Vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính tại Ghana năm 1966

Thứ Tư, 29/07/2009, 08:05
Ghana, quốc gia châu Phi đầu tiên mà Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama vừa có chuyến công du vào ngày 10/7 vừa qua từng là nạn nhân của chính sách bành trướng thế lực của Mỹ tại châu Phi vào thời kỳ Chiến tranh lạnh khi gây ra cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ chính phủ thân Liên Xô của Tổng thống Kwame Nkrumah vào tháng 2/1966.

Theo 450 trang tài liệu được Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ cho công bố vào tháng 7/2000, Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson đã lên kế hoạch tiến hành một cuộc đảo chính quân sự tại Ghana không phải là vào năm 1966 mà là từ năm 1964. Vậy thì tại sao Mỹ lại vội vã như vậy?

Ghana là một quốc gia Tây Phi giàu tài nguyên bị Hà Lan và Anh thay nhau đô hộ từ thế kỷ XIX. Năm 1947, nhà cách mạng Kwame Nkrumah sống lưu vong ở nước ngoài quay về lại Ghana để tiến hành đấu tranh giành độc lập. Sau nhiều lần bị đàn áp, thậm chí Nkrumah còn bị bắt giam, bị trục xuất qua nước Burkina Faso láng giềng, cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ghana cũng đi đến thắng lợi khi Anh quyết định trao trả độc lập cho Ghana vào ngày 6/3/1957. Với sự kiện này, Ghana trở thành quốc gia độc lập đầu tiên của châu Phi. Vào tháng 3/1960, Ghana tổ chức cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên và Nkrumah đã giành thắng lợi với đa số phiếu bầu áp đảo so với đối thủ John Danquah.

Dưới sự điều hành của Nkrumah, Ghana có nhiều thay đổi đáng kể nhất là về chính trị và kinh tế khi xây dựng đất nước theo mô hình một nhà nước xã hội chủ nghĩa không liên kết. Tổng thống Nkrumah kêu gọi sự giúp đỡ của Liên Xô và các quốc gia XHCN để xây dựng đất nước thành một quốc gia có nền kinh tế độc lập, quốc phòng hùng mạnh. Đáp lại mong muốn của Tổng thống Nkrumah, Liên Xô và Trung Quốc đã tăng cường viện trợ về quân sự và kinh tế cho Ghana, cử nhiều đoàn chuyên gia đến quốc gia Tây Phi này để thực hiện tiến trình cải cách kinh tế và tăng cường tiềm lực quốc phòng. Việc làm này đã khiến Mỹ phải quan tâm và tìm cách đưa Ghana ra khỏi ảnh hưởng của Liên Xô và các quốc gia XHCN.

Trong khi đó tại châu Phi, vai trò và vị thế của Ghana ngày càng trở nên quan trọng trong việc hình thành một liên minh các quốc gia châu Phi thoát ly khỏi các quan hệ với phương Tây mà Tổng thống Nkrumah là một trong những nhân vật khai sáng và tích cực vận động. Tuy nhiên, những hành động tích cực của Tổng thống Nkrumah đã gây khó chịu cho nhiều quốc gia phương Tây, nhất là Mỹ. Vì vậy, Mỹ đã tìm cách lật đổ chính phủ của Tổng thống Nkrumah bằng một cuộc đảo chính quân sự.

Vào tháng 4/1994, trong một cuộc họp đặc biệt tại Nhà Trắng có sự hiện diện của Tổng thống Johnson, Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk và Giám đốc CIA John Mc Cone đã đi đến quyết định quan trọng là bằng mọi cách phải tổ chức đảo chính quân sự tại Ghana để lật đổ Tổng thống Nkrumah. Nhiệm vụ này được giao cho chỉ huy chi nhánh Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Ghana là Howard Banes và Đại sứ Mỹ tại Ghana là John Garway.

Theo kế hoạch, Garway và Banes sẽ bí mật tiếp xúc với tướng Joseph Arthur Ankrah, chỉ huy quân đội Ghana, để tiến hành đảo chính ngay trong năm 1964, có thể là vào tháng 8 hay tháng 9 khi Tổng thống Nkrumah thực hiện một số chuyến công du đến châu Á. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị đình hoãn do Tổng thống Nkrumah bất ngờ hủy bỏ các chuyến công du nước ngoài để ở lại Ghana tập trung chỉ đạo việc thu hoạch cacao và phê duyệt dự án xây đập thủy điện Akosombo lớn nhất châu Phi do Liên Xô viện trợ. Việc Tổng thống Nkrumah bất ngờ hoãn công du nước ngoài đã khiến âm mưu đảo chính của Mỹ phải kéo dài thêm hai năm nữa.

Thời cơ đến với Mỹ là vào tháng 2/1966 khi Tổng thống Nkrumah thực hiện chuyến công du đến một số quốc gia châu Á từng bị đình hoãn 2 năm trước đây. Vào ngày 24/2/1966, khi Tổng thống Nkrumah đang công cán tại Việt Nam thì tại thủ đô Accra, tướng Joseph Arthur Ankrah được sự hậu thuẫn của Mỹ đã tiến hành đảo chính quân sự.

Trở thành người đứng đầu Nhà nước Ghana, tướng Ankrah tiến hành đàn áp các cuộc chống đối, ra lệnh cấm hoạt động của đảng Hội nghị nhân dân (CPG) của Tổng thống Nkrumah, bắt giữ nhiều thành viên cao cấp của CPG và đình chỉ mọi quan hệ với các quốc gia XHCN. Tướng Ankrah kêu gọi các quốc gia phương Tây, nhất là Mỹ tăng cường viện trợ kinh tế và quân sự cho Ghana. Tuy bị chỉ trích là đã đứng sau vụ đảo chính tại Ghana nhưng Mỹ đã bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc khi cho rằng đó là kết quả của cuộc chiến tranh giành quyền lực của nội bộ người Ghana.

Về số phận của Tổng thống Nkrumah, tuy bị cấm quay về lại Ghana, nhưng nhiều quốc gia châu Phi lại đón tiếp ông một cách trọng thị. Tổng thống Nkrumah sống lưu vong tại thủ đô Conakry của Guinée và được Tổng thống Ahmed Sékou Touré phong tặng chức vụ đồng Tổng thống danh dự của quốc gia này. Tuy sống lưu vong nhưng Tổng thống Nkrumah vẫn tiếp tục vận động cho việc thành lập một liên minh các quốc gia châu Phi mà ông chính là một trong những tác giả. Tổng thống Nkrumah cũng trở thành mục tiêu phải trừ khử của một số cơ quan tình báo phương Tây như CIA, Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh (MI-6)...

Đã không ít lần, Tổng thống Nkrumah thoát khỏi các vụ mưu sát nhắm vào mình. Vào những năm cuối đời, Tổng thống Nkrumah đến sống tại thủ đô Bucarest của Rumani vừa để được bảo vệ sinh mạng vì để chữa trị chứng ung thư da. Ông qua đời tại đây vào ngày 27/4/1972 ở tuổi 62.

Vào năm 2000, nhà cách mạng người Ghana Kawame Nkrumah đã được Hãng Phát thanh và Truyền hình Anh BBC bình chọn là 1 trong 10 nhân vật tiêu biểu của châu Phi trong thế kỷ XX

Hoàng Phú (theo La Revue)
.
.