Vận động tài chính tranh cử ở Mỹ: “Đồng tiền đen” thao túng bầu cử

Thứ Hai, 20/10/2014, 07:00

Những quy định rối rắm và những kẽ hở trong quy định của pháp luật về tài chính tranh cử đã tạo ra một làn sóng khổng lồ "tiền đen" từ các nhà tài trợ vô danh nhưng lại có ảnh hưởng mạnh chưa từng có đối với các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Cuộc bầu cử tháng 11/2014 đang được xem là một kỷ lục về cái gọi là "tiền đen" này.

Các nhóm "tiền đen" là ai?

Tiền đen được chi tiêu cho hoạt động tranh cử của cả hai đảng chính trị lớn nhất nước Mỹ thông qua các tổ chức phi lợi nhuận mang danh nghĩa an sinh xã hội, được các nhà quản lý, hoạch định chính sách "cấp" cho “tấm vé" mặc sức muốn huy động tài trợ bao nhiêu tùy thích và được phép che giấu danh tính nhà tài trợ. Nói là tổ chức an sinh xã hội, nhưng các tổ chức này thường chi đến 50% quỹ hoạt động để tài trợ cho chính trị nếu họ muốn duy trì lợi thế được miễn thuế của mình.

Vấn đề đáng quan tâm ở đây là không ai biết ai là người có quyền kiểm soát các tổ chức này. Vì kể từ khi Cục Giám sát tài chính nội bộ (IRS) bị giải thể do các hoạt động giám sát vượt quá giới hạn cho phép, các tổ chức phi lợi nhuận này như con ngựa không còn bị ghìm cương nữa, mặc sức muốn làm gì thì làm. Vấn đề có cho phép các chi tiêu tài chính đổ vào các chính trị gia vô danh và vô giới hạn hay không vẫn đang là đề tài tranh cãi giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Nhưng còn một vấn đề khác đáng ngại hơn chính là các nhà quản lý không muốn hoặc không có khả năng thực hiện các quy định đã có đối với “tiền đen” và các chi tiêu tài chính trong tranh cử nói chung.

Tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014 này, “tiền đen” chiếm một phần nhỏ trong tổng chi tiêu của các ứng cử viên Thượng viện và Hạ viện Mỹ, chiếm khoảng 10% trong tổng chi tiêu tranh cử (khoảng 850 triệu USD), nhưng lại có mức tăng cao kỷ lục so với các kỳ bầu cử trước đây. Giới quan sát đánh giá, chi tiêu của các ứng cử viên Quốc hội Mỹ năm nay không tăng so với năm 2012, nhưng chi tiêu của các nhóm cung cấp “tiền đen” năm nay gia tăng gần gấp đôi, lên đến 85,4 triệu USD, tính đến cuối tháng 9/2014. Các khoản chi tiêu thường là chi cho quảng cáo trên phát thanh, truyền hình và các hình thức quảng cáo khác.

Năm nay, người ta dự báo “tiền đen” có thể đóng vai trò quyết định trong các cuộc đua, và đảng Cộng hòa đang quyết tâm lấy lại Thượng viện nên đã chi cho các ứng cử viên Thượng viện gấp 3 lần các ứng cử viên Hạ viện. Khoảng 50 triệu USD “tiền đen” đã được chi tiêu cho các ứng cử viên Cộng hòa nhằm mục đích đánh bại các ứng cử viên Dân chủ.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ luôn là sân chơi quyết liệt của các nhóm "tiền đen".

Các nhóm ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang sử dụng tiền đen có thể kể ra như Patriot Majority USD và League of Conservation Voters (phái Tự do), Americans for Prosperity và Crossroads GPS (phái Bảo thủ). Nhóm Americans for Prosperity được điều hành bởi anh em tỉ phú công nghiệp mang họ Koch; nhóm Crossroads GPS do Karl Rove, cố vấn của cựu Tổng thống  George W. Bush, sáng lập đã trở thành tâm điểm tranh cãi.

Các nhà phê bình chỉ trích các nhóm này lợi dụng quy chế phi lợi nhuận để che giấu tên người tài trợ quỹ cho mình. Ngược lại, các Super PAC mặc dù cũng được phép huy động tài chính không giới hạn, nhưng vẫn phải công khai danh tính nhà tài trợ.

Các nhà quản lý chịu bó tay

Năm 2010, Tòa án Tối cao liên bang đã ra một phán quyết xét xử vụ kiện của một tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi là Citizens United về quyền không tiết lộ danh tính nhà tài trợ quỹ, trong đó nêu rõ rằng, các tổ chức phi lợi nhuận như Citizens United có quyền huy động số tiền không giới hạn và có quyền không công khai danh tính người tài trợ, từ đó các nhóm phi lợi nhuận như Citizens United còn được gọi là các “nhóm không tiết lộ”.

Ngoài ra, còn một chi tiết nữa, đó là tất cả mọi tổ chức, kể cả doanh nghiệp, đều có quyền tham gia vào hoạt động "phát biểu chính trị" trên đường phố. Nhưng các tổ chức này buộc phải công khai danh tính của người tham gia phát biểu nhằm cung cấp thông tin cho cử tri biết để đưa ra các quyết định theo ai, chọn lựa ai.

Việc bảo đảm công khai đầy đủ trong vấn đề chi tiêu tài chính tranh cử khi có yêu cầu là nhiệm vụ truyền thống của Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC). Cơ quan này có quyền áp đặt lệnh phạt nếu các tổ chức không thực hiện việc công khai. Nhưng ngay chính FEC cũng đang có những vấn đề không giải quyết được.

Theo Trung tâm Liêm chính Công cộng (CPI), các ủy viên của FEC ngày nay không bận tâm nhiều đến các vấn đề thực thi pháp luật như cách đây 10 năm. Nguyên nhân là do nhân sự mỏng và bất đồng nội bộ. Khi các ủy viên FEC đồng thuận với nhau, thì họ lại thường hay bị bỏ qua. Kể từ năm 2011, FEC đã yêu cầu các thành viên Thượng viện nộp các báo cáo gây quỹ và chi tiêu tranh cử bằng văn bản điện tử, vì việc nhập dữ liệu từ văn bản giấy vào máy vi tính tốn kém hàng trăm nghìn USD mỗi năm.

Thượng viện đã xem xét yêu cầu này, nhưng lại quyết định không sử dụng văn bản điện tử. Không phải mấy ông nghị sĩ ở Thượng viện không biết hay không thích dùng văn bản điện tử, mà vấn đề chính là luật quy định Thượng viện không thể chấp nhận lưu trữ bất cứ thứ gì không phải là văn bản cứng (giấy).

Karl Rove, cựu cố vấn Nhà Trắng, hiện đang làm chủ một nhóm "tiền đen" ủng hộ đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2014.

Kể từ khi có phán quyết vụ Citizens United, IRS có trách nhiệm tăng cường giám sát các “nhóm” không tiết lộ" chuyên lợi dụng các quy định trong Luật thuế Mỹ để che giấu nhà tài trợ. Tự nhiên, IRS thấy mình chưa sẵn sàng để kiểm soát các nhóm phi lợi nhuận trá hình này. IRS thường xuyên gặp khó khăn trong việc xác định các tổ chức nào, nhóm nào chi vượt quá 50% ngân sách năm cho các hoạt động chính trị.

Từ đó, IRS ngày càng chú ý kỹ hơn đối với các nhóm phi lợi nhuận, vì thế mà năm 2013, cơ quan này bị tố là quan tâm thái quá các nhóm bảo thủ và đảng Trà, bao gồm cả nhóm Crossroads GPS của Karl Rove. IRS phải xin lỗi, đồng thời Giám đốc Lois Lerner cũng mất việc.

Sau khi cả FEC lẫn IRS đều bị vô hiệu hóa, cử tri không còn cơ quan nào khác để trông cậy vào đó kiểm soát các nhóm sử dụng "tiền đen". Một cách nào đó, người ta quay sang nhờ cậy Ủy ban Chứng khoán và hối đoái (SEC). Tháng 8/2011, 9 học giả từ các trường đại học lớn trên toàn nước Mỹ đã đồng ký tên đơn thỉnh nguyện nộp lên SEC yêu cầu cơ quan này "xây dựng các quy định để buộc các công ty công cộng công khai hóa thành phần cổ đông và việc sử dụng các nguồn tài chính cho hoạt động chính trị". Tháng 9/2011, đơn thỉnh nguyện đã nhận được hơn 1 triệu lời bình phẩm, phần lớn người ta yêu cầu phải công khai, minh bạch hơn nữa.

Nhưng SEC tỏ ra không mặn mà lắm với việc công khai, minh bạch chi tiêu chính trị của các  công ty, doanh nghiệp thuộc quyền kiểm soát của mình. Quan điểm của cơ quan này là chỉ làm luật ở các lĩnh vực khác chứ không làm theo đơn thỉnh nguyện. Có những người phản bác chỉ trích nhóm người nộp đơn thỉnh nguyện, cho rằng việc công khai, minh bạch hóa sẽ làm tổn hại đến tính bảo mật của các công ty. Tuy vậy, đơn thỉnh nguyện vẫn nhận được sự ủng hộ của khá đông nghị sĩ, bao gồm hơn chục thượng nghị sĩ và khoảng 40 hạ nghị sĩ.

Vấn đề bàn cãi ở đây không chỉ là việc các cá nhân doanh nghiệp lợi dụng ẩn danh để né tránh trách nhiệm nộp thuế, thậm chí rửa tiền, mà còn là vấn đề các nhà quản lý doanh nghiệp dùng tiền của cổ đông để phục vụ mục đích riêng.

Mọi cái đều không rõ ràng

Một vấn đề lớn khác cũng được đặt ra là định nghĩa thế nào là "chi tiêu chính trị". IRS hiện đang soạn thảo các quy định mới để giải quyết vấn đề này, nhưng con đường đi đến bộ quy tắc ứng xử chung sẽ không bằng phẳng, còn lắm gập ghềnh. Các chuyên gia về các tổ chức phi lợi nhuận được miễn thuế cho rằng, hoạt động chính trị bây giờ đang trở nên tinh vi hơn, khó nhận biết hơn và không còn thể hiện bằng các thông điệp chính trị như trước đây nữa. Vì thế, sẽ không dễ dàng cho các cơ quan quản lý nhà nước phân biệt giữa các nhóm chính trị với các nhóm phi chính trị. Chẳng hạn như nhiều tổ chức phi lợi nhuận sẽ lu loa rằng, hoạt động của họ mang tính "giáo dục" hơn là "chính trị".

Anh em tỉ phú họ Koch là những nhà tài trợ "tiền đen" nổi tiếng ở Mỹ.

Có một nhóm đang sẵn sàng hỗ trợ vạch ra lằn ranh có tên gọi là Bright Lines Project (BLP). Nhóm này đã huy động 9 chuyên gia về luật thuế để soạn thảo các quy định đề xuất cho IRS. BLP cho rằng, sự yếu kém, bất lực ở IRS xuất phát từ việc "thiếu các tiêu chuẩn rõ ràng, trung lập, khách quan để nhân viên và các nhà quản lý ở IRS dựa vào đó xác định các đối tượng đăng ký hoạt động có can thiệp vào chính trị hay không".

Gregory Colvin, Chủ tịch BLP cho rằng, do đến 90% quy định hiện nay không rõ ràng nên cũng khó để IRS có thể làm tốt chức năng của mình.

Tuy nhiên, vấn đề công khai, minh bạch ở một đất nước luôn cổ xúy cho công khai minh bạch lại vấp phải phản ứng khá gay gắt từ một bộ phận không nhỏ giới chức và tư nhân cho rằng, việc công khai, minh bạch đó lại làm hạn chế năng lực tự do ngôn luận và có thể khiến cho nhiều người không thể tự do tham gia vào hoạt động chính trị do tên tuổi của mình đã được công khai cho nhiều người biết. Lý luận này nghe có vẻ rất lạ, vì chuyện tự do ngôn luận lại được gán ghép chung để biện minh cho việc đóng góp “tiền đen” cho hoạt động chính trị để lợi dụng ảnh hưởng gây tác động theo chiều hướng có lợi cho một nhóm cá nhân hoặc tổ chức nào đó.

Rốt cuộc, cho dù có cố gắng mấy, các cơ quan quản lý nhà nước như FEC, IRS hay SEC đều chịu bó tay trước sức mạnh quỷ quyệt của các nhóm lợi ích tư nhân sử dụng đồng tiền để tác động vào chính trị làm lệch cán cân quyền lực và cả lợi ích công cộng của nước Mỹ

Nguyên Khang (theo Newsweek)
.
.