 30 đến 40 thành viên mới và sau đó được đưa tới Mỹ để tham gia một khóa huấn luyện đặc biệt trong vòng 6 tháng. Tất cả được tập trung tại căn cứ quân sự Pusan ở phía nam Hàn Quốc trước khi được đưa lên một máy bay quân sự của Không quân Mỹ. Chuyến bay sẽ đưa họ đến một căn cứ huấn luyện của Lực lượng Đặc nhiệm dưới nước (SEAL) của Hải quân Mỹ trên đất Mỹ sau khi tạm nghỉ ở căn cứ quân sự Okinawa trên lãnh thổ Nhật một thời gian ngắn.

Trong suốt chuyến hành trình dài từ Hàn Quốc sang Mỹ, những điệp viên tương lai của UDU bị bịt mắt nên tất cả đều không xác định được là mình đang ở đâu trên đất Mỹ. Do yêu cầu cao của nhiệm vụ và sự khắc nghiệt của các đợt huấn luyện nên cuối khóa chỉ còn chừng 10 người chính thức trở thành những điệp viên đặc biệt tinh nhuệ của UDU.

Họ thuần thục các kỹ thuật thâm nhập vào lãnh thổ đối phương từ dưới nước ở bất kỳ thời tiết nào, nắm vững kỹ thuật tiêu diệt đối phương bằng các ngón võ cận chiến đặc biệt và thông thạo các phương tiện hỗ trợ hoạt động cả trên bộ lẫn dưới nước. Sau khi được đưa về Hàn Quốc, họ được tung ra hoạt động thành từng nhóm trên chiến trường Bắc Triều Tiên. Đặt chân lên lãnh thổ đối phương, điệp viên UDU cải trang thành dân thường để tiến hành các hoạt động tình báo, phá hoại.

Nhiệm vụ ban đầu của UDU là tổ chức bắt cóc và ám sát các nhân vật có ảnh hưởng, phá hủy những công trình quan trọng của đối phương, bắt liên lạc, tiếp tế và tổ chức thu hồi các điệp viên được tung vào Bắc Triều Tiên trước đó, phá hoại các công trình giao thông, trạm điện, công trình thủy lợi, thu bắt tín hiệu điện đài của đối phương... Từ năm 1964, UDU còn phối hợp với tình báo Đài Loan đưa các điệp viên người Đài Loan thâm nhập lãnh thổ Trung Quốc để hoạt động qua ngả Bắc Triều Tiên. Từ năm 1964 đến năm 1971 đã có ít nhất 20 điệp vụ phối hợp giữa UDU và tình báo Đài Loan trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Chỉ từ khi được thành lập vào năm 1954 cho đến khi được tuyên bố giải tán (trên danh nghĩa) vào năm 1971, UDU đã tiến hành  200 điệp vụ trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Các điệp vụ này không phải hoàn toàn không có hiệu quả cho dù đã có hàng chục điệp viên UDU bị phát hiện và bị bắt giữ hay bị tiêu diệt trong các trận đọ súng.

Đơn vị UDU tồn tại và hoạt động cho đến năm 1971 thì tuyên bố giải tán khi Hiệp định Nam - Bắc Triều Tiên được ký kết về việc cắt giảm các hành động thù địch giữa hai miền. Tuy nhiên, trên thực tế đơn vị UDU vẫn tồn tại kể từ sau năm 1971 nhưng hoạt động hoàn toàn bí mật nên không ai biết đến sự tồn tại của đơn vị tình báo tuyệt mật này.

Cho đến nay, Chính phủ cũng như Hải quân Hàn Quốc, lực lượng trực tiếp quản lý UDU, vẫn không công nhận và trọng vọng sự phục vụ tận tụy của các điệp viên UDU. Rất nhiều điệp viên UDU hiện vẫn bị kẹt lại ở Bắc Triều Tiên và sống vất vưởng ở đó. Nhưng Chính phủ và Hải quân Hàn Quốc chẳng mấy quan tâm, mặc dầu chỉ cần một động thái nhỏ của chính quyền Seoul là họ cũng có thể được trở về quê hương một cách dễ dàng, nhất là  trong không khí hòa hợp, hòa giải giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên như hiện nay

Văn Hòa (theo Kimsoft Archives)
.
.