Vai trò bí ẩn của CIA trong vụ bắt cóc Nelson Mandela

Thứ Năm, 02/06/2016, 16:35
Nelson Mandela là tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi, một thủ lĩnh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid, và là chủ nhân giải Nobel Hòa bình. Ông đã sống 27 năm trong tù sau khi bị bắt vào đầu những năm 1960. Suốt hàng chục năm qua, người ta đồn đoán Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã đóng một vai trò quan trọng trong vụ bắt giữ ông Mandela. Giờ đây, những đồn đoán đó đã có người xác nhận.

Tờ Sunday Times của Anh dẫn lời cựu đặc vụ CIA Donald Rickard nói rằng chính ông là người đã báo tin cho chính quyền apartheid ở Nam Phi về nơi ông Mandela có mặt để họ bắt ông này năm 1962. Ông Rickard đưa ra tuyên bố trên trong một lần trả lời phỏng vấn John Irvin, đạo diễn một bộ phim tài liệu mới về thời gian ông Mandela còn là một thành phần chống đối chính quyền apartheid. Mặc dù về mặt chính thức, ông Rickard không thuộc CIA nhưng ông này là một đặc vụ làm việc cho CIA khi sống ở Nam Phi với tư cách là một nhà ngoại giao.

Ông Mandela năm 1994.

Ông Rickard nghỉ hưu ở CIA năm 1978 và sống phần đời còn lại ở một khu vực hẻo lánh tại bang Colorado. Cách đây ba năm, một nhà nghiên cứu bộ phim "Mandela's Gun" (Khẩu súng của Mandela) của ông Irvin đã tìm ra ông Rickard. Khi ông Irvin tới thăm ông Rickard hồi tháng 3-2016, cựu điệp viên này đã chia sẻ cởi mở về vai trò của mình trong vụ bắt ông Mandela.

Ông Rickard kể: "Tôi phát hiện ra thời điểm ông Mandela sẽ tới và tới bằng cách nào… Đó là lúc tôi tham gia vào và đó là nơi ông Mandela bị bắt". Ông Rickard đánh giá ông Mandela là "người cộng sản nguy hiểm nhất thế giới ngoài Liên Xô" tại thời điểm bị bắt, rằng ông Mandela "hoàn toàn do Liên Xô kiểm soát" và chuẩn bị "kích động cộng đồng Ấn Độ ở Natal tham gia phong trào phản kháng rầm rộ chống chế độ apartheid, dọn đường cho người Nga can thiệp”.

Do đó, ông Rickard cũng đề xuất chính quyền Mỹ coi ông Mandela là một mục tiêu để đề phòng Liên Xô và Mỹ sẽ dấn vào một xung đột lớn hơn nếu Nam Phi rơi vào nội chiến. Ông Rickard tỏ ra không hối tiếc: "Chúng tôi đang mấp mé tới khả năng đó và điều này phải được ngăn chặn, có nghĩa là ông Mandela phải bị ngăn chặn. Và tôi đã đặt dấu chấm hết cho chuyện đó". CIA chưa bình luận gì về những lời ông Rickard đưa ra và ông Rickard đã chết sau khi trả lời phỏng vấn đạo diễn Irvin hai tuần.

Ông Rickard - người báo tin cho chính quyền Apartheid Nam Phi bắt ông Mandela.

Thực ra, từ lâu dư luận đã đồn đoán về sự dính líu của CIA trong vụ bắt giữ ông Mandela. Năm 1990, theo tờ Atlanta Journal-Constitution, một người được cho là nhân viên tình báo Mỹ nói rằng một nguồn tin ăn tiền của CIA nằm trong số những người thân cận với ông Mandela đã cung cấp cho CIA thông tin về vị trí của ông Mandela. Động thái này gây lo ngại trong giới ngoại giao Mỹ. Theo quy định, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu phải xin phép nếu muốn nhằm vào những người bất đồng chính kiến Nam Phi.

Về sau, báo chí Nam Phi không thống nhất ở điểm liệu thông tin dẫn tới vụ bắt ông Mandela là do một đặc vụ CIA hay là một nhà ngoại giao Mỹ cấp thấp cung cấp. Lúc đó, ông Rickard đã bị báo chí coi là nhà ngoại giao đó nhưng ông này bác bỏ khi trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal năm 2012.

Sau khi ra tù năm 1990, ông Mandela đã trở thành biểu tượng thế giới không chỉ vì cam kết với phong trào chống chủ nghĩa apartheid mà còn nhờ quan điểm hòa giải dân tộc sau thời apartheid. Thời điểm bị bắt, ông lãnh đạo một cánh vũ trang của đảng ANC tên là Umkhonto-we-Sizwe và đã hỗ trợ thúc đẩy phong trào đấu tranh vũ trang. Đối với ông Mandela, vũ trang bạo lực là biện pháp có thể chấp nhận khi mà mọi lựa chọn khác đều đã thất bại.

Cánh vũ trang này tháng 12-1961 quyết định chấm dứt chính sách phi bạo lực của ANC và bắt đầu đấu tranh vũ trang. Sau đó, ông Mandela bị đưa ra khỏi Nam Phi tháng 1-1961 nhưng bí mật quay trở lại tháng 6 năm đó. Lúc bấy giờ, ông Mandela là người bị truy nã gắt gao nhất Nam Phi.

Đến tháng 8-1961, ông Mandela tới Durban cùng một người bạn cũ. Vào đêm thứ 7 ngày 4-8, ông tham dự một bữa tiệc tối ở Durban với hơn chục cộng sự lâu năm thuộc chi nhánh Durban của đảng ANC. Ngày hôm sau, ông rời Durban trong bộ đồng phục của một lái xe, ngồi ghế sau ôtô do một cộng sự da trắng lái. Đột nhiên, xe bị chặn lại ở một chốt kiểm soát của cảnh sát gần Howick Falls ở tỉnh Natal, cách Durban 128km. Rõ ràng ông Rickard đã có tay trong ở ANC và đã cung cấp cho cảnh sát chi tiết về hành trình từ Durban về Johannesburg của ông Mandela.

Đảng ANC đã được không chỉ Liên Xô mà còn các đối thủ của thế giới phương Tây hỗ trợ như Cuba và Libya. Trong thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã coi chính phủ apartheid Nam Phi là đồng minh chống chủ nghĩa cộng sản. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khi đó  từng gọi đây là điều cần thiết để giải phóng thế giới. Mãi sau này, Chính phủ Mỹ vẫn liệt ông Mandela vào danh sách theo dõi khủng bố tới tận năm 2008. Ông Mandela trở thành Tổng thống Nam Phi năm 1994, rời bỏ chính trường năm 1999 khi 80 tuổi và qua đời năm 2013.

Về phía Nam Phi, đảng cầm quyền đã phản ứng giận dữ với tuyên bố của ông Rickard. Phát ngôn viên của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) Zizi Kodwa nói: "Tiết lộ này xác nhận điều mà chúng tôi luôn luôn biết rõ, rằng họ đang chống lại chúng tôi, thậm chí cả bây giờ". Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là bản thân ông Mandela lại không mảy may nghi ngờ rằng CIA có dính líu đến vụ bắt giữ mình.

Trong cuốn tự truyện "Long Walk to Freedom", ông Mandela đã nói rằng ông không có bằng chứng nào để chứng minh tin đồn nhân viên lãnh sự quán Mỹ có liên hệ với CIA báo tin cho chính quyền Nam Phi bắt ông.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.