Vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc: Hé lộ phương thức hành động

Thứ Năm, 15/03/2018, 10:14
Một tuần lễ sau khi cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia bị trúng độc, các nhà điều tra Anh vẫn đang loay hoay tìm thêm bằng chứng để xác định nguyên nhân trúng độc và phương thức đầu độc, từ đó mới có thể đưa ra phán đoán ai thật sự đứng sau vụ việc.

Cuộc điều tra đã phát hiện một số chứng cứ mới và những suy đoán ban đầu về hung thủ hạ độc.

Những suy thoái ban đầu

Tin tức mới nhất từ Hệ thống chăm sóc y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết, cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia tạm thời sức khỏe đã ổn định nhưng vẫn còn trong tình trạng nguy kịch. Còn thượng sĩ thám tử (DS) Nick Bailey, người được cử đến nhà ông Skripal ngay sau khi ông và con gái được phát hiện trúng độc, đã vượt qua tình trạng nguy hiểm và đã tỉnh táo, có thể ngồi dậy trò chuyện.

Ngày 10-3, Đại sứ quán Nga tại London đã đăng lên Twitter nội dung: “Thật là trùng hợp! Cả Litvinenko và Skripal đều làm việc cho MI-6, Berezovsky và Perepilichny thì dính líu đến các đơn vị đặc nhiệm Anh. Còn các chi tiết điều tra thì được giữ kín với lý do an ninh quốc gia”. Dòng Twitter này có nghĩa là gì? Cả Litvinenko,  cùng  với Skripal, Berezovsky và Perepilichny đều từng làm việc trong hệ thống các cơ quan an ninh cấp cao của nước Nga, và cũng đều phản bội nước Nga, lấy nước Anh làm “thiên đường trú ẩn”.

Họ thuộc nhóm những kẻ chống đối Điện Kremlin gay gắt nhất, sẵn sàng hợp tác với nước ngoài để công kích, gây mất uy tín nước Nga. Trong 4 người này, chỉ Skripal hiện nay còn sống, 3 người còn lại đều chết với những lý do khác nhau. Litvinenko trúng chất độc polonium 210 chết năm 2006, Berezovsky được phát hiện treo cổ chết tại nhà riêng vào năm 2013, còn Perepilichny thì bị đột quỵ trước cửa nhà vào năm 2012, sau khi chạy bộ thể dục vào sáng sớm. Những cái chết bí ẩn không tìm được hung thủ.

Sergei Skripal và con gái Yulia tại nhà hàng Zizzi vài giờ trước khi trúng độc bất tỉnh.

Cũng trong ngày 10-3, Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd đã chủ trì cuộc họp Ủy ban Cobra để nghe báo cáo về tình hình điều tra vụ việc. Theo báo cáo sơ bộ, cuộc điều tra hiện đã huy động 250 cảnh sát chống khủng bố, đã xác định 240 nhân chứng và thu thập được hơn 200 chứng cứ liên quan.

Hiện cảnh sát vẫn đang tiến hành thu thập chứng cứ tại một số địa điểm mà Skripal và con gái lui tới ở Salisbury trước khi được phát hiện bất tỉnh. Hai chiếc xe cứu thương và một xe cảnh sát có tiếp xúc với nạn nhân đã được mang đi để xét nghiệm pháp y. Khoảng 180 binh sĩ được huấn luyện đặc biệt của quân đội đã được triển khai đến hỗ trợ cuộc điều tra. Phòng thí nghiệm vũ khí hóa học của quân đội Anh ở Porton Down cũng được huy động để hỗ trợ xét nghiệm các mẫu vật thu thập tại hiện trường điều tra.

Bước đầu, cảnh sát Anh xác định Skripal và con gái bị đầu độc bởi một loại chất độc thần kinh hiếm gặp, không rõ nguồn gốc. Chất độc này có khả năng thấm qua da và tác dụng ngay lập tức. Nhưng Skripal và con gái bị đầu độc bằng cách nào vẫn đang là câu hỏi cần lời giải. Những manh mối từ hàng trăm mẫu chứng cứ thu thập tại nhiều địa điểm trong thành phố Salisbury khiến các nhà điều tra đưa ra giả thuyết có thể Skripal và con gái bị đầu độc khi vào ăn uống trong nhà hàng Zizzi, có kẻ đã lén bỏ chất độc vào đồ ăn, thức uống của họ.

Hoặc khi họ đi ra công viên gần nhà hàng ngồi hóng mát, có kẻ đã xịt khí độc thần kinh vào mặt khiến họ bất tỉnh. Tuy nhiên, những giả thuyết này không đứng vững.

Các nhà điều tra đã ráp nối các tình tiết thu thập được về hoạt động của các nạn nhân trước khi bị trúng độc. Theo đó, Yulia Skripal được cho là đã vô tình khiến cho cả hai cha con bị trúng độc khi cô từ Moscow đến mang một gói quà để tặng cha (về chi tiết này có báo nói rằng gói quà do một người bạn gửi tặng). Cô đáp máy bay xuống London vào hôm thứ bảy 3-3.

Vào sáng ngày 4-3, Yulia cùng cha đi viếng mộ mẹ và anh trai. Trước đó 3 ngày, dường như Yulia đã có đến viếng mộ anh trai nhân sinh nhật của anh mình (ngày 1-3). Sau khi viếng mộ, cha con Skripal đã vào ăn uống tại nhà hàng Zizzi và sau đó sang quán rượu Mill ở khu phố bên cạnh để uống rượu.

Cảnh sát phát hiện dấu vết khí độc tại nhà hàng Zizzi và cả quán rượu Mill, do đó đã suy đoán rằng Yulia đã mở gói quà tại nhà hàng và cả hai cùng bị nhiễm độc trước khi đến quán rượu Mill. Nhưng nếu vậy thì tại sao thám tử Bailey cũng bị trúng độc sau khi đến nhà Skripal?

Các nhà điều tra phân tích hai khả năng Bailey bị nhiễm chất độc khi đến hiện trường hoặc tại nhà riêng của Skripal. Có một bác sĩ trực tiếp chăm sóc nạn nhân tại hiện trường nhưng không bị nhiễm. Sau khi phân tích các mẫu chứng cứ, các tổ pháp y xác định nhiều khả năng Bailey bị nhiễm độc khi đến nhà Skripal.

Như vậy, khả năng cao nhất là Skripal và con gái đã bị nhiễm độc khi mở gói quà tại nhà, chất độc không tác dụng ngay mà ngấm từ từ, và họ đã mang theo gói quà có nhiễm độc khi đi viếng mộ và đến nhà hàng Zizzi. Khoảng 28 người từng tiếp xúc Skripal và con gái trước khi họ bị bất tỉnh đã được kiểm tra sức khỏe. Đồng thời, ít nhất 500 người từng lui tới nhà hàng Zizzi và quán rượu Mill được khuyên tẩy rửa sạch sẽ quần áo và tư trang đã sử dụng khi đến hai nơi này.

Bi kịch cuối đời

Sergei Skripal sinh năm 1951 tại Kaliningrad, là một sĩ quan kỳ cựu trong cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU). Thời trẻ, Skripal tham gia đơn vị lính dù Desantniki lừng danh, từng là một trong những người lính Liên Xô đầu tiên đặt chân đến Afghanistan. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Skripal tốt nghiệp Học viện quân sự ngoại giao tại Moscow.

Được GRU phát hiện có tài năng vượt trội, Skripal đã chuyển hướng cuộc đời, làm một sĩ quan tình báo. Giai đoạn đầu làm tình báo, Skripal được phân công công tác tại Ban 1 của GRU, với nhiệm vụ tình báo tại châu Âu. Skripal được giao nhiệm vụ hoạt động gián điệp nằm vùng tại châu Âu trong lớp vỏ bọc nhà ngoại giao.

Ông đã hai lần được cử đi đóng chốt ở châu Âu trong thập niên 80 và 90 thế kỷ XX. Trong lần nhận nhiệm vụ thứ hai đóng chốt ở châu Âu, tình báo Anh đã cử người đến tiếp xúc Skripal và đưa ra lời mời mọc. Và Skripal đã nhận lời làm việc cho tình báo Anh ngay khi họ đưa ra lời đề nghị.

Năm 2000, Skripal rời khỏi GRU khi chưa bị phát hiện, nhưng vẫn tiếp tục hợp tác với MI-6. Ông chuyển sang làm việc cho tướng Boris Gromov – vị tướng Liên Xô cuối cùng rời khỏi Afghanistan, đi qua cây cầu Hữu Nghị vào ngày 15-2-1989.

Cuộc sống gia đình của Skripal giai đoạn này rất hạnh phúc, êm đềm, với vợ đẹp và hai con, một trai (Alexander, sinh năm 1974) và một gái (Yulia, sinh năm 1984). Thế nhưng, hạnh phúc đó không kéo dài được bao lâu.

Năm 2004, đùng một cái Skripal bị cơ quan an ninh Nga bắt giam vì tội phản bội tổ quốc, làm gián điệp cho nước ngoài. Cáo trạng của cơ quan an ninh Nga cho rằng Skripal đã nhận 100.000 USD để bán cho cơ quan tình báo MI-6 của Anh danh sách các điệp viên ngầm của Nga đang hoạt động tại Anh, gây ra những thiệt hại to lớn cho tình báo Nga. Năm 2006, Skripal được đưa ra xét xử và bị tuyên mức án 13 năm tù.

Tháng 7- 2010, Skripal bất ngờ được trả tự do trong một thỏa thuận trao đổi điệp viên giữa Nga và Anh. Skripal đưa cả gia đình sang Anh sinh sống.

Cuộc sống mới ở “thiên đường trú ẩn” tưởng chừng trôi qua trong tĩnh lặng, với việc Skripal hàng ngày chăm chỉ làm việc để lo toan cuộc sống, một mặt để thích nghi với môi trường sống mới. Nhưng cuộc sống đã không đãi ngộ Skripal. Tháng 10-2012, vợ ông, bà Liudmila qua đời vì bệnh ung thư, đến tháng 7-2017, đến lượt con trai Alexander qua đời vì suy gan. Phải chăng có sự giống nhau nhất định về số phận của những người từng phản bội nước Nga, sống cuộc sống lưu vong ở nước Anh?

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.