Vai trò của Mỹ trong vụ bê bối tình báo Colombia

Thứ Tư, 07/09/2011, 15:45

Cuộc điều tra xung quanh vụ việc bê bối trong ngành tình báo Colombia dưới thời Tổng thống Alvaro Uribe vừa tiết lộ rằng một phần trong khoản tiền viện trợ cả gói mà Mỹ cung cấp cho Colombia hàng năm phục vụ cho cuộc chiến chống ma túy và phát triển kinh tế đã được chi cho các hoạt động bất hợp pháp của tình báo Colombia.

Cuộc điều tra đang được tiến hành nhắm vào Cục An ninh Nội chính - Cơ quan Tình báo An ninh Colombia (viết tắt là DAS). Cho đến nay, đã có 6 cựu quan chức cấp cao của DAS bị bắt và bị đưa ra tòa xét xử. Một số cựu trợ lý thân cận nhất của cựu Tổng thống Alvaro Uribe đang bị soi xét, còn bản thân ông Uribe cũng đang bị điều tra về vai trò, trách nhiệm liên quan.

Những diễn biến mới này đang khiến cho chính quyền Mỹ bối rối vì nó cho thấy một sự thật trái ngược với những mỹ từ mà Washington dùng để tô vẽ cho chính sách "tài trợ dân chủ" và "Colombia - nền dân chủ điển hình được Mỹ tài trợ".

Trong hơn một thập niên qua, Colombia là quốc gia nhận viện trợ cả quân sự và kinh tế của Mỹ nhiều nhất, lên đến 6 tỉ USD trong giai đoạn ông Uribe làm Tổng thống từ năm 2002 đến 2010. Mức viện trợ hàng năm bắt đầu giảm dần kể từ khi ông Barack Obama lên thay ông W.Bush, và hiện còn khoảng 500 triệu USD trong năm nay.

Cựu Tổng thống Alvaro Uribe tại một phiên điều trần về vai trò của ông trong vụ bê bối nghe lén của tình báo Colombia.

Tuy nhiên, thông tin từ các nhà điều tra tiết lộ trên tờ báo Washington Post hôm thứ Bảy 20/8 cho biết, DAS đã sử dụng phần lớn số tiền viện trợ đó để chi cho các hoạt động do thám và các chiến dịch bôi xấu các đối thủ chính trị của ông Uribe, các hội, nhóm xã hội và các thẩm phán Tòa án Tối cao. Thông tin vừa tiết lộ còn cho biết, DAS đã tập trung do thám và chống phá các đối thủ chính trị của ông Uribe nhiều hơn mục tiêu chống khủng bố và chống buôn lậu ma túy.

Những tiết lộ này đã được thừa nhận bởi Gustavo Sierra, cựu Trưởng ban phân tích của DAS đã bị xét xử và hiện đang ngồi tù. Sierra nói thêm, "chống ma túy là chuyện hiếm có".

"Chúng tôi được tổ chức thông qua đại sứ quán Mỹ" - lời thú nhận của William Romero, từng phụ trách mạng lưới chỉ điểm và giám sát hoạt động gián điệp bên trong Tòa án Tối cao. Khác với các quan chức cấp cao khác của DAS hiện đang ngồi tù, Romero đã chấp nhận thỏa thuận hợp tác với cơ quan điều tra để đổi lấy một bản án nhẹ nhàng hơn.

Và cũng như các quan chức DAS đó, Romero được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) huấn luyện bài bản. Một vài người trong số họ thậm chí còn được nhận học bổng để hoàn thành khóa đào tạo về kỹ thuật thu thập tin tình báo tại các trường đại học Mỹ. Romero cho biết, không chỉ đào tạo nhân sự, CIA còn hỗ trợ DAS về thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị nghe lén, camera quan sát và các hệ thống nghe trộm sóng điện thoại di động, kể cả chi trả tiền thuê cơ sở vật chất, nhiên liệu,…

Điển hình trong các đơn vị của DAS nhận tài trợ của CIA là Cơ quan Quan sát Quốc gia và Quốc tế (GONI). Ra đời nhằm mục đích duy nhất là triệt tiêu mối liên hệ giữa các tay súng nước ngoài với các lực lượng du kích Colombia, thế nhưng không lâu sau khi đi vào hoạt động, GONI đã chuyển hướng sang theo dõi mọi động tĩnh của Tòa án tối cao khi các thẩm phán tiến hành điều tra một người anh em họ của Tổng thống Uribe là cựu Thượng nghị sĩ Mario Uribe. GONI nhận lệnh trực tiếp từ Tổng thống Uribe.

Một đơn vị khác cũng nhận tài trợ của CIA là Cơ quan Phân tích thông tin về Tổ chức khủng bố (GATOM). Đơn vị này ra đời vào đầu năm 2005 và chỉ tồn tại trong vòng 8 tháng. Các nhân viên của GATOM lĩnh nhiệm vụ thu thập hồ sơ về các thủ lĩnh công đoàn, lao động, đột nhập vào văn phòng làm việc của họ quay phim theo dõi các nhà hoạt động công đoàn. GATOM được Mỹ trang bị máy móc thiết bị hiện đại và tài trợ hàng chục nghìn USD.

Theo trang WikiLeaks, khi thông tin về sự hợp tác với DAS bị báo chí phanh phui lần đầu tiên vào năm 2009. Ngay lập tức, Đại sứ Mỹ tại Bogota William Brownfield đã triệu tập một cuộc họp kín tại Đại sứ quán và mời tất cả các nhân viên, điệp viên ngầm của các cơ quan Mỹ hoạt động tại Colombia và hỏi ai trong số họ đã và đang hợp tác với DAS.

Lập tức, nhiều cái tay đồng loạt giơ lên, không chỉ có người của CIA mà còn hàng loạt cơ quan khác của Mỹ như FBI, DEA. Tuy nhiên, các cơ quan này cho rằng mình không hề có liên quan hoặc hay biết về các hoạt động do thám, tình báo phi pháp của DAS và đồng ý hạn chế các hợp tác với cơ quan tình báo này.

Trong các cuộc tiếp xúc sau đó với Tổng thống Uribe, Đại sứ Brownfield đã yêu cầu Tổng thống Uribe đích thân ra mặt chặn đứng việc tiết lộ thông tin về các quan hệ hợp tác giữa người Mỹ với DAS, nếu không sẽ "hỏng chuyện lớn". "Nếu một vụ bê bối nữa của DAS bùng phát, chúng tôi sẽ triển khai Kế hoạch B là dừng ngay lập tức mọi sự hợp tác với DAS".

Sau thông báo của Đại sứ Brownfield, DAS vẫn tiếp tục hoạt động với ngân sách hàng năm 220 triệu USD, nhưng các khoản tài trợ của Mỹ không còn nữa, đồng thời Ủy ban đặc biệt trong Quốc hội đang tiếp tục cuộc điều tra về Giám đốc Munoz và 4 cựu giám đốc của DAS.

Liên quan trong vụ bê bối là cựu Chánh văn phòng Tổng thống của ông Uribe. Ngoài ra, Jorge Noguera, Giám đốc đầu tiên của DAS và được đánh giá là thân Mỹ nhất trong các giám đốc DAS, hiện đang bị xét xử vì liên quan trong vụ ám sát các nhà hoạt động công đoàn. Năm 2010, một cựu giám đốc khác của DAS cũng đã bị tòa buộc tội đồng lõa trong vụ ám sát ứng cử viên Tổng thống Luis Carlos Galan vào năm 1989

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.