Vì sao Chiến dịch Market Garden thất bại thảm hại?

Thứ Ba, 22/10/2019, 06:25
Chiến dịch Market Garden là một chiến dịch của quân đội Đồng Minh bắt đầu ngày 17-9-1944 tấn công vào các cầu lưu thông tại Hà Lan và phía tây nước Đức. Đây là cuộc tấn công bằng lực lượng lính dù lớn nhất trong lịch sử quân sự xưa nay. Quân Đồng minh hy vọng chiến dịch này sẽ đặt dấu chấm hết cho Thế chiến II, song mục tiêu này đã thất bại thảm hại. Vậy đâu là những nguyên nhân?

Trong những tuần sau D-Day (ngày 6-6-1944, quân Đồng minh mở màn chiến dịch giải phóng Tây Âu trong giai đoạn cuối Thế chiến II), quân Đức bắt đầu rút lui đồng loạt, trong khi quân Đồng minh tạo được bàn đạp thắng thế trên khắp nước Pháp, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan. Tháng 9-1944, quân Đồng minh dàn trải trên khắp mặt trận đang áp sát quân Đức mạnh mẽ dọc Tuyến phòng thủ Siegfried vốn được tăng cường kiên cố lực lượng kể từ khi Thế chiến II bắt đầu.

Thống chế Anh quốc Bernard Law Montgomery đã vạch ra một kế hoạch phiêu lưu và mạo hiểm nhằm chọc thủng tuyến phòng thủ này bằng cách cho quân vượt qua phần hạ lưu Sông Rhine (sông lớn và quan trọng ở châu Âu một phần chảy qua Đức và Hà Lan), giải phóng và tiến sâu vào trung tâm Bắc Đức. Market Garden là một phần của kế hoạch này.

Market Garden: Chiến dịch đổ bộ lớn nhất lịch sử.

Market Garden là mật danh của chiến dịch tấn công đổ bộ do 3 sư đoàn không quân Đồng minh thực hiện. Market Garden được chia thành 2 phần. Phần đầu là chiến dịch "Market", tức tấn công lính dù đổ bộ vào Hà Lan nhằm chiếm giữ lãnh thổ chính và các cây cầu quan trọng để các lực lượng bộ binh Đồng minh trong phần 2 là chiến dịch "Garden" tiếp cận các cứ điểm của Đức và đổ bộ vào lãnh thổ Đức qua sông Rhine.

Tuy nhiên, các quyết định gây tranh cãi và những tình huống không thuận lợi đối với quân Đồng minh đã bắt đầu nổi lên chồng chất ngay từ khi khởi động chiến dịch Market Garden. Bất chấp những nỗ lực phi thường của họ, lực lượng Đồng minh rốt cục đã thất bại khi không thể thực hiện được các mục tiêu đề ra đồng thời phải gánh chịu những tổn thất nặng nề.

Các khu vực đổ bộ của quân Anh quá xa so với thành phố Arnhem, phía Đông Hà Lan là một nguyên nhân. Sáng 17-9-1944, 3 sư đoàn binh chủng nhảy dù của 3 nước Đồng minh bắt đầu cất cánh từ các căn cứ không quân ở Anh, qua Biển Bắc đến Hà Lan. 

Lực lượng không vận 101 của Mỹ có nhiệm vụ đánh chiếm thành phố Eindhoven, Nam Hà Lan, cũng như một số cây cầu bắc qua hệ thống sông ngòi kênh rạch thuộc phía Bắc thành phố này. Đồng thời, lực lượng không vận 82 của Mỹ được lệnh đánh chiếm vùng lãnh thổ xung quanh thành phố Nijmegen của Hà Lan giáp biên giới Đức.

Khoảng 10.000 binh sĩ Anh và Ba Lan thuộc Sư đoàn 1 lính dù Anh (biệt danh "Quỷ Đỏ") có nhiệm vụ nặng nề và khó khăn nhất: đánh chiếm cây cầu ở cực Bắc thuộc hạ lưu Sông Rhine chảy qua thành phố Arnhem. Các hệ thống phòng không của Đức quanh thành phố Arnhem được cho là quá mạnh đến nỗi lực lượng "Quỷ Đỏ" phải nhảy dù cách đó 8 dặm (khoảng 13 km) bất chấp cảnh báo của một số chuyên gia hoạch định chính sách của đồng minh rằng một bộ phận "đột kích" quy mô nhỏ có thể nhảy dù ngay trên con cầu này.

Duy nhất một tiểu đoàn của Sư đoàn 1 nói trên (chưa đầy 800 binh sĩ) đã tìm cách xoay sở để đến được cây cầu ở thành phố Arnhem nói trên (cầu Arnhem), trong khi quân Đức đã dồn số binh sĩ còn lại vào ổ phục kích gần làng Oosterbeek cách cầu Arnhem vài km.

Quân Đồng minh có quá ít máy bay vận chuyển. Do số lượng hạn chế máy bay chiến đấu nên các lực lượng của Anh tại Arnhem đã phải tốn đến 3 ngày để đổ bộ dần dần vào Hà Lan, chứ không phải đổ bộ tổng lực một lần, làm giảm thiểu khả năng gây bất ngờ cũng như hiệu quả của cuộc tấn công. 

Mặc dù nhiều binh sĩ thuộc Sư đoàn 1 lính dù Anh đã đổ bộ vào Arnhem vào chiều ngày đầu tiên (17-9) song Lữ đoàn 4 lính dù Anh và số binh sĩ còn lại của lực lượng dù lượn đã không thể đến Arnhem cho đến ngày sau đó còn lữ đoàn Ba Lan thì vẫn chưa thể đổ bộ.

Sư đoàn 1 lính dù Anh trên máy bay đến thành phố Arnhem.

Thời tiết xấu và sương mù dày đặc ở Anh vào ngày thứ 2 tiến hành chiến dịch cũng như mây mù dày đặc ở tầm thấp trên khắp chiến trường ở Hà Lan đã cản trở công tác vận chuyển binh sĩ cũng như quân nhu. Trong khi đó, quân nhu lại có vai trò thiết yếu đối với sự tồn tại của các lực lượng Anh để họ duy trì chiến đấu nhằm giữ vững cầu Arnhem.

Tín hiệu radio gián đoạn khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi địa hình rừng rậm và việc các tiểu đoàn của Anh không đổ bộ đồng loạt đồng nghĩa với việc các đài liên lạc radio của họ ngừng hoạt động. Điều này làm gián đoạn hệ thống liên lạc thông tin và gây khó khăn cho Sư đoàn 1 lính dù Anh và chỉ huy sư đoàn, Trung tướng Robert "Roy" Urquhart, trong việc điều hành các hoạt động phối hợp tác chiến tấn công thành phố Arnhem.

Theo sử gia Antony Beevor, các sĩ quan liên lạc của Trung tướng Urquhart đã dự tính được những khó khăn và trở ngại đối với hệ thống liên lạc radio trước khi tiến hành chiến dịch. Bản thân Trung tướng Urquhart cũng bày tỏ nghi ngại nghiêm túc về chiến dịch Market Garden, mà báo chí còn gọi chiến dịch này là một "chiến dịch tự sát" chỉ 2 ngày trước khi các phi đội quân Đồng minh rời căn cứ của họ để đến Hà Lan.

Bộ binh quân Đồng minh tấn công chậm chạp. Đến cuối ngày đầu tiên của chiến dịch Market Garden, Tiểu đoàn 2 của Sư đoàn 1 lính dù Anh, dưới sự chỉ huy của Trung tá John Frost, đã tiến đến đầu phía Bắc của cầu Arnhem và tự củng cố lực lượng dựa vào những hộ dân cư sống gần đó, sẵn sàng cố thủ cây cầu cho đến khi lực lượng bộ binh tiếp viện đến hỗ trợ.

Đội thiết giáp của quân Đồng minh vượt cầu ở thành phố Nijmege.

Tuy nhiên, lực lượng bộ binh tiếp viện, dẫn đầu bởi Quân đoàn mang biệt hiệu XXX, đã gặp phải những khó khăn: Con đường dẫn đến cầu Arnhem quá nhỏ hẹp, chỉ rộng vừa đủ cho 2 phương tiện và bộ binh Đức sử dụng súng chống tăng vác vai Panzerfaust đã chiếm 9 xe tăng dẫn đầu của Anh ngay từ khi quân Anh bắt đầu tấn công. Cho đến cuối ngày đầu tiên của chiến dịch, lực lượng bộ binh Đồng minh mới nỗ lực để có thể tiến thêm chỉ được 7 dặm (khoảng 11 km).

Bước sang ngày thứ 2 của chiến dịch (18-9), bộ binh tiếp viện của quân Đồng minh đã tiến sâu được 20 dặm (khoảng 32 km) và bắt kịp với bộ binh Mỹ gần thành phố Eindhoven ở phía Nam Hà Lan. 

Trước đó, lính dù thuộc Sư đoàn 101 của Mỹ đã cố gắng giải phóng thành phố này khỏi sự kiểm soát của phát xít Đức. Mặc dù bộ binh tiếp viện nói trên đã chiến đấu trên mọi ngả đường dọc theo nhánh sông Waal thuộc sông Rhine chảy qua Hà Lan trước ngày 20-9 song họ vẫn còn cách xa đến 8 dặm (gần 13 km) để có thể cứu trợ cho đồng đội Anh đang cố thủ tại cầu Arnhem chờ lực lượng tiếp viện.

Sự chậm trễ trong khâu tiếp viện này đã khiến quân Đồng minh không thể thực hiện một số cuộc tấn công theo kế hoạch mặc dù đã chiếm đóng được một số cây cầu trọng yếu ở Hà Lan.

Nhận định sai về đối phương. Ngay cả trước khi chiến dịch Market Garden bắt đầu, tình báo quân Đồng minh có những thông tin tình báo cho thấy 2 Sư đoàn thiết giáp mang biệt danh SS Panzer của Đức được trang bị đầy đủ trang thiết bị đã hiện diện tại khu vực xung quanh thành phố Arnhem. 

Tuy nhiên, các sĩ quan chỉ huy chiến dịch Market Garden, trong đó có Trung tướng Frederick “Boy” Browning, đã quyết định tiến hành chiến dịch này bằng bất kỳ cách nào, một rủi ro tiềm ẩn đã biến thành một thảm họa đối với lực lượng quân Đồng minh tại thành phố Arnhem.

Ngoài việc đánh giá thấp về vai trò của Sư đoàn SS Panzer, việc quân Đồng minh nhận định rằng Đức Quốc xã sẽ không phản công lớn do quân Đức ở thế rút lui hoàn toàn sau khi quân Đồng minh giải phóng phần lớn lãnh thổ Pháp bị Đức chiếm đóng cũng là một đánh giá sai lầm.

 Bởi Hitler coi việc rút lui này là sự sụp đổ trên Mặt trận phía Tây. Hitler đã triệu hồi nguyên soái về hưu Gerd von Rundstedt tiếp tục tham gia tái lập và củng cố lực lượng Đức ở phương Tây và nhanh chóng củng cố lực lượng tại các khu vực trọng yếu gần các cây cầu và thành phố quan trọng.

Bước tiến quân chậm chạp của Quân đoàn XXX đã tạo thời cơ để quân Đức có thêm thời gian củng cố hệ thống phòng thủ của họ, đáp trả lại lực lượng bộ binh của Đồng minh đang tiến tới tại thành phố Nijmegen giáp biên giới Đức và khiến tiểu đoàn Anh cố thủ chiến đấu đơn độc tại thành phố Arnhem phải chống đỡ trước một cuộc tấn công thảm khốc gây thương vong và thiệt hại nặng nề dù tiểu đoàn này đã kháng cự quyết liệt trước khi chịu đầu hàng vào ngày thứ 5 của chiến dịch. 

Khi không thể thực hiện được mục tiêu chính của chiến dịch, hơn 3.000 binh sĩ Anh bám trụ tại thành phố Oosterbeek (Hà Lan) cho đến ngày 25-9 đã buộc phải bắt đầu rút lui dọc Sông Rhine.

Mặc dù Chiến dịch Market Garden đã giải phóng được nhiều phần lãnh thổ Hà Lan khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã, thiết lập được một vị trí nhất định để từ đó quân Đồng minh có thể tiến hành các chiến dịch tấn công sau này vào Đức đồng thời thể hiện lòng quả cảm và quyết tâm của quân Đồng minh trong cuộc chiến ở thành phố Arnhem, song chiến dịch này vẫn là một sự thất bại thảm hại, tốn kém và gây nhiều thương vong, với những hậu quả còn tồn tại lâu dài.

Nếu Market Garden thành công thì Thế chiến II đã có thể kết thúc ở châu Âu trước mùa Giáng sinh năm 1944 với viễn cảnh lực lượng quân Đồng minh của các nước phương Tây sẽ diễu hành ăn mừng chiến thắng một cách hoành tráng tiến vào Berlin.

Thế nhưng, thay vào đó, Thế chiến II đã kéo dài thêm gần 1 năm nữa sau Chiến dịch Market Garden. Mặc dù vậy, việc kéo dài thời gian này lại giúp Hồng quân Liên Xô đánh chiếm Berlin vào tháng 5-1945, một cột mốc vốn đánh dấu bước ngoặt mang tính quyết định đối với tương lai của một châu Âu thời hậu chiến.

75 năm đã trôi qua...

Năm 2019 này đánh dấu 75 năm kỷ niệm Chiến dịch Market Garden. Tại một lễ kỷ niệm ở thị trấn Berg en Dal thuộc Hà Lan, thị trưởng Mark Slinkman bình luận chiến dịch lính dù đổ bộ vào ngày 17-9-1944 này "đánh dấu sự khởi đầu của việc chấm dứt Thế chiến II".

Cho đến nay, Market Garden vẫn được xem là chiến dịch đổ bộ quy mô lớn nhất lịch sử với sự tham gia của hơn 34.000 lính dù Đồng minh với mục tiêu chiếm đóng các cây cầu và những khu vực quan trọng giúp mở đường cho lực lượng bộ binh Đồng minh tiến vào Đức. Mặc dù lực lượng Đồng minh đã vấp phải những khó khăn khôn lường và chịu những thất bại to lớn, nhưng chiến dịch là một thời khắc trọng đại đối với một trong những liên minh hùng mạnh nhất trong lịch sử.

Tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm chiến dịch này bên sông Waal hôm 20-9, Tướng Richard D. Clarke, từng là chỉ huy Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt của Mỹ, bình luận rằng mối quan hệ đồng minh này được tạo nên vượt ra khỏi những giá trị chung của các nước đồng minh tham chiến cũng như vượt ngoài hy vọng của họ rằng sự tự do có thể giúp đập tan chế độ chuyên chế khi đó. 

Nhận định về ý nghĩa tiềm ẩn của Market Garden, Tướng Clarke khẳng định. “Nếu như phải mất 4 năm để quân Đồng minh chứng tỏ rằng họ có thể chiến đấu bên nhau thì chiến dịch Market Garden lại chứng tỏ rằng họ sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì nhau".

Hà Ngọc (Tổng hợp)
.
.