“Vùng xám” trong Thung lũng Silicon

Thứ Ba, 27/08/2013, 11:15

Sau khi rời khỏi công ty truyền thông xã hội Facebook vào năm 2010, Max Kelly - Trưởng ban An ninh của Facebook - không đến Google, Twitter hay một công ty nào khác tương tự ở Thung lũng công nghệ cao Silicon. Thay vào đó, Max Kelly - người chịu trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của hơn 1 tỉ người dùng Facebook trước những cuộc tấn công từ bên ngoài - chuyển sang làm việc cho tổ chức tình báo khổng lồ chuyên quản lý và phân tích biển dữ liệu của Mỹ - Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Quyết định của Max Kelly cho thấy rõ mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa NSA và Thung lũng Silicon. Cả hai khu vực đều có điểm chung là luôn săn tìm những biện pháp mới để thu thập, phân tích và khai thác biển dữ liệu liên quan đến hàng triệu người Mỹ. Nhưng, có một điểm khác biệt là NSA nỗ lực vì nhiệm vụ tình báo, còn Thung lũng Silicon làm việc để kiếm tiền.

Các chuyên gia công nghệ và các cựu sĩ quan tình báo cho biết, sự hội tụ giữa Thung lũng Silicon và NSA và sự tăng cường khai thác dữ liệu đã tạo nên một thực tế vô cùng phức tạp.

Đằng sau mô hình doanh nghiệp “dữ liệu lớn”

Thung lũng Silicon sở hữu tất cả những gì mà NSA thèm muốn - lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ và những phần mềm tinh vi nhất giúp phân tích chúng. Ngược lại, NSA nằm trong số những khách hàng quan trọng nhất của Thung lũng Silicon về lĩnh vực phân tích dữ liệu - một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của thung lũng. Để chạm tay vào công nghệ phần mềm mới nhất và độc đáo nhất của Thung lũng Silicon nhằm thao tác và hưởng lợi từ các khối dữ liệu cá nhân rộng lớn, các cơ quan tình báo Mỹ dồn sức đầu tư thành lập các công ty mới ở thung lũng, ký kết những hợp đồng mật và tuyển mộ những chuyên gia công nghệ kỳ cựu như Max Kelly.

Ray Wang, nhà phân tích công nghệ và Giám đốc điều hành Constellation Research đặt trụ sở ở San Francisco, cho biết: "Chúng tập trung tất cả vào các mô hình doanh nghiệp Big Data (Dữ liệu lớn). Hiện nay có nhiều sự kết nối bởi vì các nhà khoa học dữ liệu và công chúng nói chung đang xây dựng các hệ thống được quan tâm đặc biệt này".

Chuyên gia an ninh kỳ cựu Max Kelly.

Mặc dù Thung lũng Silicon từ lâu đã có các hợp đồng bán trang thiết bị công nghệ tiên tiến cho NSA cũng như các cơ quan tình báo khác, song mối quan tâm của cả hai phía bắt đầu hội tụ theo những hướng mới trong vài năm gần đây khi mà những tiến bộ trong công nghệ lưu trữ trên máy tính giúp giảm mạnh giá thành của việc lưu trữ các lượng dữ liệu khổng lồ.

Philipp S. Kruger, Giám đốc điều hành Công ty Explorist ở New York, giải thích: "Hai thế giới này gối lên nhau". Tổng số tiền mà NSA đầu tư vào Thung lũng Silicon được xếp loại mật, song các nhà phân tích độc lập cho rằng vào khoảng từ 8 đến 10 tỉ USD một năm!

Bất chấp sự khẳng định của các công ty ở Thung lũng Silicon rằng họ chỉ hợp tác với NSA "trên tinh thần tuân thủ pháp luật", nhưng các nhà phân tích nhận định đôi khi họ bí mật lập ra các đội chuyên gia làm việc riêng với NSA giúp cho biển thông tin cá nhân của khách hàng công ty lọt vào tay cơ quan tình báo một cách dễ dàng hơn. Hơn nữa, các công ty ở Thung lũng Silicon cũng chịu sức ép mạnh và tinh vi từ NSA trong khai thác dữ liệu cá nhân.

Thậm chí, Skype thành lập chương trình bí mật riêng gọi là Dự án Chess (Chess Project) nghiên cứu các vấn đề kỹ thuật và pháp lý giúp cho các cơ quan tình báo cũng như giới quan chức thực thi pháp luật Mỹ dễ dàng thu thập thông tin về các cuộc gọi sử dụng dịch vụ Internet này một cách thuận lợi hơn - theo tiết lộ của những người hiểu biết chương trình Chess nhưng không muốn tiết lộ danh tính vì không muốn gặp rắc rối với các cơ quan tình báo Mỹ.

Dự án Chess - chưa bao giờ được tiết lộ trước đây - có quy mô nhỏ, chỉ giới hạn đối với vài người bên trong Skype và được phát triển do công ty đôi khi có những cuộc tiếp xúc bất đồng về các vấn đề pháp lý. Dự án Chess được khởi động cách đây chừng 5 năm trước khi phần lớn tài sản của công ty được công ty mẹ eBay bán cho các nhà đầu tư bên ngoài vào năm 2009. Và, Microsoft giành được Skype với giá 8,5 tỉ USD vào tháng 10/2011.

Trụ sở Google tại Mountain View, California, trong Thung lũng Silicon.

Năm 2012, một nhà quản trị của Skype phủ nhận những thay đổi cung cách hoạt động trong thời gian gần đây của Skype là do yêu cầu từ Microsoft nhằm mục đích giúp tình báo Mỹ do thám. Tuy nhiên, có lẽ Skype đã có sự hợp tác với cộng đồng tình báo Mỹ trước khi bị Microsoft thâu tóm. Theo một trong các tài liệu được Edward J. Snowden, cựu nhân viên hợp đồng của NSA, tiết lộ thì Skype tham gia chương trình Prism của NSA từ ngày 6/2/2011.

Có lẽ không một người nào ra sức tạo dựng mối quan hệ mật thiết giữa NSA và Thung lũng Silicon hơn Kenneth A. Minihan - Giám đốc thứ 14 của NSA (1996-1999) dưới thời chính quyền Bill Clinton cho đến khi về hưu vào cuối thập niên 90. Hiện thời, Kenneth Minihan là Giám đốc điều hành Paladin Capital Group, công ty đầu tư đặt trụ sở ở Washington, một phần chuyên tài trợ cho các công ty mới khởi nghiệp sản xuất các giải pháp công nghệ cao cho NSA và các cơ quan tình báo khác. Kenneth Minihan là người đầu tiên đặc biệt chú trọng đầu tư cho NSA những công nghệ mới nhất để phân tích và khai thác những luồng dữ liệu khổng lồ lưu thông trên toàn thế giới và bên trong nước Mỹ.

Các thành viên trong ban cố vấn chiến lược của Paladin bao gồm Richard C. Schaeffer Jr., cựu chuyên gia quản trị NSA. Ngoài công ty tư nhân Paladin, cộng đồng tình báo Mỹ còn có công ty đầu tư riêng In-Q-Tel được Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tài trợ để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ cao. Nhiều công ty công nghệ phần mềm liên quan đến phân tích dữ liệu sẵn sàng công khai về mối quan hệ của họ với các cơ quan tình báo Mỹ. Gary King, đồng sáng lập Công ty Crimson Hexagon ở Boston cho biết trong một cuộc phỏng vấn của báo chí rằng ông đã có những cuộc nói chuyện ở tổng hành dinh CIA ở Langley về các công cụ phân tích truyền thông xã hội của công ty.

Mối quan hệ trong bóng tối giữa các ông trùm tình báo Mỹ và Google

Cách đây 2 thập niên, Cảnh sát Liên bang và các cơ quan tình báo Mỹ yêu cầu Thung lũng Silicon xây dựng "cửa hậu" để họ có thể dễ dàng sử dụng bất cứ thiết bị điện tử mới nào và khu vực zero này đã răm rắp tuân theo các ông chủ quyền lực! Sau cuộc tấn công khủng bố của Al-Qaeda năm 2001 gây chấn động cả thế giới, các công ty viễn thông nước này sốt sắng cung cấp cho NSA những phương tiện công nghệ cao cần thiết để giám sát mọi luồng dữ liệu lưu thông trên Internet.

Hoạt động nghe lén của tình báo Mỹ dưới thời chính quyền George W. Bush với sự giúp sức đáng kể của nhà mạng AT&T nổi cộm lên thành vụ bê bối nghe lén bất hợp pháp. Về sau, cỗ máy tìm kiếm khổng lồ Google cho phép NSA truy cập tài sản dữ liệu cá nhân của công ty chiếu theo những thỏa thuận bí mật ký kết giữa hai bên. Michael McConnell, Giám đốc thứ 13 của NSA (1992 - 1996), thậm chí tuyên bố thẳng trên tờ Washington Post vào tháng 2/2010 rằng sự hợp tác giữa NSA và Google là "điều không thể tránh khỏi".

Google Glass.

Người ta cho rằng có một "vùng xám" trong Thung lũng Silicon, nơi đó các công ty công nghệ và các bộ phận bí mật của chính quyền Mỹ lờ mờ xuất hiện. Ngày nay, các công ty công nghệ phát triển những sản phẩm phục vụ mục đích thương mại song chúng cũng được chính quyền Mỹ đánh giá cao. Ví dụ, Công ty phân tích Dữ liệu Lớn Palantir hiện "thuộc quyền sử dụng" của Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ. Thậm chí, có những công ty ở Thung lũng Silicon được tình báo Mỹ thuê làm công việc phân tích hay gián điệp người dân Mỹ. Google làm việc cho NSA sâu đến mức nào thì chưa rõ, song người ta vẫn biết được nhiều điều về mối quan hệ này.

Theo công bố của tờ Washington Post, NSA xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu bí mật ở dịch vụ tầng sau của Google. Thật ra, ngay từ năm 2006 NSA đã tìm đến Thung lũng Silicon để tìm kiếm sự cố vấn về cách xây dựng trung tâm dữ liệu cho cơ quan.

Thung lũng Silicon hiện nay là "vùng zero" của những nỗ lực gián điệp lớn nhất mà nước Mỹ đang đối mặt từ sau Chiến tranh lạnh. Những vùng ngoại ô trù phú giữa San Francisco là San Jose là vùng đất của Thung lũng Silicon và cũng là khu vực tràn ngập những gián điệp đua nhau đánh cắp những bí mật công nghệ cao sau khi Trung Quốc làm được những gì mà Liên Xô ngày xưa thèm muốn.

Năm 2009, Trung Quốc xâm nhập hệ thống mạng Google và 2 năm sau tiếp tục tấn công RSA - công ty được các nhà thầu quốc phòng Mỹ thuê để mã hóa các hệ thống máy tính - và đánh cắp những thiết kế chi tiết về các hệ thống vũ khí quan trọng của Lầu Năm Góc trị giá cả nghìn tỉ USD và cơ sở hạ tầng bao gồm những đường ống dẫn khí đốt. Và, bây giờ thế giới tình báo bắt đầu lo ngại sản phẩm mới nhất của Google gọi là Dự án Google Glass - kính đeo mắt đặc biệt chứa các bộ vi xử lý thế hệ mới nhất cũng như camera và microphone.

Màn hình nằm trong góc một mắt kính còn những rung động âm thanh truyền qua khung kính. Google Glass gây lo ngại bởi vì bất cứ thứ gì nằm trong tầm mắt hay tầm nghe đều có thể được nhìn thấy, lắng nghe, ghi chép và thu thập dữ liệu. Một cuộc thử nghiệm tiết lộ, Google Glass cho phép các cơ quan tình báo Mỹ tìm kiếm, phát hiện và theo dõi các điệp viên Trung Quốc trong thời gian thực! Người ta bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu Google Glass có thực sự là phần mềm gián điệp? Thậm chí, sau khi Google Glass được trang bị khả năng nhận diện gương mặt người thì đây đúng là công cụ mà tình báo Mỹ vô cùng thèm muốn. Nhưng, hiện nay Google từ chối bình luận về điều này cũng như không muốn tiết lộ sự thật về mối quan hệ trong bóng tối với NSA.

Ngoài NSA, thời gian sau này CIA còn mở rộng các chiến dịch xâm nhập sâu vào Thung lũng Silicon và một điều chắc chắn rằng, không thiếu những cựu chuyên gia an ninh của tình báo Mỹ đang làm việc cho các công ty công nghệ cao của khu vực

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.