Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI) tuyên bố:

Vụ tấn công sứ quán Mỹ ở Libya là hành động khủng bố

Chủ Nhật, 07/10/2012, 16:30

Hôm 28/9, Shawn Turner - người phát ngôn của DNI - chính thức tuyên bố vụ tấn công vào Sứ quán Mỹ ở thành phố Benghazi, miền Đông Libya, vào ngày 11/9 giết chết 4 người Mỹ bao gồm Đại sứ Christopher Stevens là "một cuộc tấn công khủng bố có tính toán và có tổ chức hẳn hoi do các chiến binh cực đoan liên kết với Al-Qaeda tiến hành”.

Kết luận của DNI hoàn toàn trái ngược với đánh giá trước đây của cộng đồng tình báo Mỹ bao gồm Cục Tình báo trung ương (CIA) cho rằng, vụ tấn công xảy ra do cuộc bạo loạn tự phát chống bộ phim sản xuất ở Mỹ phỉ báng Hồi giáo và bôi nhọ hình ảnh của nhà tiên tri Muhammad.

Theo Shawn Turner, hiện thời vẫn chưa xác định được có phải một nhóm người hay một người ra mệnh lệnh chung và kiểm soát cuộc tấn công, hay các nhóm cực đoan gửi thành viên của chúng tham gia cuộc tấn công. Năm ngày sau vụ tấn công, Đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc là bà Susan Rice cho rằng, chính bộ phim phỉ báng Hồi giáo đưa lên Internet đã dẫn đến vụ tấn công.

Riêng giới chức chống khủng bố hàng đầu của Mỹ nhận định có sự nhúng tay của bọn khủng bố, bao gồm chi nhánh Al-Qaeda ở Bắc Phi gọi là AQIM. Cũng có số người nghi ngờ những phần tử cực đoan liên quan đến cuộc tấn công là thành viên của Ansar al-Sharia - nhóm chiến binh người Libya do một cựu tù ở Guantanamo lãnh đạo và có quan hệ với AQIM.

Trong khi đó, các quan chức chính quyền - bao gồm quan chức báo chí Nhà Trắng Jay Carney, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton - cũng tuyên bố chắc nịch đây vụ tấn công khủng bố. Nổi nóng, các nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích chính quyền Obama đã đưa ra những thông tin hết sức "lộn xộn" và nghị sĩ Peter King - chính khách thường xuyên chỉ trích chính quyền Obama - kêu gọi bà Susan Rice từ chức vì đã đánh lạc hướng dư luận về thực chất của vụ tấn công.

Shawn Turner cho biết tuyên bố hôm 28/9 của DNI là một nỗ lực nhằm giải thích "những báo cáo trước đó thường sai và không đầy đủ" đồng thời nhấn mạnh "hiện thời còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời và cộng đồng tình báo chúng tôi đang tiếp tục thu thập thêm nhiều chi tiết để hiểu chính xác những gì đã xảy ra ở Benghazi". Mặc dù nhân viên CIA đã sơ tán khỏi Benghazi sau vụ tấn công, song tình báo Mỹ vẫn đang nghe lén điện thoại, theo dõi các chatroom trên Internet và phỏng vấn các nguồn khác để thu thập thông tin chi tiết hơn về vụ việc.

Theo các báo cáo tình báo mới đây, một nhóm hơn 50 tên cực đoan vũ trang hạng nặng - bao gồm súng AK-47, súng phóng lựu kèm theo súng phun lửa - tấn công Sứ quán Mỹ ở Benghazi. Bọn chúng thiết lập hàng rào để cách ly tòa nhà ngoại giao và giết chết bất cứ người Mỹ nào cố gắng chạy thoát ra ngoài. Trong đợt tấn công đầu tiên, bọn chúng phóng hỏa tòa nhà chính buộc mọi người chạy đến tòa nhà phụ nằm gần đó, nơi một nhóm cực đoan thứ hai chờ sẵn để nã súng cối.

Sứ quán Mỹ bốc cháy ở Benghazi sau những vụ tấn công.

Sau vụ tấn công, Lầu Năm Góc đã gửi thêm 50 lính thủy đánh bộ từ Tây Ban Nha đến giúp kiểm soát an ninh ở Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tripoli của Libya và phái 2 tàu chiến tiến đến vùng bờ biển nước này. Chính quyền dân chủ mới ở Tripoli đang có những nỗ lực ổn định xã hội còn nhiều biến động của Libya.

Hình ảnh Sứ quán Mỹ bốc cháy ngùn ngụt vô cùng tương phản với sự phấn khích ở Benghazi, cái nôi của cuộc cách mạng chống Gaddafi, khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu có hành động can thiệp quân sự vào năm 2011. Nhưng hiện nay sự kình địch giữa miền Đông và miền Tây Libya đang căng thẳng. Và, các chiến binh Hồi giáo, đặc biệt ở Benghazi và các phần khác của miền Đông Libya, đang trỗi dậy gây thanh thế. Các nhà phân tích cảnh báo các nhóm Hồi giáo đang tìm cách khai thác lỗ hổng an ninh ở Libya hiện nay.

Trong những tháng gần đây, có đến 14 nhân vật thuộc chế độ Gaddafi bị ám sát và các nhà thờ Hồi giáo Sunni - bị các nhóm Hồi giáo cực đoan coi là dị giáo - bị thiêu hủy, nhưng không có ai bị lôi ra tòa án xét xử. Mohammed K. Arab, lãnh đạo Khoa Nghiên cứu chính trị Đại học Tripoli, nhận định Libya đang đối mặt với tình trạng mất ổn định khi không có lực lượng cảnh sát để kiểm soát đất nước  và cũng không có quyền lực tập trung có thể kiểm soát tất cả các nhóm chiến binh vũ trang khác nhau.

Thượng nghị sĩ Bill Nelson, thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cũng lên tiếng kêu gọi ủy ban mở cuộc điều tra xem "Al-Qaeda hay các chi nhánh của chúng đóng vai trò như thế nào trong những vụ tấn công xảy ra ở Libya và Ai Cập"

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.