Vienna – “Thành phố bóng tối”

Thứ Bảy, 18/10/2014, 07:00

Dưới thời Chiến tranh lạnh, thành phố Vienna thủ đô của nước Áo trung lập trở thành “trung tâm gián điệp” náo nhiệt nhất châu Âu, liên kết giữa Đông và Tây. Thậm chí, cho đến tận ngày nay Vienna cũng không thay đổi gì mấy và vẫn còn là nơi có số lượng điệp viên tụ tập đông đảo nhất thế giới.

Theo cuốn sách mới xuất bản “Die Schattenstadt” (Thành phố Bóng tối) của nhà báo người Áo Emil Bobi, có khoảng 7.000 điệp viên trong số 17.000 nhà ngoại giao chính thức sống và làm việc tại Vienna - thành phố có chưa đến 2 triệu dân. Đội ngũ điệp viên quốc tế hưởng lợi từ các luật gián điệp tương đối phóng khoáng của Chính phủ Áo và họ đã hoạt động hết sức dễ dàng tại quốc gia Trung Âu này.

Trong tình hình phức tạp hiện nay, Bộ trưởng Nội vụ Áo đang cố gắng chấm dứt bầu không khí gián điệp nặng nề này với kế hoạch trao cho các chính quyền địa phương nhiều quyền hạn phản gián hơn. Thêm vào đó, chính quyền Áo tuyên bố họ cũng đang lo ngại về những phần tử Hồi giáo trong nước trở nên cực đoan hóa và du hành đến Iraq và Syria để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Điều đó có nghĩa là những phần tử nguy hiểm này sẽ trở thành mục tiêu của tình báo Áo.

“Sàn giao dịch thông tin" thành Vienna

Những vụ giết người giữa ban ngày, bắt cóc, do thám... tất cả đều là chất liệu tuyệt vời để xây dựng cuốn tiểu thuyết trinh thám giật gân về thủ đô Vienna của nước Áo. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt, song có một điều vẫn chưa hề thay đổi ở Vienna - thành phố xinh đẹp không chỉ có sức hút mạnh đối với du khách quốc tế mà còn là chốn hoạt động của điệp viên từ khắp nơi trên thế giới đổ về!

Trưa ngày 13/1/2009, Umar Israilov - công dân Nga gốc Chechnya, 27 tuổi rời khỏi Chechnya năm 2004 và xin tị nạn chính trị tại Áo - bị 3 sát thủ bắn chết sau khi vừa ra khỏi siêu thị Eurospar nằm trên đường Leopoldauerstrase ở thành phố Vienna. Israilov chính là người cung cấp bằng chứng trước Tòa án châu Âu về nhân quyền cho thấy Tổng thống Chechnya - Ramzan Kadyrov - phạm tội tra tấn và giết người! Các nhà điều tra Áo tin rằng một người Chechnya sống ở Vienna tên là Otto Kaltenbrunner tiếp xúc với Tổng thống Kadyrov và chịu trách nhiệm về "tổ chức hậu cần" cho vụ ám sát Israilov.

Siegfried Beer, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Tình báo, Tuyên truyền và An ninh Áo (ACIPS): "Nước Áo hiện vẫn là thiên đường của các điệp viên. Chính quyền biết điều đó nhưng hoạt động gián điệp vẫn không bị gây trở ngại. Mọi chuyện đều được giải quyết một cách lịch sự và thông qua con đường ngoại giao. Đó là một truyền thống lâu đời". Nhưng, Umar Israilov chỉ là một trong rất nhiều số phận khác ở Vienna.

Tháng 9/2008, chỉ vài tháng trước cái chết của Israilov, một âm mưu bắt cóc được lên kế hoạch nhằm vào Alnur Mussayev, cựu lãnh đạo Ủy ban An ninh Quốc gia Kazakhstan (KNP) dưới thời chính quyền Tổng thống Nursultan Nazarbayev. Mussayev phục vụ KNP từ tháng 5/1997 đến tháng 9/1998, và từ tháng 8/1999 đến tháng 5/2001 sau khi người tiền nhiệm Nurtai Abykayev bị cách chức trong vụ bê bối bán các chiến đấu cơ MiG cho CHDCND Triều Tiên.

Năm 2007, Mussayev cùng với cựu phó lãnh đạo KNP Rakhat Aliyev bay từ Kazakhstan đến Vienna. Mussayev bị chính quyền Kazakhstan buộc tội tham nhũng và chi hàng triệu USD hối lộ của các công ty dầu mỏ phương Tây cho Tổng thống Nazarbayev. Trong phiên tòa xét xử vào tháng 1/2010, bị cáo Ildar A. - một trong 3 người đàn ông bị buộc tội âm mưu bắt cóc Mussayev - được tuyên không có tội. Mussayev mô tả vụ án có "động cơ chính trị" và "nhằm làm vừa lòng Kazakhstan".

Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner (ảnh trái) và Alnur Mussayev - cựu lãnh đạo Ủy ban An ninh Quốc gia Kazakhstan.

Ở nước Áo đầy rẫy những vụ án như thế vẫn chưa được xét xử - theo nhà báo Kid Mochel, tác giả cuốn sách "Spionagedrehschube Wien" (Vienna - Trung tâm gián điệp). Còn Peter Pilz, chuyên gia quốc phòng thuộc đảng Xanh, Áo, cho rằng Vienna cung cấp những điều kiện đặc biệt thuận lợi cho điệp viên quốc tế: "Một số quốc gia như Nga và Iran, được hưởng sự tự do ở Vienna mà những nơi khác không có được".

Vienna là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế như: Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), với sự có mặt của 17.000 nhà ngoại giao - "và một nửa trong số đó có dính líu đến các cơ quan tình báo".

Trong những năm qua, hàng trăm ngàn người tị nạn bay đến Áo, trong đó có 20.000 người từ Chechnya. Chỉ riêng nước Nga đã có ít nhất 500 điệp viên hoạt động ngầm tại Vienna. Ngay đến Bộ trưởng Nội vụ Áo cũng dự đoán: "Áo vẫn sẽ là nơi hoạt động của các cơ quan tình báo nước ngoài trong tương lai". Nhà báo Emil Bobi nhận xét: "Mỗi đại sứ quán ở Vienna đều tràn ngập gián điệp".

Gert Rene Polli, cựu lãnh đạo Cơ quan Chống khủng bố Áo (BVT) phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo The Telegraph của Anh: "Vienna là sàn giao dịch thông tin. Chúng tôi có những bộ luật quản lý hoạt động gián điệp tự do nhất thế giới. Vienna cũng là nơi lý tưởng cho các điệp viên sống và mang theo cả gia đình để được hưởng nền giáo dục và các dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất sau thời gian hoạt động gian khổ tại Serbia, Iraq hay Afghanistan".

Gert Polli cũng cho rằng con số 7.000 điệp viên mà nhà báo Emil Bobi đưa ra chỉ là phỏng đoán, bởi vì con số thực tế có thể còn cao hơn nếu tính đến những cá nhân liên quan đến các hoạt động thương mại. Sự đối đầu truyền thống giữa Mỹ và Nga được thể hiện rõ với việc cả hai nước này đều có số lượng điệp viên đông đảo nhất ở Vienna. Mỹ và Nga cũng chọn Vienna là nơi trao đổi điệp viên lớn nhất trong những năm gần đây - như vụ trao đổi 14 điệp viên trong đó có nữ điệp viên Nga nổi tiếng xinh đẹp Anna Chapman tại sân bay Vienna vào năm 2010.

Thành phố Vienna, trung tâm gián điệp của châu Âu.

Trong Chiến tranh lạnh, Vienna cũng là nơi thích hợp cho hoạt động mua bán thông tin tình báo mật giữa phương Tây và Khối Hiệp ước Warsaw. Theo cuốn sách "Die Schattenstadt", hoạt động gián điệp do nhà nước bảo trợ có từ thời đế chế Áo - Hung. Nhưng sau khi đế chế này sụp đổ và trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới, chính quyền Áo vẫn giữ nguyên các bộ luật quản lý điệp viên. Có lẽ, đó là lý do mà chính nước Áo cũng trở thành mục tiêu do thám của điệp viên nước ngoài! Tác giả cho rằng: "Đó là cuộc sống ở đây, là một phần văn hóa của Vienna. Xã hội Vienna được xây dựng từ những bí mật và người dân sống với những bí mật".

Từ sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001, Vienna cũng là mảnh đất thích hợp cho các điệp viên quốc tế cạnh tranh nhau vì những lợi ích ở khu vực Trung Đông. Trước khi nổi lên vấn đề IS tuyển mộ chiến binh cực đoan phương Tây, chính quyền Áo bắt đầu tập trung tìm kiếm những biện pháp thích hợp nhằm kìm hãm hoạt động do thám của điệp viên nước ngoài sau khi tạp chí Der Spiegel của Đức đưa tin Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sử dụng Vienna làm "căn cứ" để tiến hành gián điệp nước Đức cũng như cả trụ sở Liên Hiệp Quốc!

Ông Gert Rene Polli cho biết, theo luật Áo, gián điệp rõ ràng không phải là hoạt động tội phạm trừ phi việc thu thập thông tin tình báo nhằm vào những bí mật của nước này!

Hiện nay, Bộ trưởng Nội vụ Áo - bà Johanna Mikl-Leitner, đang tìm cách để sớm chấm dứt chế độ gián điệp tự do ở nước này và sẽ có kế hoạch trao nhiều quyền phản gián hơn cho các chính quyền địa phương. Những người ủng hộ đề xuất của bà Mikl-Leitner cho rằng hệ thống luật pháp hiện nay của Áo gây phương hại cho các lợi ích quốc gia  và an ninh của Liên  minh châu Âu (EU).

Mối đe dọa từ chiến binh Hồi giáo cực đoan

Chính quyền Áo ước tính có ít nhất 140 người Hồi giáo nước này tìm đường đến Trung Đông để gia nhập IS. Báo cáo thường niên năm 2014 của BVT tiết lộ, 60 chiến binh Hồi giáo cực đoan đã từ Trung Đông quay trở về Áo kể từ  khi bùng nổ cuộc nội chiến ở Syria.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Áo Alexander Marakovits đã phát biểu trước báo chí: "Với một số biến cố mới như là gián điệp công nghiệp và chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo, chúng ta đang ở trong giai đoạn khó khăn để thực hiện nhiệm vụ mà các chuyên gia mong muốn".

Cũng theo Marakovits, luật pháp hiện nay không cho phép chính quyền Áo lưu giữ hồ sơ thông tin về các nghi can điệp viên hay khủng bố nếu không xác định tội danh đối với họ trong vòng 9 tháng từ khi bắt đầu cuộc điều tra.

Trang Fcebook của Firas Houdi.

Các giới hạn về thời gian và hệ thống luật pháp không chỉ là sự cản trở duy nhất mà còn có rào cản hành chính cần phải vượt qua. Bởi vì, Áo không phân biệt lực lượng chống khủng bố và lực lượng cảnh sát thông thường cho nên không có cách nào để thúc đẩy cho cuộc điều tra khẩn cấp. Ngoài ra, chính quyền Áo cũng không đủ trang bị phần mềm gián điệp cần thiết để giám sát sự giao tiếp kỹ thuật số.

Joseph Braude, chuyên gia an ninh về Trung Đông thuộc Trung tâm An ninh Thông tin Quốc gia Mỹ (NISC) có trụ sở tại Washington, nhận định sự giám sát điện tử "kết hợp với do thám truyền thống được chứng minh là rất hiệu quả".

Ngày 16/9 vừa qua, chính quyền Áo thông báo sẽ tiến hành thuê dụng các nhân viên xã hội và cả giáo viên để phát triển "một mạng lưới ngăn ngừa và triệt tiêu phong trào cực đoan hóa". Trung tâm Hồi giáo Vienna là nơi mà hàng ngàn tín đồ - đa phần là thanh niên độ tuổi 20 - tìm đến cầu kinh vào mỗi thứ Sáu trong tuần.

Trung tâm này gây chú ý cho chính quyền sau khi một thanh niên tự xưng là chiến binh Áo dưới tên gọi "Firas Houdi" tuyên bố trên mạng xã hội rằng anh ta trở thành người cực đoan tại nơi đây. "Firas Housi" mở tài khoản Facebook ngày 30/8 và chỉ trong vòng 6 ngày đã có hơn 400 "người bạn".

Các thông tin đưa lên Facebook từ Syria cho thấy Firas Houdi đang cười với các chiến binh khác, khoe khoang giá tiền mua phụ nữ và nhảy nhót trên bức tượng cố Tổng thống Syria Hafez al-Assad - cha của Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad. Tuy nhiên, Salim Mujkanovic - imam (thầy tế) của Trung tâm Hồi giáo - một mực phủ nhận giáo đường của ông cực đoan hóa các thành viên. Đồng thời Mujkanovic nhận định việc khống chế phong trào chiến binh Hồi giáo Áo không nên chỉ là nhiệm vụ của cảnh sát và kêu gọi người Hồi giáo cần chú ý nhiều hơn đến các thành viên trong cộng đồng có ý định gia nhập phiến quân IS.

Mujkanovic phát biểu trong một video đưa lên Internet: "Người Hồi giáo không nên nhắm mắt làm ngơ mà cần phải hết sức cảnh giác. Điều đó là vì con em chúng ta"

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.