Vụ để lộ tài liệu quân sự lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc

Thứ Năm, 26/01/2006, 09:10

Hơn 250 tài liệu mật liên quan đến các chương trình mua sắm vũ khí của quân đội Hàn Quốc đã bị đưa lên mạng.

Tại buổi họp báo bất thường ngày 12/1/2006, ông Cheong Sun-mok, người phát ngôn của Cơ quan mua sắm trang thiết bị quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thừa nhận, việc để rò rỉ thông tin mật xảy ra khi các nhân viên của họ sao chép lại bản kế hoạch quốc phòng theo định kỳ để kiểm tra và do bất cẩn nên những tài liệu này đã bị đưa lên website và tồn tại trên mạng trong suốt 4 ngày liền (từ 1 - 4/1/2006).

Đây là một kế hoạch tuyệt mật khá tổng thể về mua sắm, nâng cấp, phát triển kho vũ khí nhằm đưa Hàn Quốc trở thành một cường quốc quân sự trong khu vực vào năm 2020. Theo đó, từ năm 2007 - 2018, lực lượng không quân sẽ đầu tư 12 tỉ USD để sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu đời KFX và A-50; từ năm 2014 - 2018, lực lượng hải quân sẽ có thêm 6 tàu chiến đời KDX-III và từ năm 2010 - 2022 họ sẽ trang bị 3 tàu ngầm hạt nhân loại 3.000 tấn, đời SSX...

Vì đây là kế hoạch tăng cường tiềm lực quân sự lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc nên vụ tiết lộ thông tin kể trên cũng được coi là lớn nhất trong lịch sử nước này. Hiện, nhiều quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đang hết sức lo lắng.

Một trong những quan chức cấp cao được nhắc tới là Bộ trưởng Quốc phòng Yoon Kwang-ung bởi ông này từng thoát khỏi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội sau khi một binh sĩ xả súng bắn chết đồng đội (tháng 6/2005). Trước đó (28/7/2004), Tổng thống Roh Moo-hyun đã quyết định sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Cho Young-kil sau khi thông tin xung quanh vụ đụng độ trên biển giữa tàu hải quân Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên hôm 14/7/2004 bị tiết lộ.

Theo tờ Đông Á nhật báo của Hàn Quốc, đã có hơn 250 tài liệu mật liên quan đến các chương trình mua sắm vũ khí bị đưa lên mạng. Giới chuyên môn đã đưa ra 3 nguyên nhân chính dẫn tới vụ tiết lộ kể trên.

Thứ nhất, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đang có một cuộc điều chỉnh lớn, hơn nữa Cơ quan mua sắm trang thiết bị quốc phòng lại vừa mới được thành lập với 807 nhân viên nên khó tránh khỏi sai sót bởi không có ai quản lý. Thứ hai, giới hạn giữa quyền được biết thông tin với tài liệu bí mật quốc gia không rõ ràng nên đã dẫn tới những hiểu lầm đáng tiếc.

Thứ ba, Hàn Quốc đang muốn chứng tỏ khả năng “tự cường” sau khi Mỹ có những điều chỉnh chiến lược tại nước này nên không loại trừ khả năng “sơ ý tiết lộ bí mật quốc gia theo chỉ đạo”. Cục Tình báo quốc gia Hàn Quốc đã tiến hành điều tra vụ rò rỉ thông tin mật tại Cơ quan mua sắm trang thiết bị quốc phòng.

Ngày 22/8/2005, trên mạng cũng xuất hiện một số trang tài liệu mật mã (thời gian rất ngắn, 13 phút) của lục quân Hàn quốc nhưng vụ việc đã được ém nhẹm. Ngay sau khi thông tin này được loan tải, Bộ Quốc phòng đã ra lệnh đình chỉ việc sử dụng mật mã này. Mặc dù chỉ xuất hiện có 13 phút trên mạng (từ 12h2 - 12h15) nhưng đã khiến Bộ Quốc phòng phải tiêu tốn ít nhất 300 triệu won (tiền Hàn Quốc) để thay đổi một bộ luật mật mã mới.

Có thể nói, 2005 là một năm “mất mùa” của cả Bộ Quốc phòng và Cục Tình báo quốc gia Hàn Quốc bởi lần đầu tiên (20/8/2005), trụ sở chính của Cục Tình báo quốc gia Hàn Quốc bị khám xét sau khi có tin cơ quan này đã ghi âm bí mật các cuộc điện đàm của nhiều nhân vật có tên tuổi trên chính trường, thương trường cũng như truyền thông của nước này

Nguyễn Diệu Hương Ly (tổng hợp)
.
.