Vụ án “gián điệp Facebook”

Thứ Bảy, 09/05/2015, 22:40
Ngày 25/2/2015, tình báo Israel đã đột kích căn nhà và bắt giữ Sidqi al-Maqt, người Syria thuộc bộ tộc Druze sống ở làng Majdal Shams trên Cao nguyên Golan. Vụ bắt giữ Sidqi al-Maqt được giữ bí mật cho đến cuối tháng 3 nhưng phán quyết buộc tội mới được công khai. Sidqi al-Maqt, 48 tuổi, bị buộc các tội: gián điệp, trợ giúp kẻ thù trong thời chiến và tiếp xúc với một điệp viên nước ngoài. Trong khi đó, Sidqi al-Maqt bị cáo buộc đã tiết lộ bằng chứng về mối quan hệ giữa Israel và nhóm Hồi giáo cực đoan Jabhat al-Nusra (Mặt trận al-Nusra).

Sidqi al-Maqt - một trong những tù nhân ngồi tù lâu nhất ở Israel - bị bắt giữ lần đầu tiên vào tháng 8/1985 vì tội tham gia kháng chiến chống lại sự chiếm đóng Cao nguyên Golan của Israel và ông đã sống suốt 27 năm trong nhà tù trước khi được trả tự do năm 2012.

Sau khi rời khỏi nhà tù, Sidqi al-Maqt chuyên chú vào việc cung cấp tài liệu về hoạt động quân sự của Israel dọc theo mặt trận Israel - Syria tại Cao nguyên Golan (bị người Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh 6 ngày hồi năm 1967) và mối quan hệ giữa Israel với nhóm khủng bố Mặt trận al-Nusra (một nhánh của Al -Qaeda ở Syria).

Sidqi al-Maqt đưa lên trang Facebook của mình nhiều thông tin và tài liệu bao gồm các hình ảnh và video. Từ đó, Sidqi Maqt - được giới truyền thông Israel đặt cho biệt danh là "Gián điệp Facebook" - bị buộc tội "xúi giục người dùng Facebook khác chia sẻ những quan điểm cực đoan chống lại chính quyền Israel" cũng như kêu gọi tiến hành đấu tranh bạo lực chống lại người Do Thái.

Sidqi al-Maqt cũng bị Israel buộc tội chuyển giao những hình ảnh và báo cáo về các vị trí của quân đội Israel cho  Syria, trong đó có một quan chức chính quyền tên là Midhat Saleh - theo tờ Ynet News của Israel.

Trong khi đó, luật sư Yamin Zidan đại diện cho Maqt bác bỏ mọi cáo buộc chống lại thân chủ của ông. Theo một người bạn của Maqt, thông tin mà ông đưa lên Internet nêu bật chi tiết về mối quan hệ gắn bó giữa Israel và nhóm Mặt trận al-Nusra - một liên minh mà Israel luôn cố giữ trong bí mật.

Người bạn giấu tên tiết lộ với Đài Truyền hình Al-Jazeera: "Khi được trả tự do năm 2012, Maqt không biết gì về Internet và công nghệ. Sau đó, ông cố gắng học hỏi và bắt đầu đưa tin về các sự kiện. Maqt đưa lên Internet rất nhiều hình ảnh cũng như video về các cuộc họp giữa quân nhân Israel và chiến binh al-Nusra. Một video của Maqt cho thấy 2 chiếc xe buýt màu trắng chở chiến binh cực đoan của tổ chức này vào một căn cứ quân sự của Israel".

Một vài video của Maqt được đài truyền hình nhà nước của Syria và kênh truyền hình tư nhân Al-Ikhbariyeh thân chính phủ nước này đưa lên sóng.

Sidqi al-Maqt giơ cao 2 tay khi nói chuyện với các phóng viên báo chí, ngày 27/3/2015.

Giới chức Syria tố cáo Israel đã tra tấn và ngược đãi Sidqi al-Maqt khi giam cầm người này với cớ là làm gián điệp cho Damascus.

Ngày 9/4, đại  diện ngoại giao Haydar Ali Ahmad của Syria ở Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi Tổng thư ký Ban Ki-moon có hành động "can thiệp trực tiếp" để trả tự do cho Sidqi al-Maqt. Ali Ahmad cho biết những cáo buộc chống lại Sidqi al-Maqt đều là "ngụy tạo" đồng thời kêu gọi Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) và các tổ chức khác của LHQ có hành động cụ thể nhằm chấm dứt hành vi ngược đãi Sidqi al-Maqt và bảo đảm người này được thả ngay lập tức.

Ali Ahmad cũng tố cáo chính quyền Israel không cho Sidqi al-Maqt tiếp xúc trực tiếp với luật sư của mình - một điều được cho là vi phạm luật pháp quốc tế. Về phía mình, chính quyền Israel đã bác bỏ cáo buộc ngược đãi tù nhân Sidqi al-Maqt.

Tại Cao nguyên Golan có khoảng 23.000 người bộ tộc Druze nhưng có tới 18.000 người từ chối tư cách công dân Israel và Sidqi al-Maqt nằm trong số này.

Người bạn giấu tên của al-Maqt cho biết: "Maqt hiện nay đang bị biệt giam và tình hình sức khỏe rất xấu. Người Israel đang cố bao biện cho hành động giam giữ Sidqi al-Maqt là vấn đề an ninh".

Israel cũng cho rằng những tài liệu video mà Sidqi al-Maqt có được là do Lực lượng Quan sát viên không can dự LHQ (UNDOF) cung cấp.

Thật ra từ năm 2012, các báo cáo hàng quý của UNDOF (Lực lượng LHQ trú đóng dọc theo ranh giới khu vực ngừng bắn phân chia vùng Golan của Syria với vùng Golan bị Israel chiếm đóng) đã tiết lộ mối quan hệ qua lại thường xuyên giữa quân đội Israel và nhóm chiến binh Mặt trận al-Nusra - bao gồm việc chữa trị cho những người bị thương, những cuộc bàn luận giữa binh sĩ Israel và chiến binh cực đoan thông qua hàng rào kỹ thuật và những chuyến xe tải đáng ngờ chạy từ phía Syria vào đất Israel.

Chiến binh nhóm Mặt trận al-Nusra.

Trong khi công khai thừa nhận chữa trị và trợ giúp nhân đạo cho ít nhất 1.500 người Syria (trong đó được UNDOF cho là tuyệt đại đa số là chiến binh cực đoan), người Israel phủ nhận cáo buộc họ có quan hệ trực tiếp với al-Nusra.

Giới quan sát quốc tế cũng nhận định trong khi tuyên bố không can dự vào cuộc xung đột đẫm máu kéo dài ở Syria, nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại.

Trung tuần tháng 4 vừa qua, Hilal Halabi - binh sĩ Israel - cũng bị tòa án quân sự nước này buộc tội chia sẻ thông tin mật trái phép với Maqt về hoạt động quân sự của Nhà nước Do Thái dọc theo hàng rào kỹ thuật (dài 240km, được Israel xây dựng với số tiền 370 triệu USD, với đầy đủ trang thiết bị công nghệ cao nhằm giám sát dọc đường biên giới nước này).

Theo tờ Jerusalem Post, Tòa án quân sự Israel ra lệnh cấm thông tin về toàn bộ vụ xét xử binh sĩ Hilal Halabi. 

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.