"Vua tin tặc Trung Quốc - Vạn Đào": Ai ở phía sau?

Thứ Tư, 20/03/2013, 21:45

Đã tuyên bố "rửa tay gác kiếm" và cắt đứt mọi liên hệ với giới Hồng khách, thế nhưng Vạn Đào vẫn che giấu những góc khuất bên trong căn phòng làm việc riêng của anh ta. Con người này cũng ấp úng khi trả lời phóng viên tờ New York Times về hoạt động trước đây của Liên hiệp Đại bàng đỏ. Anh ta hoàn toàn không thể lý giải vì sao Liên hiệp lại bị vướng vào nghi án được chính quyền tiếp tay, thậm chí là vũ khí chính để Trung Quốc khai thác thông tin bí mật của các quốc gia khác.
>> Hồng khách với khát vọng thống trị thế giới mạng

Trong cuộc phỏng vấn, Vạn Đào đã tiết lộ thêm một số chi tiết vô cùng thú vị về giới Hồng khách nhân danh yêu nước đang hoạt động trên khắp lãnh thổ Trung Quốc. Theo anh ta, tin tặc chưa từng bị phạt hay thậm chí khiển trách vì hành vi phá hoại của họ. Giới Hồng khách luôn tự khoe khoang về chiến tích mạng. Thực tế là mạng lưới Hồng khách đang gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, trở thành mối đe dọa với các cường quốc trên thế giới. Họ tập trung tấn công vào một danh sách, trong đó bao gồm những cơ quan đầu não như Văn phòng Thương mại và Quân đội Mỹ, Liên minh châu Âu hay Nhà Trắng...

Làm tin tặc cũng đáng mơ ước như... sao ca nhạc!

Dù trở về làm kinh doanh bình thường, Vạn Đào vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn nghiệp "gõ máy tính và sáng tạo ra virus". Một dấu hiệu khác thường ở văn phòng làm việc của anh ta là sự xuất hiện của một căn phòng nhỏ chỉ được mở bằng vân tay. Màn hình máy tính dày đặc những đoạn mã khó hiểu cùng một tấm bản đồ thế giới được đánh dấu bằng các dấu đỏ bí hiểm. Cả một hệ thống máy tính được kết nối và bảo vệ bằng mật mã.

Vạn Đào nói rằng, các dấu đỏ là biểu hiện của khu vực mục tiêu giới Hồng khách muốn tấn công. "Những điểm do thám" được Vạn Đào cẩn trọng theo dõi, và tính toán cho một cuộc tấn công mới chưa biết bao giờ sẽ diễn ra. Có thể là trong một vài tháng, thậm chí vài năm sắp tới chăng?

Vạn Đào có một lịch làm việc giống hệt một công chức bình thường: 5 ngày trong tuần, từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều. Ban ngày, anh ta điều hành một công ty an ninh mạng IDFL với các đối tác phần lớn là các công ty công nghệ trong nước và nhiều tổ chức phi chính phủ. Khi đêm xuống, Vạn Đào bắt đầu nghiên cứu sử dụng các công cụ tấn công an ninh mạng hoàn toàn tự chế, thậm chí xây dựng cả một diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm với các Hồng khách khác.

Hắc khách có mặt ở khắp mọi nơi nhưng Hồng khách Trung Quốc được coi là "máu" nhất, đông đảo và phức tạp nhất. Các nhóm Hồng khách được coi là nòng cốt của Liên hiệp Đại bàng đỏ với hàng ngàn thành viên. Chiến tích đầu tiên "lẫy lừng" nhất của Vạn Đào và đàn em là đột nhập các hệ thống mạng nước Mỹ sau khi máy bay Mỹ thuộc lực lượng NATO ném bom "lầm" tại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade (thủ đô Liên bang Nam Tư cũ), trong khuôn khổ cuộc chiến ở Kosovo năm 1999.

Hình ảnh trang thông tin bị Hồng khách - tin tặc tấn công.

Vạn Đào tiết lộ, tùy theo đối tượng mà Liên hiệp mới tiến hành trả đũa khi có chuyện xảy ra. Ví dụ như các thành viên từng tấn công ồ ạt các trang web Chính phủ Iran sau khi tổ chức "Quân đội mạng Iran" tấn công mạng Baidu của Trung Quốc vì cư dân mạng nước này ủng hộ phe chống Chính phủ Iran. Hay trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9/2007, Liên hiệp đã đồng loạt tấn công vào hệ thống máy tính ở 5 quốc gia là Mỹ, Đức, Anh, Pháp và New Zealand. Trong khi đó, vụ tấn công mạng Google trong mấy năm gần đây được các nhóm tin tặc khác thực hiện, còn Liên hiệp Đại bàng đỏ lại không tham gia vì tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức riêng của mình.

Yếu tố đoàn kết mạnh mẽ nhất của các Hồng khách Trung Quốc là chủ nghĩa dân tộc. Khi tinh thần dân tộc bị đẩy tới mức cực đoan thì một số người có xu hướng dịch chuyển sang giới Hồng khách. Vạn Đào nói rằng, ở Trung Quốc, làm tin tặc "cũng giống như làm ngôi sao nhạc rock", đó là "một sự nghiệp mà có đến 1/3 trẻ em tuổi đi học mơ ước".

Ai ở phía sau?

Hơn nửa số nhân viên làm việc tại IDFL là cựu thành viên của Liên hiệp Đại bàng đỏ. Bồi Vị Vị, một đàn em mới 24 tuổi của Vạn Đào, phụ trách việc viết phần mềm an ninh mạng, từng thú nhận đã "vô ý" tạo ra virus máy tính dưới sự giám sát của Vạn Đào (nhưng khẳng định chưa bao giờ thả loại mã độc này). Một vài thành viên kỳ cựu của Liên hiệp không còn quan tâm tới việc gieo rắc những mầm mống virus nguy hiểm trong thế giới ảo, và hoàn toàn "miễn dịch" với giới Hồng khách vốn lắm thủ đoạn.

Trong khi đó, những người còn lại của Liên hiệp bị tiền và lòng tham che mắt. Vạn Đào tin rằng, một số người bạn của anh ta đã bị “một hoặc vài người có thế lực” ép thực hiện các cuộc tấn công mạng. Vạn Đào vẫn khẳng định rằng, đây là cái bẫy nhằm lôi kéo và xây dựng một đội quân bí mật để tấn công an ninh mạng tại phương Tây.

Vạn Đào miêu tả những cậu trai "mặt búng ra sữa, quê mùa, ít học", nhưng rất có tiềm năng trở thành những Hồng khách nguy hiểm khi tiếp cận với máy tính. Họ mải mê với thứ công nghệ xa xỉ chẳng khác nào robot, chôn chân trong phòng với các chương trình phần mềm đến mức quên ăn quên ngủ.

Theo tiết lộ, một Hồng khách nhận tiền hoa hồng của một doanh nghiệp quốc doanh chỉ để đánh cắp thông tin làm ăn từ một doanh nghiệp đối thủ. Mức tiền có thể lên tới hàng trăm triệu nhân dân tệ nếu phi vụ trót lọt.

Vạn Đào có vẻ căng thẳng khi nhắc lại quá khứ của một Hồng khách, tuy nhiên khi đề cập tới những chèn ép của “những người có thế lực”, anh ta trở nên tức giận. "Hồng khách chỉ sống được ở môi trường tự do. Tinh thần và cuộc sống của chúng tôi bị  kìm hãm. Xã hội Trung Quốc không hề tha cho bất cứ nhân tài nào cho tới khi tận dụng được họ".

Hiện nay, trên phân nửa dân số Trung Quốc có thể tiếp cận các dịch vụ mạng dưới sự kiểm duyệt gắt gao của chính phủ. Những Hồng khách như Vạn Đào tìm thấy "miếng mồi mới" để thỏa chí với đam mê làm tin tặc thông qua các mạng xã hội, nơi một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang vô tư "tự sướng" hay "thể hiện cái tôi quá lố bịch". Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn bão suy thoái, đặc biệt phải nhắc tới nạn tham nhũng, bất bình đẳng thu nhập và sự xuống cấp trầm trọng của môi trường. Các bài báo điện tử đã vạch trần nhiều vụ quan chức nhà nước tham ăn hối lộ, hay có liên quan đến bê bối tình dục trong nước làm suy thoái nền tảng đạo đức.

"Cách duy nhất để Trung Quốc giải quyết mọi vấn đề là phải đối mặt với sự khủng hoảng và suy thoái nội tại. Vạn Đào chia sẻ. Cuối cùng, anh ta quyết định cắt đứt mọi liên hệ với lực lượng Hồng khách để đi tìm sự bình yên cho bản thân.

Điều gây tranh cãi

Vạn Đào phủ nhận việc Liên hiệp Đại bàng đỏ làm việc cho chính quyền. Anh ta không tin rằng đang có hàng ngàn con người cùng chui rúc trong một căn phòng bé xíu chỉ để làm tin tặc. Vạn Đào bảo vệ Liên hiệp bằng việc nêu ra một phản biện có phần ngớ ngẩn rằng địa chỉ IP của máy tính liên quan tới lãnh thổ Trung Quốc nhưng chưa chắc đã xuất phát từ Trung Quốc. Và cũng nhấn mạnh tội lỗi hoàn toàn do các nhóm Hồng khách khác gây ra, còn bản thân anh ta và Liên hiệp không hề liên quan.

Theo đó, những Hồng khách được cho rằng đã xâm nhập vào mạng của NASA, Lầu Năm Góc, Ngân hàng Thế giới và tấn công Phòng Công nghiệp và An ninh trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ dữ dội đến mức cơ quan này phải phá bỏ hàng trăm máy tính. Dữ liệu từ mọi ổ cứng của dự án máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35 bị phong tỏa và gần như họ đã ném bom rải thảm hệ thống kiểm soát không lưu của Không lực Mỹ.

Cũng chính Vạn Đào vô tình thừa nhận rằng từng giúp các trang web chính thức của chính quyền cải thiện an ninh mạng. Nhiều thành viên của Liên hiệp đã mở công ty an ninh mạng phục vụ lợi ích của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Đây được coi là một trong những tiết lộ hiếm hoi cho thấy mối liên hệ giữa Hồng khách và PLA. Trong nhiều trường hợp khác, các hồng khách phủ nhận mọi liên hệ với chính quyền Bắc Kinh.

Rõ ràng, không thể có chuyện giới tin tặc hoạt động mà không có người chống lưng, nhất là khi chính quyền Trung Quốc vốn có chế độ kiểm soát Internet chặt chẽ nhất thế giới. Tuy nhiên, những bằng chứng xuất phát từ miệng của một cựu Hồng khách có tiếng nhất nhì Bắc Kinh lại không được bảo đảm về độ chính xác tuyệt đối. Và chẳng ai hiểu được liệu đây có phải là một trò chơi mới của Vạn Đào nhằm tung hỏa mù, khiến dư luận hiểu sai trên phương diện chính trị.

Cuối cùng chỉ mình Vạn Đào hiểu. Và câu chuyện của anh ta cũng chỉ được kể lại mà thôi!

Trần Quân - Doãn Anh (tổng hợp)
.
.