Vụ tai nạn máy bay ném bom hạt nhân đầu tiên của không quân Mỹ

Thứ Hai, 23/10/2006, 08:00

Vụ tai nạn máy bay ném bom hạt nhân đầu tiên của Không quân Mỹ rơi vào quên lãng vì người ta cho rằng quả bom hạt nhân mang theo đã được cho nổ còn chiếc máy bay chắc đã nằm sâu đâu đó dưới lòng biển.

17 giờ 25 phút ngày 13/2/1950, chiếc máy bay ném bom hạt nhân loại Convair B-36B mang ký hiệu 44-92075 của Lực lượng Không quân chiến lược Mỹ (SAC), mang trong thân một quả bom hạt nhân loại Mark IV (cùng loại với quả bom "Gã Mập" thả xuống thành phố Nagasaki của Nhật vào năm 1945) cùng 17 nhân viên phi hành đoàn rời căn cứ không quân Eielson ở thành phố Fairbank, bang Alaska của Mỹ. Theo kế hoạch, chiếc B-36B sẽ bay xuôi theo vùng biển ngoài khơi Canada ở Thái Bình Dương, đến không phận bang Washington của Mỹ, máy bay sẽ bay vào đất liền hướng về phía đông để đáp xuống căn cứ không quân Carswell ở thành phố Fort Worth, bang Texas. Chuyến bay này này  nằm trong kế hoạch tập trận chiến đấu định kỳ của SAC.

Convair B-36B là loại máy bay ném bom tầm xa do Hãng Boeing chế tạo theo đơn đặt hàng của Không quân Mỹ vào năm 1949. Kích thước của loại B-36B còn lớn hơn cả loại máy bay ném bom B-52 hiện vẫn còn được Không quân Mỹ sử dụng. Với 6 động cơ cánh quạt được thiết kế quay ngược về phía sau, loại B-36B có thể bay một mạch từ 5.000 đến 7.000km mà không cần tiếp tế nhiên liệu. Được xem là con át chủ bài của SAC, đến năm 1959, loại B-36B mới được thay thế bằng máy bay ném bom B-52.

7 giờ sau khi cất cánh khỏi căn cứ Eielson và đang bay trên không phận ngoài khơi đảo lớn Vancouver của Canada thì trục trặc kỹ thuật đầu tiên bắt đầu xuất hiện khi thời tiết lạnh giá làm ảnh hưởng đến hệ thống tiếp nhiên liệu cho các động cơ khiến động cơ số 1 bên phải bốc cháy. Hai động cơ số 2 và 3 cũng bốc cháy khi chiếc B-36B bay trên không phận giữa đảo Charlotte Sound và đảo Queen Charlotte ngoài khơi đảo lớn Vancouver. Mất tốc độ bất thình lình khiến máy bay đột ngột giảm độ cao từ 30.000m xuống còn 10.000m. Những nỗ lực tăng tốc các động cơ còn lại để đưa máy bay bay lên độ cao 20.000m của phi hành đoàn đã làm cho động cơ số 4 ở cánh trái bốc cháy. Hai phút sau, đến lượt động cơ số 5 bốc cháy khiến máy bay giảm độ cao và rơi với tốc độ 200m/phút.

Biết không còn hy vọng cứu máy bay, Đại úy William Barry, chỉ huy chuyến bay quyết định bỏ máy bay. Việc làm đầu tiên là phải tìm cách phá hủy quả bom hạt nhân mang theo trong thân bằng cách điểm hỏa khi thả cho nó rơi xuống biển do lo ngại sẽ rơi vào tay của Liên Xô hay một quốc gia nào đó đối nghịch với Mỹ.

Theo tài liệu được tiết lộ vào năm 2000 bởi Ủy ban Hạt nhân quốc gia Mỹ thì quả bom mà chiếc B-36B gặp nạn thả xuống vùng biển ngoài khơi Canada không chứa plutonium, nhiên liệu gây nổ hạt nhân mà chỉ chứa một lượng rất ít uranium và chất nổ thông thường. Sau khi cho nổ quả bom, chiếc B-36B chuyển hướng bay vào đất liền thuộc bang British Columbia của Canada để phi hành đoàn nhảy dù ra ngoài. Đại úy Ted Schreier, phi công phụ, sẽ là người cuối cùng rời máy bay sau khi đã điều khiển cho máy bay bay ra hướng biển và khởi động hệ thống bay tự động của chiếc B-36B cho nó đâm xuống biển sau khi phát tín hiệu cấp cứu gửi cho SAC.

Nhận được tin, SAC ra lệnh báo động và phối hợp với Không quân Canada triển khai chiến dịch Brix để cứu phi hành đoàn của chuyến bay gặp nạn nhưng lại giấu nhẹm việc chuyến bay B-36B có mang theo một quả bom hạt nhân với phía Canada. Thời tiết khắc nghiệt do tuyết rơi dày đã làm hạn chế mọi cố gắng để tìm kiếm phi hành đoàn của chuyến bay B-36B. Phải mất đến hai ngày sau, 12 nhân viên phi hành đoàn mới được cứu sống. Riêng 5 người khác được cho là chết đâu đó do không tìm thấy họ cho dù các cuộc tìm kiếm phải kéo dài đến 10 ngày sau đó, trong đó có Đại úy Ted Schreier.

Dựa theo khai báo của các nhân viên phi hành đoàn còn sống sót, Không quân Mỹ chỉ ghi nhận về vụ tai nạn máy bay B-36B mà không tổ chức điều tra cụ thể vì cho rằng quả bom hạt nhân mang theo đã được cho nổ còn chiếc máy bay chắc đã nằm sâu đâu đó dưới lòng biển. Từ đó, vụ tai nạn máy bay ném bom hạt nhân đầu tiên của Không quân Mỹ rơi vào quên lãng.

Nhưng cho đến năm 1996, một chiếc máy bay trực thăng làm nhiệm vụ thám hiểm đã phát hiện ra những phần còn lại của chiếc máy bay nằm trên dãy núi Kologet. Sau khi cho trực thăng đáp xuống, phi hành đoàn còn chụp nhiều bức ảnh về xác của chiếc máy bay B-36B. Từ đó bí mật về vụ tai nạn của chiếc B-36B được đưa ra ánh sáng khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và trở thành một sự kiện được dư luận quan tâm với nhiều câu hỏi được đặt ra, là liệu chiếc B-36B có mang theo bom hạt nhân hay không? Nếu có thì quả bom ở đâu? Đã phát nổ hay chưa...

Trước áp lực của dư luận, vào tháng 3/2000, Không quân Mỹ đã phải giải trình công khai về vụ tai nạn của chiếc máy bay ném bom hạt nhân B-36B. Theo đó thì chiếc B-36B có mang trong thân một quả bom hạt nhân nhưng không chứa plutonium mà chỉ chứa chất nổ thông thường. Khi gặp trục trặc về máy móc trên không phận vùng biển Canada ngoài khơi đảo lớn Vancouver vào đêm ngày 13/2/1950, phi hành đoàn đã cho thả quả bom và nó đã phát nổ dưới biển, sau đó máy bay được hướng vào nội địa để phi hành đoàn nhảy dù.

Có hai giả thuyết được đưa ra về việc máy bay rơi trên dãy Kologet. Giả thuyết thứ nhất là, tuy để bay ra hướng biển theo chế độ bay tự động nhưng gió quá mạnh đã làm chệch hướng bay khiến máy bay bay lên hướng Bắc vào đất liền rồi rơi trên dãy Kologet. Giả thuyết thứ hai là Đại úy Ted Schreier, người được phân công thoát hiểm sau cùng đã không nhảy dù ra khỏi máy bay mà điều khiển máy bay bay vào đất liền cố đáp xuống một sân bay của Canada để cứu máy bay. Nhưng nỗ lực của Đại úy Ted Schreier bất thành và chiếc B-36B đã rơi trên dãy Kologet. Xác của viên phi công xấu số này đã được toán cứu hộ Mỹ-Canada tìm thấy cùng xác máy bay vào tháng 8/1954.

Năm 2001, để tránh sự tò mò của các nhà thám hiểm muốn phát hiện thêm những bí mật còn được giữ kín của chiếc máy bay ném bom hạt nhân B-36B, Chính phủ Canada quyết định cấm mọi hoạt động thám hiểm trên dãy núi Kologet

Hoàng Phú (theo Historia)
.
.