Vụ rò rỉ thông tin của Tình báo Cộng hòa Czech

Thứ Sáu, 13/08/2010, 22:45
Tại Czech vừa xảy ra một vụ bê bối lớn làm tổn hại nặng nề đến an ninh quốc gia, sau khi tên tuổi của 380 nhân viên và điệp viên của Cơ quan tình báo quân sự đã bị tiết lộ trước công luận trên trang web của Viện nghiên cứu các chế độ cực quyền (IITR). Đáng chú ý là danh tính của những điệp viên quan trọng lại do chính một số điệp viên cao cấp của Cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Czech tiết lộ…

Khởi xướng cho vụ bê bối trên chính là tờ báo Mlada fronta Dnes tại Praha và phóng viên Jaroslaw Kmenta, người trong vòng 5 năm qua đã có nhiều thông tin điều tra góp phần dẫn tới sự ra đi của hai vị thủ tướng, cùng 3 cuốn sách đáng chú ý khác về mafia tại Czech.

Theo đó ngay từ tháng 4/2010, trên trang web của IITR đã xuất hiện một danh sách các nhân viên và điệp viên tình báo quân đội đã hoạt động cho Praha từ trước đó cho đến tháng 2/1990. Viện này còn giải thích thêm rằng, đã nhận được thông tin trên từ những quan chức hàng đầu của Cơ quan Tình báo quân đội Czech.

Theo giải thích của ông Stephan Bachinski - Giám đốc phụ trách an ninh của Tình báo Quân đội, ông đã chuyển giao tài liệu về các điệp viên Tiệp Khắc từ thời chế độ XHCN theo quy định của một đạo luật có từ năm 2008.

Tuy nhiên, ông Bachinski đã không thể thanh minh về việc cơ quan này đã bỏ sót một thực tế rất quan trọng, khi một số điệp viên từ thời XHCN trong danh sách này vẫn đang tiếp tục phục vụ cho tình báo Czech. Ông Bachinski ngay sau đó đã có một lá thư gửi tới IITR, yêu cầu ngay lập tức dỡ bỏ trên Internet một loạt các tên tuổi có trong danh sách.  

Nhà ngoại giao Frantishek Masopust (trái), một trong những nạn nhân có tên trong Bản danh sách điệp viên của Czech.

Cần phải nói thêm rằng, bản danh sách trên cho tới thời điểm gần đây vẫn còn là một bí mật đối với phương Tây. Khoảng 20 năm trước đây, giới lãnh đạo Tiệp Khắc (khi đó còn chưa chia tách thành hai nước Czech và Slovakia) để chứng tỏ lòng trung thành của mình với các đồng minh mới ở phương Tây đã trao cho Washington và Brussels tất cả dữ liệu về các mạng lưới tình báo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc cũ, đồng nghĩa với việc giao lại tất cả các nhân viên và điệp viên cũ của họ tại nước ngoài.

Đây được coi là một hành động bán đứng chưa có tiền lệ, ngay cả tại tất cả các nước Trung và Đông Âu không theo con đường XHCN từ cuối năm 1989. 

Không khó hình dung về một loạt những hậu quả bi kịch chỉ trong 2 tháng kể từ khi bản danh sách xuất hiện trên Internet. Đã có 3 quan chức cao cấp của quân đội đã phải từ chức vì vụ rò rỉ này. Cho đến khi bức thư muộn màng của tình báo quân đội được gửi tới IITR, bản danh sách bị tiết lộ đã phá hỏng sự nghiệp của một loạt các quan chức ngoại giao Czech. Bộ Ngoại giao đã phải triệu hồi một loạt các quan chức đại diện của họ từ nhiều nước khác nhau.

Chẳng hạn như Vaslaw Mleziva, một nhân viên cao cấp có nhiều kinh nghiệm trong phái đoàn ngoại giao của Czech tại Macedonia, đã buộc phải khẩn cấp trở về nước vì có tên trong danh sách.

Trong hàng ngũ những nạn nhân của vụ rò rỉ trên còn có Frantishek Masopust, hiện là Giám đốc điều hành của Viện Hợp tác kinh tế với các nước SNG. Khi trả lời phỏng vấn Radio Praha, bản thân ông này đã rất phẫn nộ khi tuyên bố rằng, tại một đất nước bình thường không bao giờ có chuyện tiết lộ một danh sách như kiểu này.

Hiện chưa thể thống kê hết được tất cả những hậu quả, nhưng theo phóng viên  Jaroslaw Kmenta, một vài cựu điệp viên hay các nguồn tin nằm vùng của họ đang có nguy cơ bị tống vào tù, tùy thuộc vào địa phương họ đã và đang hoạt động.

Sau khi nhận được thư từ phía tình báo quân đội, IITR đã giảm số lượng trong danh sách trên mạng của mình xuống còn 356 người. Tuy nhiên phải một tháng sau, phía cơ quan tình báo còn phát hiện ra vẫn còn dữ liệu của 24 điệp viên nữa vẫn được xếp vào loại tuyệt mật, khiến họ phải gửi một lá thư mới yêu cầu gạt bỏ những cái tên này.

Theo các chuyên gia, cái gọi là "công khai theo kiểu Czech" trên chẳng thể nào có tác dụng làm tăng thêm uy tín chính trị cho Praha, chứ chưa nói đến việc phản tác dụng. "Từ quan điểm tiêu chuẩn của các cơ quan tình báo, việc phải tiết lộ mạng lưới điệp viên của mình luôn được coi là một hành động làm mất mặt - Một chuyên gia tình báo nhận xét - Mọi điệp viên theo nguyên tắc cần phải được giữ bí mật cho đến hết đời".

Giờ đây, tình báo Czech chắc chắn sẽ rất khó khăn trong việc gây dựng những mạng lưới điệp viên mới vì chuyện thất tín này. Sự công khai của Praha còn có thể gây ra rắc rối gián tiếp cho cả Washington. Ngay từ 20 năm trước, khi nhận được danh sách các điệp viên Tiệp Khắc, mật vụ Mỹ đã tuyển mộ lại được không ít điệp viên có giá trị trong số này. Nhưng với những người có mặt trong bản danh sách của IITR, giá trị sử dụng của họ giờ đây chắc chắn chỉ còn là con số không tròn trĩnh. 

Khi mọi chuyện đã vỡ lở, Chính phủ Czech đã vội vàng tìm mọi cách để dập tắt vụ bê bối. Đại diện Bộ Quốc phòng nước này cam kết: Các điệp viên bị tiết lộ đều đã "không còn hoạt động nghiệp vụ tích cực", nên việc công bố về họ không gây nguy hiểm cho hoạt động tình báo. Tuy nhiên chính ông này cũng thừa nhận, vụ việc "có thể gây rắc rối" đối với một số người trong danh sách hiện vẫn đang công tác trong lĩnh vực ngoại giao hay kinh tế.

Tuy nhiên, phía Quốc hội lại không thể dễ dàng bỏ qua như vậy. Các nghị sĩ nước này dự định sau kỳ nghỉ hè sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để bàn về việc tiết lộ danh sách trên. Không loại trừ khả năng với sự điều tra từ phía Quốc hội, sẽ có một loạt các quan chức khác phải từ chức vì sai sót nghiêm trọng trên

Thái Quân (tổng hợp)
.
.