Về ninja cuối cùng của Nhật Bản: Mãi mãi biểu tượng 1.000 năm

Thứ Sáu, 25/04/2014, 22:30

Khi trở về Nhật, Hiroo Onoda được công chúng tôn vinh như một anh hùng. Ông xuất bản cuốn hồi ký “Không đầu hàng: Cuộc chiến ba mươi năm của tôi” thành nhiều kỳ trên báo từ tháng 5/1974, và sau đó in thành sách. Cả hai đều bán rất chạy và tạo nên một “hội chứng hâm mộ Onoda” ở Nhật Bản. Tuy nhiên, giống như nhiều người khác, Hiroo Onoda đã lâm vào cái bi kịch của khủng hoảng thời hậu chiến.

Nước Nhật mà ông quay về đã thay đổi quá nhiều so với ngày ông ra đi. Lúc đó, Nhật Bản đang trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, tiến bộ khoa học - kỹ thuật và du nhập nhiều văn hóa phương Tây. Nhật cũng tuyên bố là một đất nước chủ trương hòa bình. Onoda giống như người rừng lọt giữa đô thị, lạc lõng và khó hòa nhập với xã hội hiện đại Nhật Bản sau thời gian sống tách biệt quá lâu.

Trở về cố hương

Ngày 12/3/1974, Hiroo Onoda trở lại Nhật. Câu nói đầu tiên của ông là "chiến tranh đã thực sự chấm dứt". Đài Truyền hình NHK truyền trực tiếp chuyện ông trở về trong suốt 66 phút, đã có 45.4% dân chúng theo dõi sự kiện này - một trong những kỷ lục rất cao từ trước tới nay. Trong cuộc họp báo, ông đã trình bày lý do không ra hàng là vì chưa có lệnh từ chỉ huy, và ông rất buồn vì sự hy sinh của hai đồng đội.

Một nhà báo đặt câu hỏi: "Nếu không ai gặp được ông trong rừng thì ông sẽ làm gì sau đó?". Và Onoda đã trả lời với chất giọng khảng khái quen thuộc mà không hề do dự: "Tôi vẫn tiếp tục nhiệm vụ của một người lính. Năm nay tôi đã 51, tôi nghĩ là sẽ sống cho đến 60 rồi mở một cuộc tấn công cuối cùng vào căn cứ radar của Mỹ và sẽ chết ở đó".

Ông được Chính phủ Nhật ngợi ca là "hình tượng mẫu mực của người lính Nhật", tặng 1 triệu yên và rất nhiều quà từ những người hâm mộ để "làm lại cuộc đời". Ban đầu ông từ chối, nhưng sau đó thì ông nhận và đã hiến tất cả số tiền cho đền tử sĩ Yasuguni.

Cũng có dự định sắp xếp để ông gặp Nhật hoàng Hirohito, nhưng Onoda từ chối vì "tự tôi quyết định việc trốn trong rừng nên tôi nghĩ ngài sẽ không có điều gì để nói với tôi cả". Một trong những việc mà ông làm đầu tiên khi về nước là đến viếng mộ của hai đồng đội Shimada và Kozuka.

Hiroo Onoda là người lính Nhật sẵn sàng hy sinh cho đất nước và đặt trọng trách được giao lên trên mọi vấn đề cá nhân. Trải qua gần 30 năm ẩn nấp một mình trong rừng rậm, ông chưa bao giờ mất đi cá tính cương nghị và sắc sảo, trả lời báo giới rất lạnh lùng bằng một câu nói quen thuộc: "Tôi chỉ thực thi mệnh lệnh thượng cấp và không hề ân hận về bất cứ điều gì".

Cũng có những người lính Nhật khác sau Thế chiến II đã trốn trong các khu rừng rậm ở Guam và Indonesia suốt nhiều thập niên. Nhưng họ trốn vì sợ bị kẻ thù hành quyết, trong khi Onoda "cố thủ" để duy trì nhiệm vụ của mình.

Giới chính trị Nhật xưa nay vốn đề cao các truyền thống dân tộc chủ nghĩa và quân phiệt chủ nghĩa đã không bỏ lỡ cơ hội để khai thác hình tượng Onoda. Danh tiếng của Onoda cũng vang xa trên thế giới. Chẳng hạn, nhà độc tài người Uganda, Idi Amin, đã lấy Hiroo Onoda làm tấm gương xây dựng đạo đức lý tưởng cho quân đội nước mình.

Vào năm 2010, trong cuộc phỏng vấn của Hãng Truyền hình Mỹ ABC, Onoda nói rằng: "Mỗi người lính Nhật đều sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đất nước. Nhưng là một sĩ quan tình báo, tôi đã được lệnh tiến hành cuộc chiến tranh du kích và không được chết".

Thoạt nhìn qua, người ta có thể coi Onoda là một kẻ cuồng tín, cực đoan và cố chấp, thậm chí là khùng điên. Nhưng xét kỹ lại, ông cũng giống như biết bao người đàn ông Nhật khác chịu ảnh hưởng sâu nặng bởi tinh thần võ sĩ đạo không bao giờ biết khuất phục, coi thất bại là một điều sỉ nhục không còn đáng sống, và đạo lý tuyệt đối trung thành và tuân phục bề trên.

Tuy nhiên, theo tạp chí Time, vẫn còn nhiều ý kiến lên án việc Hiroo Onoda được tôn vinh tại Nhật, nhất là khi ông bị cáo buộc đã sát hại 30 người trong thời gian ở đảo Lubang. Nhiều người còn cho rằng, việc ông được ân xá năm 1974 mang tính chính trị vì khi đó, Mỹ không muốn để hai đồng minh vướng vào tranh cãi mới trong thời điểm tình hình khu vực đang rất nhạy cảm.

Gây dựng lại cuộc đời

Trở nên nổi tiếng, được ca ngợi với vô số bài báo, nhiều cuốn sách và phim tài liệu về mình nhưng Hiroo Onoda lại cảm thấy xa lạ ở ngay chính quê hương. Những gì mà chính phủ quân phiệt gieo vào đầu ông lúc trước khác quá xa so với một nước Nhật quyết tâm theo con đường hòa bình, tập trung phát triển kinh tế và chịu ảnh hưởng mạnh của phương Tây.

Ông Hiroo Onoda cưỡi ngựa bên cạnh vợ, bà Machie trong trang trại của gia đình tại Campo Grande (Brazil), năm 2012.

Do quá khó khăn để hội nhập thực tiễn mới, chỉ một năm sau ngày quay lại Nhật Bản, Onoda đã chuyển sang Brazil để mở trang trại nuôi gia súc tại một nơi có hàng chục gia đình người Nhật sinh sống ở Campo Grande. Năm 1976, ông kết hôn với bà Machie Onuki, lúc đó 38 tuổi, nguyên là một người phục vụ trà đạo tại Tokyo.

Năm 1980, ông đã bị sốc khi nghe tin tại Nhật xảy ra một vụ giết bố mẹ mà thủ phạm là một học sinh trẻ bị ở lại lớp. Chính vụ án này đưa ông đến suy nghĩ: giới trẻ đã làm mất chính mình trong một đất nước Nhật Bản giàu mạnh. Ông quyết định trở lại Nhật và sẽ phải làm một việc gì hữu ích với quãng đời còn lại.

Năm 1984, ông cùng vợ thành lập trung tâm "Tư thục thiên nhiên Onoda" nằm trong vùng núi thuộc tỉnh Fukushima, dùng kinh nghiệm sống của mình trong suốt gần 30 năm trong rừng dạy cho các học sinh trẻ tinh thần yêu quý thiên nhiên, cùng những kỹ năng sinh tồn và thoát hiểm.

Onoda đã khuyên các bậc phụ huynh nên để cho con em mình chơi đùa trên đất cát dơ bẩn, ngay cả trong trời mưa. Những "đệ tử" thuộc lứa tuổi 15 hay 16 tâm sự rằng Onoda bắt họ đi chân không trong suốt mấy ngày trời, lúc đầu thì đau, nhưng vài ngày thì không còn cảm thấy gì nữa. Họ miêu tả bình thường thì ông khá hiền nhưng ông rất "khó nhằn" mỗi khi giảng dạy kỹ năng, nhờ thế mà gọi Hiroo Onoda là "Ông chú kỳ quái chốn rừng xanh".

Hiroo Onoda vẫn đi đi về về giữa Brazil và Nhật Bản để vừa làm việc vừa thực hiện ý nguyện của mình. Năm 1996, ông quay lại thăm đảo Lubang theo lời mời của chính quyền địa phương. Người Philippines đã bỏ qua chuyện ông từng giết chết và làm bị thương mấy chục người địa phương trong suốt 30 năm "cố thủ" trong rừng. Nhà cầm quyền còn quyết định xây dựng "con đường mang tên ông" để thu hút khách du lịch. Onoda rất vui vẻ và giúp đỡ tài chính để hoàn thành con đường. Ông đã tặng cho cộng đồng địa phương 10.000 USD để lập quỹ học bổng. Hàng năm ông vẫn gửi tặng đàn piano hay dụng cụ học tập cho trẻ em tại các ngôi làng trên đảo.

Trong lần xuất hiện trên kênh Truyền hình Quốc gia Nhật Bản NHK hồi tháng 5/2013, Onoda nói rằng: "Tôi đã sống qua cái thời gọi là chiến tranh, những gì người ta nói thay đổi từ thời này sang thời khác. Tôi nghĩ lẽ ra chúng ta không nên để mình bị chao đảo bởi hơi thở của thời đại, mà nên suy nghĩ một cách điềm tĩnh". Có thể tóm gọn châm ngôn sống của ông là: Vấn đề quan trọng là khả năng, nghĩa là phải hiểu rõ, biết mình có cái gì và không có cái gì, rồi hành động trong tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Về cuối đời, ông sống an nhàn với sức khỏe tốt, trí tuệ minh mẫn và thường xuyên đi diễn thuyết. Bà Onuki Kazuko, em vợ của ông, kể lại: Vì viêm phổi nặng, đầu tháng 1 năm nay, Onoda cảm thấy trong người khó chịu, gia đình đã đưa ông vào bệnh viện. Vài ngày sau đó, hình như biết trước cái chết đã gần kề, ông ra hiệu bằng ánh mắt muốn gặp mọi người thân. Khi được hỏi, ông chỉ trả lời bằng cách gật đầu hay lắc đầu. Nhưng khi nghe nói là có giới báo chí muốn thu thập thông tin, mắt Onoda bỗng sáng lên như muốn ngồi dậy trở về nhà.

"Tôi nghĩ ông ấy sẽ nói rất chi tiết lúc anh còn chiến đấu trong rừng. Dù vậy, ông ấy không nói gì về bản thân vì con người Onoda là như vậy, nghiêm khắc với chính mình và không bao giờ thổ lộ những gì bất mãn", bà Kazuko chia sẻ.

Và người chiến binh cuối cùng của một dân tộc "phải anh hùng lắm thì mới là người Nhật được" đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 16/1/2014, để lại hậu thế bao niềm kính phục. Cùng ngày, tạp chí Time dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga chia buồn cùng gia đình Onoda và nói: "Năm 1974, khi nhìn thấy hình ảnh ông ấy trở về, tôi có cảm giác rằng chúng tôi đã thật sự để quá khứ lại phía sau".

Những giai thoại còn mãi

Hiroo Onoda là một quân nhân đích thực, và cả thế giới phải học hỏi tinh thần của người chiến binh này. Sự ra đi của ông tạo nên nỗi tiếc thương cho biểu tượng 1.000 năm Ninja của Nhật Bản, ông để lại những giai thoại đẹp khiến người đời sau ngưỡng mộ.

Còn nhớ, trước khi lên đường vào quân đội, mẹ ông đã trao cho ông một đoản kiếm và dặn dò: "Nếu sợ sa vào tay giặc, bằng đoản kiếm này, trong những giây phút cuối cùng con hãy xử sự sao cho xứng đáng". Tuy nhiên, ông đã không phải dùng đoản kiếm này để tự xử và đã trả lại cho mẹ ông 30 năm sau đó.

Những món đồ lưu niệm lấy cảm hứng từ ông Hiroo Onoda.

Thú vui duy nhất của Onoda khi còn tại ngũ là nghe trực tiếp truyền thanh chương trình đua ngựa tại Nhật và hay "cá độ" với đồng đội của ông là Kozuka xem ngựa nào về nhất. Thế nhưng, tình bạn của họ không kéo dài được bao lâu.

Trong cuộc chạm súng với Cảnh sát Phillipines vào tháng 12/1972, Kozuka đã bị bắn trúng vai khiến khẩu súng trường rơi xuống đất, sau đó lại bị bắn bồi thêm vào ngực. Onoda nhặt súng của Kozuka bắn trả 5 phát, dùng súng của mình bắn thêm 4 phát mở đường máu định mang Kozuka theo. Nhưng Kozuka đã không qua khỏi. Ông đành ngậm ngùi bỏ Kozuka ở lại, chỉ đem theo được khẩu súng của đồng đội, và sau đó đem trao lại kỷ vật này cho gia đình Kozuka khi ông ra hàng.

Chứng kiến cái chết của đồng đội, Onoda nổi điên nhất quyết "trả thù", vò nát tờ truyền đơn của Bộ Y tế Nhật Bản kêu gọi ông ra hàng mà ông nhặt được từ năm 1959.

Ông không ra hàng cũng vì nghĩ rằng những lời kêu gọi hàng phục chỉ là một sự lừa dối để kết thúc chiến tranh, sản phẩm tuyên truyền của quân "chiếm đóng". Chính quyền ở Nhật khi ấy chỉ là chính quyền bù nhìn của Mỹ, còn chính phủ lưu vong Nhật Bản thì bản doanh đặt ở Mãn Châu đang chuẩn bị tái chiếm những vùng đất bị mất.

Từ đảo Lubang, khi nhìn thấy các máy bay quân sự của Mỹ bay đến mặt trận Triều Tiên, ông tin là chính phủ lưu vong đã bắt đầu phản kích. Và khi nhìn thấy máy bay quân sự của Mỹ bay đến chiến trường Việt Nam từ căn cứ quân sự ở Philippines, ông tưởng là Mỹ đang tấn công Nhật Bản. Những điều này trùng hợp với kế hoạch mà ông đã được học và nghe tại căn cứ Futamata hay tại các chiến trường.

Tuy nhiên, cũng có một số báo đã nêu ra nghi vấn: Ông biết hay không biết Nhật đã đầu hàng? Trong số người nghi ngờ có nhà văn Tsuda Shin, trong quyển "Ba tháng với anh hùng ảo tưởng - Thiếu úy Hiroo Onoda" đã chỉ trích và nêu giả thuyết: ông không dám ra đầu thú vì sợ bị dân làng trả thù, vì đã "lỡ" giết và làm bị thương nhiều người.

Cũng vì một vài nghi ngờ "nho nhỏ" đó khiến Onoda rời bỏ nước Nhật sang Brazil sinh sống vào năm 1975, và ông chỉ chịu quay về sau 5 năm để thành lập một cơ sở chuyên dạy kỹ năng sống cho thanh niên Nhật Bản…

Trần Quân - Anh Doãn (theo Time)
.
.