Vì sao các thiết bị phòng không Israel không cản được tên lửa Hezbollah?

Thứ Tư, 16/08/2006, 08:00

Mặc dù có trong tay tất cả các thành tựu của công nghệ tiên tiến, các nhà quân sự Israel tỏ ra bất lực trước tên lửa của lực lượng Hezbollah. Sau 10 năm hợp tác nghiên cứu giữa Israel và Mỹ, các nhà thiết kế đã từ bỏ ý định chế tạo ra đại bác laser dùng cho lực lượng phòng không. Vũ khí kỳ diệu này không thể chống lại các cuộc bắn phá bằng tên lửa của Hezbollah.

Dự án hợp tác này của Mỹ và Israel đã được nghiên cứu trong 10 năm qua. Khoảng 300 triệu USD đã được tiêu tốn cho chương trình đó. Song vào mùa thu vừa qua Israel đã phải lặng lẽ chấm dứt ý tưởng này.

Cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông hiện nay cho thấy việc tiêu tốn đã trở thành vô ích. Súng laser, mà nhờ nó người Israel dự định bảo vệ trước các cuộc phóng tên lửa của Hezbollah, đã không được trang bị cho quân đội.

Ý tưởng chế tạo máy phóng “laser chiến thuật năng lượng cao”, có khả năng tiêu diệt bất cứ vật thể bay nào bằng chùm tia hồng ngoại, nghe rất hấp dẫn. Những máy phát laser như vậy, dự định  đặt ở biên giới phía bắc của Israel, sẽ phải chống lại tên lửa của Hezbollah.

Vào năm 1996, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton và đồng nghiệp Israel Simon Peres đã thảo luận về vấn đề tiêu diệt tên lửa được phóng từ miền Nam Liban, như hiện giờ đang diễn ra. Bây giờ người ta mới thấy Hezbollah không chỉ có trong tay các tên lửa lỗi thời, mà còn có nhiều cái mới làm Israel khó chịu.

Hệ thống laser được thử nghiệm trong những năm 2000 và 2002, đã tỏ ra có khả năng đánh chặn tên lửa và đạn pháo.

Song, theo tin của New York Times, phía quân đội Israel phải thừa nhận rằng trong các cuộc thử nghiệm người ta chỉ phóng đồng thời không quá 2 quả tên lửa. Trong khi đó Yiftah Shapir, một chuyên gia của Đại học Tổng hợp Tel-Aviv, cho biết là mỗi phút Hezbollah phóng đến 40 quả đạn.

Theo các dữ liệu chính thức, như tạp chí Spigel của Đức dẫn từ nguồn của Sứ quán Israel tại Washington, người ta đã phải từ bỏ việc chế tạo vũ khí phòng không bằng laser do chi phí quá cao. Một vấn đề khác là để tạo ra đủ năng lượng cần thiết, thiết bị laser phải có những hóa chất rất độc hại.

Thế nhưng nó chỉ phóng tia được một vài lần trước khi phải nạp “nhiên liệu” lại, giá một lần phóng là 3.000 USD. Ngoài ra, khối máy laser di động có kích thước bằng 6 chiếc xe buýt lớn, có nghĩa nó là “miếng mồi ngon” trước đối phương.

Nhà sản xuất vũ khí Northrop Grumman Space Technologyh mới đây đã giới thiệu phiên bản rút gọn của hệ thống di động Skyguardh. Người ta dự kiến sử dụng nó để bảo vệ các sân bay của Mỹ trước pháo kích. Khối laser trị giá 150 triệu USD, có khả năng “che phủ” diện tích có bán kính 10km. Như vậy là không đủ để tạo tấm chắn vững chắc trước các cuộc tấn công bằng tên lửa, vì người ta muốn dùng thiết bị phòng không laser để ngăn chặn tên lửa từ Liban bắn sang Israel

Hòa Thư (Tổng hợp)
.
.