Vì sao kế hoạch chế tạo “mẫu hạm trên không” của Mỹ và Liên Xô thất bại

Thứ Hai, 10/03/2008, 17:45
Sự cố  xảy ra vào chiều tối một ngày tháng 4/1933, khi chiếc phi thuyền “Acheron” đang tiến hành cuộc thử nghiệm thông thường, bỗng một luồng khí cực mạnh ập tới và hất nó ra ngoài biển, đầu phi thuyền chổng lên, còn phần đuôi thì bị gãy rơi xuống biển. Tiếp đó, chiếc phi thuyền bỗng nhiên gãy làm đôi...

Mẫu hạm khổng lồ mà mọi người thường thấy ngày nay đều hoạt động trên biển, thế nhưng không ai nghĩ rằng, cách đây 70 - 80 năm, Mỹ và Liên Xô đã từng chạy đua với nhau trong việc chế tạo ra những "mẫu hạm trên không", phục vụ an ninh của mỗi quốc gia.

Có điều, số phận của những "mẫu hạm trên không" này có kết cục không mấy tốt đẹp. "Mẫu hạm trên không" của người Mỹ bị gió thổi bay, còn những "mẫu hạm trên không" dành cho máy bay chiến đấu của Liên Xô cũng bị phá hủy trong Thế chiến thứ 2.

Người Mỹ với kế hoạch chế tạo phi thuyền khổng lồ

Vào thập niên 20, 30 của thế kỷ trước, nước Mỹ ở vào thời kỳ đại suy thoái về kinh tế, thế nhưng giới quân sự nước này vẫn “chịu chơi” khi quyết định bỏ ra 6 triệu USD để chế tạo ra 2 chiếc phi thuyền mang tên “Acheron” và “Macon” lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.

Hai chiếc phi thuyền khổng lồ này có chiều dài mỗi chiếc hơn 200m, chiều ngang chỗ rộng nhất 40m, thể tích trên 180.000 m3 với tổng trọng lượng trên 100 tấn, khi đó chúng được gọi là “mẫu hạm phi thuyền”. Lý do khiến chúng được gọi với cái tên này là do phía dưới phi thuyền được treo thêm 5 chiếc máy bay trinh sát chiến đấu 2 cánh có khoang lái dành cho một người.

Những chiếc máy bay trinh sát chiến đấu này thay phiên nhau thực hiện nhiệm vụ trinh sát, hoạt động chủ yếu nhờ vào những mẫu hạm trên không bay với vận tốc 140 km/h, tạo thành một bức tường thành trên không ngay bên trên bờ biển Thái Bình Dương.

Mục đích của Mỹ khi quyết định “thắt lưng buộc bụng” chế tạo hai chiếc "mẫu hạm trên không" này là nhằm đối phó với mối đe dọa từ Nhật Bản. Khi đó, sức mạnh quân sự của Nhật Bản ngày một lớn mạnh, lực lượng hải quân nước này đã vươn lên vị trí thứ 3 thế giới.

Để tạo ra được 2 "mẫu hạm trên không" này, người Mỹ đã phát triển kỹ thuật phi thuyền của người Đức trong Thế chiến thứ nhất, bởi khi đó những phi thuyền của người Đức không chỉ có khả năng trinh sát vượt trội mà nó còn có khả năng tác chiến vô cùng hoàn hảo. Với 51 lần không kích nước Anh, làm chết và bị thương hơn 2.000 người, vào thời đó, những phi thuyền này đúng là một vũ khí trên không vô cùng lợi hại.

Thế nhưng, nhược điểm của các phi thuyền của người Đức là bên trong của nó chứa quá nhiều khí hydro, nguyên nhân chủ yếu của nhiều vụ nổ vô cùng đáng tiếc. Do vậy, các công trình sư của Công ty chế tạo vũ khí nổi tiếng của Mỹ là Lockheed Martin đã thay thế khí hydro bằng khí helium khó gây nổ, lần lượt cho đầy vào 12 khoang trống, được cố định bằng một bộ khung hợp kim Aluminum, và lắp đặt 8 động cơ piston 560 mã lực, sau đó nó được phủ bằng 5 lớp vải dày trong suốt, tạo cho chiếc mẫu hạm có được dáng vẻ chắc chắn và có khả năng chịu lực tốt. Đồng thời, người Mỹ còn tạo ra kỹ thuật móc câu để liên kết máy bay chiến đấu vào mẫu hạm.

Ngoài ra, họ còn tính toán đến việc khống chế tốc độ của máy bay sao cho phù hợp với chiếc mẫu hạm, khi máy bay hoàn thành nhiệm vụ, một chiếc “móc câu” phía trên máy bay sẽ được đẩy ra để móc vào mẫu hạm, sau đó, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ mà những "mẫu hạm trên không" này sẽ tiếp tục “trôi nổi” hay quay trở lại căn cứ.

Năm 1928 và 1931, hai chiếc phi thuyền mẫu hạm “Acheron” và “Macon” lần lượt ra đời. Với ưu điểm có thể thực hiện chuyến hành trình dài, khả năng vận chuyển tốt nên nó rất thích hợp với nhiệm vụ oanh tạc từ xa hay trinh sát chiến lược, bên cạnh đó độ an toàn kết cấu lại rất đáng tin cậy nên nó được gọi là “Kỳ tích công nghệ cao vượt thời đại”.

Liên Xô thực hiện kế hoạch chế tạo máy bay mẹ con

Trong khi người Mỹ đang bận bịu với các kế hoạch của mình thì cùng lúc, Liên Xô cũng bắt đầu triển khai một kế hoạch "mẫu hạm trên không" vô cùng táo bạo. Tuy nhiên, khác với mẫu hạm phi thuyền của Mỹ, Liên Xô quyết định lấy máy bay ném bom hạng nặng làm mẫu hạm, còn máy bay chiến đấu được đặt phía trên hoặc được treo phía dưới, tạo nên một khối tổ hợp chiến đấu trên không vô cùng hoàn hảo.

Cách làm mới mẻ này được Liên Xô gọi là “kế hoạch liên hoàn”. Từ sau khi nhà khoa học Vakhmistrov thuộc Viện Nghiên cứu khoa học Không quân Liên Xô đưa ra ý tưởng này vào tháng 6/1931, Liên Xô bắt đầu huy động những nhà khoa học hàng không đầu ngành của mình cùng một khoản kinh phí khổng lồ để nghiên cứu, chế tạo trong suốt hơn 10 năm trời.

Cuối cùng, các công trình sư Liên Xô đã tiến hành cải tiến và lắp đặt thành công 2 chiếc máy bay chiến đấu lên trên đôi cánh của một chiếc máy bay ném bom, trọng lượng cất cánh của toàn bộ hệ thống trên 10 tấn. Trong cuộc thí nghiệm, chiếc máy bay chiến đấu được thiết kế để trượt theo giá 3 chân được cố định trên cánh của chiếc mẫu hạm, còn cánh đuôi được cố định cũng trên một giá 3 chân, có thể giương lên, cụp xuống để kiểm soát độ cao và hướng bay của máy bay.

Tháng 12/1931, khi chiếc “mẫu hạm” lên đến độ cao trên 3.000m, hai chiếc máy bay chiến đấu đã đồng thời thoát ra khỏi máy bay mẹ, khiến cho hành trình của chiếc chiến đấu cơ trước đấy chỉ đạt được 341 dặm/giờ có thể đạt 372 dặm/giờ, kế hoạch mẫu hạm trên không của Liên Xô bước đầu đã thành công.

Trên cơ sở đó, Liên Xô bắt đầu sử dụng những máy bay chiến đấu tốt hơn, sau đó họ đã tiến hành liên tiếp trên 7 cuộc thí nghiệm tổ hợp khác nhau. Trong các cuộc thí nghiệm, nhiều ý kiến đã được đề xuất nhằm tăng cường khả năng tác chiến cho tổ hợp này, các ý kiến đều tập trung vào việc nâng số lượng máy bay chiến đấu được trang bị trên máy bay mẹ lên thành 5 chiếc, thay vì 2 chiếc như đã thực hiện.

Trong đó, phương án thiết kế đáng chú ý nhất là, mỗi một mẫu hạm sẽ mang trên mình “5 máy bay chiến đấu, rồi kết hợp với những mẫu hạm khác thành một cụm mẫu hạm trên không, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ trinh sát từ xa trong thời gian 5 đến 6 tiếng, hình thành một lực lượng trên không vô cùng mạnh mẽ.

Thế nhưng, sau khi tính đến góc độ thực dụng, cuối cùng các công trình sư Liên Xô đã hủy bỏ phương án này, thay vào đó là áp dụng phương án mỗi mẫu hạm chỉ mang theo 2 máy bay chiến đấu tốc độ cao được đưa ra tháng 8/1934. Tới năm 1937, sau những thành công trong những cuộc thí nghiệm, Liên Xô bắt đầu cho sản xuất hàng loạt sản phẩm độc đáo của mình. Lúc này, Liên Xô cũng đã nắm được kỹ thuật hiện đại dùng máy bay thu hồi máy bay trên không.

Thất bại của Mỹ

Mặc dù được coi là “Kỳ tích công nghệ cao vượt thời đại”, thế nhưng, ngay sau khi phi thuyền mẫu hạm Acheron được ra đời, nó đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về tiếp đất. --PageBreak--

Sự cố lần đầu tiên xảy ra khi các nghị sĩ Quốc hội Mỹ bỗng nhiên nổi hứng muốn đi thử chiếc phi thuyền, và họ đã gặp phải tai họa khi một cơn gió mạnh thổi với vận tốc 80 km/h ập tới, làm cho chiếc phi thuyền bị chao đảo. 3 nhân viên kiểm soát mặt đất bị kéo lên không trung, 2 người trong số đó đã thiệt mạng, còn chiếc phi thuyền cũng bị hư hại nặng nề.

Sự cố thứ hai xảy ra vào chiều tối một ngày tháng 4/1933 khi chiếc phi thuyền “Acheron” đang tiến hành cuộc thử nghiệm thông thường, bỗng một luồng khí cực mạnh ập tới và hất nó ra ngoài biển, đầu phi thuyền chổng lên, còn phần đuôi thì bị gãy rơi xuống biển.

Tiếp đó, chiếc phi thuyền bỗng nhiên gãy làm đôi, trong số hàng trăm người trên phi thuyền lúc đó chỉ có 3 người sống sót, tướng William Truck, một trong số ít người ủng hộ cho kế hoạch phi thuyền trong lực lượng Hải quân Mỹ cũng gặp nạn.

Tai họa không chỉ giáng xuống chiếc “Acheron” mà còn xảy ra với cả chiếc "Macon". Tháng 2/1935, khi đang tiến hành cuộc thử nghiệm bên ngoài bờ biển California, một trận cuồng phong cực mạnh bất ngờ xuất hiện, thổi từ phía mạn phải chiếc phi thuyền tới khiến cho thân nó lắc lư dữ dội. Tiếp đó, bộ phận giữ thăng bằng ở phía đuôi phi thuyền bị gãy vụn, những mảnh vỡ bắn ra từ đó lại chọc thẳng vào 3 chiếc túi chứa khí helium.

Chiếc macon đang bay thử.

Chiếc "Macon" đã hoàn toàn mất kiểm soát, mặc dù những nhân viên trên phi thuyền đã cố gắng ném ra ngoài tất cả những gì có thể để giảm trọng tải, lấy lại thăng bằng cho chiếc phi thuyền, nhưng lúc này, nó đã bắt đầu rơi tự do. Rất may là chiếc phi thuyền khá lớn nên tốc độ rơi tự do của nó không cao, 81 người có mặt trên phi thuyền lúc đó đã may mắn sống sót, nhưng vẫn có hai người tử nạn.

Hai bi kịch liên tiếp xảy ra đã khiến cho người Mỹ bắt đầu nghi ngờ về kế hoạch hàng không mẫu hạm trên không mà mình đã đổ bao tiền của mồ hôi công sức vào đó. Cuối cùng, Tổng thống Mỹ Roorevelt buộc phải ra lệnh tạm dừng tất cả các chương trình liên quan.

Tháng 5/1937, phi thuyền “Hindenburg” bất ngờ bốc cháy tại bang New Jersey, làm chết 60 người. Đến lúc này, người Mỹ đã hoàn toàn mất hết lòng tin vào cái gọi là mẫu hạm trên không buộc phải hủy bỏ tất cả các chương trình liên quan đến kế hoạch chế tạo mẫu hạm trên không.

về đoạn kết những mẫu hạm trên không của Liên Xô

Khác với thất bại quá sớm và nặng nề của người Mỹ trong kế hoạch này, những mẫu hạm trên không của Liên Xô đã có dịp được thể hiện sức mạnh của mình trong những cuộc giao chiến với quân Đức. Trong các cuộc giao tranh đó, 6 chiếc mẫu hạm trên không đã được phối thuộc vào lực lượng không quân thuộc Hạm đội Biển Đen của Liên Xô và đến tháng 7/1941 bắt đầu được đưa vào chiến đấu.

Trong thời gian khoảng 1 tháng, các máy bay chiến đấu trên những chiếc mẫu hạm này đã nhiều lần không kích thành công giếng dầu Constanza cùng nhiều mỏ luyện dầu và dự trữ dầu ở Romania bị Đức chiếm giữ mà không gặp phải tổn thất, ngoại trừ hai chiếc máy bay nhỏ bị bắn rơi.

Tổn thất nặng nề đối với người Đức trước những chiếc mẫu hạm trên không của Liên Xô lên đến đỉnh điểm xảy ra vào ngày 13/8/1941. Hôm đó, mục tiêu tấn công của các mẫu hạm là đường ống dẫn dầu và một cây cầu được bảo vệ bởi nhiều tầng lớp pháo cao xạ.

Trước đó, các máy bay ném bom của Liên Xô đã từng nhiều lần tấn công cây cầu này, nhưng không thể phá hủy được hệ thống pháo cao xạ dày đặc quanh đó, ngược lại còn bị tổn thất rất nghiêm trọng. Lần này, phía quân đội Liên Xô quyết định sử dụng con át chủ bài của mình.

3 giờ sáng cùng ngày, 3 chiếc mẫu hạm trên không cất cánh từ sân bay Crimea, 6 chiếc máy bay nhỏ được phóng ra, lao thẳng xuống cây cầu. Và trước khi lực lượng pháo cao xạ của Đức chưa kịp có phản ứng thì 5 quả bom, mỗi quả với trọng lượng 250 kg, đã được thả xuống phía cây cầu và phá hủy toàn bộ những đường ống dẫn dầu quanh đó.

Trên đường quay trở lại, 6 chiếc máy bay nhỏ này còn “tiện thể” quét sạch một đội quân mặt đất của Đức Quốc xã. Do lập được chiến công lớn, Đại úy Bikov - người chỉ huy đội bay đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lênin.

Sau đó, tình hình chiến sự bắt đầu trở nên căng thẳng, quân đội Liên Xô buộc phải tăng cường cường độ và tần suất tấn công của các mẫu hạm trên không. Mặc dù kết quả rất tốt, nhưng nó cũng đã bị quân Đức để ý, chúng nhanh chóng đưa 3 đại đội máy bay chiến đấu đến Crimea. Lúc này, tương quan lực lượng giữa hai bên đã thay đổi, máy bay của Đức với số lượng đông hơn hẳn đã nhanh chóng chiếm được lợi thế.

Ngày 23/10, phía Liên Xô điều động một cụm mẫu hạm trên không với một vài máy bay chiến đấu đến ném bom trận địa pháo binh của quân Đức, nhưng không ngờ lại bị máy bay của quân Đức bao vây. Những chiếc hàng không mẫu hạm trên không nặng nề đã bị máy bay của đối phương tấn công trực tiếp mà chẳng thể phản ứng, trong khi đó các máy bay con cũng bị truy đuổi và bị bắn rơi toàn bộ. Sau thất bại này, phía Liên Xô không còn khả năng để chế tạo những chiếc mẫu hạm trên không tiếp theo. Kế hoạch chế tạo mẫu hạm trên không cũng bị hủy bỏ hoàn toàn

Anh Tiến (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.