Xung quanh thông tin “Iran nghiên cứu chế tạo bom”

Thứ Sáu, 04/01/2013, 11:50

Một bài báo do Hãng tin AP của Mỹ đăng ngày 27/11 vừa qua trong đó chứa đựng thông tin vô cùng nhạy cảm cho rằng ‘Iran đang nghiên cứu chế tạo một quả bom”. Điều đáng nói là, biểu đồ minh họa sức mạnh công phá của quả bom cũng như nhiều thông tin khác do AP tung ra lại được “xào nấu” từ một nguồn tư liệu có sẵn trên Internet, và đã nhanh chóng bị các nhà khoa học chân chính phát hiện, vạch trần.

Trong bài báo "sốt dẻo" đăng trên mạng điện tử ngày 27/11/2012 nhan đề "Tin đặc biệt từ AP: Biểu đồ cho thấy Iran đang nghiên cứu chế tạo bom". Tác giả của bài báo là một phóng viên của Hãng tin AP có bút danh là George Jahn.

Trong bài báo, để tăng phần thuyết phục về tính xác thực của "bằng chứng", phóng viên Jahn đã trích dẫn nguồn cung cấp thông tin là "một quan chức ngoại giao của một quốc gia giấu tên rất quan tâm đến chương trình hạt nhân của Iran".

Dựa vào biểu đồ, AP đưa ra các con số tính toán rất "thuyết phục" và kết luận rằng "Iran đang nghiên cứu chế tạo một quả bom hạt nhân có sức công phá gấp 3 lần quả bom nguyên tử ném xuống 2 thành phố của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới II, cụ thể là sức mạnh đo được lên đến 50 kilotonne chỉ trong 3 giây kích nổ.

Một điều khá trùng hợp là cái biểu đồ trong bài báo của Hãng AP lại rất giống với một biểu đồ từng xuất hiện trong báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) được công bố vào tháng 11/2011. IAEA cũng có được cái biểu đồ đó từ "hai quốc gia thành viên" không được nêu tên.

Quan trọng hơn, IAEA còn được 2 quốc gia thành viên này cung cấp những "thông tin tình báo" để làm dữ liệu báo cáo, và điều này đã được ông Yukia Amano - Tổng giám đốc IAEA xác nhận khi tham dự một cuộc họp tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở Washington vào ngày 6/12 vừa qua.

Ông Amano còn khẳng định thêm, cái biểu đồ do Hãng AP đăng tải là một phần "bằng chứng cho những hoạt động của Iran liên quan đến vũ khí hạt nhân" mà Cơ quan IAEA đã báo cáo vào tháng 11/2011(!?) "Nhà ngoại giao vô danh" còn bổ sung thêm rằng, hiện IAEA đang nắm trong tay một bảng tính toán các thông số chi tiết của quá trình kích nổ bom hạt nhân và cho rằng nó được cung cấp từ nguồn tình báo của "quốc gia vô danh" kia.

Đáng tiếc, khi bài báo "đặc biệt" của Hãng tin AP vừa được xuất bản, ngay lập tức 2 nhà khoa học chuyên về hạt nhân và chương trình hạt nhân của Iran đã lên tiếng vạch trần những điểm sai sót ngớ ngẩn, cũng như tính chất giả tạo một cách thô thiển của "tác phẩm" chính là cái biểu đồ mà Hãng AP cố tình sử dụng.

Các nhà khoa học có uy tín trong ngành nghiên cứu hạt nhân, như giáo sư Scott Kemp của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Yousaf Butt (Học viện Monterey) đã phát hiện có nhiều sai sót trong biểu đồ của AP, chẳng hạn như độ cong của đường đồ thị trong biểu đồ hoàn toàn không khớp với các con số tính toán trong bài báo của AP. Ngay cả cái biểu đồ mà IAEA đưa vào báo cáo năm 2011 cũng bị nghi ngờ tính chân thực của nó.

Giới khoa học nghi ngờ rằng cả hai cái biểu đồ của IAEA và AP đều rất giống với biểu đồ được dùng mô tả nội dung của một bài báo khoa học đăng trên tạp chí Nuclear Engineer and Design vào tháng 1/2009, tác giả là kỹ sư hạt nhân về hưu Walter Seifritz, người Thụy Sĩ. Hai giáo sư Kemp và Butt đều cho rằng, loại như cái biểu đồ AP và IAEA sử dụng có thể được tìm thấy dễ dàng trên Internet, nó được dùng phổ biến trong các bài tiểu luận của sinh viên khoa công nghệ hạt nhân khắp thế giới.

Biểu đồ của kỹ sư hạt nhân Walter Seifritz đăng trên tạp chí Nuclear Engineer and Design vào tháng 1/2009.

Tuy bị vạch trần sự dối trá, nhưng "nguồn" cung cấp thông tin cho Hãng tin AP - đến nay ai cũng biết là Israel - vẫn cố tình bảo thủ cho rằng "sản phẩm" của mình là thật, và đổ vấy những sai sót, lệch lạc của biểu đồ là do… một nhà khoa học Iran đã dùng máy vi tính để "cố tình chỉnh sửa cho nó sai".

Lối ngụy biện này quả là nham hiểm, vì trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển cao độ như hiện nay, nhất là khi thông tin, tư liệu khoa học, công nghệ, kể cả công nghệ nhạy cảm được tung lên phổ biến trên mạng Internet, thì việc một chuyên gia giỏi về công nghệ ngồi tại nhà có thể truy cập và sửa chữa một bài viết hay hình ảnh không có gì khó khăn(?) "Nguồn tin vô danh" nọ còn nghi ngờ chính nhà khoa học hạt nhân Majid Shahriari của Iran (bị tình báo MOSSAD của Israel ám sát chết năm 2010) là tác giả của những sai sót như đã phân tích.

Mặc dù Hãng tin AP đã có một bài báo mang tính cải chính, đăng ngày 1/12, thừa nhận rằng cái biểu đồ hạt nhân đã đăng tải ngày 27/11 là "đồ giả", nhưng theo phân tích của một số nhà quan sát, đằng sau câu chuyện về tính xác thực của biểu đồ và độ chính xác của những thông số được trình bày trong bài báo "giật gân" của hãng tin này không phải là vấn đề trọng tâm của toàn bộ câu chuyện về bài báo bịa đặt.

Ý nghĩa quan trọng nhất cần quan tâm ở đây là: có ai đó từ một hay vài quốc gia "vô danh" theo cách viện dẫn của AP đang cố tình gieo niềm tin vào trong suy nghĩ của dư luận để khiến mọi người tin rằng chương trình vũ khí của Iran là có thật và đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Và người ta sẵn sàng giả mạo, gian lận bằng cách xào nấu thông tin, dữ liệu "chôm" từ Internet chỉ nhằm đạt cho bằng được mục tiêu

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.