Vén màn bí mật trại nữ tù nhân khét tiếng

Chủ Nhật, 08/03/2015, 15:00
Mọi thứ bắt đầu từ năm 1939. 800 phụ nữ Đức bị dồn xuyên qua khu rừng cách thủ đô Berlin 80km về phía bắc. Họ tới một nơi hẻo lánh ven hồ. Sáu năm sau, số phụ nữ sống ở đây đã lên tới 130.000 người. Ước chừng từ 10 đến 30% trong số họ chết. Tất cả đều chết vì đói, vì lao động khổ sai như nô lệ, vì bị đánh đập và hành hạ dưới tay các nữ cai ngục Đức.

Cứ mỗi lần đến Ngày tưởng niệm các nạn nhân Do Thái bị tàn sát dưới thời Adolf Hitler, người ta lại nhớ đến nhiều câu chuyện kinh hoàng ở các trại tập trung.

Nhưng ít ai biết rằng có một trại tập trung tên là Ravensbruck, nơi chỉ dùng để giam phụ nữ. Trại tập trung này che giấu những bí mật kinh khủng mà nhiều thập kỷ sau khi Thế chiến II kết thúc người ta mới dần biết tới.

Tên của nơi mà những điều kinh hoàng đã xảy ra là Ravensbruck. Trại tập trung ít tiếng tăm này mở cửa tháng 5/1939, 4 tháng trước khi Thế chiến thứ II nổ ra. Khoảng 30.000 đến 50.000 phụ nữ bị sát hại ở đây.

Trong nhiều thập kỷ liền, hầu như không có ai ở phương Tây biết về sự tồn tại của Ravensbruck. Sự thật về trại tập trung nữ kỳ lạ này bị giấu kín đằng sau bức màn sắt của Chiến tranh lạnh.

Mãi đến gần đây, những câu chuyện gây sốc của Ravensbruck mới được hé lộ. Nhà báo Sarah Helm đã điều tra về khu trại nữ này, nói chuyện với những người sống sót và tìm hiểu cuộc sống thực sự của tù nhân trong Ravensbruck.

Tất cả bí mật đều có trong cuốn sách mới phát hành của cô mang tên: “If this is a woman” (Nếu đây là một phụ nữ).

Nữ nhà báo Helm cho biết Ravensbruck do Heinrich Himmler, người đứng đầu lực lượng SS, thiết kế ra để dành cho "những phụ nữ Đức mà họ nghĩ là hạ đẳng, những người phụ nữ mà họ muốn loại ra khỏi nguồn gien".

Điều đó có nghĩa là từ chính trị gia đối lập, người vô gia cư, gái mại dâm cho đến ca sĩ, nghệ sĩ... Những ai bị kết tội dù là hành vi trộm cắp vặt, tội nhỏ nhặt hay nghiện rượu đều bị đưa tới Ravensbruck.

Những người bị cho là đi ngược lại với phẩm chất của phụ nữ Đức lý tưởng cũng bị đưa vào đây. Phụ nữ Đức thời đó phải đảm đang việc nhà, phải là người mẹ, người vợ, người con gái hoàn hảo.

Nữ tù nhân ở Ravensbruck năm 1945.

Không giống như tù nhân ở các tại tử thần như Auschwitz và Belssen, chỉ 10% phụ nữ ở Ravensbruck là người Do Thái. Nhưng sau vài năm đầu, khi cuộc chiến đã lên tới đỉnh điểm và đảng Quốc xã nhanh chóng mở rộng đế chế Đức, phụ nữ từ 20 nước châu Âu bị đưa tới đây.

Cuộc sống kinh hoàng

Khi mới bước ra khỏi chiếc xe bus trùm kín, những người sắp làm tù nhân Ravensbruck bị khung cảnh xung quanh trại tập trung hút hồn: mặt hồ xanh phẳng lặng, mùi thơm của rừng thông ngập không gian, không có tháp canh bên ngoài, bên trong trồng đầy hoa cùng với một chuồng nuôi công và vẹt. Không có gì giống nhà tù.

Những thứ đầu tiên họ nhìn thấy khiến nữ tù nhân tên Lisa Ullrich cảm thấy tim đập rộn ràng vì niềm vui. Thế nhưng, họ nhanh chóng thoát khỏi ảo tưởng Ravensbruck khi vào sâu bên trong, chứng kiến cảnh tù nhân bị dồn đống, tiếng chó sủa, mùi tử khí bốc lên. Cơn ác mộng của họ bắt đầu từ đây.

Chế độ quản lý trại Ravensbruck rất tàn bạo với nhiều hệ thống trừng phạt khiến người ta phải rùng mình. Tù nhân phải lao động khổ sai hằng ngày. Có nhiều người mệt lả và ngã gục. Những người giúp họ đứng dậy sẽ bị đánh đập vì theo quy định của trại, giúp tù nhân khác là một tội.

Quản lý chung của nhà tù là nam giới thuộc lực lượng SS, còn những người chịu trách nhiệm giám sát nhà tù hàng ngày là phụ nữ. Điều này mang lại một không khí khác lạ cho nhà tù.

Nữ cai ngục Đức không hề nhẹ tay với tù nhân hơn đồng nghiệp nam. Họ cũng tàn bạo không kém. Một trong số đó là nữ cai tù Dorothea Binz, một người tàn độc một cách ngoại lệ có biệt danh là "Mụ phù thủy xinh đẹp".

Là cai ngục, Bizn liên tục dùng biện pháp mạnh để đối xử với tù nhân như đánh, tát, đá, bắn, vụt, giẫm và lạm dụng họ. Mỗi khi cô ta xuất hiện ở đâu thì ở đó tù nhân đột nhiên im lặng. Cô ta thường cầm trên tay một cái roi và dắt theo một con chó chăn cừu giống Đức. Có lúc, cô ta bất thình lình đá một tù nhân tới chết hay túm cổ một ai đó đưa đi giết.

Bizn còn có tình nhân trong Ravensbruck là một sĩ quan mật vụ SS. Đối với họ, mỗi một cuộc đi dạo lãng mạn quanh trại Ravensbruck là một cuộc xem nữ tù nhân bị quật rồi cùng nhau cười phá lên.

Bizn là một trong khoảng 3.500 cai ngục, trông coi toàn bộ tù nhân Ravensbruck có lúc lên tới 45.000 người, mặc dù thiết kế chỉ dành cho 3.000 người. Tù nhân được chia thành 150 người mỗi khu vực mà họ ví như một cái chuồng thú.

Lao động khổ sai.

Giống như các trại tập trung khác, phụ nữ bị bắt làm việc liên tục. Trong khi tù nhân nam bị bắt đi khai thác đá thì tù nhân nữ bị bắt khâu vá. Dù công việc khác nhau nhưng khi bị trừng phạt, họ đều phải hứng chịu những hình thức tàn bạo như nhau. Họ có thể bị phạt từ 25 đến 50 roi vì tội "cư xử kém".

Phụ nữ trong trại Ravensbruck không được phép sinh con. Họ bị buộc phá thai cho dù đang mang bầu ở tháng thứ 8. Nhưng trong năm cuối cùng trại Ravensbruck tồn tại, quá nhiều nữ tù nhân mang thai đến mức nhà tù không thể bắt họ phá thai hết.

Điều đó có nghĩa là một số đứa trẻ đã ra đời trong nhà tù rồi bị bỏ đói đến chết. Chỉ trong vòng 8 tháng, có gần 600 trẻ đã tử vong.

Dù vào tù cùng lúc nhưng mẹ và con gái sẽ bị tách ra. Nữ tù nhân và con cái của họ còn phải trải qua vô số cuộc thí nghiệm rùng mình. Bác sĩ lấy trẻ em Gypsi ra làm vật thực hành kỹ năng triệt sản khiến nhiều em tử vong. Nữ tù nhân còn bị bác sĩ coi là chuột bạch để thử nghiệm các loại thuốc mới.

Walter Sonntag là một bác sĩ khét tiếng tàn ác ở trại Ravensbruck. Mỗi sáng, ông ta trong đồng phục SS màu đen, rảo bước qua hàng nữ tù nhân đứng đợi bên ngoài bệnh viện của trại. Họ là những người bị chó cắn, bị đánh đập hoặc bị sưng chân vì quá lạnh. Ông ta thường dùng ủng đá hoặc dùng gậy tre quật họ trong khi miệng lúc nào cũng nở một nụ cười.

Tại bệnh viện, ông ta thường thích nhổ răng còn nguyên vẹn của tù nhân mà không dùng thuốc gây tê và coi đây là một thú vui. Ông ta chọn chừng 75 tù nhân làm vật thí nghiệm, đập xương họ ra rồi ghép lại, rồi lại đập ra.

Trong các ca phẫu thuật đặc biệt, ông ta cắt cơ chân của tù nhân, nhét bụi bẩn, mảnh vụn thủy tinh, gỗ vào vết thương và để mặc họ như vậy hoặc là dùng thuốc thử nghiệm để chữa cho họ.

Ở trại Ravensbruck, bác sĩ đồ tể Sonnatag còn được giao nhiệm vụ tìm ra cách ngăn chặn bệnh giang mai và lậu để binh lính Đức có thể thoải mái vào nhà chứa mà không sợ mắc hai bệnh này.

Không ai biết chính xác có bao nhiêu người chết trong các cuộc thí nghiệm của bác sĩ Sonnatag. Người ta còn đồn rằng bác sĩ này đã tiêm xoắn khuẩn giang mai vào cột sống của tù nhân.

Trong cuốn sách, nhà báo Helm cho biết nhóm phụ nữ chuột bạch này đặc biệt dũng cảm. Họ tìm cách tuồn thông tin ra để bên ngoài biết những gì đang xảy ra ở Ravensbruck.

Họ dùng nước tiểu của chính mình để làm mực vô hình viết thư và gửi về London. Họ phản kháng ngầm với những gì họ đang phải chịu đựng.

Tháng 5/1944, tin tức về sự tàn ác không thể tin nổi mà nữ tù nhân Ravensbruck đang trải qua đã được phát sóng trên đài phát thanh hoạt động bí mật ở Anh. Tuy nhiên, trại tập trung khét tiếng này vẫn tồn tại cho đến khi Thế chiến II kết thúc.

Hơn thế nữa, đầu năm 1945, mọi chuyện ở Ravensbruck mới lên đến đỉnh điểm khi số tù nhân ở đây đạt đỉnh và tình trạng quá chật chội là một vấn đề lớn của trại tập trung.

Để xử lý tình trạng này, Đức quốc xã đã lập các phòng hơi ngạt để giết bớt tù nhân. Mỗi một lần, 150 phụ nữ bị đưa vào đây để hành quyết.

Người sống sót

Theo nhà báo Helm, nhiều tù nhân từng sống sót tại Ravensbruck về sau bị chấn thương tâm lý đến mức họ không muốn nghe, không muốn nhắc đến ký ức kinh hoàng này. Họ chỉ muốn chôn vùi nó mãi mãi.

Khi đọc thông tin về Ravensbruck, người ta khó hình dung ai đó có thể sống sót mà ra khỏi cái lò tử thần này. Nhưng trong thực tế, nhiều người đã giữ được mạng sống ra khỏi trại tập trung.

Nhà báo Helm viết: "Tồn tại là một vấn đề nan giải. Để sống sót, thứ mà bạn cần hơn bất kỳ điều gì khác là may mắn. Nếu có sức khỏe, bạn có thể có cơ hội sống nhiều hơn. Nếu bạn còn có tác dụng vào việc gì đó và có thể lao động khổ sai, bạn sẽ được để cho sống".

Rất nhiều tù nhân ở Ravensbruck can đảm đến không thể tin nổi. Họ trốn khi cai tù vào chọn tù nhân để đưa vào phòng hơi ngạt. Một cách khác để sống sót là trở thành thủ lĩnh của phòng. Thủ lĩnh của phòng là tù nhân nhưng họ hành xử và tàn độc như cai ngục vì bản năng sinh tồn.

Sống trong trại giam khét tiếng này nhưng chỉ có một vài người dám tìm cách vượt ngục. Một trong số đó là nữ tù nhân Katharina Waitz, một người Gypsy và bị Hitler coi là "giống thoái hóa" rồi bị tống vào Ravensbruck.

Trước đó, cô gái trẻ dũng cảm này đã từng trốn hai lần và đều bị bắt lại, trải qua hằng tháng trời bị tra tấn trong phòng trừng phạt. Waitz vẫn không từ bỏ hy vọng trốn thoát lần nữa. Trong bóng đêm dày đặc, cô tìm cách qua mặt lính gác và chó canh rồi trèo lên mái nhà của căng tin dành cho nhân viên nhà tù. Từ đó, cô trèo qua hàng rào điện, trùm chăn lên dây thép gai, vượt qua 5 hàng rào dây thép gai và bức tường cao 4,5 mét rồi chạy trốn vào rừng.

Waitz trốn được ba ngày đêm. Trong thời gian đó, những tù nhân khác cùng phòng với cô bị bắt đứng liên tục trong phòng trừng phạt, không được động đậy và không được ăn.

Vào buổi sáng thứ 4, Waitz bị bắt trở lại nhà tù, mình mẩy đẫm máu và vết chó cắn. Cô bị quẳng vào phòng trừng phạt. Cai ngục bảo với những tù nhân còn lại rằng họ có thể xử Waitz thế nào tùy thích.

Phát cuồng vì bị bỏ đói và trừng phạt, đám tù nhân nữ dùng chân ghế đập cô tới chết. Họ đổ lỗi cho cô vì những gì họ phải trải qua và làm công việc giết người bẩn thỉu thay cho cai ngục.

Trong suốt 6 năm tồn tại, hàng nghìn phụ nữ đã chịu đựng những số phận ác nghiệt tương tự. Họ làm việc cho tới chết. Họ bị bỏ đói, bị đánh đập, bị treo cổ, bị đầu độc, bị thiêu sống…

Nhưng khi chiến tranh kết thúc, những gì đã xảy ra ở Ravensbruck nhanh chóng bị lãng quên. Suốt 70 năm qua, những tội ác kinh khủng hiện diện ở trại tập trung này hầu như không ai biết tới.

130.000 nữ tù nhân đã bước qua cổng vào Ravensbruck, 50.000 người trong số họ bị sát hại. Trong những ngày cuối cùng, toàn bộ hồ sơ tù nhân đều bị đốt cùng với các thi thể. Tro cốt của họ bị ném xuống hồ.

Nhưng chính những người sống sót trở về lại là những người góp phần lớn che phủ bức màn bí mật lên trại tập trung Ravensbruck.

Theo nhà báo Helm, khi phỏng vấn nhân chứng, một người cho biết không thể diễn tả thành lời những gì xảy ra ở trại đó.

Người khác nói rằng khi kể cho gia đình, bè bạn những gì mình đã trải qua trong Ravensbruck thì bị người thân ngăn lại vì mọi người nghĩ họ bị điên. Có người lại ngăn nhà báo Helm viết về trại tập trung chỉ vì nó quá kinh khủng.

Trong quá trình tìm tư liệu viết sách, nhà báo Helm không biết bao nhiêu lần phải rơi nước mắt vì những gì mình biết. Thế nhưng nhà báo Helm vẫn quyết tâm đeo đuổi đến cùng. Đối với cô, những tiếng nói còn lại của Ravensbruck cần phải được lắng nghe.

Dương Thùy (tổng hợp)
.
.