Về cuốn sách mới xuất bản của em gái Fidel Castro

Thứ Hai, 09/11/2009, 11:35
Juanita Castro, năm nay 76 tuổi, là em gái của Fidel và Raúl. Ngày Chủ nhật 25/10/2009, trên kênh truyền hình tiếng Tây Ban Nha Univision-Noticias 23 của Mỹ, bà đã khẳng định mình từng cộng tác với CIA chống lại chế độ của hai người anh, trước khi sang sống lưu vong tại Miami, nơi đầy hang ổ của đám phản động Cuba.

Rồi ngay ngày hôm sau, cuốn hồi ký của  Juanita Castro, viết với sự cộng tác của nữ phóng viên Maria Antonieta Collins, người Mexico, do Nhà xuất bản Santillana ấn hành, đã ra mắt tại Mỹ, Mexico, Tây Ban Nha và Colombia.

Cuốn sách dày 432 trang, nhan đề là “Fidel y Raúl, mis hermanos. La historia secreta” (Fidel và Raúl, anh tôi. Câu chuyện bí mật). Cả CIA lẫn Chính phủ Cuba đều chưa có bên nào chính thức lên tiếng về nội dung của quyển sách.

Juanita cho biết ban đầu mình cũng ủng hộ cuộc cách mạng năm 1959  của Fidel chống tay độc tài Fulgencio Batista, bà ta được CIA tuyển dụng từ năm 1961 qua sự trung gian của một người bạn gái là Virginia Leitao da Cunha, vợ của Đại sứ Brazil tại La Habana.  Mụ này hẹn gặp Juanita tại Tòa đại sứ Brazil, tọa lạc ở Đặc khu El Laguito của thủ đô La Habana. Hai người phụ nữ này gặp nhau vào tháng 4/1961, không bao lâu sau khi cuộc đổ bộ của bọn phản động lưu vong lên Vịnh Con heo thất bại.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên người ta được biết Juanita có làm việc cho CIA. Đây chỉ là lần đầu tiên chính bà ta xác nhận sự việc mà thôi. Sau khi Juanita sang Miami sống lưu vong thì ngày 4/7/1964, tờ The Times-Picayune của New Orleans đã đăng một tin sốt dẻo của Hãng Associated Press nói về sự cộng tác của bà ta với CIA.

Năm 1975, trong quyển “Inside the Company” (Trong nội bộ Hội), cựu điệp viên Phillip Agee cho rằng Juanita là nhân viên tuyên truyền làm việc cho CIA. Rồi năm 2005, Ted Shackley, một trong những quan chức chủ chốt của CIA về Cuba, cũng viết trong quyển “Spymaster, My Life in the CIA” (Trùm gián điệp, Đời tôi ở CIA) rằng tổ chức tình báo này đã bắt liên lạc với Juanita thông qua vai trò của Virginia Leitao de Cunha. Virginia đề nghị Juanita lấy cớ đi thăm em gái là Enma Castro để sang Mexico gặp quan chức tuyển mộ của CIA.

Enma, ít hơn Juanita 2 tuổi, đã sống ở Mexico từ những năm 50, tuyệt nhiên không hay biết gì về mục đích thật trong chuyến đi của bà chị. Virginia và Juanita đi mỗi người theo một lộ trình riêng đến Mexico City để gặp quan chức CIA ngày 24/6/1961, tại một khách sạn Camino Real vừa mới khai trương. Quan chức này là một chuyên gia của CIA về vấn đề Cuba, bí danh là Enrique còn tên thật là Tony Sforza. Y là một tay chủ chốt của Chiến dịch Mangosta, một kế hoạch đầy tham vọng của CIA nhằm phá hoại Cuba về kinh tế và thâm nhập về quân sự, sau khi cuộc đổ bộ lên Vịnh Con heo thất bại.

Juanita chấp nhận làm việc cho CIA với điều kiện là không tham gia bất cứ một hành động bạo lực nào chống lại hai người anh của mình cũng như của các quan chức khác của chế độ Castro, cũng như không nhận thù lao cho công hợp tác của mình. Từ đó, với bí danh Donna do CIA đặt, bà ta bắt đầu hoạt động cho kẻ thù không đội trời chung của anh mình.                            

Một tuần lễ sau cuộc gặp, nhiệm vụ đầu tiên mà Juanita nhận lĩnh là chuyển từ Mexico về Cuba những hộp đồ hộp bên trong là tài liệu, chỉ thị và tiền, cho nhân viên của CIA và bọn chống đối cách mạng. Bà ta cũng trở về Cuba với một quyển chỉ dẫn việc giải mã những thông điệp đã mã hóa mà mình sẽ nhận được qua một làn sóng phát thanh ngắn. Nếu nghe thấy bản valse “Fascinación” của nhà soạn nhạc F.D. Marchetti thì biết là có thông điệp, còn nếu nghe thấy khúc mở màn vở nhạc kịch “Madama Butterfly” của Puccini thì biết là không có gì.

Sau khi trở về La Habana, theo sự chỉ định của CIA, Juanita phải chọn hai chị em Hilda, tức "Puchi" và Carmita Morgade, 2 sinh viên bạn của gia đình, làm cộng tác viên. Theo lời kể trong quyển sách, thì ba người phụ nữ này có nhiệm vụ che giấu "những kẻ bị chế độ Castro đe dọa" trong ngôi nhà khách thuộc quyền sở hữu của Juanita, tọa lạc tại khu El Vedado của La Habana.

Qua quyển sách, ta còn được biết trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba hồi tháng 10/1962, Juanita cũng đã thông báo cho CIA về sự xuất hiện của tên lửa Liên Xô trên đất nước này. Tháng 9/1962, trong một chuyến thăm Mexico, Juanita đã được Virginia Leitao da Cunha hỏi về lời đồn đại rằng vũ khí hạt nhân đã được lắp đặt ở Cuba. Bà ta đã trả lời đó không phải là chuyện bí mật, rằng ít nhất là tại Sagua la Grande, Guanajay (phía nam La Habana) và San Cristóbal (Pinar del Río), có cái gì đó đã được triển khai. Sau khi mẹ là bà Lina Ruz González qua đời hồi tháng 8/1963, Juanita cảm thấy mình không còn được che chở trước sự nghi ngờ của hai người anh, nhất là lúc này, hoạt động phản cách mạng của bà ta lại được đẩy mạnh còn hoạt động phản gián của Cuba cũng được tăng cường.

Theo lời kể của Juanita, Raúl Castro đã đến gặp bà ta tại nhà với một tập hồ sơ dày cộp của G2 (Cơ quan An ninh quốc gia Cuba) liên quan đến những hoạt động phản cách mạng của bà ta. Dĩ nhiên là trong đó có cả những chuyện Juanita tiếp xúc với nhân viên CIA. Raúl trách:  "Đây là chuyện điên rồ. Tôi không muốn ngó đến và đọc cái thứ này. Tôi chỉ muốn tin rằng cô là một cô gái dở dở ương ương, lại to mồm. Thế thôi. Ngược lại, nếu những điều nói về cô trong này là sự thật thì cách đối xử của chúng tôi sẽ khác".        

Tận dụng cơ hội, Juanita nói muốn sang Mexico thăm em gái Enma và nghỉ ngơi một thời gian và nhờ Raúl xin giấy phép xuất cảnh. Raúl nhận lời, ôm hôn từ biệt Juanita rồi ra về. Juanita chính thức rời hẳn Cuba ngày 19/7/1964. Từ đó, anh em họ chưa bao giờ gặp lại nhau

An Chi
.
.