Vụ mất tích mờ ám của một điệp viên

Thứ Sáu, 30/10/2009, 15:50
Chiều ngày 20/12/1975, Nicholas Shadrin, một doanh nhân người Mỹ gốc Nga 46 tuổi, đang nghỉ đông tại thủ đô Vienne của Áo, nói với vợ là đến gặp một người quen trước đây cùng làm việc chung tại Bộ Quốc phòng Mỹ, cũng đang nghỉ đông tại Vienne. Tuy nhiên, cho đến tối rồi cả ngày hôm sau mà không thấy chồng quay về lại khách sạn nên Ewa, vợ Shadrin liền báo tin cho cảnh sát và Sứ quán Mỹ ở thủ đô Vienne để nhờ tìm chồng.

Và cho dù có cố gắng cách mấy, việc truy tìm Shadrin vẫn không có kết quả. Kể từ đó, xuất hiện trên các phương tiện truyền thông ở Áo và Mỹ các giả thuyết cho rằng Shadrin, nguyên là một sĩ quan quân đội Liên Xô đào thoát, đã bị tình báo Liên Xô bắt cóc và đưa về Liên Xô giam giữ hoặc đã thủ tiêu, và cũng có thông tin cho rằng CIA đã thực hiện vụ việc trên. Vậy đâu là sự thật?

Nicholas George Shadrin có tên Nga là Nikolai Fedorovich Artamonov, sinh ngày 16/7/1929 tại thành phố Mourmansk của Liên Xô. Năm 1947, Artamonov gia nhập Hải quân Liên Xô. Sau 4 năm thi hành nhiệm vụ trên các tàu chiến ở vùng Biển Bắc, Artamonov được điều động về làm việc tại Bộ Chỉ huy Hạm đội Biển Bắc của Hải quân Liên Xô. Tháng 10/1959, trong một lần đến tham quan Ba Lan, Artamonov đã dẫn theo bạn gái người Ba Lan tên là Ewa bỏ trốn đến thủ đô Vienne rồi đầu thú với Sứ quán Mỹ tại đây. Khi đó, Artamonov mang quân hàm đại úy.

Được đưa ngay về thủ đô Washington và đưa đến trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia, Artamonov đã bị các chuyên viên thẩm vấn của CIA tra hỏi suốt 9 tháng liền về động cơ đào thoát, những bí mật về các hoạt động quân sự của Hải quân Liên Xô tại Biển Bắc cũng như cách bố phòng các căn cứ quân sự của Hải quân Liên Xô và đề nghị Artamonov hợp tác với CIA. Tuy nhiên, Artamonov đã từ chối. Nhưng tháng 11/1961, để tránh bị CIA "quấy rầy", Shadrin chấp thuận làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ với nhiệm vụ phân tích thông tin quân sự. Cũng trong năm này, Shadrin làm đám cưới với Ewa, đến năm 1962 được nhập quốc tịch Mỹ và sinh sống tại thành phố McLean, bang Virginia.

Tuy biết Shadrin đang làm việc cho Bộ Quốc phòng nhưng CIA vẫn tìm mọi cách để chiêu dụ ông ta và chỉ cho đến khi đích thân Giám đốc CIA là John McCone trực tiếp can thiệp với Bộ trưởng Quốc phòng Robert MacNamara thì Lầu Năm Góc mới chịu "nhả" Shadrin đồng thời gây áp lực để buộc Shadrin làm việc cho CIA. Đó là vào năm 1964. Từ đó đến khi mất tích tại thủ đô Vienne vào ngày 20/12/1975, Shadrin lần lượt làm việc tại Ban Đông Âu, Cục Khoa học Kỹ thuật của CIA.

Chỉ 10 ngày sau khi xảy ra vụ mất tích bí ẩn của điệp viên CIA đội lốt doanh nhân Shadrin tại thủ đô Vienne, CIA lên tiếng tố cáo chính tình báo Liên Xô đã tổ chức bắt cóc Shadrin để trả thù việc ông này đã đào thoát vào năm 1959 và sau đó còn làm việc cho CIA. Đích thân Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã trao đổi về vấn đề tình báo Liên Xô bắt cóc công dân Mỹ George Shadrin với nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brejnev nhưng chỉ được phúc đáp là tình báo Liên Xô không hề bắt cóc, giam giữ hay thủ tiêu Shadrin. Cũng từ vụ Shadrin mà mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô trở nên căng thẳng.

Vụ mất tích bí ẩn của điệp viên CIA Shadrin bị rơi vào quên lãng cho mãi tới năm 2000 từ tiết lộ gây chấn động của một cựu điệp viên Liên Xô tên là Igor Vassilliev rằng chính CIA đã tổ chức bắt cóc rồi thủ tiêu Shadrin khi phát hiện điệp viên này bí mật cộng tác với tình báo Liên Xô. Igor Vassilliev là một điệp viên nằm vùng của tình báo Liên Xô tại thủ đô Washington từ năm 1962 đến năm 1973. Chính Igor đã tìm cách tiếp cận và sau đó tuyển dụng Shadrin bí mật cộng tác với tình báo Liên Xô vào năm 1966.

Cuốn sách viết về điệp viên hai mang Nicolas Shadrin của nhà báo Henry Hur.

Theo tiết lộ của Vassilliev, Shadrin đã từ chối nhận thù lao từ việc chuyển giao thông tin, tài liệu cho tình báo Liên Xô vì cho rằng đó là để bù đắp cho hành động phản bội Tổ quốc của mình.

CIA bắt đầu nghi vấn về hành tung của Shadrin là vào đầu năm 1975 từ tiết lộ của Nick Gordon, một điệp viên CIA hoạt động chung quanh sứ quán các quốc gia XHCN Đông Âu tại thủ đô Washington dưới vỏ bọc phóng viên tự do cộng tác với một số tờ báo lớn ở Mỹ như The New York Times, The Chicago Tribune... Gordon đã cung cấp cho CIA hình ảnh ghi được về việc Shadrin chuyển giao tài liệu, thông tin của CIA cho điệp viên nằm vùng của tình báo Liên Xô tại nhiều địa điểm khác nhau ở thủ đô Washington, bang Virginia và thành phố New York.

Vì sợ tai tiếng nên CIA đã chọn cách bí mật bắt cóc và thủ tiêu Shadrin bên ngoài lãnh thổ Mỹ rồi đổ tội cho tình báo Liên Xô nhân dịp vợ chồng Shadrin đến nghỉ đông tại Áo vào tháng 12/1975. Tiết lộ chấn động của Vassilliev đã khiến dư luận Mỹ quan tâm và kiến nghị Bộ Tư pháp cho điều tra lại vụ mất tích bí ẩn của Shadrin. Tuy nhiên, mọi yêu cầu, kiến nghị đều không được Chính phủ Mỹ quan tâm và CIA thì luôn khẳng định Shadrin đã bị bắt cóc và thủ tiêu bởi tình báo Liên Xô.

Câu chuyện về vụ mất tích bí ẩn của điệp viên CIA George Shadrin đã được nhà báo và là biên tập viên của tạp chí Reader's Digest Henry Hurt viết thành sách có tựa đề "Shadrin, The spy who never came back" được xuất bản vào tháng 3/2007, trong đó Hurt khẳng định chính CIA đã bắt cóc và thủ tiêu Shadrin

Văn Hòa (theo CiCentre)
.
.