Vụ "gián điệp công nghiệp" tại Hãng xe Renault là giả tạo

Thứ Bảy, 02/04/2011, 02:40

Vụ án "gián điệp công nghiệp" tại hãng xe ôtô Renault có thể sẽ trở thành vụ bê bối lớn trong ngành công nghiệp sản xuất ôtô Pháp, sau khi những cáo buộc "gián điệp" nhắm vào 3 vị lãnh đạo hàng đầu của hãng được xác định là giả tạo và không có căn cứ. Thủ phạm đích thực của trò bịp này cũng đã được xác định là một cựu sĩ quan tình báo Pháp, đã bị bắt giam.

Hôm thứ Hai 14/3/2011, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hãng xe Renault Carlos Ghosn đã xuất hiện trên chương trình tin tức buổi chiều của truyền hình Pháp xác nhận rằng 3 vị lãnh đạo cao cấp của Hãng Renault - trong đó có ông Michel Balthazard là thành viên Hội đồng quản trị - bị cáo buộc làm "gián điệp công nghiệp" là hoàn toàn vô tội. Ông Ghosn đã đưa ra lời xin lỗi đối với 3 vị lãnh đạo bị sa thải và cho rằng họ cũng như Hãng xe Renault đều là nạn nhân của một vụ lừa đảo.

Ông Ghosn cũng nói thêm, Hãng Renault đang xem xét mời 3 vị lãnh đạo ấy trở lại làm việc, đồng thời giải quyết bồi thường cho những thiệt hại về uy tín và vật chất do vụ việc gây nên.

Theo giới chuyên môn, số tiền dự tính bồi thường cho 3 người này có thể lên đến con số nhiều triệu USD. Trước ông Ghosn, công tố viên Paris Jean-Claude Marin đã chính thức thông báo hủy án và đình chỉ điều tra đối với 3 vị lãnh đạo bị nghi oan.

Vụ việc bắt đầu bùng phát vào ngày 5/1/2011, khi đó Hãng Renault thông báo 3 vị lãnh đạo của hãng đã "tuồn các bí mật của công ty cho đối thủ bên ngoài". Kèm theo cáo buộc đó là quyết định sa thải và lệnh triệu tập phục vụ điều tra của cơ quan chức năng. Ngày 23/1, đích thân Tổng giám đốc Ghosn đã phát biểu trên các kênh truyền hình Pháp khẳng định Hãng Renault có "thừa bằng chứng" buộc tội 3 vị lãnh đạo bị sa thải. Trước sau, Hãng Renault cũng chỉ đưa ra lời cáo buộc những vị giám đốc tội "bán thông tin bí mật kỹ thuật" nhưng không xác định được là bán cho ai.

Vụ việc liên quan đến công nghệ sản xuất xe ôtô điện do liên minh Renault-Nissan cùng sáng chế và sản xuất. Đây là kiểu xe hoàn toàn mới và khác hẳn loại xe "lai" chạy bằng điện và khí đốt. Vụ án không chỉ làm cho Hãng xe Renault chao đảo mà còn gây chấn động cả ngành sản xuất ôtô Pháp và thế giới. Vụ việc đã dấy lên làn sóng lo ngại về tình trạng gián điệp công nghiệp phát triển mạnh mẽ đến mức "nhìn đâu cũng thấy gián điệp" khiến cho các ông chủ công nghiệp không thể tin tưởng bất cứ ai.

Vụ việc cũng gây nên sự nghi ngờ nhắm vào Trung Quốc - quốc gia đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp ôtô, đồng thời cũng là "khách hàng" trong một vụ gián điệp công nghiệp khác xảy ra ở công ty sản xuất phụ tùng xe ôtô Valeo (cũng của Pháp) cách đây không lâu.

Ngay hôm sau khi vụ việc được báo chí đăng tải, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Eric Besson đã phát biểu trên Đài Phát thanh RTL rằng "đang có mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp Pháp", và rằng các công ty Pháp đang đối mặt với "nguy cơ gián điệp công nghiệp rất cao". Tiếp sau Bộ trưởng Besson, một làn sóng phẫn nộ trong chính giới và giới truyền thông Pháp đối với 3 vị lãnh đạo bị quy tội "gián điệp". Hồ sơ vụ án đã được chuẩn bị nhằm truy tố 3 người này ra tòa.

Tuy nhiên, những người bị oan đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc và phản đối quyết định sa thải họ. Bertrand Rochette, 1 trong 3 vị lãnh đạo đã lên tiếng cảnh báo sẽ đâm đơn kiện Hãng Renault ra tòa vì hành động gây thiệt hại uy tín và danh dự cũng như vật chất đối với 3 người. Sự đổ bể lùm xùm đến mức Tổng thống Nicolas Sarkozy phải ra lệnh cho Cơ quan Tình báo Pháp vào cuộc điều tra.

Thực ra thì, Hãng xe Renault chỉ dựa vào một báo cáo điều tra nội bộ do giám đốc an ninh công nghiệp của hãng là Dominique Gevrey - một cựu sĩ quan tình báo quân đội - tiến hành trong 5 tháng. Những bằng chứng buộc tội 3 vị lãnh đạo nọ hoàn toàn không "chắc chắn" như lời khẳng định của Tổng giám đốc Ghosn. Thậm chí ngay từ đầu, một số người am hiểu về tình báo công nghiệp đã nhận ra dấu hiệu của một vụ gián điệp giả tạo và cho rằng Hãng Renault sẽ phải trả giá vì vụ này.

Quả thật thế, các nhân viên phản gián Pháp phụ trách điều tra vụ việc theo lệnh Tổng thống Sarkozy đã phát hiện những số tài khoản trong các ngân hàng ở Thụy Sĩ và Liechtenstein mà Gevrey cho là do 3 vị lãnh đạo đứng tên là những tài khoản giả, không có thật. Các nhân viên phản gián cũng phát hiện sự thật không hề có rò rỉ thông tin nào từ bên trong hãng ra ngoài. Nghi ngờ bắt đầu nhắm vào Gevrey.

Và ngày 5/3/2011, đúng 2 tháng sau khi vụ việc bùng phát, mối nghi ngờ càng gia tăng mạnh sau khi các nhà điều tra phát hiện ra các tài khoản trong ngân hàng ở Tây Ban Nha và Dubai chứa số tiền 250.000 euro (tương đương 433.000 USD) mà Hãng Renault đã giao cho Gevrey để tra cho kẻ được cho là "người thổi còi" bí ẩn nào đó bên trong Hãng Renault đã cung cấp thông tin để ông ta thực hiện báo cáo điều tra.

Từ phát hiện này, các nhà điều tra bắt đầu nghi ngờ và tìm hiểu liệu "người thổi còi" đó có thật hay không. Và mối nghi ngờ dường như đã được củng cố thêm khi ông Gevrey từ chối tiết lộ danh tính của "người thổi còi". Một sai lầm nữa của Gevrey là ông ta đã tìm cách chạy trốn khỏi nước Pháp khi đánh hơi được vòng vây các nhà điều tra đang siết dần. Và ngày 12/3, Gevrey đã bị bắt tại sân bay quốc tế Charles De Gaulle khi chuẩn bị lên máy bay đi Guinea và bị điều tra tội "gián điệp lừa đảo".

Trước mắt, ông Ghosn và ban lãnh đạo Hãng Renault đã tự đưa ra mức "phạt" là cắt toàn bộ tiền thưởng trong năm 2011 này và dùng số tiền đó bù đắp thiệt hại cho 3 vị giám đốc. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa hài lòng với mức độ xử lý vụ việc của ban lãnh đạo hãng. 3 vị lãnh đạo bị sa thải đang tỏ vẻ không muốn quay trở lại hãng sau vụ việc tệ hại làm mất uy tín và hình ảnh của hãng, đồng thời đang dự tính đâm đơn kiện hãng xe ra tòa để đòi bồi thường thỏa đáng. Đối với ông Ghosn, những dự tính thay đổi hình thức đối tác đối với Hãng Nissan cũng sẽ bị ảnh hưởng, chắc chắn ông sẽ khó thuyết phục Tổng thống Sarkozy

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.