Vụ bê bối nghe lén Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Sáu, 18/01/2013, 15:20

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình NTV ngày 21/12/2012, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiết lộ có 4 thiết bị nghe lén được phát hiện trong văn phòng ở Quốc hội của ông và trong chiếc ôtô chính phủ. Sau đó, một báo cáo từ Văn phòng Thủ tướng ngày 25/12 tuyên bố một thiết bị nghe lén khác được tìm thấy trong văn phòng nằm ngay trong dinh thự của Thủ tướng ở thủ đô Ankara. Vậy ai đứng đằng sau chiến dịch này?

Thủ tướng Erdogan cho rằng, có một "tổ chức bí mật" đứng đằng sau chiến dịch nghe lén này. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, cụm từ "tổ chức bí mật" mô tả sự hợp tác ngầm giữa các lực lượng an ninh nhà nước và các tổ chức tội phạm. Một tổ chức bí mật mà người ta có thể liên tưởng đến là Ergenekon, một tổ chức dân tộc chủ nghĩa cực đoan với các thành viên từ quân đội và các cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.

Ergenekon liên quan đến các hoạt động chính trị và tội phạm nhằm bảo vệ quyền lực chính trị của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, chống lại sự nắm quyền của người Hồi giáo và giữ cho nước này đứng ngoài Liên minh châu Âu (EU). Sự tồn tại của tổ chức bí ẩn này được tiết lộ vào năm 2001 bởi Tuncay Guney, điệp viên của Cơ quan Tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT).

Năm 2009, cuộc điều tra về Ergenekon dẫn đến việc khám phá một mạng lưới bí mật các căn nhà an toàn ở Ankara cũng như tại miền Bắc đảo Cyprus bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng, với mục đích duy nhất là nghe lén những cuộc giao tiếp của các tổ chức và cá nhân. Trong các căn nhà này cất giấu một hệ thống nghe lén được mua ở Israel và sau đó chúng được đưa đến các thành phố của Thổ nhĩ Kỳ để phục vụ mưu đồ của Ergenekon.

Một số người khác cho rằng phong trào Fethullah Gulen liên quan đến hành động nghe lén Thủ tướng Erdogan. Phong trào Gulen là một tổ chức Hồi giáo ôn hòa có ảnh hưởng - hoạt động dưới sự lãnh đạo của Fethulah Gulen, người hiện đang định cư tại Mỹ - từng bị những người chỉ trích buộc tội điều khiển bộ máy an ninh và tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ. Nói chung, Phong trào Gulen có được sự ủng hộ từ đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) kể từ khi nó thành lập vào năm 2001.

Tuy nhiên, một xung đột nổ ra giữa đảng cầm quyền và Phong trào Gulen vào đầu năm 2012 khi một công tố viên đặc biệt ở Istanbul cho gọi lãnh đạo MIT là Hakan Fidan ra làm chứng về những cuộc thương lượng bí mật với nhóm phiến quân người Kurd PKK vào ngày 7/2/2012. Nhưng, sau đó một luật đặc biệt được phê chuẩn vội vã nhằm ngăn không cho Fidan ra làm chứng.

Giám đốc An ninh Zeki Bulut.

Tháng 6/2012, Thủ tướng Erdogan buộc tội tòa án đặc biệt "đã đi quá xa". Ông nói: "Ông ta (Fidan) nhận chỉ thị từ tôi. Nếu các ông muốn nói chuyện với ai đó (để truy tố) thì phải thông qua tôi". Vào tháng 7/2012, tòa án đặc biệt bị hủy bỏ.

Nhà báo Ahmet Sik nhấn mạnh trên tờ nhật báo BirGun của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 25/12 vừa qua rằng, những mối nghi ngờ của Thủ tướng Erdogan về việc mình bị nghe lén đã phát sinh từ tháng 2/2012 khi Fidan bị các công tố viên gọi ra làm chứng vào lúc ông đang nằm viện. Lúc đó, hai thiết bị nghe lén riêng biệt được phát hiện trong văn phòng tại nhà của Thủ tướng Erdogan.

Theo các báo cáo, hai thiết bị này đang được MIT kiểm tra. Việc nghi ngờ Thủ tướng Erdogan bị nghe lén được phe đối lập lên tiếng, bởi sau đó vào tháng 9/2012, Giám đốc an ninh Zeki Bulut của Thủ tướng cùng với 200 vệ sĩ - những người có cảm tình với Phong trào Gulen - bị chuyển đổi vị trí công tác. Bulut hiện được chỉ định làm Cảnh sát trưởng tỉnh Denizli thuộc vùng Anatolia xa xôi ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ. Trên giấy tờ thì đây gọi là sự thăng chức nhưng trên thực tế rõ ràng là sự giáng chức sau nhiều năm bảo vệ Thủ tướng Erdogan.

Các đảng phái đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng những thiết bị nghe lén cài trong dinh thự của Erdogan là âm mưu của một cơ quan tình báo nước ngoài, đồng thời buộc tội Thủ tướng Erdogan lợi dụng vụ việc để tấn công các chính khách đối lập

Duy Minh (tổng hợp)
.
.