Vụ rò rỉ tài liệu mật và sự trả thù của CIA

Thứ Hai, 30/08/2010, 23:45
Cả thế giới vẫn đang tiếp tục bàn tán về vụ trang web WikiLeaks cho công bố một số lượng lớn các tài liệu mật của Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan. Trong khi các phóng viên đang ra sức yêu cầu giới lãnh đạo quân đội Mỹ có lời bình luận và giải thích về nội dung trong những tài liệu nhạy cảm trên, thì giới quân sự lại tỏ vẻ cay cú tập trung mũi dùi vào một binh sĩ quèn có tên Bradley Manning, người đang bị coi là nghi phạm chính trong vụ để rò rỉ những thông tin trên…

Cơ hội nổi tiếng toàn thế giới

Vụ bê bối rò rỉ tài liệu về cuộc chiến Afghanistan diễn ra vào giữa tháng 7 vừa qua, khi trang WikiLeaks - đăng ký tại Thụy Điển và có chủ nhân là công dân Australia Julian Assange - cho công bố một loạt các tài liệu mật liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc chiến Afghanistan. WikiLeaks trước đó cũng đã kịp thỏa thuận với ba tờ báo hàng đầu thế giới - The New York Times của Mỹ, The Guardian của Anh và Der Spiegel của Đức - để công bố đồng thời các tài liệu cùng với mình. 

Với cơ hội này, WikiLeaks đã nhanh chóng trở thành một trang web nổi tiếng trên toàn thế giới với hàng triệu người dùng Internet đã truy cập để tìm kiếm mọi thông tin nhạy cảm về cuộc chiến Afghanistan - số dân thường thực tế bị lính Mỹ sát hại, hay Taliban đã được mật vụ Pakistan và Iran giúp đỡ như thế nào v.v...

Bản thân các thủ lĩnh Taliban cũng thừa nhận trên các trang web hay báo chí rằng, họ đã chăm chú theo dõi và nghiên cứu rất kỹ các tài liệu mật được công bố trên WikiLeaks để tìm ra những kẻ phản bội đã bí mật hợp tác với liên quân. Số liệu thống kê còn cho thấy, số công dân Afghanistan bị Taliban sát hại kể từ khi bắt đầu vụ bê bối WikiLeaks đã tăng lên một cách rõ rệt.

Binh nhất Bradley Manning làm chảo đảo Lầu Năm Góc

Chàng binh nhất Bradley Manning  mới 22 tuổi, sinh ra trong một gia đình có cha là người Mỹ, còn mẹ là người Anh. Sau khi cha mẹ ly dị, bà mẹ đã đưa Bradley (khi đó mới có 13 tuổi) trở lại Anh. Bạn cùng lớp khi đó vẫn coi cậu ta là một người có phần lạ lùng, nhưng theo kiểu không gây hại gì cho ai.

"Chúng tôi gọi cậu ta là Tiến sĩ Pepper, do cậu ta rất thích loại đồ uống này - một người bạn cùng lớp cũ của Bradley kể lại - Hơn nữa, cậu ta còn là một kẻ nghiện máy tính thực sự, thường xuyên vào mạng, và nói chung quan tâm đến cuộc sống ảo trên mạng nhiều hơn cả cuộc sống thực". 

Sau khi tốt nghiệp phổ thông tại Anh, Bradley quay trở lại nước Mỹ.  Dù muốn vào đại học, nhưng do gia đình không có điều kiện nên Bradley đã chọn con đường đơn giản nhất để có học vấn - đó là nhập ngũ.

"Cậu ta không bao giờ muốn trở thành một người lính, vì đơn giản luôn căm ghét phải thực thi các mệnh lệnh, đặc biệt là khi người chỉ huy được coi là có trình độ văn hóa kém hơn. Nhưng quân đội lại sẵn sàng chi trả học phí tại trường đại học, nên anh ta đã quyết định gia nhập" - một trong những người bạn của Bradley tại Oklahoma giải thích.

Binh nhất Bradley Manning.

Do các đồng đội của Bradley bị cấm tiếp xúc với báo chí và kể mọi thứ về anh ta, nên công chúng không biết được nhiều về thời gian tại ngũ của nhân vật này. Những thông tin không nhiều chỉ được thu thập qua những trang nhật ký của anh ta trên mạng Facebook, cùng với một vài chi tiết nghèo nàn được giới chức quân sự cung cấp cho báo chí.

Theo đó, Bradley phục vụ ở Baghdad, tại trụ sở địa phương của cơ quan tình báo quân đội. Do có nhiệm vụ phân tích sơ bộ thông tin tình báo (kể cả liên quan tới Iraq), nên anh ta có quyền tiếp xúc với những tài liệu có dấu tuyệt mật. Cũng nhờ đó, Bradley đã phát hiện ra đoạn băng hình được giới quân sự che giấu trước đó ghi lại cảnh trực thăng Mỹ xả súng vào đám đông dân thường.

Ngày 5/4/2010, Bradley sao chép đoạn băng này và đưa lên Internet - một hành động dũng cảm đối với nhiều người dân Mỹ nhưng lại là hành vi phạm tội đối với chính quyền nước này. Đoạn băng tiết lộ đã gây ra rất nhiều tiếng vang, khi nó cho thấy có tới 9 thường dân là nạn nhân của lính Mỹ, trong số này còn có 2 nhà báo của Hãng Reuters. Chính quyền Mỹ buộc phải cam kết sẽ điều tra rõ sự việc, có điều họ chỉ tập trung vào làm rõ nhân vật nào đã dám tuồn đoạn băng hình mà trước đó quân đội đã từ chối chuyển giao cho Reuters.  

Trong khi các nhân viên phản gián quân đội còn đang bận truy lùng nguồn tin rò rỉ, Bradley đã tìm cách bắt liên lạc với Adriano Lamo - một tin tặc nổi tiếng của Mỹ về sau chuyển sang làm phóng viên. Trong thư từ trao đổi qua lại với Lamo, Bradley đã kể về việc đã tung ra đoạn băng hình, cũng như trao cho WikiLeaks gần 300 tài liệu mật dưới dạng công văn ngoại giao hỏa tốc khác. Đó chính là sai lầm lớn nhất của Bradley.

Sau vài cuộc trò chuyện qua Internet với Bardley, Lamo đã ghi âm lại tất cả để chuyển giao lại cho Cục Điều tra liên bang (FBI). Theo Lamo, Bradley đã tâm sự rằng, anh ta cảm thấy không thể chịu nổi nếu như không kể được cho toàn thế giới về những sự thật đang diễn ra tại IraqAfghanistan.

"Kẻ đồi bại tuyệt vọng"

Bradley bị bắt giữ vào tháng 5/2010 và được đưa tới nhà tù quân sự của Mỹ tại Kuwait, là nơi cơ quan phản gián tập trung điều tra về động cơ thực sự của hành động trên. Chỉ hai tháng sau, Bradley chính thức bị truy tố vì hai tội danh - sao chép thông tin mật về máy tính riêng của mình và chuyển giao trái phép thông tin bí mật quân sự cho người không có thẩm quyền. Nếu như tòa án công nhận những tội danh trên, Bradley có nguy cơ phải nhận bản án tới 52 năm tù.

Ngay sau khi những tài liệu mật mới về Afghanistan xuất hiện trên WikiLeaks vào cuối tháng 7 qua, chính quyền lại mở một cuộc điều tra mới đối với Bradley. Theo các điều tra viên, Bradley không thể đơn độc tuồn ra ngoài một số lượng thông tin lớn đến như vậy. Đó là lý do khiến mũi nhọn điều tra đang tập trung vào những mối quan hệ của Bradley tại Trường đại học Công nghệ Massachusets. Nhưng hiện chưa có thông tin nào về việc bắt giữ bất kỳ một sinh viên hay giảng viên nào tại đây.

Tuy nhiên, có nhiều tổ chức nhân quyền lại đang đứng về phía Bradley. Trên Internet thậm chí còn xuất hiện một trang web nhằm ủng hộ tay binh nhất này, trong đó có cả việc kêu gọi quyên góp quỹ để bào chữa cho anh ta. Còn hành động tuồn thông tin mật ra ngoài của Bardley cũng đang là đề tài tranh luận gay gắt của nhiều chuyên gia hàng đầu về an ninh, đạo đức và tâm lý. Trong con mắt một số người, Bardley là một "kẻ đồi bại" đang gây nguy hiểm cho nhiều binh lính và nguồn tin của quân đội Mỹ tại Afghanistan.--PageBreak--

CIA trả trù ông chủ mạng Wikileaks?

Vụ WikiLeaks là một scandal mà theo Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, là rất lớn, cực kỳ gây sốc cho cả thế giới. Theo lệnh của Tổng thống Barack Obama, CIA đã vào cuộc điều tra và tìm mọi cách để "khóa mồm" ông chủ  của WikiLeaks lại.

CIA đã thể hiện sức mạnh của mình bởi một hành động ngoạn mục: từ sự tác động của CIA, hôm 20/8 vừa qua, Viện Công tố Thụy Điển đã phát lệnh truy nã  Julian Assange về tội hiếp dâm. Theo hồ sơ do CIA cung cấp, thì trong những lần tới Thụy Điển, Assange đã cưỡng dâm 2 phụ nữ 20 và 30 tuổi (giấu tên) tại căn hộ của nạn nhân ở Stockholm. Ngoài ra, Assange còn cưỡng hiếp các phụ nữ khác tại thị trấn Enkoping. Toàn bộ nội dung truy nã Assange được đưa lên mạng, rồi Đài Truyền hình quốc gia Thụy Điển và các báo lớn, tạp chí Thụy Điển dồn dập đưa tin này gây chấn động thế giới. Vậy Assange là ai, đã làm "mếch lòng" Mỹ như thế nào và diễn tiến vụ truy nã (thực hiện kế hoạch của CIA) sẽ đi đến đâu?

Sinh năm 1971 tại Townsville, bang Queenland, Australia, Assange là một "chiến sĩ đấu tranh cho tự do Internet" và là một nhà báo nổi tiếng sau khi ông thành lập WikiLeaks. Ông cũng là một lập trình viên phát triển phần mềm tự do, đồng thời là một hacker nổi tiếng ở Australia. WikiLeaks ra đời năm 2006, là trang web khuyến khích mọi người công khai những thông tin để chống lại nạn tham nhũng trong chính quyền và các công ty.

Trong khi báo chí nói Assange là nhà sáng lập hoặc giám đốc WikiLeaks, Assange chỉ tự nhận là tổng biên tập làm việc không ăn lương. Năm 2009, Assange được Tổ chức Ân xá Quốc tế trao giải thưởng truyền thông. Vào ngày 26/7/2010, Assange cho đăng lên WikiLeaks 76.000 báo cáo mật chứa đựng những tài liệu bí mật quân sự Mỹ tại Afghanistan. Hành động này gây sốc cho nhiều quan chức tình báo, quân sự và dân sự Mỹ. Ngay lập tức, giới chức an ninh Mỹ, chính là CIA, đã vào cuộc điều tra.

Sau một thời gian tìm hiểu, cuối cùng CIA kết luận rằng danh tính 2 nhân vật chính trong câu chuyện rò rỉ bí mật chiến tranh Afghanistan mà Lầu Năm Góc giấu kín trong mấy năm qua, đó là Assange và binh nhất Bradley Manning.

Liên quan đến vụ này, vào ngày 26/7/2010, xuất hiện trong một cuộc họp báo ở London (Anh), để bảo vệ Manning, Assange từ chối bình luận về nguồn cung cấp tài liệu mật cho WikiLeaks và làm cách nào WikiLeaks nhận được những tài liệu đó (trước đó, Daniel Ellsberg - người tiết lộ tài liệu mật Lầu Năm Góc cách đây 39 năm, đã báo động chuyện Manning bị bắt cho Assange biết với lời cảnh báo các cơ quan an ninh Mỹ sẽ làm đủ cách xử Assange để làm gương). Do vậy, Assange hủy kế hoạch đáp máy bay đến Las Vegas (Mỹ) và rút vào bí mật.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Assange và WikiLeaks bị đe dọa. Vào tháng 1/2010, WikiLeaks đã đăng tải một tài liệu của quân đội Mỹ cho hay Mỹ lên kế hoạch "phá hủy trọng tâm của WikiLeaks".

Người sáng lập trang WikiLeaks.

Sau vụ này, Washington và Lầu Năm Góc "vừa đấm vừa xoa", một mặt khuyên Assange nên đóng trang mạng WikiLeaks, mặt khác, cảnh báo về việc "luật pháp Mỹ sẽ sờ gáy Assange". Vào ngày 14/8/2010, tuyên bố với nhật báo Dagens Nyheter tại Stockholm, Assange nói rằng, ông sẽ tung lên trang WikiLeaks tiếp nội dung của khoảng 15.000 báo cáo mật về việc quân đội Mỹ và NATO hiện diện tại Afghanistan vào cuối tháng 9/2010, bất chấp việc Bộ trưởng Quốc phòng Gates gây sức ép vào hôm 13/8/2010.

Reuters dẫn lời người phát ngôn Geoff Morrell của Lầu Năm Góc khẳng định rằng quân đội Mỹ tin là đã xác định được 15.000 hồ sơ mật này. Assange cũng nói rằng WikiLeaks sẽ xử lý thận trọng, an toàn các tài liệu này và đã đi được nửa chặng đường trong việc "xem xét lại từng dòng" trong 15.000 tập tài liệu trên trước khi đăng tải chúng.

Nội dung ông Gates gây sức ép là gì? Theo báo The Times, ông Gates nói rằng các tài liệu bí mật mới thậm chí sẽ gây tổn hại về an ninh và đe dọa mạng sống của nhiều người hơn so với số 76.000 báo cáo được công bố trước đây, đồng thời khuyên Assange nên "tự chủ trong mọi hành vi xâm phạm đến an ninh nước Mỹ". Và theo giới báo chí, việc Viện Công tố Thụy Điển truy nã Assange chắc chắn là "có bàn tay của CIA nhúng vào". Nhưng Assange đã phản pháo.

Ngay sau khi việc truy nã được dư luận rộng rãi biết đến, ngoài việc trả lời các cơ quan truyền thông, Assange đã gửi một e-mail đến cho nhật báo Dagens Nyheter, Assange phủ nhận mọi cáo buộc của giới chức an ninh Thụy Điển và Mỹ, đồng thời khẳng định rằng đây là đòn chí mạng của CIA đánh vào ông với mục đích khiến ông không tung tiếp lên mạng WikiLeaks 15.000 báo cáo  về lính Mỹ tại Afghanistan nữa.

Nhiều người, nhất là giới báo chí, cũng lên tiếng bênh vực Assange - người mà họ cho là rất dũng cảm. Chính 2 phụ nữ mà Viện Công tố Thụy Điển cáo buộc là Assange đã hiếp dâm cũng lên tiếng khẳng định rằng cả hai "không hề bị cưỡng bức". Có lẽ do bằng cớ không thỏa đáng và không đủ nên vào sáng 21/8/2010, Trưởng Công tố Karin Rosander đã lên tiếng tuyên bố hủy lệnh truy nã Assange. Nhưng Karin nói thêm rằng chẳng bao lâu nữa Viện Công tố sẽ truy nã Assange, nhưng không phải tội hiếp dâm, mà là một tội khác.

Nếu như vậy, CIA chắc chắn sẽ tung đòn chí mạng thứ hai đánh vào ông chủ của WikiLeaks

Hồng Sơn - Miên Tường (tổng hợp)
.
.