Xu hướng công khai hóa của các lãnh đạo tình báo Anh

Thứ Tư, 10/11/2010, 05:35
Sự xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng của Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Anh (MI-6) vào ngày 28/10 vừa qua đang làm dấy lên dư luận về một trào lưu mới trong giới lãnh đạo các cơ quan tình báo Anh.

Bí mật không đồng nghĩa với che đậy hay bưng bít

Hôm 28/10, Giám đốc MI-6 Sir John Sower đã tổ chức một buổi nói chuyện trước một cử tọa bao gồm các hội viên của Hội các biên tập viên báo, đài Anh. Buổi nói chuyện chỉ gói gọn trong vòng 30 phút, tại một địa điểm kín đáo với thành phần tham dự chỉ có các biên tập viên của các tờ báo, nhưng cũng đủ gây chú ý bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử 101 năm tồn tại của MI-6, người đứng đầu của cơ quan tình báo nổi tiếng bí mật này đã xuất hiện trước công chúng và nói chuyện về những vấn đề liên quan đến "nghề nghiệp" của MI-6.

Nội dung cuộc nói chuyện của Sir John Sower thực ra cũng chẳng có gì khác lạ, vẫn là những vấn đề mà cả thế giới đang quan tâm hàng ngày: khủng bố Al-Qaeda, chương trình hạt nhân của Iran, chuyện tra tấn tù nhân trong các trại tù của CIA và quân đội Mỹ nhằm mục đích thu thập thông tin cần thiết...

Sir John Sower cho rằng, trong ngành tình báo thế giới hiện nay đang tồn tại một mâu thuẫn giữa đạo đức, lương tâm và nhu cầu nghề nghiệp đòi hỏi phải có những hành động bất chấp đạo đức, chẳng hạn như việc tra tấn để moi thông tin...

Có vẻ như John Sawers đã thừa nhận rằng, các cơ quan tình báo Anh, nhất là MI-6 đã gián tiếp liên quan đến các hoạt động tra tấn trên khắp thế giới khi sử dụng các thông tin tình báo chia sẻ hoặc thậm chí đặt hàng một số vấn đề để CIA (Cục Tình báo trung ương Mỹ) hoặc các cơ quan tình báo, an ninh nhiều nước khác tiến hành moi thông tin bằng cách tra tấn tù nhân, các nghi can khủng bố.

Đặc biệt, Sir John Sower đã dành phần lớn thời gian buổi nói chuyện để nói về vấn đề "xưa như trái đất" của ngành tình báo: vai trò của bảo mật trong việc bảo đảm an ninh, và trong vấn đề này thì các phương pháp tình báo truyền thống tiếp tục được vận dụng một cách triệt để, bất chấp xu thế thời đại là phải công khai, minh bạch nhiều vấn đề, kể cả tình báo.

"Bí mật không đồng nghĩa với che đậy hay bưng bít" - Sir John Sower nói. John Sawers ca ngợi những điệp viên mật của MI-6 là "những anh hùng thật sự" luôn có mặt tại những nơi nguy hiểm nhất trong một số khu vực trên thế giới.

Ông nói: "Bí mật không phải là một từ bẩn. Bí mật cũng không là lý do để che đậy. Bí mật đóng vai trò cốt yếu giúp cho nước Anh được an toàn và vững chắc. Nếu như các chiến dịch cũng như các phương pháp làm việc của chúng tôi được công khai trước mọi người thì chúng sẽ không đem lại kết quả". Bí mật trong ngành tình báo chính là giữ kín những hoạt động thu thập thông tin tình báo và phương pháp hành động không để cho đối phương biết, như thế mới bảo đảm thành công.

John Sawers khẳng định một phần ba các nguồn của MI-6 dành cho việc chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế và gọi công việc của MI-6 là "tuyến đầu bí mật của an ninh quốc gia của chúng ta".

Về tổ chức Al-Qaeda, John Sawers nói: "Nỗ lực của chúng tôi đòi hỏi phải đi đến bất cứ nơi nào có mối đe dọa. Ngăn chặn bọn khủng bố, vào phút cuối cùng, ở trong nước là chưa đủ. Chúng tôi cần phải xác định và chặn đứng chúng trước khi có chuyện xảy ra - điều đó có nghĩa là mọi hành động sẽ vượt khỏi biên giới nước Anh. Các điệp viên nhận những nhiệm vụ quan trọng và hy sinh cho đất nước. Đáp lại, chúng tôi cam kết giữ kín vai trò của họ".

Về vấn đề phát triển hạt nhân, trong bài diễn văn của mình, John Sawers - nguyên là đại diện nước Anh tại những cuộc đàm phán quốc tế về những tham vọng hạt nhân của Iran - ám chỉ đến sự tiết lộ trong năm 2009 về cơ sở hạt nhân bí mật của Iran ở Qom, mô tả đó như là một "thành công tình báo".

John Sawers nói: "Ngăn chặn sự phổ biến hạt nhân không thể chỉ thuần túy dựa vào sự ngoại giao quy ước. Chúng tôi cần những chiến dịch tình báo để gây khó khăn nhiều hơn cho những quốc gia muốn phát triển vũ khí hạt nhân như là Iran".

John Sawers nói những mối đe dọa khủng bố mới hiện nay đang tăng lên ở Yemen, Somalia và Bắc Phi. Và những mối đe dọa này xảy ra  khi ngân sách dành cho MI-6 sắp bị cắt giảm đáng kể - trong vòng 5 năm tới cả 3 cơ quan tình báo chính của nước Anh (MI-5, MI-6 và GCHQ) sẽ bị cắt giảm 7,5 % ngân sách.

John Sawers kết luận: "Những tiết lộ về cơ sở làm giàu uranium bí mật của IranQom là thành công của tình báo. Chúng dẫn đến việc gây sức ép ngoại giao mạnh đến Iran, cùng với những biện pháp trừng phạt nặng từ Liên Hiệp Quốc và EU”.

Trụ sở MI-6 bên bờ sông Thames, London.

Một nhân vật không thích ẩn mình

Việc Sir John Sower xuất hiện công khai nói chuyện với báo giới là một việc làm không có tiền lệ và nó đã hé mở một số điều thú vị về cơ quan tình báo bí mật này. Những thông tin được mọi người biết đến về MI-6 từ trước đến nay chỉ là cơ quan này được thành lập sau một cuộc họp của các nhà chiến lược quốc phòng Anh vào năm 1909, với tên gọi ban đầu là Cục Mật vụ Anh (SSB). Sau thời gian hơn 100 năm phát triển, SSB được đổi tên thành SIS, được biết nhiều bằng cái tên MI-6 như ngày nay.

Trải qua 2 cuộc đại chiến thế giới và Chiến tranh lạnh, SSB đã là nơi phát xuất nhiều huyền thoại tình báo nhất của Anh và thế giới - như nguyên mẫu hình tượng nhân vật James Bond trong loạt phim tình báo về Điệp viên 007. Trong nhiều thập niên  trước, ngay cả danh tính của nhà lãnh đạo MI-6 cũng được giữ tuyệt mật, chỉ được biết đến là C mà thôi. Không một thành viên nào của cơ quan này được tiết lộ danh tính trước công chúng.

Trước đây, khi còn làm cố vấn về chính sách đối ngoại cho Thủ tướng Tony Blair và sau đó là Đại sứ Anh tại LHQ và Iraq, Sir John Sower cũng chỉ 2 lần xuất hiện công khai để làm chứng trong một cuộc điều tra về chiến tranh Iraq. Nhưng kể từ khi nắm quyền lãnh đạo cơ quan MI-6 tháng 11/2009, Sir John Sower chưa từng xuất hiện trước công chúng nói chuyện công khai về những vấn đề liên quan đến chuyên môn ngành tình báo và về cơ quan mình quản lý.

Năm nay 55 tuổi, Sir John Sower được đánh giá là một nhà lãnh đạo có năng lực, am hiểu nhiều vấn đề về đối ngoại, rất phù hợp để lãnh đạo cơ quan tình báo chuyên về đối ngoại như MI-6. Điểm khác biệt chính là Sir John Sower theo xu hướng "ly khai" với truyền thống ngành tình báo Anh, tức là không còn quá chú tâm lo giữ bí mật mọi hoạt động như trước.

Ngay trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc MI-6, John Sawers đã có một vài bước phá vỡ truyền thống. Vợ của ông, bà Shelley, đã kéo chồng mình lên trang Facebook, với những tấm ảnh chụp John Sowers mặc chiếc áo lông cừu màu đỏ, đội nón  ông già Noel và chơi trò ném đĩa trên bãi biển. Sau đó sự tồn tại của trang Facebook này được tờ Mail vạch trần. Câu chuyện của MI-6 không phải lúc nào cũng được phơi bày công khai như thế.

"Đây là một mẫu người thích xuất hiện công khai" - nhận xét của đài BBC. Và đây cũng là xu hướng chung của các lãnh đạo tình báo Anh ngày nay. Trước Sir John Sower, Giám đốc Cơ quan nghe lén điện tử Anh Iain Lobban cũng lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng; còn Giám đốc MI-5 (Cơ quan Tình báo đối nội Anh) Jonathan Evanz thì đã là một gương mặt khá quen thuộc trên các phương tiện truyền thông.

Trước đó, người tiền nhiệm của ông Evanz là Dame Eliza Manningham-Buller đã gây nên cơn sốt báo chí khi xuất hiện với bài phát biểu cảnh báo một loạt mối đe dọa khủng bố đối với nước Anh. Giải thích lý do của việc công khai nói chuyện của mình, Sir John Sower cho rằng trong xã hội cởi mở ngày nay, không một định chế nào của chính quyền còn được phép lúc nào cũng tạo vỏ bọc bí mật khiến dư luận nghi ngờ nhiều thứ. Đã đến lúc các cơ quan như MI-6 phải bước ra ánh sáng công luận.

Kể từ sau sự kiện ngày 11/9/2001 ở Mỹ, có những khác biệt thấy rõ về cách thức mà Mỹ và Anh xử lý những mối đe dọa khủng bố và công khai về thông tin tình báo. Trong một vụ án gây chia rẽ giữa tình báo Anh và Mỹ, Tòa án Tối cao nước Anh năm ngoái đã ra lệnh chính quyền tiết lộ những trao đổi thông tin tình báo bí mật của Mỹ về sự đối xử với cựu tù nhân ở Guantanamo là Binyam Mohamed - người tố cáo chính quyền Anh biết rõ chuyện anh đã bị đánh đập và cơ quan sinh dục của anh đã bị cắt bằng con dao mổ khi bị thẩm vấn tại Morocco.

John Sowers nói sự tiết lộ thông tin như thế gây nguy hiểm cho sự chia sẻ thông tin tình báo và nhấn mạnh "Nguyên tắc kiểm soát" - một nguyên tắc trong cộng đồng tình báo quy định rằng cơ quan có được thông tin đầu tiên có quyền quyết định thông tin được sử dụng như thế nào.

Những khác biệt giữa Anh và Mỹ cũng thể hiện qua âm  mưu tấn công khủng bố châu Âu được tiết lộ trong tháng 9 năm nay. Trong khi Mỹ đưa ra cảnh báo đối với công dân nước mình nên cảnh giác trước những mối đe dọa tiềm tàng ở châu Âu, thì các quan chức Anh giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của âm mưu khủng bố.

Cũng có một sự khác biệt gây ấn tượng trong vụ âm mưu đánh bom xuyên Đại Tây Dương năm 2006, lúc đó bọn khủng bố cố gắng cho nổ tung vài chiếc máy bay dân dụng bằng những khối chất nổ giấu trong những chai nước uống không cồn. Các công tố viên nói người Mỹ muốn phá tan âm mưu và vây bắt bọn khủng bố nhanh chóng, trong khi các quan chức Anh muốn chờ đợi và thu thập thông tin nhiều hơn

Nguyên Khang - Thục Miên (tổng hợp)
.
.