Arập Xêút bị nghi tài trợ cho khủng bố Al-Qaeda

Thứ Ba, 17/02/2015, 12:35
Lời tuyên bố mới nhất của Zacarias Moussaoui, một thành viên Al-Qaeda hiện đang thụ án tù chung thân vì tội âm mưu giết công dân Mỹ, đang xới lại những cáo buộc từng được thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố 11/9/2001 rằng Arập Xêút là nhà tài trợ cho các thủ phạm gây ra vụ khủng bố. Vậy Moussaoui đã nói gì, và tại sao dư luận lại gây áp lực đòi Tổng thống Barack Obama phải giải mật phần bị ém lại của bản báo cáo về vụ 11-9?

Những mối quan hệ "tiền 11-9"

Theo tờ New York Times ra ngày 4/2/2015, Zacarias Mousaoui tuyên bố rằng hơn chục quan chức cao cấp của Hoàng gia Arập Xêút là những nhà tài trợ cho khủng bố. Mousaoui còn khai thêm rằng, một nhà ngoại giao cao cấp của Arập Xêút ở Washington đã thảo luận với y về một kế hoạch bắn hạ chiếc Air Force One chuyên chở Tổng thống Mỹ.

Lời tuyên bố của Moussaoui ngay lập tức nhận được sự phản đối kịch liệt của Hoàng gia Arập Xêút, đương nhiên. Giới chức Arập Xêút đưa ra nhiều lý do để phản bác lời tuyên bố của Moussaoui. Nhưng những gì Moussaoui nói đều đã được báo chí minh chứng.

Thứ nhất, 15 trong số 19 thủ phạm khủng bố đã được xác minh đầy đủ là người Arập Xêút. Điều này hoàn toàn đúng vì Osama bin Laden, trùm khủng bố lãnh đạo nhóm này xuất thân là người Arập Xêút, và thời gian đầu hoạt động đã nhận được sự bảo vệ của Arập Xêút. Thứ hai, Arập Xêút không lạ gì với việc tung ra hàng triệu USD hỗ trợ cho các chiến binh Hồi giáo tại nhiều quốc gia khác nhau, như Afghanistan, Bosnia, Libya, Syria,…

Tại Afghanistan, Arập Xêút từng là đối tác quan trọng của Mỹ trong việc hỗ trợ các tay súng thánh chiến chống quân đội Liên Xô, lực lượng mà Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan gọi là các "chiến sĩ đấu tranh vì tự do"!?

Mối quan hệ giữa Hoàng gia Arập Xêút với các chiến binh Al-Qaeda được xác định diễn ra trong các thập niên 80 và 90 thế kỷ XX. Theo cơ sở dữ liệu của Al-Qaeda mà chính Moussaoui đã góp phần tạo nên, nổi bật nhất trong số các quan chức Hoàng gia Arập Xêút tài trợ cho khủng bố Al-Qaeda có Hoàng tử Turki al-Faisal, 65 tuổi, Hoàng tử Bandar bin Sultan và Hoàng tử Alwaleed bin Talal.

Hoàng tử Turki hiện là chủ tịch một tổ chức nghiên cứu ở Riyadh và thường xuyên lui tới Mỹ; Hoàng tử Bandar gần đây đã rời khỏi chức vụ lãnh đạo Hội đồng An ninh quốc gia; còn Hoàng tử Alwaleed bin Talal, 59 tuổi, là một nhà đầu tư giàu có với các kênh truyền hình được phương Tây hâm mộ và là người có đầu óc tiến bộ nhất so với các thành viên còn lại của Hoàng gia Arập Xêút. Ngay cả vị vua mới lên ngôi Salman bin Abdulaziz al-Saud cũng có tên trong danh sách các hoàng tử Arập Xêút từng có mối quan hệ và tài trợ cho các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Theo lời kể của Moussaoui, các chiến binh Al-Qaeda lúc đầu hoạt động bên trong lãnh thổ Arập Xêút, nhận sự hỗ trợ tài chính từ các nhân vật cấp cao trong Chính phủ Hoàng gia Xêút, chủ yếu là từ Turki, Bandar và Talal. Charles W. Freeman Jr, Đại sứ Mỹ tại Arập Xêút giai đoạn 1988-1992 kể lại rằng ông đã từng cảnh báo các quan chức Arập Xêút về mối nguy của các phần tử cực đoan.

Tuy nhiên, lời cảnh báo đó đã không được Hoàng gia Arập Xêút tiếp thu. Năm 1988, Osama bin Laden tập hợp các chiến hữu đồng đạo lập ra tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Đến năm 1994, mâu thuẫn với Hoàng gia Arập Xêút và cả nhóm bị trục xuất khỏi Arập Xêút.

Moussaoui cho biết, vợ của Hoàng tử Bandar là Công nương Haifa al-Faisal đã đưa tiền cho y và gửi thêm một lượng tiền lớn cho các thánh chiến quân Arập Xêút cướp máy bay trong vụ 11-9. Moussaoui không kể chi tiết nhưng nói rằng y đã gặp gỡ Hoàng tử Turki ở bang Oklahoma, Mỹ, vào năm 2001, vài tháng trước khi y bị bắt và trước khi vụ 11-9 xảy ra.

Một số chuyên gia phân tích những thông tin do Moussaoui tiết lộ cho rằng, rất có thể người y tiếp xúc và nhận tiền không phải là Hoàng tử Bandar mà là người của một số tổ chức từ thiện Arập Xêút - thời điểm đó là những tổ chức thường xuyên hỗ trợ tài chính cho các nhóm Hồi giáo trên thế giới. Tuy nhiên, Arập Xêút bắt đầu thay đổi quan điểm chống khủng bố vào năm 2003, sau khi Al-Qaeda thực hiện một số vụ tấn công bên trong lãnh thổ nước này.

Từ trái qua: Hoàng tử Turki al-Faisal, Hoàng tử Bandar bin Sultan và Zacarias Mousaoui.

Cuộc chiến xung quanh Báo cáo 11-9

Vai trò của Hoàng gia Arập Xêút từng được nhắc đến ngay sau khi vụ khủng bố 11-9 xảy ra cũng vì 15 trong 19 tên khủng bố tham gia vụ này là người Arập Xêút. Cơ quan điều tra khi đó đã tập trung vào Arập Xêút để làm sáng tỏ vai trò nhà tài trợ chính cho vụ khủng bố này.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực nhằm làm sáng tỏ vấn đề này đã bị chặn lại hoặc rơi vào thất bại. Người ta cho rằng nguyên nhân chính là do các hoàng tử Arập Xêút có mối quan hệ mật thiết với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Hoàng tử Turki al-Faisal giữ chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia từ năm 1979-2001 và Đại sứ Arập Xêút tại Mỹ từ năm 2005-2007. Còn Hoàng tử Bandar bin Sultan là Đại sứ tại Mỹ từ năm 1983 đến 2005 và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia từ tháng 7/2012 đến tháng 4/2014.

Sau tuyên bố mới nhất của Zacarias Moussaoui, dư luận lại chú ý đến phần nội dung còn giữ bí mật của Báo cáo 11-9. Bản báo cáo này do Ủy ban 11-9 thực hiện và đã được công bố vào tháng 12/2002. Tuy nhiên, Phần 4 dài 28 trang của bản báo cáo này đã được giữ lại và lưu làm hồ sơ mật. Từ năm 2003, gia đình các nạn nhân vụ 11-9 và hàng chục nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã phát động một phong trào rộng rãi đòi Nhà Trắng cho công bố Phần 4, dấy lên một cuộc chiến chính trị lẫn pháp lý kéo dài. Philip D. Zelikow, Giám đốc điều hành Ủy ban điều tra vụ 11-9 cho biết, ngay từ đầu dư luận đã nghi ngờ Arập Xêút là nguồn tài trợ chính cho nhóm khủng bố Al-Qaeda thực hiện vụ khủng bố, nhưng việc tìm bằng chứng thuyết phục để cáo buộc Chính phủ Arập Xêút dính líu trong vụ này là vô cùng khó khăn. Các hoàng tử hầu như không trực tiếp tài trợ mà tài trợ thông qua các tổ chức từ thiện, nhân đạo, và các giao dịch đều do các trợ lý thực hiện.

Năm 2003, hơn 40 thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Bush cho công bố Phần 4 Báo cáo 11-9 nhưng ông từ chối, cho rằng việc đó có thể làm hỏng các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố. Hạ nghị sĩ Walter B. Jones (đảng Cộng hòa) cũng là người vận động cho việc công bố Phần 4 Báo cáo 11-9, và ông này hiện cũng đang nhận được hàng chục lời yêu cầu, thỉnh nguyện của các nghị sĩ đồng nghiệp và từ những người thân nạn nhân vụ khủng bố.

Cách đây không lâu, nhân kỷ niệm 10 năm vụ khủng bố 11-9, Tổng thống Obama đã từng hứa với thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố rằng ông sẽ cho công bố nốt Phần 4 Báo cáo 11-9. Tuy nhiên, cho đến nay, lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện. Dư luận cho rằng, cả hai đời tổng thống G.W.Bush và B.Obama đều ngại công khai Phần 4 của bản báo cáo vì ngại đụng chạm đến một đối tác quan trọng về mặt quân sự lẫn kinh tế ở khu vực Trung Đông là Arập Xêút.

Theo các chuyên gia, nội dung Phần 4 của Báo cáo 11-9 chứa đựng những thông tin hết sức nhạy cảm, chủ yếu xoay quanh những vấn đề liên quan đến Arập Xêút, trong đó có việc làm sáng tỏ vai trò của Hoàng gia Arập Xêút trong vụ khủng bố 11-9 mà dư luận nghi ngờ bấy lâu nay. Chính vì ngại công bố bí mật Phần 4 nên cho đến nay dư luận vẫn tiếp tục có những suy đoán khác nhau, trong đó có cả lời tuyên bố mới nhất của kẻ chủ mưu vụ 11-9 Zacarias Moussaoui.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.