Vai trò của tình báo Anh trong vụ bạo loạn tại Hungary năm 1956

Thứ Năm, 01/10/2009, 22:40
Ngày 23/10/1956, tại Hungary đã xảy ra một cuộc bạo loạn dữ dội và chỉ chấm dứt khi quân đội Liên Xô tiến quân vào thủ đô Budapest để vãn hồi trật tự. Sự kiện này đã khiến Chính phủ Liên Xô và cả Chính phủ Hungary lên tiếng tố cáo phương Tây đã xúi giục, giật dây và hậu thuẫn cho sự kiện bạo loạn này, nhưng các quốc gia phương Tây đều bác bỏ các cáo buộc.

Sự thật chỉ được làm sáng tỏ vào năm 1988, khi Peter Fryer, một cựu điệp viên của Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh (MI-6), từng chỉ huy Ban Đông Âu của MI-6 từ năm 1955 đến 1968, đã tiết lộ trong một cuốn sách có tựa đề "Thảm kịch ở Hungary".

Peter Fryer được MI-6 tuyển dụng khi đang làm việc tại báo Daily Worker và được bổ nhiệm làm người đứng đầu Ban Đông Âu. Tháng 9/1955, MI-6 quyết định triển khai điệp vụ Lucid nhằm gây bất ổn và nếu điều kiện cho phép sẽ tiến hành lật đổ chính quyền của các quốc gia XHCN Đông Âu theo một kế hoạch bí mật có ký hiệu 126-5 được Chính phủ Anh thông qua vào tháng 4/1955. Sau khi cân nhắc, MI-6 quyết định chọn Hungary làm điểm khởi đầu để triển khai điệp vụ Lucid. Và nhiệm vụ này được giao cho Ban Đông Âu mà người chịu trách nhiệm chính là Fryer.

Đầu tháng 11/1955, Fryer cùng một điệp viên MI-6 tên Andras Wener, sắm vai phóng viên báo chí Anh thường trú tại thủ đô Vienne của Áo đến thủ đô Budapest để gặp Geza Power, người đứng đầu chi nhánh MI-6 tại Hungary, đội lốt nhân viên Sứ quán, để triển khai điệp vụ Lucid gồm hai phần. Phần một là phối hợp với Đài Phát thanh châu Âu tự do (RFE) do Mỹ, Anh và Tây Đức tài trợ để xuyên tạc việc điều hành đất nước yếu kém của đảng Lao động Dân tộc Hungary (HWPP) và chính phủ của Thủ tướng Andras Hegedus, phản đối việc Hungary gia nhập Khối quân sự Warsaw. Phần hai là tiến hành kích động dân chúng, sinh viên và công nhân biểu tình đòi quân đội nước ngoài phải rút hết khỏi lãnh thổ Hungary, tiến hành bầu cử để thiết lập chế độ dân chủ trung lập giống quốc gia láng giềng là Áo.

Nếu như phần một của điệp vụ Lucid tiến hành một cách suôn sẻ thì phần hai của điệp vụ này lại không mang lại kết quả như Chính phủ Anh mong đợi. Chiều tối ngày 23/10/1956, sau một thời gian chuẩn bị, Peter Veres, Chủ tịch Liên minh các nhà văn Hungary, được Geza Power, chỉ huy chi nhánh MI-6 tại Hungary, tuyển dụng vào tháng 12/1955, dẫn đầu một đoàn đông đến 20.000 người tràn vào tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Budapest để yêu sách đòi quân đội nước ngoài phải rút khỏi lãnh thổ Hungary, tiến hành bầu cử dân chủ và thành lập một chính phủ trung lập. Đến 20h cùng ngày, đã có đến 200.000 người tham gia các cuộc biểu tình, đập phá tượng và các công trình kiến trúc trước khi tiến chiếm Đài Phát thanh Budapest nhưng bị lực lượng an ninh chặn lại.

Trước tình hình đó, ngày 24/10/1956, Chính phủ Hungary đã đề nghị quân đội Liên Xô đưa xe tăng và binh lính vào thủ đô Budapest để vãn hồi trật tự. Tuy nhiên, chỉ yên ắng được một thời gian ngắn, nhiều cuộc biểu tình đã bộc phát trở lại nhưng lần này có phần manh động hơn. MI-6 đã chi một số tiền lớn để những người biểu tình chế tạo bom xăng, tìm mua súng ống để tấn công vào lực lượng vãn hồi trật tự. Có vũ khí trong tay, những người biểu tình quá khích đã dùng bom xăng tấn công vào xe tăng và quân đội Liên Xô, truy bắt và giết hại những người được cho là thân Liên Xô.

Trong khi đó, Đài Phát thanh châu Âu tự do cũng góp phần làm tình hình thêm thêm biến động tại Hungary khi tiến hành cổ vũ cho các cuộc bạo loạn từ những thông tin sai lệch được cung cấp bởi các điệp viên nằm vùng của MI-6 tại Hungary.

Ngay trong ngày 26/10/1956, đích thân John Alexander Sinclair, chỉ huy MI-6, đã đánh điện yêu cầu mạng lưới điệp báo dưới sự chỉ huy của Fryer phải đẩy mạnh các hoạt động hậu thuẫn, kích động các hành động manh động của những người biểu tình nhằm biến thành một cuộc lật đổ chính quyền theo như yêu cầu của điệp vụ Lucid.

Tuy nhiên, do đến ngày 4/11/1956, hai chính phủ Hungary và Liên Xô quyết định mạnh tay trấn áp các cuộc biểu tình mang tính chất bạo loạn bằng việc điều động một lượng lớn các đơn vị quân đội tham gia vãn hồi trật tự. Nhưng cũng phải đợi đến ngày 19/12/1956 tình hình mới trở lại bình thường khi những người cầm đầu cuộc bạo loạn bị bắt giữ. Điệp vụ Lucid coi như đã thất bại. Trước đó, theo lệnh của MI-6, Fryer, Wener, Power đã kịp thời trà trộn vào dòng người Hungary vượt biên giới đến tị nạn tại Áo rồi sau đó quay về lại Anh. Thất bại của điệp vụ Lucid cũng đã khiến John Alexander Sinclair, chỉ huy MI-6, phải từ chức và được thay thế bằng Richard White.

Sau khi quay về lại Anh, Fryer vẫn tiếp tục giữ chức chỉ huy Ban Đông Âu của MI-6 cho đến năm 1968. Năm 1980, do bất đồng quan điểm với một số quan chức MI-6, Fryer rời tổ chức tình báo này và quay lại hành nghề nhà báo. Ông trở thành bình luận viên nổi tiếng của báo Worker Press.

Năm 1988, sau nhiều lần bị Chính phủ Anh ngăn cản, Fryer đã cho xuất bản cuốn sách có tựa đề "Thảm kịch ở Hungary": Cuốn sách này đã gây tiếng vang khi giải đáp được câu hỏi: Thế lực nào đã thực sự hậu thuẫn cho cuộc bạo loạn tại Hungary năm 1956? Điều mà ba thập niên trước đó vẫn còn là một bí ẩn của lịch sử.

Peter Fryer qua đời ngày 31/10/2006 sau một cơn trụy tim kéo dài tại thành phố quê hương Southampton ở tuổi 82

Hoàng Phú (theo Spartacus-net)
.
.