Về ninja cuối cùng của Nhật Bản: 30 năm đợi chờ… trong bất khuất

Thứ Năm, 24/04/2014, 23:45

Cựu thiếu úy Nhật Bản Hiroo Onoda, nổi tiếng với 30 năm tử thủ trên đảo Lubang của Philippines, đã qua đời ở tuổi 91. Ông Onoda trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Tokyo do bệnh tim vào ngày 16/1/2014, để lại một cuộc đời truyền kỳ và di sản gây nhiều tranh cãi đến tận ngày nay. Sau khi Thế chiến II kết thúc, Onoda quyết không đầu hàng hay tự sát mà “cố thủ” và chiến đấu theo kiểu du kích trong rừng rậm trên đảo Lubang, đến tận năm 1974 mới chịu trở về.

Ông không chấp nhận sự thật là cuộc chiến tranh đã kết thúc với việc Nhật hoàng đầu hàng quân đồng minh ngày 2/9/1945, chẳng đếm xỉa tới những tờ truyền đơn được máy bay thả xuống rừng hay những lời trên loa phóng thanh kêu gọi đầu hàng và nhiều nỗ lực để thuyết phục ông tin rằng quân phiệt Nhật đã thua trận.

Đầu tháng 4 vừa qua, giật tít là “Ninja cuối cùng của thế giới”, tạp chí Time của Mỹ dẫn công trình nghiên cứu của John Man, nhà nghiên cứu sử học về Ninja cho biết, Onoda đã được huấn luyện đúng theo kiểu Ninja tại trường tình báo nổi tiếng Nakano. Và điều này đã giúp ông có thể tồn tại trong rừng già suốt 30 năm.

Man nhấn mạnh rằng, cái chết của Onoda đã kết thúc truyền thống Ninja kéo dài 1.000 năm của nước Nhật. Tác giả này đã dành riêng cho Onoda một chương trong cuốn sách “Ninja: 1.000 years of the Shadow Warrior” (Ninja: 1.000 năm chiến binh bóng tối).

Onoda là người cuối cùng trong nhiều cựu binh Thiên hoàng lẩn trốn ở châu Á sau Thế chiến II. Dưới góc độ nào đó, ông được coi như biểu tượng cho tinh thần bất khuất và tuyệt đối trung thành của người lính Nhật đối với Nhật hoàng của mình.

Chiến đấu và sinh tồn

Hiroo Onoda sinh ngày 19/3/1922, tại làng Kamekawa thuộc tỉnh Wakayama, là con trai thứ tư của một gia đình mà cả bố và mẹ đều là giáo viên. Tuổi thơ của Onoda bình thường như những trẻ khác trong làng, có đôi chút nổi bật khi ông là một tuyển thủ kiếm đạo được cử đi thi đấu hồi còn ở bậc trung học. Sau khi học xong lớp 9, ông làm việc cho một công ty mậu dịch có chi nhánh đặt tại Trung Quốc, nhờ đó ông tự mày mò học và biết thêm tiếng Trung Quốc.

Tháng 12/1942, khi vừa tròn 20 tuổi và đang làm việc tại Thượng Hải, do đến tuổi động viên nên ông đã gia nhập quân đội. Onoda trải qua nhiều trường lớp huấn luyện sĩ quan tình báo, chiến thuật du kích và phá hoại tại trường võ bị khét tiếng Nakano của lực lượng quân phiệt Nhật.

Tháng 12/1944, với cấp bậc thiếu úy, nói được tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, ông được cử đến Philippines nhận công tác tình báo, truy tìm những tin tức của "địch". Tại đây, ông đã được bộ chỉ huy cung cấp tất cả những tin tình báo của đối phương và kế hoạch chiến đấu với quân Mỹ ngay cả trong trường hợp Nhật Bản bị chiếm đóng.

Hiroo Onoda (đi trước) rời khỏi rừng sau khi được thuyết phục rằng chiến tranh đã kết thúc.

Khi trình diện đơn vị mới, ông đã "choáng" trước khẩu lệnh của trung tướng Yokoyama Shizuo, Tư lệnh Sư đoàn 8 thuộc Quân đoàn thứ 14 nơi ông đóng quân: "Không được tự sát cho dù oanh liệt đến đâu. 3 năm hay 5 năm, chắc chắn sẽ có quân tiếp viện, dù chỉ còn 1 người gặm cùi dừa để sống, vẫn phải cố gắng chiến đấu. Ta nói lại một lần nữa: không chấp nhận các ngươi tự sát dù oanh liệt". Và chính khẩu lệnh đầy cương quyết ấy đã khiến cuộc đời của Onoda trải qua những chuyện hết sức kỳ lạ sau này.

Ngày 31/12/1944, ông được điều đến đảo Lubang. Trong lúc đang chuẩn bị cho một kế hoạch chiến đấu trường kỳ thì có lệnh phải rút một phần lực lượng để tăng cường cho chiến trường khác. Ngày 28/2/1945, lực lượng còn lại của ông bị bao vây, vì sự truy kích của một đại đội quân Mỹ mới đổ bộ lên đảo cộng thêm hỏa lực của những chiến hạm Mỹ khiến ông và đồng đội đã phải lẩn trốn vào rừng, tiếp tục chiến đấu để chờ đoàn quân tiếp viện trở lại theo kế hoạch.

Đến tháng 8/1945, dù quân Nhật đã thảm bại nặng nề trên khắp các chiến trường, nhưng vẫn chưa có lệnh tan hàng, ông và 3 binh sĩ dưới quyền là Akatsu Yuichi, Shimada Shoichi và Kozuka Kinshichi vẫn tiếp tục mở hơn 100 cuộc đột kích vào căn cứ radar Mỹ đặt trên đảo Lubang vì nghĩ rằng: Philippines bị Mỹ chiếm đóng và Chính phủ Philippines đương thời chỉ là bù nhìn của đế quốc phương Tây.

Đảo Lubang khá nhỏ, chỉ dài 28,8km và rộng 10km, tuy nhiên lại có rừng nhiệt đới dày đặc, trở thành lá chắn lý tưởng để 4 người lính Nhật dễ dàng ẩn náu bên trong. Onoda cùng đồng đội rút vào rừng sâu và không hề hay biết Nhật chính thức đầu hàng vào tháng 9/1945. Để tồn tại, họ dựng lều bằng tre, kiếm thức ăn bằng cách săn bắn hoặc tự mở những cuộc tấn công vào làng, vào căn cứ quân sự của Mỹ cướp lương thực.

Vũ khí của các chiến binh Nhật trong chiến đấu là loại súng trường kiểu 99, kiểu 38 và lưỡi lê; đạn dược thì lấy thuốc súng từ đạn của chiếc máy bay bị bắn rơi rồi chế lại thành đạn cho vũ khí của mình. Nhờ theo các khóa huấn luyện kỹ thuật, các ông đã "chế" ra máy nhận tin sóng ngắn có thể nghe được tin tức các đài phát thanh thế giới, rồi dùng ăng ten dây cáp lấy được từ căn cứ Mỹ để tiếp tục nhiệm vụ tình báo, nghe ngóng tin tức bên ngoài hoặc tìm cách liên lạc với quân... tiếp viện.

Ông Onoda giao kiếm và chính thức xin hàng vào năm 1974.

Sau vài năm chiến đấu, Akatsu đã ra hàng vào tháng 6/1950 (cũng có tin trong một cuộc đụng độ Akatsu bị thương bất tỉnh được quân Mỹ cứu sống). Shimada chết vào ngày 7/5/1954, còn Kozuka thì chết vào ngày 19/10/1972 trong các cuộc giao tranh với binh lính Philippines. Khi thấy xác Kozuka, Chính phủ Philippines đã liên lạc với Chính phủ Nhật. Vụ này đã gây xôn xao ở Nhật và gia đình của Onoda đã tới Lubang với hy vọng thuyết phục ông rằng cuộc chiến tranh đã kết thúc.

Bộ Y tế Nhật cùng với gia đình ông Kozuka đến "hiện trường" để nhận mặt, chị ruột của Onoda cũng có mặt để kêu gọi Onoda ra hàng, nhưng ông vẫn biệt vô âm tín. Mặc dù nhiều lần bị thương, đói rét, bệnh tật hành hạ nhưng ông vẫn "tuân lệnh đến cùng". Dù chỉ còn một mình, nhưng Onoda vẫn tiếp tục mở những cuộc tấn công lẻ tẻ vào căn cứ địch, tiếp tục nhiệm vụ thu thập tin tức của đối phương.

Chưa có lệnh, chưa ra hàng

Sau nhiều năm tìm kiếm không thành công, Tokyo tuyên bố cựu binh này đã chết. Tuy nhiên, nhờ việc binh nhất Akatsu hàng phục vào tháng 6/1950 và trở về Nhật năm 1951 mà Chính phủ Nhật biết vẫn còn người đang lẩn trốn trong rừng. Từ năm 1954 trở đi, Nhật đã dùng nhiều hình thức như trực thăng kêu gọi, rải truyền đơn, tổ chức các nhóm tìm kiếm, nhưng không có kết quả.

Nghĩ là Hiroo Onoda không nắm vững tình hình bên ngoài nên những toán tìm kiếm đã cố tình để lại trong rừng những báo chí Nhật có đăng tin tức như tin Hoàng thái tử đương thời lấy vợ (bây giờ là Nhật hoàng Akihito) (1959) hay Tokyo tổ chức Olympic (1964) để ông có điều kiện "mở mang tầm mắt".

Đến ngày 20/2/1974, Suzuki Norio, một nhà thám hiểm Nhật trẻ tuổi thuộc "thế hệ không biết chiến tranh", vì yêu cái tính bi hùng của những người lính bị lãng quên đã vào rừng tìm kiếm, phát giác rồi tiếp xúc được với ông. Tạp chí Time trích hồi ký của Onoda, viết rằng: "Một ngày nọ xuất hiện một thanh niên trẻ dựng lều gần nơi tôi trú ẩn. Vì cùng là người Nhật nên tôi cũng không quá nghi ngại".

Dần dần, hai người trở nên thân thiết, Suzuki đã nói rất rõ về tình trạng bên ngoài và cố thuyết phục Onoda trở về nhưng cũng không thành công. Hiroo Onoda cho biết đã nhặt và đọc được những tài liệu của ai đó để lại trong rừng và biết Nhật có nhiều thay đổi nhưng từ chối ra hàng vì… chưa có lệnh từ thượng cấp!?

Cựu chiến binh Onoda đã dựng lều và một mình lẩn trốn trong rừng ở đảo Lubang gần 30 năm.

Sau này Onoda kể rằng, lúc đó ông tin những việc như vậy là trò lừa bịp do Mỹ lập ra tại Tokyo hòng dụ ông ra mà bắt sống. Ông cũng có đọc trên báo rằng, người ta đã cố gắng lùng sục khắp các cánh rừng để tìm kiếm ông, nhưng ông cho rằng đó là trò tuyên truyền. Những chiếc máy bay quân sự Mỹ bay ngang qua khu rừng mà ông ẩn nấp trong suốt những năm diễn ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam càng thuyết phục ông rằng, cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn ở đâu đó.

Suzuki Norio chụp nhiều ảnh Onoda và mang về Nhật cùng với thông điệp "đợi lệnh chỉ huy" của Onoda để chứng minh rằng ông chưa chết. Người ta đã tìm được viên chỉ huy trực tiếp trước đây của Onoda, người đã phái ông tới Lubang, đó là cựu thiếu tá Yoshimi Taniguchi, lúc đó làm nghề bán sách. Sau đó, Chính phủ Nhật gửi một phái đoàn tới Lubang, bao gồm người thân và đặc biệt là ông Taniguchi - người sẽ ra lệnh cho Onoda "chấm dứt chiến đấu và đầu hàng vô điều kiện".

Ngày 9/3/1974, cựu thiếu tá Taniguchi Yoshimi đã đến khu rừng mà Onoda đang ẩn náu và dùng loa kêu gọi Onoda ra trình diện. Phải chờ một ngày sau (10/3) thì thiếu úy Onoda, trong bộ quân phục bạc màu nhưng rất chỉnh tề được ghép bằng nhiều mảnh, mới chịu xuất hiện. Sau khi ông báo cáo tình trạng của đài radar Mỹ trên đảo sau nhiều năm thu thập, thiếu tá Taniguchi đọc quân lệnh chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu của nhóm được ban hành vào thời chiến.

Với tâm trạng sẵn sàng chịu tử hình vì đã giết và làm bị thương trên 30 người gồm dân Philippines và lính Mỹ, Hiroo Onoda đã chính thức "giã từ vũ khí". Ngày 11/3/1974, tại Manila, Hiroo Onoda mặc bộ quân phục chắp vá, hô to "Thiên hoàng vạn tuế" rồi trao thanh kiếm của mình cho một vị tư lệnh quân đội Philippines, tuyên bố đầu hàng. Vị này nhận rồi trao lại cho ông và nói: "Chúng tôi trả lại cho ông, vì thanh kiếm này biểu hiện cho sự trung thành của một người lính".

Tổng thống Marcos đã gọi ông là "một quân nhân tuyệt vời". Chiếu theo luật pháp Philippines thì Onoda là người có tội và phải chịu xét xử. Tuy nhiên, vì lý do "ông không tin là chiến tranh chấm dứt và tiếp tục chiến đấu", nên những hành động của ông chỉ được coi là hành động vì nhiệm vụ và sống còn. Ngoài ra, theo yêu cầu của Chính phủ Nhật nên Chính phủ Philippines quyết định ân xá cho Hiroo Onoda.

Khi ấy, cuộc chiến tranh của cựu sĩ quan Thiên hoàng này mới chính thức chấm dứt. Tạp chí Time viết rằng: Hiroo Onoda đã đứng nghiêm với đôi mắt đầy quyết tâm khi viên chỉ huy cũ đọc lại bản tuyên bố đầu hàng của quân đội Thiên hoàng năm 1945. Tới lúc đó, Onoda mới bật khóc: "Chúng ta đã thua? Làm sao họ (quân đội Thiên hoàng) lại có thể tệ vậy?”.

Tạp chí Time cũng dẫn lời nhà nghiên cứu John Man, nhận định Onoda chính là hiện thân của một Ninja cuối cùng ở Nhật Bản. "Dù hiện nay vẫn còn một số cơ sở đào tạo Ninja tồn tại nhưng không có ai trải qua thực tế như Onoda. Tại Trường Nakano, ông đã được dạy về ý chí chiến đấu, đánh kiếm, sử dụng thuốc nổ, ẩn náu, ngụy trang, phá hoại, thu thập thông tin… và đã vận dụng chúng trong gần 30 năm. Bí mật, thiện chiến và trung thành tuyệt đối, đó chẳng phải là các đặc tính của Ninja sao?", ông Man chia sẻ.

Khi trở về Nhật, Hiroo Onoda được công chúng tôn vinh như một anh hùng. Ông xuất bản cuốn hồi ký "Không đầu hàng: Cuộc chiến 30 năm của tôi" thành nhiều kỳ trên báo từ tháng 5/1974 và sau đó được in thành sách. Cả hai đều bán rất chạy và tạo ra một "hội chứng hâm mộ Onoda" ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, giống như không ít người khác, Hiroo Onoda đã lâm vào cái bi kịch của khủng hoảng thời hậu chiến. Hiroo Onoda cảm thấy ngộp thở với sự chật hẹp, không thênh thang như trong rừng, chưa quen với cuộc sống quá đầy đủ tiện nghi. Và thỉnh thoảng, ông phát sợ khi nghe tiếng trực thăng của giới truyền thông mà cứ nghĩ là trực thăng địch đang tìm kiếm ai đó lẩn trốn ở Lubang…

(Còn tiếp)

Trần Quân - Anh Doãn (theo Time)
.
.