Vụ tàu gián điệp USS Peublo bị bắt ở Triều Tiên: Họa vô đơn chí

Thứ Sáu, 13/02/2015, 19:30

1. Chạy vòng vòng chừng 10 phút, hai tàu đánh cá của CHDCND Triều Tiên bỏ đi. Cuối cùng, vào lúc xế chiều, việc liên lạc đã kết nối được với trung tâm chỉ huy ở Nhật Bản, hình ảnh và những tin tức tình báo được truyền về, đồng thời tàu USS Peublo cũng nhận được một số mệnh lệnh từ NSA.

Tuy nhiên, có một thông tin mà NSA giấu nhẹm, không thông báo cho thuyền trưởng Bucher biết. Đó là ngày 22/1/1968, 40 tiếng đồng hồ trước khi tàu USS Peublo bị bắt, một nhóm biệt kích CHDCND Triều Tiên ăn mặc như lính Hàn Quốc đã bí mật vượt qua khu phi quân sự ở Vĩ tuyến 38, ngăn đôi CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc với mục tiêu tiến công Dinh Tổng thống Hàn Quốc ở Seoul nhưng đã bị phát hiện.

Ngay sau khi cuộc đột kích xảy ra, các chuyên gia NSA phân tích: Đó có phải là một đòn cảnh cáo về việc tàu USS Peublo đã xâm nhập lãnh hải CHDCND Triều Tiên, và có nên ra lệnh cho thuyền trưởng Bucher quay về hay không?

Tuy nhiên, với những báo cáo về mục đích của cuộc đột kích vẫn còn quá manh mún nên NSA dành quyền quyết định cho Đô đốc Frank L. Johnson, Chỉ huy Lực lượng Hải quân Mỹ tại Nhật Bản.

Đọc xong bức điện mật của NSA xoay quanh vấn đề tàu USS Peublo quay về hay vẫn ở lại, Đô đốc Frank L. Johnson nhún vai: "Không thể đoán trước được những việc mà người Bắc Triều Tiên làm".

Hiểu ý, trung úy Edward E. Brookes, sĩ quan tùy viên của Frank L. Johnson cho phát đi thông báo, nội dung USS Peublo tiếp tục công việc!

Thuyền trưởng Bucher viết bản thú tội. Ảnh: Thông tấn xã CHDCND Triều Tiên.

Trưa 23/1, khi đang tiến hành hoạt động trinh sát, đột nhiên thuyền trưởng Bucher và thủy thủ đoàn phát hiện một tàu săn ngầm SO-1 của CHDCND Triều Tiên tiến đến gần rồi đèn liên lạc trên tàu phát ra những tín hiệu morse, đại ý: "Tàu các anh thuộc quốc tịch nào?".

Vẫy tay ra dấu cho một thủy thủ kéo lá cờ Mỹ lên phía trước mũi, Bucher hy vọng tàu săn ngầm sẽ phải dè chừng mà bỏ qua nhưng bất ngờ từ phía con tàu này, vang lên một mệnh lệnh bằng tiếng Anh: "Hoặc dừng lại, hoặc bị bắn".

Theo lệnh của thuyền trưởng Bucher, 2 máy GMC của tàu USS Peublo tăng hết công suất, cố gắng chạy ra hải phận quốc tế càng nhanh càng tốt nhưng với tốc độ chỉ 12 hải lý, USS Peublo vẫn bị con tàu săn ngầm của CHDCND Triều Tiên kèm chặt.

Họa vô đơn chí, từ đường chân trời, xuất hiện thêm 2 tàu phóng lôi lớp YAG do Liên Xô chế tạo và 1 tàu săn ngầm, còn trên đầu là 2 máy bay tiêm kích MiG-21 với những quả tên lửa không đối hải.

Mặc dù không có bất kỳ một tín hiệu trao đổi nào giữa hai bên nhưng Bucher hiểu rằng tàu USS Peublo đã bị bao vây.

Điều mỉa mai là USS Peublo là tàu trinh sát điện tử với những thiết bị tối tân nhất vào thời ấy, nhưng lại chẳng hề phát hiện đối phương trong suốt quá trình họ tiếp cận tàu mình!

Không giảm tốc độ, tàu USS Peublo vẫn cố gắng bỏ chạy. Lúc này, lại có thêm một tàu phóng lôi nữa của CHDCND Triều Tiên tham gia truy đuổi. Nhận thức rằng thời gian chẳng còn nhiều, thuyền trưởng Bucher một mặt ra lệnh phá hủy các thiết bị trinh sát điện tử để sau này có cớ cho rằng CHDCND Triều Tiên đã đơn phương tấn công một tàu nghiên cứu dân sự Mỹ, mặt khác báo động tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Tù nhân tàu USS Peublo chơi bóng rổ trong trại giam.

Một thủy thủ phụ trách súng máy kể lại: "Tàu USS Peublo không có giáp bảo vệ. Vũ khí chính chỉ gồm 2 khẩu 12,7mm - một đặt bên mạn phải và một ở phía sau nhưng phải chống lại 4 tàu phóng lôi, 2 tàu săn ngầm và 2 máy bay MiG. Một tỷ lệ cá cược không ổn chút nào".

Nhận thấy tàu USS Peublo không chấp hành mệnh lệnh, một trong hai tàu săn ngầm của CHDCND Triều Tiên khai hỏa. Loạt đạn 12,7mm đầu tiên, nó bắn tung các cửa kính của phòng điểu khiển trung tâm, làm gãy một ăng ten chính.

Tiếp theo, khẩu pháo 57mm khạc lửa khiến vỏ tàu rách mấy mảng. Điều hiển nhiên là các tàu săn ngầm, tàu phóng lôi của CHDCND Triều Tiên không có ý đánh chìm tàu USS Peublo và cũng không muốn sát hại thủy thủ đoàn, mà muốn bắt sống bởi lẽ nếu muốn đánh chìm thì chỉ 2 quả ngư lôi là xong!

2. Lúc này trên tàu USS Peublo đã có 2 người bị thương. Theo kế hoạch do NSA đề ra, nếu có sự cố, USS Peublo sẽ được Hạm đội 7 và Không đoàn Không quân chiến thuật số 5, căn cứ đặt tại Fuchu, Nhật Bản yểm trợ ngay tức thì.

Gọi điện cho chỉ huy Lực lượng Hải quân Mỹ tại Nhật Bản, Bucher thông báo: "Hiện  đã có 4 tàu SO-1 của Bắc Triều Tiên bao vây và bắn vào chúng tôi. Họ có pháo 57mm, súng phòng không 37mm, súng máy 12,7mm. Ngoài ra còn có 2 máy bay MiG và 2 tàu phóng lôi YAG".

Đáp lại lời yêu cầu này, Lực lượng Hải quân Mỹ tại Nhật Bản lại không hề đưa ra một chỉ thị cụ thể nào để hỗ trợ cho tàu USS Peublo mặc dù họ đã được thông báo về sứ mệnh của nó, trong lúc các máy bay chiến đấu F4B của Hải quân Mỹ đã chờ sẵn trên đường băng cùng 2 tàu khu trục Mỹ chỉ cách tàu USS Peublo chưa đầy 50 hải lý (khoảng 90km).

Khi một sĩ quan không quân thuộc hải quân đặt câu hỏi, rằng nên xử trí thế nào về vụ tàu USS Peublo đang bị bao vây thì câu trả lời mà anh ta nhận được là "không cần thiết".

Khói súng chưa tan hết, một nhóm những người lính CHDCND Triều Tiên vũ trang súng AK47 từ một tàu săn ngầm tìm cách tiếp cận tàu USS Peublo bên mạn trái, còn một tàu khác thì chặn ngay trước mũi trong lúc 2 chiếc MiG-21 liên tục lướt qua tàu USS Peublo với độ cao rất thấp, đến mức có thể nhìn thấy rõ chiếc mũ bay bằng da màu đen của phi công.

Trong Phòng Kỹ thuật của tàu USS Peublo, các chuyên viên phụ trách hệ thống trinh sát điện tử ra sức phá hủy các thiết bị đắt tiền bằng cách dùng búa và rìu, đập vỡ, đốt, xé nhỏ tài liệu. Một số thiết bị quá cồng kềnh, không thể phá được thì họ ném xuống biển.

Thấy tàu USS Peublo tiếp tục bỏ chạy về hướng đông, hai tàu săn ngầm của CHDCND Triều Tiên lại khai hỏa.

Đạn 57mm nổ tung ngay cột radar, chiếc cầu thang bằng sắt dẫn lên đài radar bay mất trong tích tắc, đạn 12,7mm xiết từng tràng dài trong lúc 2 khẩu súng của tàu USS Peublo chẳng bắn được viên nào vì thủy thủ đoàn không ai dám chạy đến nơi đặt súng!

Cuối cùng, chiếc USS Peublo giảm tốc độ xuống còn 4 hải lý. Phía bên tàu săn ngầm SO-1, họ ngừng bắn và phát ra một thông điệp bằng đèn: "Hãy đi theo tôi, tăng tốc độ lên".

Một nhóm tù nhân được phép chụp ảnh gửi về cho gia đình.

Hẳn là phía CHDCND Triều Tiên cũng e ngại nếu máy bay và tàu hải quân Mỹ tham chiến nên họ cố gắng hối thúc tàu USS Peublo đi vào hải phận của họ càng nhanh càng tốt vì một cuộc tiến công của máy bay, tàu chiến Mỹ xảy ra trong hải phận của họ sẽ bị xem như một cuộc xâm lược, chẳng khác gì vụ tàu Madox xảy ra trong vịnh Bắc Bộ, Việt Nam hồi năm 1964.

Mặc dù đã giảm tốc độ, nhưng tàu USS Peublo vẫn không quay mũi đi theo tàu săn ngầm. Ý đồ của thuyền trưởng Bucher là cố gắng "câu giờ" để các kỹ thuật viên có thời gian phá hủy những thiết bị trinh sát điện tử.

Hình như nhận ra điều đó, hai tàu săn ngầm và một tàu phóng ngư lôi của CHDCND Triều Tiên lại tiếp tục khai hỏa. Loạt đạn cuối cùng bắn bay mất một chân của thủy thủ Duane Hodges.

Thời điểm ấy, việc liên lạc giữa tàu USS Peublo với Bộ chỉ huy Hải quân Mỹ tại Nhật Bản vẫn thông suốt, và Hải quân Mỹ hoàn toàn tường tận về những gì đang diễn ra.

Tuy nhiên, khi thuyền trưởng Bucher xin ý kiến, rằng nên chấp nhận đầu hàng hay tiếp tục bỏ chạy để đợi cứu viện thì ông nhận được câu ám ngữ: "Một số loài chim giương cánh theo cách của nó".

Điều đó có nghĩa là "xử trí thế nào thì tùy anh", và đó cũng là thông điệp cuối cùng mà USS Peublo nhận được từ Bộ chỉ huy Hải quân Mỹ tại Nhật Bản.

3. Cuối cùng, chuyện phải đến đã đến. Hai tàu săn ngầm áp sát mạn trái của tàu USS Peublo trong lúc các tàu phóng lôi vẫn trong tư thế sẵn sàng nhả đạn.

Một nhóm lính CHDCND Triều Tiên, súng AK trên tay, leo lên tàu USS Peublo. Họ ra lệnh cho tất cả thủy thủ đoàn tập trung lên boong rồi sau đó, tất cả đều bị trói và bị bịt mắt.

Một nhóm khác xuống hầm máy, còn một nhóm lên đài chỉ huy, điều khiển cho tàu USS Peublo hướng về cảng Wonsan.

Tuy vậy, thuyền trưởng Bucher vẫn còn kịp gửi thêm một bức điện cầu cứu Đô đốc Frank Johnson, Chỉ huy trưởng Các Lực lượng Hải quân Mỹ ở Nhật Bản: "Chúng tôi đã bị bắt và bị buộc phải cho tàu đi theo họ. 3 thủy thủ bị thương và 1 người chết. Đã hủy toàn bộ những thiết bị và tài liệu quan trọng. Chúng tôi sẽ cố gắng hủy càng nhiều càng tốt. Đề nghị được hỗ trợ".

Tuy nhiên, phía Mỹ sau này bào chữa rằng do điều kiện truyền tải và thời tiết xấu, nên họ không nhận được bức điện này!

Khi chỉ còn cách cảng Wonsan chừng 4 hải lý, một đại tá CHDCND Triều Tiên từ một tàu phóng lôi lên tàu USS Peublo, tiến hành xem xét những thiết bị trinh sát điện tử còn lại.

Điều mỉa mai là mặc dù đã ra sức đập phá, nhưng các chuyên viên kỹ thuật chỉ phá được một số thiết bị vòng ngoài, còn hệ thống xử lý chính của SOD Hut hầu như vẫn còn nguyên.

Các bức điện mật cũng thế, nhiều bức điện chỉ thị công tác của NSA lại không bị đốt mà sau này, theo lời của các nhân viên kỹ thuật thì: "Sự hoảng sợ đã khiến chúng tôi không còn đủ bình tĩnh để phân biệt cái nào cần đốt, cái nào không. Cứ hễ thấy đó là giấy thì đốt".

Cập cảng Wonsan,  thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của tàu USS Peublo được gỡ bỏ băng bịt mắt. Trên bờ, cạnh cầu cảng, một đám đông người dân không biết tụ tập từ lúc nào, liên tục la hét và lăng mạ họ.

82 con người - trừ một người đã chết vì vết thương quá nặng bị dẫn giải lên một chiếc xe bus với những cửa sổ bịt kín bằng lưới sắt để đề phòng đám đông quá khích ném đá. Sau đó, họ được đưa lên xe lửa đến một trại giam ở Bình Nhưỡng.

Bị tách làm đôi, những người trên tàu USS Peublo bị giam ở hai khu vực khác nhau trong lúc ở nửa bên kia của thế giới, Chính phủ Mỹ phái một đội đặc nhiệm thuộc Hải quân Mỹ cùng tàu sân bay USS Enterprise CVN-65 tới vùng biển Nhật Bản, gây áp lực yêu cầu CHDCND Triều Tiên phải thả ngay tàu USS Peublo và thủy thủ đoàn nhưng dĩ nhiên CHDCND Triều Tiên không hề có ý định này.

Họ tuyên bố tàu USS Peublo đã cố tình xâm nhập hải phận nước họ để tiến hành các hoạt động gián điệp.

Với thuyền trưởng Bucher, trong các cuộc hỏi cung, ông ta đều nhất mực cho rằng tàu USS Peublo không xâm phạm lãnh thổ CHDCND Triều Tiên, rằng tàu của ông chỉ làm công tác khảo sát hải dương và đang ở trong vùng biển quốc tế vì ông ta tin rằng nhóm chuyên viên kỹ thuật đã đốt hết những tài liệu quan trọng, còn các thiết bị do thám điện tử thì đã bị phá hủy.

Nếu có sót lại một vài bộ phận nào đó, người Bắc Triều Tiên dẫu ba đầu sáu tay cũng không thể nào khai thác được.

Tuy nhiên, điều mà Bucher không ngờ là bản mật lệnh công tác có mã số R180752Z - DEC67 cùng tấm bản đồ định vị các mục tiêu trinh sát - là những chứng cứ có thể kết tội tàu USS Peublo làm gián điệp - do NSA gửi cho ông ta vẫn còn nguyên vẹn.

Lúc một sĩ quan phản gián CHDCND Triều Tiên đưa cho Bucher xem những chứng cứ này, Bucher á khẩu!

Cuối cùng, Bucher phải thú nhận rằng tàu USS Peublo là tàu trinh sát điện tử, ngụy trang dưới hình thức nghiên cứu hải dương, xâm nhập hải phận CHDCND Triều Tiên để tiến hành do thám.

Không chỉ riêng ông ta, các sĩ quan dưới quyền ông như trung úy Edward R. Murphy Jr., trung úy Stephen R. Harris, nhân viên  kỹ thuật Melrose, Kenmore… đều khai vanh vách  về nhiệm vụ của mình.

Được đưa ra trình diện báo chí, những lời khai của họ và hình ảnh con tàu nhanh chóng tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn thế giới.

(Còn tiếp)

Cao Trí (theo History)
.
.