Vai trò của CIA và MI-6 trong vụ lật đổ Thủ tướng Iran (năm 1953)
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama - đã từng công khai về sự dính líu của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cục Phản gián Anh (MI-6) trong ngày 19/8/1953 dẫn đến việc lật đổ thủ tướng dân bầu của Iran Mohammad Mossadegh, mặc dù CIA vẫn một mực phủ nhận.
Sau 60 năm, đúng ngày kỷ niệm cuộc đảo chính thành công, CIA cuối cùng mới chính thức thừa nhận vai trò của họ trong một tài liệu tuyệt mật được công bố trên trang web của Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia (NSA), một viện nghiên cứu độc lập trực thuộc Đại học George Washington ở Washington DC.
Các tài liệu - có được nhờ Luật Tự do thông tin của Mỹ - được trích từ "Trận chiến ở Iran", báo cáo nội bộ do một nhà sử học của CIA soạn vào giữa thập niên 70. Trong đó viết: "Cuộc đảo chính quân sự lật đổ Mossadegh và nội các đảng Mặt trận Dân tộc của ông được tiến hành dưới sự chỉ đạo của CIA. Đây là một hành động liên quan đến chính sách đối ngoại của nước Mỹ, được hình thành và phê chuẩn từ các cấp cao nhất trong chính quyền".
Sự thừa nhận của CIA xảy ra đúng thời điểm tân tổng thống Hassan Rousani, người theo đường lối ôn hòa vừa nhậm chức hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi về chính sách đối ngoại có tính đối đầu phương Tây của người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadenijad. Mới đây, Rouhani chính thức bổ nhiệm cựu phái viên Liên Hiệp Quốc của Iran - Mohammad Javad Zarif - giữ chức Ngoại trưởng nước này. Zarif từng được coi là nhân vật chính trong những cuộc đàm phán với chính quyền Mỹ trong nỗ lực phá vỡ bế tắc ngoại giao giữa hai quốc gia xuất phát từ các sự kiện nóng bỏng năm 1953.
Cuộc đảo chính quân sự lật đổ Thủ tướng Mossadegh đã dẫn đến 26 năm cầm quyền của Quốc vương Mohammad Rerza Pahlavi - nhân vật được Mỹ ủng hộ mạnh mẽ nhưng cuối cùng cũng bị hất cẳng trong cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran. Làn sóng chống Mỹ dâng cao sau cuộc đảo chính cũng dẫn đến việc sinh viên Iran chiếm đóng Đại sứ quán Mỹ ở Tehran trong cuộc cách mạng 1979.
Vụ lật đổ Thủ tướng Mossadegh cũng được Ahmadinejad nêu ra trong sự tranh cãi gay gắt về chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời của cựu Tổng thống yêu cầu một lời xin lỗi từ phía Mỹ đối với sự kiện năm 1953, Mohammad Mossadegh trở thành Thủ tướng Iran năm 1951, tức vài năm sau khi nước này giành được độc lập từ tay người Anh. Một trong những chính sách đầu tiên của Mossadegh là quốc hữu hóa ngành sản xuất dầu mỏ của Iran vốn trước đó nằm dưới sự kiểm soát của Công ty Anh Anglo-Iranian Oil Company - AIOC (về sau đổi tên là Công ty BP). Do thất vọng vì bị mất khối tài sản quý giá nhất của mình ở hải ngoại cho nên chính quyền Anh ngay lập tức kêu gọi cả thế giới tẩy chay dầu mỏ Iran.
Sự căng thẳng giữa Iran và Anh lên đến đỉnh điểm vào tháng 1/1952 khi Mossadegh ra lệnh đóng cửa mọi cơ quan ngoại giao của Anh ở Iran, không bao lâu sau đó tiếp tục đóng cửa mọi trung tâm văn hóa và thông tin nước ngoài. Trong khi đó, chính quyền Mỹ tin rằng, hành động quốc hữu hóa ngành dầu mỏ Iran của Mossadegh sẽ tạo điều kiện cho Liên Xô tấn công phương Tây giữa thời điểm Chiến tranh lạnh đang leo thang, khi mà Mỹ và Anh coi nguồn dầu mỏ Iran là yếu tố chủ chốt của chương trình tái thiết kinh tế phương Tây sau Thế chiến II.
Quốc vương Pahlavi (phải) và tân Thủ tướng Zahedi. |
Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đồng phê chuẩn chiến dịch đảo chính lật đổ Thủ tướng Mossadegh được CIA đặt tên mã là "TPAJAX", còn MI-6 gọi là "Chiến dịch Giày ống". Chiến dịch "TPAJAX" chủ yếu dựa vào sức mạnh của người Iran, bao gồm vài giai đoạn: bắt đầu bằng chiến dịch tuyên truyền rộng rãi chống Mossadegh trên các mặt báo ở Mỹ cũng như ở Iran, dùng tiền mua chuộc các thành viên Quốc hội Iran, tranh thủ sự tham gia của Quốc vương Pahlavi, tổ chức các lực lượng an ninh và cuối cùng kích động dân chúng biểu tình gây bất ổn chính trị.
Âm mưu bắt giữ Mossadegh vào chiều tối ngày 15/8/1953 bị thất bại cho nên vào ngày 19/8 CIA bỏ tiền ra thuê một đám đông hỗn tạp gây náo động ở Tehran rồi sau đó tuần hành đến dinh Thủ tướng.
Theo Donald N. Wilber, một trong những thành viên lập kế hoạch cho cuộc đảo chính, quân đội Iran nhanh chóng tham gia phong trào thân Quốc vương Pahlavi và buổi trưa hôm đó thủ đô Tehran cũng như một số tỉnh, thành nước này rơi vào sự kiểm soát của quân đội cũng như các nhóm thân với Quốc vương Pahlavi trên đường phố.
Vào cuối ngày 19/8, các thành viên của chính quyền Mossadegh hoặc là lẩn trốn hoặc là bị giam giữ. Cũng theo Wilber, trong những ngày sôi động này CIA đã hỗ trợ cho chế độ mới số tiền 5 triệu USD để giúp nhanh chóng ổn định tình hình ở Iran. Nhiều người ủng hộ Thủ tướng Mossadegh sau đó bị cầm tù và có đến 800 người trong số đó bị giết chết. Riêng Mossadegh bị buộc tội phản bội và lĩnh án 3 năm tù. Mossadegh sống quãng đời còn lại của mình trong cảnh bị quản thúc tại gia và qua đời vào năm 1967