Những đạo quân bí mật của NATO:

Vì sao NATO, CIA và MI-6 vẫn “già mồm cãi cố”?

Thứ Tư, 02/12/2009, 17:20
Trong khi nhiều cuộc điều tra tư pháp và quốc hội đều khẳng định rằng, Mỹ và Anh đã thiết lập một thế lực kiểm soát ngầm tại tất cả các nước đồng minh trong thập niên 80-90 thế kỷ trước, nhưng NATO, CIA và MI-6 vẫn một mực phủ nhận.

Bởi Washington và London không coi đó là một giai đoạn của lịch sử mà là công cụ hiện hữu (những vụ bắt cóc bí mật tại châu Âu và những chuyến bay ma chuyển nghi can khủng bố dưới thời Tổng thống G.W. Bush là những minh chứng hùng hồn nhất). Những đạo quân bí mật của NATO hiện nay vẫn được bảo vệ bởi nguyên tắc bí mật quốc phòng vì chúng chưa bao giờ ngừng hoạt động.

Vào thời điểm mạng lưới Gladio bị bại lộ năm 1990, NATO, liên minh quân sự lớn nhất thế giới, gồm 16 quốc gia do Mỹ đứng đầu, đã phản ứng một cách rất yếu ớt trước những tiết lộ của Thủ tướng Italia Andreotti và lo sợ hình ảnh của khối quân sự này bị ảnh hưởng bởi khi những đạo quân bí mật được vén màn đều bị cáo buộc dính líu tới những vụ đánh bom, tra tấn, đảo chính và nhiều chiến dịch khủng bố đẫm máu tại các quốc gia Tây Âu.

Đến ngày 5/11/1990, sau một tháng im hơi lặng tiếng, NATO đã chính thức lên tiếng phủ nhận toàn bộ những tiết lộ của ông Andreotti liên quan tới việc liên minh này tham gia vào Chiến dịch Gladio và đứng đằng sau các đạo quân bí mật. Phát ngôn viên NATO, Jean Marcotta, khẳng định rằng khối này chưa bao giờ sử dụng tới lực lượng khủng bố và tham gia vào các chiến dịch bí mật; chỉ quan tâm tới những vấn đề quân sự và bảo vệ biên giới cho các nước đồng minh.

Tuy nhiên, đến ngày 6/11/1990, một phát ngôn viên khác của NATO lại giải thích rằng, lời phát biểu của Marcotta một ngày trước đó là sai. Người này chỉ cung cấp cho báo giới một thông báo ngắn gọn rằng, NATO chưa bao giờ bình luận tới những vấn đề thuộc về bí mật quân sự và rằng Marcotta đáng lý phải giữ im lặng. Giới truyền thông quốc tế sau đó đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ sự lộn xộn trong chiến lược thông tin của NATO.

Trong khi uy tín của NATO đang bị giảm sút, báo chí quốc tế tiếp tục giáng một đòn mạnh vào tổ chức này: Một đạo quân bí mật của NATO bị tình nghi có quan hệ với khủng bố (báo the Guardian số ra 10/11/1990); Quả bom khủng bố tại Bologne là do một đơn vị của NATO cung cấp (Báo Ibid số ra ngày 16/1/1991)... Quan chức cấp cao nhất của NATO tại châu Âu, tướng Mỹ John Galvin, đã khẳng định rằng, những tiết lộ của báo chí quốc tế là hoàn toàn có cơ sở, nhưng bí mật phải được giữ kín.

Theo báo chí Tây Ban Nha, ngay sau khi vụ hớ hênh trong chiến dịch truyền thông ngày 5 và 6/11, Tổng thư ký NATO Manfred Worner đã nhóm họp khẩn cấp các đại sứ của khối về vấn đề Gladio ngày 7/11/1990 và yêu cầu tiến hành điều tra về việc tiết lộ thông tin ngày 5/11.

Trong cuộc họp với 16 đại sứ của các quốc gia thành viên, ông Manfred Worner đã chỉ rõ rằng, chính John Galvin là người đã để lộ thông tin, theo đó bộ phận chỉ huy guồng máy quân sự của NATO đã phối hợp những hành động của Gladio.

Ngoài ra, theo một số nguồn tin giấu tên được báo El Pais đăng tải ngày 16/11/1990, thì Văn phòng an ninh NATO đã trực tiếp tham gia vào chiến dịch Gladio. Đồn trú ngay bên trong tổng hành dinh của NATO tại Brusels, văn phòng bí mật này là một phần không thể thiếu của NATO kể từ khi khối này được thành lập, năm 1949. Nhiệm vụ của văn phòng này là điều phối, giám sát và triển khai những chính sách an ninh của NATO.

Chủ nhiệm văn phòng này đồng thời là Chủ tịch Ủy ban an ninh NATO, thường xuyên điều phối các cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan tình báo các nước thành viên để bàn về những vấn đề tình báo, khủng bố, đảo chính và những mối đe dọa khác, trong số đó có chủ nghĩa Cộng sản tại Tây Âu.

Những quốc gia Tây Âu có đạo quân Gladio.

Nhà nghiên cứu người Đức Erich Schmidt Eenboom cho biết rằng, giám đốc các cơ quan tình báo của nhiều nước Tây Âu, đã nhóm họp nhiều lần vào cuối năm 1990 nhằm lập ra một chiến lược chống lại những tiết lộ về Gladio. Những cuộc họp như vậy bí mật diễn ra tại Văn phòng an ninh NATO.

Báo chí quốc tế khi đó đã nhiều lần xin phỏng vấn Tổng thư ký NATO Manfred Worner để mong có được một lời giải thích hay chí ít là một lời bình luận về những đạo quân bí mật của NATO nhưng Worner đã từ chối mọi lời đề nghị vì cho rằng, chính sách của khối là không phát biểu những gì liên quan tới bí mật quân sự. Chán nản, giới truyền thông quay sang chất vấn Joseph Luns, từng làm Tổng thư ký NATO từ năm 1971 đến 1984.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại, Luns cũng phủ nhận sự tồn tại của một mạng lưới bí mật của NATO. Tuy nhiên, Luns lại thừa nhận đôi khi cũng được báo cáo vắn tắt về những chiến dịch đặc biệt của NATO.

Thomas Polgar, cựu quan chức CIA, thừa nhận những đạo quân bí mật của NATO tại châu Âu được điều phối bởi một nhóm lập kế hoạch chiến tranh không quy ước có liên hệ với NATO. Thực vậy, để chống lại sự ảnh hưởng của trào lưu Cộng sản tại một số nước Tây Âu, ngay sau Thế chiến II, NATO đã tiến hành một cuộc chiến bí mật, không quy ước.

Những điều tra của Quốc hội Bỉ về Gladio cho biết, cuộc chiến này còn có thể bắt đầu từ trước khi NATO được thành lập và được điều phối bởi Ủy ban bí mật liên minh Tây Âu (CCWU) từ năm 1948. Theo chuyên gia về những chiến dịch bí mật người Pháp Philip Willan thì sự tồn tại của những điều ước bí mật của NATO là nhằm lôi kéo cơ quan tình báo các nước thành viên và ngăn chặn việc lên nắm quyền của những người Cộng sản tại các quốc gia này. Tài liệu gốc về những quy ước bí mật chống Cộng sản của NATO đến giờ vẫn chưa được tiết lộ nhưng những tiết lộ nhỏ giọt về nội dung của nó lại không ngừng được đưa ra sau phát hiện các Gladio. --PageBreak--

Trong một bài báo nói về Gladio, nhà báo người Mỹ Arthur Rowse viết: "Điều khoản bí mật của hiệp ước tạo lập NATO năm 1949 quy định rằng, tất cả các nước thành viên phải thiết lập một bộ máy an ninh quốc gia phụ trách việc chống lại chủ nghĩa Cộng sản thông qua các nhóm bí mật".

Được thành lập năm 1947, tức hai năm trước NATO, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có nhiệm vụ chính trong Chiến tranh lạnh là chống lại chủ nghĩa Cộng sản khắp nơi trên trái đất thông qua những chiến dịch bí mật nhằm gia tăng ảnh hưởng của Mỹ. Trong khi cuộc tranh luận tại Mỹ về việc có tồn tại hay không một "chính quyền trong bóng tối" của Mỹ tại Tây Âu thì hiện tượng Gladio đã chứng tỏ rằng, CIA và Lầu Năm Góc đã nhiều lần vượt qua mọi nguyên tắc dân chủ cả trong Chiến tranh lạnh lẫn sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu sụp đổ.

Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Italia tháng 12/1990, Đô đốc Stansfield Turner, Giám đốc CIA từ năm 1977 đến 1981, một mực từ chối bàn luận về vụ Gladio. Nhưng những cựu quan chức cấp thấp hơn của CIA thì lại dễ dàng chấp nhận nói về những bí mật trong Chiến tranh lạnh và các chiến dịch bí mật của CIA. Thomas Polgar, về hưu năm 1981 sau 30 năm làm việc cho CIA cho biết, chỉ huy các lực lượng bí mật của NATO tại Tây Âu thường nhóm họp hai tháng một lần tại các nước khác nhau.

Ngày 15/4/1991, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu tư nhân và độc lập National Security Archive của Trường đại học George Washington đã gửi kiến nghị dựa theo điều luật tự do thông tin lên CIA yêu cầu tất cả các cơ quan của chính phủ phải chứng minh tính hợp pháp trong hành động của họ trước dân chúng.

Malcolm Byrne, Phó giám đốc National Security Archive, còn yêu cầu CIA cho phép tiếp cận tất cả những tài liệu liên quan tới những quyết định của Chính phủ Mỹ giai đoạn từ năm 1951 - 1955, liên quan tới việc tài trợ, ủng hộ hay hợp tác với tất cả các đạo quân bí mật, các mạng lưới hoặc đơn vị được thành lập nhằm ngăn cản ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản hoặc tiến hành những chiến dịch bí mật tại Tây Âu. Nhưng CIA từ chối hợp tác.

Một cuộc họp của NATO

Ngày 18/6/1991, CIA trả lời rằng: "CIA không thể khẳng định hay phủ định việc tồn tại hay không những tài liệu đáp ứng yêu cầu của National Security Archive". Khi Byrne cố phản đối việc từ chối hợp tác của CIA thì cơ quan này viện dẫn hai ngoại lệ trong Luật tự do thông tin của Mỹ, theo đó từ chối mọi yêu cầu đối với những thông tin được xếp vào hàng bí mật quốc gia.

Sau đó, lãnh đạo một số nước Tây Âu như Italia, Áo... cũng lên tiếng đòi CIA giải thích về sự liên quan với các đạo quân bí mật tại châu Âu, nhưng lần nào cũng vậy, CIA từ chối trả lời vì cho rằng đó là những thông tin thuộc bí mật an ninh. Tính tới thời điểm này, đã có tới 315 đơn kiến nghị của các chính phủ, tổ chức và cá nhân yêu cầu CIA giải thích về các đạo quân Gladio nhưng đến nay vẫn chưa có yêu cầu nào được hồi âm.

Sau NATO và CIA, tổ chức thứ 3 liên quan tới các lực lượng Gladio là MI-6. Trong khi bộ phận hành pháp Anh và MI-6 từ chối mọi lời bình luận về Gladio thì, Rupert Allason, thành viên đảng Bảo thủ, tác giả của nhiều cuốn sách về các cơ quan tình báo của Anh, khẳng định hồi tháng 11/1990 với Hãng thông tấn AP rằng, nước Anh đã và vẫn luôn tham gia mạnh mẽ vào các mạng lưới bí mật trên.

Allason giải thích: "Cùng với Mỹ, nước Anh đã lập nên dự án thành lập các mạng lưới bí mật tại Tây Âu và tham gia với tư cách là nhà tài trợ và chỉ huy. Tối ngày 4/4/1991, Đài BBC trong một chương trình phát sóng đã cho biết trách nhiệm của Anh trong việc thành lập những mạng lưới bí mật này rất rõ ràng và chỉ trích MI-6 cùng Bộ Quốc phòng Anh cố tình che giấu những thông tin liên quan tới Gladio. BBC sau đó đã không nhận được phản ứng từ bất kỳ quan chức nào trong Chính phủ Anh về vụ bê bối Gladio. Lời khẳng định chính thức về sự liên quan của MI-6 chỉ đến vài năm sau đó và trong một khuôn khổ bất thường: tại một viện bảo tàng. Tháng 7/1995, trong một cuộc triển lãm về chủ đề "những cuộc chiến bí mật" tại Bảo tàng Chiến tranh ở London xuất hiện một tủ trưng bày dành riêng cho MI-6 với lời bình: "Những công tác chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3 bao gồm cả việc thành lập những đạo quân bí mật có nhiệm vụ ngăn cản sự ảnh hưởng của Liên bang Xôviết tại Tây Âu".

Giới cựu quan chức MI-6 coi cuộc triển lãm này như là một cơ hội để họ tự do nói về chiến dịch Gladio. Vài tháng sau cuộc triển lãm này, một số cựu nhân viên của MI-6 đã thừa nhận với nhà văn Michael Smith rằng, vào cuối thập niên 40 đầu thập niên 50, Mỹ và Anh đã tuyển mộ các lực lượng để thành lập nên các tổ chức bí mật tại Tây Âu nhằm chặn đứng đà tiến của chủ nghĩa Cộng sản tại khu vực này 

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.