Văn hào Somerset Maugham – Một điệp viên trầm lặng

Thứ Tư, 26/07/2017, 13:41
Những năm 30 của thế kỷ trước, với văn tài và sản nghiệp văn chương đồ sộ là những tiểu tuyết, truyện ngắn, kịch… William Somerset Maugham được xem là nhà văn được trả tác quyền và nhuận bút cao nhất không chỉ ở Anh mà ở cả châu Âu. Khi ấn hành hoặc tái bản những tác phẩm của ông, các nhà xuất bản tự hào có tên ông làm thương hiệu bảo chứng. Thế nhưng, không nhiều người biết rằng, ngay khi ở trên đỉnh cao sự nghiệp văn chương, Maugham vẫn chấp nhận thực hiện công việc của một điệp viên vì ông xem đó là nghĩa vụ đối với tổ quốc mình.

Người thuộc thế giới thứ ba?

Ngày 25-1-1874, William Somerset Maugham chào đời trong Đại sứ quán Anh ở thủ đô nước Pháp vì cha ông, Robert Ormond Maugham là một luật sư đảm nhiệm các công việc pháp lý cho tòa đại sứ Anh. Ông nội của Somerset Maugham là một luật sư xuất sắc, người từng sáng lập nên Hội Luật gia Anh quốc.

Somerset Maugham còn có một người anh lớn tên là Frederick Herbert Maugham, cũng theo ngành luật và về sau đã trở thành Thủ tướng Anh trong hai năm 1938-1939. Vì lớn lên trên đất Pháp nên từ nhỏ, Somerset Maugham đã nói thông thạo tiếng Pháp.

Lúc Somerset Maugham lên 8, mẹ của cậu bé, bà Edith Mary, mất do đau buồn và bị hậu sản vì không giữ được đứa con trai vừa lọt lòng. Năm lên 10 tuổi, cha của Somerset Maugham cũng mất đi vì ung thư dạ dày. Thế là Maugham buộc phải trở về Anh sống cùng ông bác là mục sư Henry MacDonald Maugham ở Whitstable. Trên đường hồi hương, không hiểu vì lý do gì, Maugham đã mắc tật nói lắp và tật này  theo ông suốt đời. Năm lên 15 tuổi, Maugham lại bị mắc bệnh viêm màng phổi nặng khiến ông phải bỏ học.

Ông bác mục sư cho Somerset Maugham vào học trường hoàng gia tại hạt Canterbury, nhưng Maugham khi đó hay bị bạn bè chế giễu do vóc người thấp bé lại nói tiếng Anh không sõi do thuở nhỏ, cậu chỉ quen nói tiếng Pháp. Ở trường thì bị chế giễu, về nhà sống trong bầu không khí ngột ngạt do ông bác, một người quá nghiêm khắc và lạnh lùng đã dạy cho nhà văn tương lai cách sống phải kiềm chế mọi cảm xúc khiến Maugham luôn trong trạng thái ức chế tâm lý nặng nề và sau này, trạng thái tâm lý đó được ông phản ánh qua các nhân vật trong nhiều tác phẩm của mình.

Somerset Maugham thời gian ở Nga trước .

Năm 16 tuổi, do không muốn theo học trường hoàng gia nữa nên Somerset Maugham được ông bác cho phép đi du lịch qua Đức. Ở đây, Somerset Maugham đã say mê theo học tiếng Đức và ghi danh vào một trong những trường đại học danh tiếng nhất châu Âu-Trường Heidenberg- để nghiên cứu văn học và triết học. Tuy vóc người thấp bé nhưng nét điển trai và tính cách lịch lãm của chàng sinh viên đến từ Vương quốc Anh khiến nhiều bạn đồng môn cảm mến, Somerset Maugham cũng nồng nhiệt đáp lại vì có thể nói đây là lần đầu tiên cậu được sống trong một môi trường thân thiện với mình.

Chính trong thời gian theo học Trường Heidenberg, Maugham đã phát hiện ra mình thường có tình cảm đặc biệt với người đồng giới, mặc cảm tội lỗi khiến Maugham nên càng trở nên lo lắng và rồi tìm cách thu mình lại. Nhưng cũng tại Heidenberg, Maugham đã hoàn thành tác phẩm đầu tay, một cuốn truyện về cuộc đời nhà soạn nhạc người Đức Giacomo Mayerbeer (khi tác phẩm này bị từ chối xuất bản, Maugham đã đau buồn và thất vọng đến độ đem… đốt bản thảo).

Quay về nước Anh, bác của Maugham một mực muốn đứa cháu phải nối nghiệp ông và cha nó, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, ông phải đành lòng chấp nhận thực tế là tật nói lắp của cháu mình là trở lực lớn nhất để nó có thể trở thành một luật sư xuất sắc.

Theo lời khuyên của một bác sĩ địa phương, mục sư Henry MacDonald Maugham đã cho cháu mình theo học nghề y tại Trường St. Thomas ở London trong 5 năm, kể từ năm 1892. Chính những năm theo học nghề thầy thuốc đã khiến Maugham có nhiều kinh nghiệm sống hơn để làm chất liệu cho những tác phẩm trong tương lai. Tiểu thuyết "Liza của miền Lamberth" (1897), Maugham đã viết cuộc sống của một sinh viên y khoa lo công việc đỡ đẻ tại khu vực Lambeth tập trung thành phần dân lao động nghèo của thành phố London.

Thế chiến thứ I bùng nổ, Maugham làm người phiên dịch và trợ lý y khoa cho tổ chức Chữ Thập Đỏ ở Pháp. Được một thời gian, Maugham từ đơn vị xe cứu thương ở Pháp trở lại Anh để quảng bá cho quyển "Of Human Bondage" sắp ấn hành. Vì không thể trở về đơn vị xe cứu thương của mình, nên vợ ông - Syrie - thu xếp giới thiệu ông với một sĩ quan tình báo cấp cao, John Wallinger.

Tháng 9-1915, Maugham được John Wallinger tuyển dụng vào Cục Tình báo mật (SIS - tiền thân của Cục Tình báo Đối ngoại MI-6). Trong cùng năm, với vỏ bọc chính thức là một nhà văn, ông được cử đến thành phố Geneve của Thụy Sĩ để hoạt động bí mật trong vai trò người liên lạc trung gian cho mạng lưới điệp viên tại nước này và trụ sở SIS ở Anh. Có lẽ muốn chứng tỏ lòng yêu nước mà Maugham không nhận lương hàng tháng từ SIS.

Nhờ vỏ bọc hoàn hảo (khi ấy ông đã là một tác giả khá nổi tiếng với hơn 10 vở kịch được công diễn và hơn 10 cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản), Maugham dễ dàng gửi và nhận các thông điệp mã hóa, thường được kẹp trong bản thảo, và chuyển qua biên giới mà không thu hút sự chú ý của cảnh sát Thụy Sĩ.

Do đã từng nhiều năm sống ở Pháp và Đức, thành thạo ngôn ngữ của những nước này, Maugham đã sống gần một năm ở Thụy Sĩ để theo dõi những nhân vật bị tình nghi là làm gián điệp cho Đức. Tại khách sạn Âeau Rivage ở Geneva, Maugham làm quen với những đồng nghiệp trong làng văn đã được cơ quan tình báo Anh tuyển mộ như Joseph Conrad hay Gerald Kelly…

Một lần, cảnh sát Thụy Sĩ bất thình lình gõ cửa phòng của Maugham đúng lúc ông đang soạn thảo báo cáo để gửi về London. Trước câu hỏi: "Ông làm gì ở đây?", Maugham đáp: "Tôi viết kịch!". "Nhưng tại sao lại phải sang tận Geneva viết kịch?"- "Sao tôi có thể viết kịch ở một nơi mù sương và ẩm ướt như London chứ?".

Quãng thời gian ngắn chưa đầy một năm ở Thụy Sĩ vẫn đủ cho Maugham "tìm" ra được Ashenden, nhân vật chính không chỉ trong cuốn tiểu thuyết cùng tên mà còn của nhiều tác phẩm gián điệp hành động khác.

Những trang viết này phản ánh  trung thực thực tế hoạt động gián điệp của Maugham đến mức sau khi Thủ tướng Anh Winston Churchill đọc xong các tập bản thảo đã nhận xét: "Ông viết thế này là tiết lộ bí mật quốc gia đấy!".

Lời nhận xét và cũng là lời cảnh báo đó khiến Maugham phải đốt gần chục bản thảo. Năm 1917, Maugham quyết định chấm dứt hoạt động của mình ở Thụy Sĩ. Nhà văn đã viết cho lãnh đạo của mình là William Wiseman lá thư từ nhiệm bằng cách khéo léo than phiền về… sự túng thiếu của mình: "Thưa ngài, tại Thụy Sĩ, tôi là người duy nhất làm việc từ chối nhận lương... Nhưng tôi mới được biết rằng, hành động của tôi đã bị các đồng nghiệp xem không phải là một biểu hiện của lòng yêu nước mà chỉ là sự ngu ngốc…".

Điệp vụ bất thành ở Nga

Khi làn sóng của cuộc cách mạng vô sản bắt đầu nổi lên ở Nga, Maugham được William Weisman thuyết phục đến St. Petersburg để nhận nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ lần này của Maugham, với mật danh Somerville, là thu thập thông tin tình báo về mạng lưới gián điệp Đức đang phát triển ở thủ đô Moscow của Nga đồng thời hỗ trợ phe Menshevik chống lại phe Bolshevik đang được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nông dân, dân nghèo thành thị và giới thợ thuyền.

Bản đầu tiên tập truyện "Ashenden" xuất bản ở Anh.

Sau này, Maugham nhớ lại thời gian đó ông không mấy hứng thú với vai trò gián điệp song rất muốn "nhìn thấy đất nước của những văn hào tiền bối như Lev Tolstoi, Dostoievski và Chekhov" - những văn hào mà ông yêu mến và ngưỡng mộ. Để thi hành nhiệm vụ bí mật, lần này Maugham được SIS hỗ trợ khoảng 21.000 bảng Anh (tương đương khoảng 300.000 USD hiện nay).

Để thuận lợi cho nhiệm vụ, Maugham tiếp xúc với  Thủ tướng Chính phủ tư sản lâm thời Nga Alexander Kerensky, người chống đối lực lượng Bolshevik quyết liệt. Hàng tuần, Maugham luôn tổ chức tiệc rượu vodka và món trứng cá caviar đắt tiền đãi Kerensky cùng với các bộ trưởng của chính quyền lâm thời tại Medved - một trong những nhà hàng sang trọng nhất ở St. Petersburg. Tuy nhiên, không bao lâu sau Maugham vỡ mộng về nước Nga. Sau này nhà văn nhớ lại: "Sự hờ hững, những cuộc chống đối chính quyền diễn ra khắp nơi khiến cho tôi cảm thấy buồn bã về nước Nga và người Nga".

Tuy nhiên, vẫn có một người được Maugham yêu thích là Boris Savinkov, một trong những lãnh đạo tổ chức đảng Cách mạng Xã hội thời tiền cách mạng Nga và làm việc cho chính quyền lâm thời năm 1917. Maugham mô tả Boris Savinkov là "một trong những người phi thường" mà ông từng gặp. Nhưng Boris Savinkov là một trong những người đi đầu đối kháng với người Bolshevik và đặc biệt, muốn ám sát Lênin.

Vì đã là một nhà văn danh tiếng, Maugham hoàn toàn có lý do chính đáng để duy trì những chuyến đi lại và mối giao thiệp của ông với những người đứng đầu các đảng phái của Nga nhằm  "thu thập tài liệu viết văn" nhưng thực ra là tìm kiếm những thông tin mang tính chất chính trị quân sự để gửi về London theo con đường ngoại giao.

Trầm lặng và quan sát một cách tinh tế, Maugham có đủ các tố chất cho công việc tình báo; ông tin rằng mình đã thừa hưởng từ người cha luật sư năng lực phán đoán và khả năng không bị lầm lạc bởi vẻ bề ngoài lạnh lùng, không bao giờ bộc lộ cảm xúc thật. Điều này thì Maugham phải cám ơn người bác mục sư mà ngày trước ông luôn xa lánh.

Tháng 10-1917, Thủ tướng chính phủ tư sản lâm thời Alexander Kerensky yêu cầu Maugham trở lại London để xin cứu viện. Thủ tướng Anh lúc đó là Lloyd George đã tiếp Maugham. Đọc xong thư thỉnh cầu của Kerensky, Thủ tướng Anh Lloyd George chậm rãi lên tiếng: "Tôi không thể làm việc này". "Thế tôi phải nói gì lại với ông Karensky?". "Ông cứ nói rằng, tôi không thể làm việc này!". Maugham ngồi lại trăn trở với ý nghĩ: Làm sao để lại sang Nga? Ngày 7-11-1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, chính phủ của Karensky đã bị xóa sổ. Mặc dù nhiệm vụ gián điệp của Maugham đã thất bại hoàn toàn nhưng ông vẫn hài lòng vì đã thu thập được khá nhiều tư liệu cho nhân vật Ashenden của mình.

Trở lại nước Nga với chính thể là đảng Bolshevik của giai cấp công nông, những cán bộ an ninh Xôviết đã thẳng thắn để Maugham hiểu rằng, họ biết rõ động cơ của Maugham, nhưng ông vẫn được đi lại tương đối tự do, có thể gặp các nhà lãnh đạo cao cấp, thậm chí Maugham còn được gặp cả Lênin. Khi nghiên cứu những bản báo cáo mà Maugham gửi từ Moscow về London giai đoạn này, các sử gia cho rằng, trong các báo cáo đó, sự đánh giá của ông gần với hiện thực hơn và có lẽ những đánh giá này đã có tác động nhất định tới chính sách của nội các Anh trong quan hệ với chính quyền Xôviết.

Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, những toan tính thật sự của Maugham được tiết lộ trong những tài liệu cá nhân của nhà văn song không lâu trước khi qua đời, chính ông đã thiêu hủy phần lớn trong số đó.

Toàn bộ trải nghiệm trong thời gian làm gián điệp cho tình báo Anh được văn hào Maugham thể hiện chân thực trong tập sách mang tựa đề "Ashenden: Or the British agent" (xuất bản năm 1928). Năm 1936, đạo diễn nổi tiếng người Anh Alfred Hitchcock đã chuyển thể 2 truyện ngắn trong bộ "Ashenden" thành phim "Secret Agent".

Sau này, truyện ngắn "Ashenden" của Maugham có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà văn viết truyện trinh thám nổi tiếng như Ian Fleming (với nhân vật James Bond), John Le Carre và Graham Greene. Sứ mạng ở Nga cũng là nhiệm vụ cuối cùng mà Maugham thực hiện cho SIS. Sau khi trở về Anh, Maugham dành hết thời gian cho sáng tác và cuối cùng, ông đến sống ở Bờ Biển Ngà. Maugham từ trần năm 1965 lúc 90 tuổi. Theo nguyện vọng của nhà văn, tro cốt hỏa táng của ông được rải xung quanh thư viện đặt theo tên ông ở Canterbury.

Diên San- Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.