Vụ hành quyết 4 điệp viên Đức trong Chiến tranh Thế giới lần II

Thứ Tư, 07/09/2016, 07:30
Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, 4 điệp viên Đức Quốc xã đã xâm nhập vào nước Anh để nghiên cứu thực địa chuẩn bị cho kế hoạch xâm lược Anh của Hitler. Câu chuyện tình báo xảy ra với 4 người này đã từng được báo chí nói đến, nhưng một khía cạnh khác của câu chuyện chỉ mới được biết đến sau khi một số tài liệu, thư tín được Văn phòng lưu trữ Quốc gia Anh giải mật.

Sáng sớm ngày 3-9-1940, hai chiếc thuyền đánh cá một cột buồm của Pháp, La Mascotte và Rose du Carmet lượn qua eo biển Manche và áp sát bờ biển Kent của Anh. Khi thuyền còn cách bờ vài chục mét, 4 thanh niên trong độ tuổi 20-28 dùng thuyền con lặng lẽ bơi vào bờ.

Bốn người đó là Carl Meier, thành viên đảng Quốc xã, từng sống ở Birmingham; Charles van den Kieboom, mang hai quốc tịch Đức-Nhật; Sjoerd Pons, người Hà Lan; và một người tự xưng Jose Waldberg. Bốn người này là điệp viên mật của cơ quan tình báo quân đội Abwehr của Đức. Nhiệm vụ của họ khi xâm nhập vào Anh là tiền trạm, nghiên cứu thực địa để chuẩn bị cho chiến dịch xâm lược Anh của quân đội phát xít Đức. Họ mang theo thực phẩm khô (thịt bò khô, bánh bột đậu và sô cô la) đủ dùng cho 10 ngày làm nhiệm vụ. Họ cũng mang theo những chiếc máy truyền tin vô tuyến để liên lạc với chỉ huy ở Đức.

Theo các tài liệu mật, 4 điệp viên Đức này thực hiện một chiến dịch bí mật mang mật danh Operation Lena nằm trong kế hoạch xâm lược nước Anh của Hitler. Chiến dịch được đánh giá là rất nguy hiểm, nên các chỉ huy tình báo phát xít Đức đã chuẩn bị sẵn phương án xấu nhất. Cả 4 điệp viên tham gia chiến dịch đều bị bắt và bị xử tử theo Luật Phản quốc của Anh. Luật phản quốc của Anh thời đó được áp dụng để xử lý những kẻ tiếp tay cho quân đội kẻ thù.

Luật chỉ có duy nhất một hình phạt là tử hình. Luật này được Thủ tướng Anh Winston Churchill đề xuất và được Quốc hội thông qua vào ngày 23-5-1940. Ông Churchill cho rằng, quân đội Đức chẳng có gì vượt trội, cả về khí tài lẫn chiến thuật. Vậy phải có một lực lượng ngầm đứng sau hỗ trợ, đó là các điệp viên. Và ông xác định lực lượng ngầm này đang hoạt động mạnh ở Anh.

Henri Lassudry, tức Jose Waldberg và Charles van den Kieboom.

Meier bị bắt đầu tiên khi anh ta đi lạc vào làng Lydd và tấp vào một quán rượu. Người chủ quán tên Mabel Cole nghe giọng người nước ngoài nên đã cảnh giác. Meier không hề biết ở Anh tất cả mọi người không được phép mua rượu sau 9 giờ tối.

Cole gọi cảnh sát. Và chỉ trong vài giờ đặt chân lên đất Anh, cả 4 "điệp viên" của Đức đều bị hốt gọn. 4 điệp viên Đức được đưa về giam giữ tại Trại 020 của cơ quan tình báo đối nội MI-5 ở ngoại ô Tây Nam London. Ngày 24-10-1940, 4 người bị buộc tội theo Luật Phản quốc. Một phiên tòa xét xử 4 người được mở tại Old Bailey vào ngày 19-11-1940. Phiên tòa được xử kín, mọi thông tin về phiên tòa đều phải được giữ bí mật.

Walberg khiến mọi người ngạc nhiên khi thành khẩn nhận tội. Còn Meier, Kieboom và Pons đều chối tội. Pons bào chữa việc mình làm gián điệp cho Abwehr là do bị bắt buộc, bị Abwehr dọa bắt bỏ tù do tội buôn lậu súng từ Hà Lan sang Đức. Sau phiên tòa kéo dài 4 ngày, bồi thẩm đoàn nhất trí mức án tử hình đối với Kieboom và Walberg.

Lời bào chữa của Pons đã thuyết phục được tòa và anh ta được tuyên vô tội, được trả tự do tại tòa. Walberg và Meier được thông báo là sẽ bị treo cổ tại phố Pentonville vào 9 giờ sáng ngày 10-12; Kieboom bị treo cổ một tuần sau đó. Tuyệt nhiên báo chí không có lấy một lời nào về vụ án 4 điệp viên này.

Chiến dịch vây bắt 4 điệp viên Đức, mang mật danh Double Cross, là một trong những thành tích điển hình của MI-5 thời Chiến tranh Thế giới lần II. Đây cũng là một phần trong chiến lược phản công quân địch bằng chính các công cụ của địch. Các điệp viên sau khi bị bắt, bị "thay áo" sẽ quay ngược lại chống Abwehr, sẽ gửi cho cơ quan tình báo phát xít Đức những thông tin lẫn lộn vừa thật, vừa giả. Họ sẽ yêu cầu Abwehr gửi thêm cho họ các sách mật mã và máy vô tuyến, tiền mặt.

Trong một thời gian khá lâu, Abwehr không hề hay biết mình đã tài trợ cho chính kẻ thù của mình tiến hành chiến dịch chống lại mình. Sự thất bại thảm hại của Chiến dịch Lena đã khiến một sử gia kết luận rằng chính thành phần chống phát xít trong hàng ngũ lãnh đạo Abwehr đã phá hoại chiến dịch. Giới chức lãnh đạo tình báo Anh xem Chiến dịch Double Cross là một phần hết sức quan trọng của Anh trong chiến tranh. Đó là một nhiệm vụ lớn, phối hợp giữa tình báo và phản gián.

Tuy nhiên, vào giờ phút chót trước khi bị hành quyết, một trong 3 điệp viên Đức đã kháng cáo. Walberg cho rằng mình không phải tên Jose Walberg và cũng không phải là người Đức, mà tên thật là Henri Lassudry, người Bỉ. Lúc đầu MI-5 không tin và gạt sang bên những lời biện bạch này của Walberg vì cho rằng đó chẳng qua chỉ là lời mạo nhận của một người sắp bị hành quyết. Tuy nhiên, trong quá trình khảo cung Walberg, tình báo Anh phát hiện anh ta nói tiếng Đức không rành nhưng lại nói tiếng Pháp rất sõi, như tiếng mẹ đẻ (người Bỉ không dùng tiếng Đức mà dùng tiếng Pháp và Hà Lan).

Hơn nữa, khi được phép viết những lá thư cuối cùng cho người thân, Walberg viết bằng tiếng Pháp và gửi cho cha mẹ là ông bà Lassudry ở Brussels và bạn gái ở Ixelles, Bỉ. Những lá thư này là bằng chứng bổ sung cho lời phản cung của Walberg khiến Tòa án Old Bailey ngạc nhiên. Walberg phản cung rằng chính luật sư của anh ta đã "dụ" anh ta khai nhận tội mà không nói cho anh ta biết là sẽ bị xử tử hình. Lassudry muốn có cơ hội để nói với thẩm phán để được tự bào chữa giống như Pons đã làm, nhưng không được.

Phiên xét hỏi anh ta chỉ diễn ra vỏn vẹn 3 phút. Vài ngày trước vụ hành quyết, đại tá William Hinchley Cooke, một quan chức cấp cao của MI-5, đến gặp chánh án Sir Donald Somervell và yêu cầu hoãn hành quyết đối với Lassudry. Tuy nhiên, câu trả lời là "không", và vụ hành quyết vẫn được tiến hành.

An Tôn (tổng hợp)
.
.