Vụ tai nạn hạt nhân dân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ

Thứ Bảy, 19/09/2009, 11:50
Vào sáng sớm ngày 28/3/1979, tại Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island (TMI) gần thành phố Middletown, bang Pennsylvania, đã xảy ra một sự cố tại Tổ máy số 2 (TMI-2) làm thất thoát một lượng lớn phóng xạ lây nhiễm cho gần 2 triệu người. Đây được xem là thảm họa hạt nhân dân sự lớn nhất trong lịch sử thành lập nước Mỹ.

Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island (TMI) được khởi công xây dựng vào ngày 10/5/1970, tại một địa điểm gần sông Sus quehanna chảy ngang qua thành phố Misddletown, bang Pennsylvania và do Công ty Babcock & Wilcox thiết kế với tổng vốn đầu tư lên đến 400 triệu USD. Tổ máy số 1 của TMI có công suất phát điện 802 MW được hoàn thành vào ngày 19/4/1974 và chính thức được cấp phép hoạt động vào ngày 2/9/1974, với thời hạn vận hành 40 năm.

Vào tháng 5/1974, đến lượt Tổ máy số 2 (TMI-2) của TMI tiếp tục được khởi công xây dựng và được đưa vào sử dụng ngày 30/12/1978 với công suất phát điện lên đến 906MW. Thế nhưng chỉ mới hoạt động được 3 tháng thì TMI-2 đã gặp sự cố vào sáng sớm ngày 28/3/1979, gây nên thảm họa hạt nhân dân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Sự cố bắt đầu xảy ra vào lúc 4h ngày 28/3/1979 khi hệ thống bơm nước làm mát lò phản ứng hạt nhân bỗng ngừng hoạt động không biết do gặp trục trặc kỹ thuật hay gặp sự cố về điện. Do thiếu nước làm mát khiến nhiệt độ bên trong lò phản ứng tăng cao. Trong khi đó, một van áp lực của lò phản ứng không biết vì lý do gì đã không hoạt động theo chế độ đóng, mở tự động. Thật ra, van áp lực đã bị một ai đó khóa kín trong đợt kiểm tra trước đó 24 tiếng đồng hồ mà quên khởi động hệ thống đóng, mở tự động.

Tổ máy số 2 của Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island sau khi gặp tai nạn vào ngày 28/3/1979.

Đến 7h45, do áp suất trong lò phản ứng tăng cao quá mức đã làm bung nhiều van điều tiết áp suất khiến một lượng lớn hơi nước, khí hydro có chứa phóng xạ thoát ra ngoài và lan nhanh khắp nhà máy rồi sau đó là ra môi trường xung quanh nhà máy. 8h15, lệnh báo động được ban hành khắp nhà máy.

Nhận được tin báo từ lãnh đạo nhà máy về sự cố của TMI-2, Ủy ban Điều hành hạt nhân quốc gia (NRC) có trụ sở đặt tại thủ đô Washington liền cảnh báo cho Bộ Năng lượng, Cơ quan Môi trường liên bang, chính quyền bang Pennsylvania và ra lệnh cho ngừng ngay hoạt động của TMI-2 đồng thời khởi động hệ thống bơm nước dự phòng để bơm nước từ sông Susquehanna làm mát TMI-2. Mặc dầu được tích cực khắc phục nhưng khí xenon từ khí bị nhiễm phóng xạ thoát ra từ lò phản ứng vẫn tiếp tục lan ra môi trường và chỉ được khắc phục vào buổi chiều cùng ngày.

11h ngày 28/3/1979, các đơn vị đặc nhiệm và cứu hộ đầu tiên của Bộ Năng lượng, Cơ quan Môi trường liên bang, Phòng Thí nghiệm quốc gia Brookhaven đã có mặt tại hiện trường để phối hợp cùng nhà máy khắc phục sự cố của TMI-2, đánh giá mức độ thiệt hại của sự cố, vấn đề ô nhiễm phóng xạ.

Lo ngại thảm họa nhiễm phóng xạ sẽ xảy ra cho cư dân sinh sống trong vùng nên 16h30 ngày 28/3/1979, Thống đốc bang Pennsylvania ra lệnh di tản ngay 140.000 trẻ em cùng phụ nữ mang thai ra khỏi bán kính 20km quanh nhà máy, đồng thời khuyến cáo người dân sống trong bán kính từ 10 đến 30km quanh nhà máy không được ra ngoài đồng thời phải đóng kín cửa. Tuy nhiên, do lo ngại bị ô nhiễm phóng xạ nên hàng trăm ngàn người dân sống quanh vùng và cả tại thành phố Middletown quyết định di tản đến thành phố Londonderry cách nhà máy TMI 80km để lánh nạn.

Ngày 29/3/1979, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ra lệnh cho Bộ Năng lượng,  Ủy ban Điều hành hạt nhân quốc gia bằng mọi giá phải khắc phục sự cố của TMI-2 trong thời gian sớm nhất đồng thời thành lập một ủy ban đặc biệt để đánh giá tình hình thiệt hại và điều tra nguyên nhân của vụ tai nạn.

Tuy nhiên, phải đợi đến ngày 2/4/1979, sự cố của TMI-2 mới hoàn toàn được khắc phục khi các kiểm tra, phân tích cho thấy không còn phóng xạ thoát ra ngoài. Nhưng phải đợi đến cuối tháng 4/1979, hàng trăm ngàn người dân mới lục tục quay về nhà sau khi nhận được thông báo về an toàn phóng xạ của chính quyền bang.

Theo kết quả điều tra của Cơ quan Môi trường liên bang và Ủy ban Kemeny (Ủy ban Điều tra đặc biệt của chính phủ do Giáo sư John Kemeny, Hiệu trưởng Đại học Darmouth, phụ trách), sự cố của TMI-2 đã làm thoát ra môi trường khoảng 480 petabecquerels (tương đương 13 triệu curies phóng xạ) dưới dạng khí xenon. Khí xenon có chứa phân tử iodine-131 gây ung thư.

Biểu tình phản dối việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại thành phố Middletown.

Các cuộc điều tra được công bố sau đó của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Phúc lợi xã hội, Bộ Năng lượng và chính quyền bang Pennsylvania cho biết có khoảng 2 triệu người dân sinh sống trong vùng đã bị nhiễm phóng xạ từ 1 đến 6 milirems, đặc biệt có người bị nhiễm đến 75 milirems. Đây là lý do khiến chính quyền bang Pennsylvania khuyến cáo người dân đến các cơ sở y tế để kiểm tra mức độ lây nhiễm phóng xạ để kịp có biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Một cuộc điều tra độc lập của ngành y tế bang Pennsylvania cho kết quả tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tử vong trong năm 1979 tăng đến 28% so với năm 1978, trong đó cá biệt tỉ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tháng tuổi tăng đến mức 54% so với năm 1978. Trong khi đó tỉ lệ người dân mắc chứng ung thư đã tăng 49% trong thời gian từ năm 1979 đến 1984.

Cũng theo kết quả điều tra của Ủy ban Kemeny, thiệt hại về kinh tế từ sự cố TMI-2 lên đến hàng tỉ USD và trách nhiệm thuộc về Ủy ban Điều hành hạt nhân quốc gia, Bộ Năng lượng và nhất là Công ty Babcock & Wilcox.

Sau vụ tai nạn hạt nhân của TMI-2, gần 51 dự án thiết kế và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân của Công ty Babcock & Wilcox đã bị ách lại và đến năm 1998 mới được triển khai. Trong khi đó, từ năm 2000, gần 100.000 cư dân sinh sống trong vùng đã làm đơn kiện Nhà máy TMI, Bộ Năng lượng và Ủy ban Điều hành hạt nhân quốc gia đòi bồi thường những thiệt hại về sức khỏe mà họ phải gánh chịu do sự cố của TMI-2 gây ra.

Cho đến nay chỉ còn một tổ máy hoạt động tại Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island và đến năm 2014 sẽ ngưng hẳn hoạt động. Vụ tai nạn tại Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island cũng trở thành chủ đề đấu tranh của các tổ chức bảo vệ môi trường trên khắp nước Mỹ và là đề tài để các nhà văn, nhà làm phim khai thác triệt để

Văn Hòa (theo La Revue)
.
.