Xung quanh quyết định sa thải lãnh đạo tình báo Algeria

Thứ Hai, 28/09/2015, 16:40
Quyết định sa thải lãnh đạo Cục Tình báo quân đội (DRS) Mohamed Mediene, 76 tuổi, của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika được giới chuyên gia đánh giá là một trong những biện pháp cải tổ chính trị có tính toán cẩn thận tại Algeria, một quốc gia Bắc Phi nhiều biến động. Được gọi là "Tướng Toufik", Mediene là một trong những lãnh đạo tình báo nắm quyền điều hành lâu nhất trên thế giới.

Mohamed Mediene lãnh đạo DRS trong suốt 25 năm qua (từ năm 1992 khi một đảng Hồi giáo giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử được giới quân sự Algeria tổ chức hàng năm). DRS đóng vai trò chính trong cuộc nội chiến diễn ra sau đó ở Algeria khiến hơn 150.000 người thiệt mạng.

Cũng giống như các cơ quan tình báo khác tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông, DRS nổi tiếng là tổ chức quân sự bí mật cực kỳ tàn bạo, thường xuyên thu thập những bí mật dân sự và cả giới cầm quyền để chống lại "những kẻ thù trong tương lai".

Tổng thống Abdelaziz Bouteflika.

Việc lãnh đạo tình báo hoạt động trong bí mật là điều hết sức bình thường, song có lẽ không giống như những người khác, mức độ quyền lực và sự ảnh hưởng của Mohamed Mediene đối với chính trường Algeria được đánh giá lên đến tột đỉnh. Mediene rất hiếm khi bị camera thu hình và chỉ có một vài nhân vật quyền lực trong chính quyền mới có cơ hội được gặp gỡ và trực tiếp nói chuyện với ông ta - chính điều này khiến cho  Mediene trở nên bí ẩn. Những gì người ta có thể nắm rõ nhất về Mohamed Mediene là bởi vai trò của ông ta trong "cuộc chiến chống khủng bố - cũng như đường lối lãnh đạo tàn nhẫn đối với chiến binh Hồi giáo ở Sahara.

Mặc dù vậy, Mediene vẫn không tránh khỏi việc bị Tổng thống Bouteflika sa thải. Bởi 2 năm qua tại Algeria đã diễn ra tiến trình thanh lọc đội ngũ quan chức an ninh cao cấp. Chỉ trong vài tháng gần đây, các tướng lĩnh cao cấp nhất của DRS đã bị sa thải, bắt giữ hay "thay thế" từng người một.

Tướng Mohamed Mediene được thay thế bởi thiếu tướng Athmane Tartag, người được coi là đồng minh và là cố vấn thân cận nhất của Tổng thống. Nhìn chung, các nhà quan sát tin rằng việc thay thế một thế hệ quân sự "đã bị chính trị hóa" và những nhân vật cao cấp trong cơ quan tình báo từ thời nội chiến ở Algeria chính là yếu tố mấu chốt trong sự ra đi của tướng Mohamed Mediene cũng như một số tướng lĩnh tình báo khác.

Hình ảnh hiếm hoi chụp tướng Mohamed Mediene.

Đó cũng là lựa chọn quan trọng cho Bouteflika sau khi ông này rời khỏi chính trường mà vẫn còn nắm được quyền lực, nếu em trai ông là Said - ứng cử viên số 1 cho chức vụ này - trở thành tổng thống kế tiếp. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích lập luận rằng, những vụ sa thải tướng lĩnh hàng loạt trong thời gian gần đây là một phần trong kế hoạch dài hơi nhằm "phi quân sự hóa" Algeria, đất nước bị giám sát chặt chẽ bởi những nhân vật an ninh tình báo nắm quá nhiều quyền lực trong tay.

Thông tin về việc sa thải Mohamed Mediene trên báo chí Algeria.

Adlene Meddi - Tổng biên tập tờ Algeria El Watan Weekend - lo ngại về những thay đổi đang diễn ra trên chính trường và tin rằng những người bị sa thải sẽ mở đường cho việc trao quyền lực tập trung hơn vào tay một số nhân vật nào đó. Adlene Meddi phát biểu: "Những động thái mới đây có thể tạo nên những va chạm nguy hiểm ở Algeria". Đó là sự phá vỡ thế cân bằng quyền lực ở Algeria mà theo Meddi vốn tồn tại lâu đời giữa tổng thống, quân đội và các cơ quan tình báo. Theo Meddi, những động thái mới nhất có thể khiến cho tổng thống sẽ phải chịu sự kiểm soát của những trùm tư bản hoạt động trên chính trường Algeria.

"Tướng Toufik" được cho là đang cố gắng chống lại quyết định ra ứng cử cho nhiệm kỳ 4 của Tổng thống Bouteflika. Nhưng hiện thời Bouteflika vẫn chưa tuyên bố công khai về quyết định này. Amar Saadani, Tổng thư ký đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN), tố cáo DRS cũng như các cơ quan tình báo khác ở Algeria thường xuyên can thiệp vào những vấn đề nội bộ của đảng, thay vì phải "tập trung vào những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia".

Nhà phân tích chính trị Rachid Tlemcani nhận định: "Hậu quả của những động thái mới khó mà dự đoán được, nhưng đó là dấu hiệu thật sự tích cực. Đối với người dân, điều đó cho thấy không ai là miễn dịch, không ai có thể đứng trên luật pháp".

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.