Vụ rơi máy bay và cái chết bí ẩn của nhà khoa học hạt nhân Ấn Độ

Thứ Tư, 27/09/2017, 11:39
Đầu năm 1966, chiếc máy bay Boeing 707 của hãng hàng không Ấn Độ Air India đang thực hiện hành trình từ thành phố Mumbai nước này đến thủ đô London nước Anh thì bất ngờ gặp tai nạn khủng khiếp trên ngọn Mont Blanc thuộc dãy Alpes khiến 117 người thiệt mạng.

Trong vụ rơi máy bay này có một nhân vật quan trọng, đó là nhà khoa học Homi Jehangir Bhabha - cha đẻ của chương trình hạt nhân Ấn Độ. Từ đó, có giả thuyết cho rằng, Bhabha là nạn nhân của kế hoạch ám sát do Cục Tình báo trung ương Mỹ tiến hành nhằm làm tê liệt chương trình hạt nhân của New Delhi.

Hai vụ rơi máy bay cùng một địa điểm

Vào khoảng 7 giờ sáng ngày 24-1-1966, chiếc máy bay Boeing 707 trong chuyến bay 101 "Kanchenjanga" của Air India bị rơi trên ngọn Mont Blanc trong dãy Alpes, thuộc vùng biên giới Italia và Pháp. Nhưng thi thể của Homi Bhabha và hộp đen máy bay không bao giờ được tìm thấy có lẽ do thời tiết lúc xảy ra tai nạn quá khắc nghiệt cản trở mọi nỗ lực tìm kiếm.

Nhà khoa học Homi Jehangir Bhabha.

Ngày 25-1 sau đó, nhà khoa học Vikram Sarabhai đọc diễn văn chia buồn tại thành phố Bombay (nay là Mumbai) và bắt đầu chính thức thay thế Homi Bhabha nắm giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Ấn Độ (AEC) - cơ quan trực thuộc Bộ Năng lượng nguyên tử nước này (DAE).

Mùa hè năm 2016, sông băng Bossons ở huyện Chamonix (trong vùng Alpes thuộc nước Pháp) lộ ra cả một kho tàng trên xác máy bay xấu số Boeing: không phải ngọc ruby hay sapphire mà là bộ tài liệu nhạy cảm đóng dấu "Tuyệt mật" có nguồn gốc từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA).

Hệ quả biến đổi khí hậu dẫn đến sự tan chảy con sông băng Bossons đã kích thích người dân địa phương và nhà leo núi tìm đến khu vực này trên dãy Alpes. Theo tiết lộ mới đây từ Francoise Rey, nữ nhà văn Pháp sống lâu năm ở Chamonix, chính sự tò mò và hám lợi của con người đã dẫn đến sự phát hiện kho tàng và tài liệu mật của Chính phủ Ấn Độ. Francoise Rey là tác giả vài cuốn sách, trong đó là cuốn "Crash au Mont Blanc: La Fin des Secrets?" xuất bản năm 2015 (tạm dịch: Những vụ rơi máy bay trên đỉnh Mont Blanc: Sự kết thúc những bí ẩn?).

Chiếc Boeing của Ấn Độ rơi năm 1966 trên Mont Blanc không phải là chiếc máy bay đầu tiên gặp tai nạn khủng khiếp như thế. Tại cùng địa điểm trên sông băng Bossons còn có xác máy bay 245 (Được gọi là "Công chúa Malabar") của Air India.

"Công chúa Malabar" bỏ mạng tháng 11-1950 cùng với toàn bộ 48 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay. Tai nạn được tác giả người Pháp nổi tiếng Henri Troyat mô tả trong cuốn tiểu thuyết "La Neige en Deuil" (Tuyết mang màu tang) và năm 1956 được đạo diễn Mỹ Edward Dmytryk dựng thành phim "The Mountain" (Ngọn núi).

Tờ Hindustan Times Weekly phát hành năm 1966 được tìm thấy tại hiện trường rơi máy bay.

Tháng 9-1966, cuộc điều tra về vụ rơi máy bay Ấn Độ được mở lại và ủy ban điều tra Pháp hoàn tất báo cáo vào tháng 3-1967. Báo cáo kết luận: thời tiết băng giá làm trắng xóa bầu trời trên đỉnh Mont Blanc kết hợp với sự hiểu sai về "từ  ngữ" liên lạc giữa nhân viên kiểm soát không lưu ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ) và cơ trưởng J.T. D'Souza đã dẫn đến tai nạn rơi máy bay. 

Kết quả điều tra của Pháp được chính quyền Ấn Độ chấp nhận đồng thời cũng được đưa vào báo cáo hàng năm của Cục An toàn bay thuộc Bộ Hàng không Dân dụng Ấn Độ với tiêu đề: "Những tai nạn máy bay được ghi nhận ở Ấn Độ năm 1966".

Một mẩu tài liệu đề tên viết tắt của Homi Jehangir Bhabha - H.J.B..

Mặc dù báo cáo Pháp nêu chi tiết những mảnh vỡ lớn của máy bay Boeing nằm trên phần dãy Alpes thuộc Italia gần thành phố Courmayeur nước này song điều khó hiểu là tại sao Italia không tham gia vào cuộc điều tra của Pháp. 

Trong khi đó, lời khai từ một số nhân chứng người Italia - bao gồm phi công Hãng Hàng không Alitalia Agostino Ferrari và Đại tá Không quân Aldo Sirtori lái chiếc máy bay gần địa điểm rơi của Boeing vào lúc tai nạn xảy ra - cũng được đưa vào báo cáo điều tra của Pháp. Nhiều giả thuyết được đặt ra xung quanh vụ rơi máy bay Ấn Độ năm 1966 gây ra cái chết cho nhà khoa học cha đẻ chương trình hạt nhân nước này, thậm chí người ta cũng cho rằng có sự dính líu của CIA.

Homi Bhabha và chương trình hạt nhân thầm lặng của Ấn Độ

Tờ báo Anh The Guardian mô tả cái chết của Homi Bhabha là "sự mất mát to lớn" không chỉ cho Ấn Độ mà còn cho cả thế giới. Trước khi tử nạn, Homi Bhabha đóng vai trò trụ cột trong chương trình hạt nhân Ấn Độ và được coi là có liên quan đến khả năng phát triển vũ khí hạt nhân nước này.

Cuối năm 1964, sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc, Bhabha tuyên bố Ấn Độ có khả năng kích nổ một thiết bị hạt nhân trị giá 10 triệu USD trong vòng 18 tháng. Trong một cuộc họp với giới chức Mỹ tại Bộ Ngoại giao nước này vào tháng 2-1965 (tức 1 năm trước vụ rơi máy bay Boeing một cách khó hiểu của Ấn Độ trên đỉnh Mont Blanc), Bhabha tuyên bố "Ấn Độ cần đạt được một số thành tựu "mang tính hòa bình" để đối phó với uy tín của Trung Quốc đối với người châu Phi và châu Á".

Tài liệu tuyệt mật của MEA đề ngày 20-1-1966.

Khi đề cập đến nhà máy tái xử lý plutonium được xây dựng tại Ấn Độ, Mohi Bhabha nói thẳng với các giới chức Mỹ đang hoang mang rằng, nhà máy này "đủ lớn để xử lý toàn bộ lượng plutonium từ các lò phản ứng mà Ấn Độ hiện đang tự xây dựng" và chỉ trong vòng 5 năm nữa "Ấn Độ có thể sản xuất hàng trăm quả bom hạt nhân trong thời gian 1 năm". Nói cách khác, Mohi Bhabha đang "âm thầm" xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân cho Ấn Độ và đây mới là điều khiến cho người Mỹ lo sốt vó!

Người Mỹ nhận định, nửa cuối thập niên 1960 chính là giai đoạn quan trọng trong chặng đường phát triển chương trình hạt nhân có tiềm năng sản xuất vũ khí hủy diệt của Ấn Độ. Tờ báo Anh The Times bình luận trong cáo phó về Mohi Bhabha: "Chính quyền Ấn Độ có đủ khả năng sản xuất những quả bom plutonium trong tương lai nếu họ mong muốn".

Trong buổi lễ tưởng nhớ Mohi Bhabha tại trụ sở Tổ chức nghiên cứu khoa học và giáo dục Học viện Hoàng gia ở London, Sir John D. Cockcroft nhấn mạnh: "Trong những năm sau này, Homi Bhabha trở thành nhân vật trung tâm trong những cuộc bàn luận về sự phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như vấn đề Ấn Độ có nên phát triển loại vũ khí hủy diệt này hay không. Tuy nhiên, tôi cho rằng Bhabha lúc đó vẫn còn lưỡng lự trước vấn đề vũ khí hạt nhân. Nhưng ngay sau khi Trung Quốc thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên của nước này, Bhabha tỏ ra dứt khoát mong muốn cung cấp cho Ấn Độ khả năng chế tạo những quả bom plutonium nếu như chính quyền khát khao điều đó".

Sir John Cockcroft là cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Anh và là đồng nghiệp của Mohi Bhabha tại Phòng thí nghiệm Cavendish ở Đại học Cambridge.

Trong khi đó cũng tại Học viện Hoàng gia, M.G.K. Menon - tân Giám đốc Viện Nghiên cứu cơ bản Tata Ấn Độ, tổ chức được Bộ Năng lượng Nguyên tử Ấn Độ bảo trợ - lập luận rằng quyết định của Mohi Bhabha trong việc xây dựng nhà máy tái xử lý plutonium ở Ấn Độ "đôi khi bị hiểu sai" và vấn đề cần được đặt trong "sự đánh giá đúng về mặt lịch sử".

Theo trình bày của Menon, New Delhi đã có quyết định xây dựng nhà máy như thế vào thời gian trước khi nổ ra cuộc chiến tranh Trung - Ấn vào tháng 10-1962 và cơ sở này thực ra không nhằm sản xuất bom hạt nhân.

Tuy nhiên, Menon không hề đề cập đến mối nghi ngờ giữa Ấn Độ và Trung Quốc trở nên công khai kể từ khi Bắc Kinh chiếm đóng Tây Tạng năm 1950 cũng như sự căng thẳng vùng biên giới giữa 2 quốc gia trước cuộc chiến tranh năm 1962. Quan trọng hơn hết, New Delhi biết rõ mức độ đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân tiến triển thần tốc của Bắc Kinh.

Dù sao, cái chết quá sớm của Mohi Bhabha trên đỉnh Mont Blanc xảy ra ngay thời gian phức tạp của Ấn Độ - đó là lúc đất nước đang để tang Thủ tướng Lal Bahadur Shastri vừa mới qua đời (ngày 11-1-1966) khi đang viếng thăm thủ đô Tashken của Uzbekistan để ký kết hiệp ước hòa bình với Pakistan sau cuộc chiến tranh năm 1965; đồng thời tân nữ thủ tướng còn trẻ tuổi và non kinh nghiệm Indira Gandhi (bắt đầu thay thế Shastri ngày 19-1-1966) phải gánh vác đất nước đang gặp khó khăn về kinh tế.

Các tài liệu được sông băng Bossons "giải mật"

Tháng 8-2012, nhân viên cứu nạn người Pháp Arnaud Christmann tìm thấy một chiếc túi vải bằng sợi đay nặng khoảng 9kg vẫn còn nguyên vẹn đựng nhiều tài liệu quan trọng nên nhanh chóng chuyển giao về cho cơ quan cảnh sát ở Chamonix và từ đây nó được trao trả cho Đại sứ quán Ấn Độ ở Paris. Theo nữ tác giả Francoise Rey, các tài liệu được tìm thấy tại sông băng tan chảy Bossons được đóng dấu 2 loại - "A" (Tuyệt mật) và "B" (Truyền đạt chính thức).

Một số tài liệu có nguồn gốc từ Cục Đông Nam Á trực thuộc MEA trong đó đánh giá về năng lực phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Trong một tài liệu đánh giá về tên lửa Trung Quốc: "Đến cuối năm 1966, kích thước quả bom sẽ được giảm xuống để có thể trang bị cho máy bay ném bom IL-28. Vào giữa năm 1967, Trung Quốc sẽ chế tạo được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đạt tầm bắn xa 1.500km".

Một số tài liệu khác liên quan đến đại sứ Ấn Độ Khub Chand ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển cùng với các đại sứ quán và cơ quan đại diện ngoại giao nói chung của Ấn Độ ở nước ngoài. Đối với giới sử học, số tài liệu lộ ra trên sông băng tan chảy ở Chamonix thực sự là kho tư liệu quý giá tiết lộ về chính sách an ninh của Ấn Độ trong thời Chiến tranh Lạnh.

Cho đến nay, bản danh sách chính xác về danh tính các cá nhân được giao trọng trách gìn giữ số tài liệu nhạy cảm trên chuyến bay định mệnh 101 "Kanchenjunga" vẫn chưa được lập.

Ngoài túi tài liệu được trả về cho chính quyền Ấn Độ, còn rất nhiều hiện vật khác rơi vào tay những người leo núi, dân địa phương và những kẻ săn kho báu. Francoise Rey cho rằng, những người sục tìm đồ trang sức từ xác máy bay có lẽ đã vứt bỏ những tài liệu mà họ tìm thấy được. Trong 2 năm 2013 và 2014, rất nhiều người đổ về đỉnh Mont Blanc để hy vọng tìm thấy "kho báu" do đó có khả năng nhiều tài liệu khác của Ấn Độ bị thất lạc ở đâu đó.

Diên San (tổng hợp)
.
.