Xung quanh vụ trao đổi điệp viên đặc biệt giữa Israel với Hezbollah

Thứ Tư, 18/06/2008, 10:15
Vụ trao đổi điệp viên lấy hài cốt binh lính giữa Israel với Hezbollah hôm 1/6 vừa qua đang được dư luận trong và ngoài khu vực quan tâm bởi nó diễn ra trong bối cảnh nhà nước Do Thái đang muốn cải thiện quan hệ với các quốc gia trong khu vực, cũng như tháo gỡ bế tắc trong việc trao đổi tù binh, đổi đất lấy hòa bình.

Từ cuộc đổi điệp viên lấy hài cốt...

Hezbollah đã tổ chức trọng thể và tuyên truyền rầm rộ chuyến trở về của điệp viên Nissim Nasser, người phải ngồi tù 6 năm trong nhà tù Israel vì bị buộc tội làm gián điệp cho lực lượng đang chiếm ưu thế ở Liban.

Đương nhiên, Irael không trao đổi trực tiếp điệp viên Nissim Nasser lấy 2 bộ hài cốt của người Do Thái với Hezbollah, mà thông qua Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế. Và nước này cũng tuyên bố, việc trao đổi kể trên không nằm trong kế hoạch trao đổi tù nhân, nhưng dư luận và giới bình luận không nghĩ như vậy.

Theo giới chuyên môn, điệp viên Nissim Nasser sinh ra  ở Liban trong một gia đình có bố là người Hồi giáo, còn mẹ là người Do Thái và ông trở thành công dân Israel sau khi tới định cư tại nước này vào năm 1982. 20 năm sau (1982/2002), Nissim Nasser bị Cơ quan An ninh Israel bắt giữ, xét xử vì bị buộc tội làm gián điệp cho Hezbollah.

Được biết, sau nhiều cuộc đàm phán giữa Israel và Hezbollah, cuối cùng ông Nissim Nasser đã được phóng thích để đổi lấy 2 bộ hài cốt của những binh sĩ Do Thái bị chết trong cuộc chiến năm 2006.

Theo giới truyền thông, trước khi ông Nissim Nasser được trao trả cho Hezbollah, Israel đã tước quyền công dân sau khi điệp viên này hoàn thành bản án 6 năm tù cách đây khoảng 1 tháng. Ngay sau khi biết tin này, Hezbollah đã tổ chức ăn mừng và tổ chức đón tiếp trọng thể khi ông Nissim Nasser được Israel trao cho Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế tại cửa khẩu gần thị trấn miền Nam Naqoura của Liban.

Ngày 1/6 vừa qua, đại diện của Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế đã tiếp nhận ông Nissim Nasser từ chiếc xe jeep màu trắng và bàn giao cho đại diện của Hezbollah. Trước khi ông Nissim Nasser được trả về Liban, thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah từng tuyên bố, sẽ giải thoát cho những người Liban bị Israel bắt và cầm tù trong thời gian tới.

Tuyên bố của Nasrallah cùng sự phóng thích điệp viên Nissim Nasser được các nhà chuyên môn coi là tín hiệu để thực hiện kế hoạch trao đổi tù binh giữa Israel với Hezbollah và Palestine trong thời gian tới, nhất là trường hợp của Hạ sĩ Gilad Shalit, binh sĩ Israel bị bắt cách đây gần 2 năm (25/6/2006).

Ông Nissim Nasser sau khi được phóng thích.

Cuộc chiến 34 ngày giữa Israel với Hezbollah nổ ra vì tổ chức này đã bắt cóc 2 binh sĩ Israel với hy vọng đổi lấy những tù nhân khác của Liban. Vì cuộc chiến 34 ngày mà cách đây không lâu (30-1/2008), Ủy ban điều tra đặc biệt của Chính phủ Israel đã công bố bản báo cáo về cuộc chiến chống Hezbollah và Thủ tướng Ehud Olmert đang bị lên án, chỉ trích và có thể sẽ phải từ chức vì vấn đề này.

Hạ sĩ Gilad Shalit là binh sĩ Israel đầu tiên bị người Palestine bắt cóc kể từ năm 1994. Sau đó 2 binh sĩ khác của Israel là Ehud Goldwasser và Eldad Regev đã bị Hezbollah bắt cóc cách đây gần 2 năm (12/7/2006) và cả 2 vụ bắt cóc kể trên đã trở thành ngòi nổ để Israel thực hiện nhiều cuộc chiến lớn nhỏ đối với Palestine và Hezbollah trong suốt thời gian qua.

Theo giới truyền thông, cho đến nay tranh cãi giữa Hezbollah và Israel xung quanh vấn đề trao đổi tù binh vẫn chưa kết thúc bởi trong khi Tel-Aviv khẳng định họ chỉ giam giữ 3 công dân Liban thì tổ chức này lại bảo “còn khá nhiều”.

Israel cho biết, kể từ sau lần trao đổi tù binh hồi đầu năm 2004 - đổi 400 người lấy một đại tá và thi thể của 3 binh sĩ Israel, hiện họ chỉ giam giữ có 3 người. Đó là Samir Qantar, người bị kết án chung thân vì tội giết người sau khi tấn công một tòa nhà dân sự ở Nahariya năm 1979. Tiếp đến là điệp viên Nissim Nasser và Yehia Skaff. Ông Nasrallah thường xuyên yêu cầu Israel trả tự do cho Samir Qantar, thậm chí đe dọa phá vỡ thỏa thuận năm 2004 nếu việc này không được tiến hành.

Ngoài ra, Hezbollah còn cho rằng, ngoài 3 người kể trên, Israel còn giam giữ 25 công dân Liban gốc Palestine và việc trả tự do cho họ là điều kiện để hai bên tiếp tục đàm phán.

...Đến cuộc chiến tình báo chưa có hồi kết

Cho đến nay cuộc chiến tình báo giữa Hezbollah và Israel vẫn đã và đang diễn ra quyết liệt cho dù cuộc chiến 34 ngày đã kết thúc cách đây gần 2 năm. Mới đây cả Israel và Hezbollah đều tuyên bố và đưa ra xét xử công khai số điệp viên mà họ bắt giữ thời gian qua.

Theo lời khai của Raviaelite, người đầu quân cho tình báo Israel từ năm 1994 thì từ năm 1999 đến nay, mạng lưới gián điệp của ông đã thực hiện thành công nhiều vụ ám sát nhằm vào quan chức cấp cao cũng như lãnh đạo của cả Hezbollah lẫn Palestine.

Qua lời khai của Raviaelite bây giờ người ta mới hiểu được ai là tác giả của những vụ ám sát, đánh bom bí hiểm xảy ra thời gian qua. Bị bắt cùng Raviaelite còn có vợ và 2 con trai.

Về phần mình ngày 18/6/2006, Tòa án Quân sự Israel cũng đã tuyên phạt 15 năm tù đối với Trung tá Omar el-Heib, 43 tuổi vì tội làm gián điệp cho Hezbollah. Con đường trở thành điệp viên của Trung tá quân đội Omar el-Heib nhanh chóng và dễ dàng như việc ông ta buôn bán ma túy. Trung tá Omar el-Heib từng là một  biểu tượng của nhiều chiến binh mới của quân đội Israel nhưng lại đang tâm làm gián điệp cho Hezbollah.

Được biết, ông Omar el-Heib đã mất một mắt vì bị thương trong cuộc chiến với các chiến binh Hezbollah năm 1996 và hiện trong đầu vẫn còn một mảnh đạn chưa lấy ra được. Nhờ những vết thương kể trên mà Omar el-Heib được thăng hàm Trung tá sớm hơn bình thường. Sau đó Omar el-Heib được điều về phụ trách việc tuyển quân cho Bộ Quốc phòng.

Năm 2002, Trung tá Omar el-Heib bị bắt cùng 18 sĩ quan khác vì tội buôn lậu ma túy. Điều đáng nói là khi khám người Trung tá Omar el-Heib, người ta tìm thấy nhiều tài liệu quan trọng của quân đội Israel như bản đồ tác chiến...

Ngay lập tức một cuộc điều tra khác đã được tiến hành và phiên tòa hôm 18/6/2006 là kết quả của cuộc điều tra này. Theo bản cáo trạng tại tòa, để có hàng nghìn USD cùng ma túy sử dụng, Omar el-Heib đã bán bí mật quân sự cho Hezbollah. Những tin tức, tài liệu của Trung tá Omar el-Heib đã giúp Hezbollah biết được cách bố trí của quân đội Israel tại khu vực biên giới giáp với phía nam Liban, cũng như tình hình quân lực của quân đội Israel. Qua đó Hezbollah có thể đề ra những biện pháp ứng phó thích hợp.

Nhiều chuyên gia tình báo, an ninh cho rằng, một trong những điều khiến Israel không thể đạt được mục tiêu đã đề ra, theo đó đánh nhanh, thắng nhanh, đánh trúng và tiêu diệt được ban lãnh đạo cũng như lực lượng quân đội chủ chốt của Hezbollah là bởi đối phương đã có sự chuẩn bị, đề phòng từ trước.

Được biết, mặc dù cài cắm khá nhiều điệp viên tại những khu vực trọng điểm, song đến giờ phút này không quân, pháo binh và chiến binh Israel vẫn không thể ám sát được thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah

Nguyễn Diệu Hương Ly (tổng hợp)
.
.