Vụ thảm sát gần 6 vạn người Do Thái ở Chisinau

Thứ Ba, 10/04/2018, 08:50
Ở ngoại ô Chisinau (thủ đô của Cộng hòa Moldova) có một giáo đường Do Thái đổ nát. Lá dây thường xuân phủ dầy cộm tại một nơi từng là bàn thờ. Những bức tường đá cao vọi, bên trong là chốn trống rỗng. Thời gian trôi đi mọi thứ sẽ hoang phế.

Giáo đường Do Thái bị bỏ hoang này không chỉ đơn thuần là một sự mục ruỗng mà bên trong nó còn ẩn chứa những sự kiện bi thảm về cộng đồng dân cư Do Thái ở Chisinau, những nạn nhân của sự diệt chủng tàn bạo của Đức Quốc Xã (ĐQX). Chisinau hiện đại là một thành phố vui nhộn, rực rỡ màu sắc, nhưng nó vẫn chứa đựng trong lòng những bi kịch động trời.

Vụ “đại thảm sát” ở Chisinau

Thành phố Chisinau được lịch sử nhắc đến là vào đầu thế kỷ 15. Dân cư bắt đầu tăng lên vào thế kỷ 16 trở đi. Khi đó, Chisinau là thủ đô của Bessarabia – một tỉnh tự trị có diện tích 45000km2 trải dài từ đồng bằng châu thổ Danube và Hắc Hải ở phía Nam, và ngược lên phía Bắc của sông Dnieper chảy xuyên qua Kiev.

Một góc Chisinau khang trang, hiện đại của nước Cộng hòa Moldova ngày nay. 7 thập niên trước, nơi đây được biết đến dưới cái tên “Khu ổ chuột Chisinau” với 60.000 người Do Thái sinh sống.

Sau khi giành được tự do từ đế quốc Ottoman vào năm 1812, Bessarabia bị xâm chiếm bởi đế quốc Nga và chịu sự kiểm soát bởi người Nga suốt hơn một thế kỷ. Cộng đồng người Do Thái đông dần vào thế kỷ 19 ở Chisinau. Khoảng năm 1897 thì có hơn 50.000 người Do Thái sống ở Chisinau, chiếm 46% tổng dân số của thành phố.

Tuy nhiên vào năm 1903, người Do Thái Bessarabian bị đàn áp tàn bạo và đẫm máu, nhiều người bị giết trong các cuộc bạo động chống người Do Thái. Ông Abraham Polnovick, một người sống sót trong sự kiện tàn phá vào năm 1903 đã báo cáo: “Xác chết có ở mọi nơi. Các thanh nữ bị đối xử tàn bạo và tra tấn đến chết. Đám đông hung hãn đi qua các tuyến phố, hét vang: “giết sạch bọn Do Thái! Đốt cháy nhà chúng đi!”.

Thống đốc Chisinau do người Nga bổ nhiệm đã mất ghế do bất lực không ngăn chặn được vụ tàn phá, còn Sa hoàng Nicholas II tỏ ra lo lắng, bồn chồn trước vụ nổi loạn ở tỉnh Bessarabia. Khi nước Nga bị chia rẽ sau cuộc Cách mạng Bolshevik vào năm 1917, Rumani tuyên bố làm chủ vùng đất Bessarabia cho đến năm 1940 thì vùng đất này lại trở về tay Liên Xô dưới tên gọi mới là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Moldova”.

Ảnh xưa về “Khu ổ chuột Chisinau” với các khu nhà và giáo đường của người Do Thái.

Trong khi đó, dân số Do Thái vẫn không ngừng tăng lên. Khi phát xít bắt đầu chiếm ưu tế ở nước láng giềng Rumani, Chisinau bắt đầu nhận một lượng lớn dân nhập cư Do Thái, nâng tổng dân số lên 60.000 người. Adolf Hitler bắt đầu nhìn ngó Liên Xô, Chisinau sớm bị vạ lây vào cuộc chiến. Chỉ 1 năm sau khi thành lập nước, Moldava SSR đã bị tấn công bởi liên lực lượng ĐQX và Rumani.

Hàng ngàn người Moldova SSR đã bị giết hại trong các cuộc không kích của Không lực Đức. Đến ngày 16 tháng 7 năm 1941, một lần nữa lá cờ Rumani lại căng lên trên giáo đường Nasterea Domnului ở Chisinau. Dân số Do Thái ở Chisinau từ 60.000 người đã giảm chỉ còn lại đúng 86 người trong cùng năm 1941.

Nhiều người Do Thái Moldova đã bị sát hại trong đợt xâm lược này. Người sống sót Matatias Carp sau này đã viết lại sự kiện kinh hoàng: “Ngày 17 tháng 6 năm 1941, dọc theo 2 tuyến đường dẫn vào Chisinau, những tên lính Rumani và ĐQX đã sát hại 10.000 người Do Thái đầu tiên”.

Ước tính chỉ 2 tuần đầu tiên khi liên quân ĐQX-Rumani xâm lược Chisinau, đã có thêm 10.000 người Do Thái khác bị giết chết. Các nhân chứng báo cáo rằng bọn xâm lược hung tàn đã lùng sục từ nhà này sang nhà khác, bắn chết toàn bộ các gia đình, và cướp sạch tài sản của họ.

Phế tích đổ nát của giáo đường Do Thái ở Chisinau, nơi chứng kiến cái chết của hàng vạn người Do Thái.

Những người Do Thái khác bị chở đi đâu đó để hành quyết. Một số nạn nhân “bốc hơi” khi rơi vào tay Gestapo, trong khi số khác bị đẩy ra khỏi nhà của họ lên những chiếc xe tải quân sự rồi chở ra vùng ngoại ô của Chisinau. Nơi đây các nạn nhân bị bắn vào lưng và xác bị hất xuống các hố chôn tập thể.

Sự kiện “đại thanh trừng khu ổ chuột” người Do Thái Chisinau bắt đầu vào ngày 24 tháng 7 năm 1941, như một nỗ lực nhằm gây ra một số vụ hỗn loạn cướp bóc và giết người. Đám lính Rumani gọi những người Do Thái còn sống sót ra khỏi nhà của họ - khi đó còn khoảng 11.000 người – và ép nạn nhân tới khu Chợ Cũ.

Ở Chợ Cũ sau những lần không kích bằng bom của Không lực Đức, nơi này bị rào lại và một “khu ổ chuột Chisinau” đã ra đời. “Khu ổ chuột Chisinau” là một trong 10 nơi tập trung người Do Thái trong làn sóng xâm lược. Người ta tin rằng có từ 75.000 đến 80.000 người Do Thái sống trong những trại tập trung này, trong đó “Khu ổ chuột Chợ Cũ” có 11.526 người Do Thái.

Người Do Thái bị quân ĐQX đẩy lên xe trục xuất họ đến Transnistria vào ngày 28 tháng 10 năm 1941.

Một số tài khoản nói rằng nếu không có lệnh từ Bucharest (Rumani) thì số lượng người Do Thái còn lại này cũng sẽ bị “thanh trừng” sạch sẽ. Trong khi ĐQX muốn tiêu diệt sạch sẽ thì phía Rumani lại có ý định coi Bessarabia là “lãnh thổ bảo hộ” của họ và nhấn mạnh vào việc đối xử người Do Thái theo cách riêng của họ.

Nhưng “thời điểm tốt đẹp” cũng ngắn chẳng tày gang. Từ tháng 10 năm 1941 trở đi, “các khu ổ chuột” của Bessarabia bị giãn lỏng ra và cư dân bị ép vào các trại tập trung ở Transnistria. Các tài liệu cũng tiết lộ rằng giới chức ở Chisinau chưa từng nghĩ rằng tất cả người Do Thái sẽ còn sống sót, như Tướng Rumani, Topor, từng viết rằng  “mỗi 10km sẽ có một ngôi mộ cho 100 người Do Thái, họ bị bắn chết và lấp đất”.

Trong số từ 75.000 đến 80.000 người Do Thái ban đầu trong các “khu ổ chuột” ở  Bessarabia chỉ có đúng 55.867 người sống sót khi đặt chân đến Transnistria. Hàng vạn người đã bị sát hại trên đường đi. Vào thời điểm khi Hồng quân Liên Xô tiếp cận Chisinau vào tháng 8 năm 1944 và thiết lập chính quyền, người ta tin rằng ĐQX đã sát hại khoảng 300.000 người Do Thái trên khắp Bucovina, Bessarabia và Transnistria.

Nghĩa địa Do Thái Chisinau

Ngày hôm nay, “Khu ổ chuột” Chisinau chỉ còn là tàn tích. Những khu vực lớn của thành phố này đã bị san phẳng trong suốt các cuộc chiến, từ những lần dội bom của ĐQX, cho đến khi Liên Xô tiếp quản vào năm 1944. Tổn thất nặng nề nhất cho Chisinau không phải đến từ 2 cuộc chiến của các đế quốc mà là do một trận động đất nổ ra vào tháng 11 năm 1940, với cường độ 7,3 độ Richter khiến nhiều nơi bị san bằng. Vẫn còn những tuyến phố mang kiến trúc thời Xô Viết (thập niên 1960) ở Chisinau. 

Hơn 7 thập kỷ trước, cùng những tuyến phố này là một nhà tù. Một “trại tử thần”. Nằm sâu bên trong “khu ổ chuột” trước đây là một khối kiến trúc bằng đá trắng, cây cối mọc búa xua xâm nhập vào công trình, đó là một giáo đường Do Thái, nơi từng hứng chịu một đợt không kích bằng bom của Không lực ĐQX. 

Cũng chính tại giáo đường này, nơi 2 lần người Do Thái hứng chịu những tội ác bi thảm nhất của loài người. Khu Chợ Cũ của Chisinau giờ đây đã mang một sắc thái khác, ít người nhận ra nó, cây cối tỏa bóng mát xanh tươi ở một nơi đã hứng chịu vô số đau thương.

Hàng loạt bia mộ trầm mặc trong khu nghĩa trang Chisinau.

Nghĩa địa Do Thái nằm ở phía Bắc tính từ trung tâm thành phố Chisinau. Bên trong khung cổng nghĩa trang, thật khó để hình dung ra kích thước của nơi an táng này. Nó mở rộng về 3 hướng. Những con đường biến mất giữa các tấm đá, còn những nấm mồ nổi bật giữa thảm cỏ. Các nghĩa địa này là một minh chứng về cái gọi là diệt chủng: nơi tồn tại bên ngoài các không gian xã hội đại chúng, nơi mọi ranh giới là tâm linh, và thời gian là các không gian nhiều chiều. 

Có khoảng 23.500 ngôi mộ tại nghĩa địa Do Thái Chisinau, chúng có từ đầu thế kỷ 17. Chỉ còn đúng 86 người Do Thái còn sống sót ở Chisinau sau chiến tranh… và các ngôi mộ ở đây đã kể những câu chuyện khác nhau. Phần lớn khu nghĩa địa này đã bị bom phá hủy nặng nề vào năm 1941.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.