Đánh bom khủng bố, bắt cóc và tống tiền (bài 2)
Năm 2002, Liên Hiệp Quốc liệt ASG vào danh sách những tổ chức khủng bố toàn cầu. Australia, Canada, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Anh và Mỹ đã gửi những nhóm chuyên gia đến Philippines để hỗ trợ cho quân đội nước này trong cuộc chiến nhằm tiêu diệt ASG.
Vụ đánh bom phà Super Ferry
Kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 1991 đến năm 2015, ASG đã thực hiện không dưới 100 vụ đánh bom khủng bố, bắt cóc đòi tiền chuộc, buôn bán vũ khí, ma túy, cướp bóc và hiếp dâm, trong đó đáng kể nhất là vụ đánh bom chiếc phà Super Ferry năm 2004, giết chết 116 người.
116 người chết khi phà Super Ferry bị ASG đánh bom. |
22 giờ đêm 27-2-2004, phà Super Ferry số hiệu 14, tải trọng 10.192 tấn với 889 hành khách nhổ neo rời vịnh Manila để đi đến các thành phố Cagayan de Oro, Bacolod và Iloilo. Trước đó, một gã đàn ông tên là Redondo Cain Dellosa - thành viên của nhóm khủng bố Rajah Sulaiman Movement do Ahmed Santos sáng lập năm 1991 tại Philippines và được sự tài trợ, huấn luyện bởi ASG - đã mua vé lên phà rồi bí mật đặt một túi xách bên trong có 3,6kg chất nổ TNT tại khoang 51B. Sau đó, gã rời khỏi phà, lên bờ và biến mất.
Một tiếng sau, khi chiếc phà gần đến thành phố Cagayan de Oro thì bất ngờ một tiếng nổ kinh hoàng phát ra, xé nát một phần thân phà. Vụ nổ khiến 63 người chết ngay lập tức, trong đó có 6 trẻ em dưới 5 tuổi và 9 trẻ em từ 6 đến 16 tuổi. Nhiều hành khách phải nhảy xuống biển vì xuồng cứu hộ trên phà đa số bị hư hại sau vụ nổ, chỉ một số ít còn hoạt động được.
Đến sáng 29-2, các cuộc cứu hộ đã cứu sống 744 người. Ngoài 63 người chết, còn có 53 người mất tích và cũng được coi như đã chết vì một tuần sau đó, các thợ lặn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tìm thấy 12 thi thể kẹt trong các phòng trên phà. Thoạt đầu, cơ quan chức năng Philippines cho rằng đây chỉ là một tai nạn gây ra bởi vụ nổ khí gaz, nhưng các cuộc điều tra từ những người sống sót đã cho thấy có dấu hiệu khủng bố bởi lẽ nơi phát nổ là nơi khách du lịch tập trung đông nhất.
Thuyền trưởng phà - ông Ceferino Manzo nói ngay sau vụ nổ, ông ngửi thấy mùi thuốc súng nồng nặc. Kiểm tra danh sách hành khách, Cảnh sát Philippines thấy rằng Redondo Cain Dellosa đã mua vé ở khoang 51B nhưng trong số những người đã chết và những người còn sống, không có ông ta. Riêng 53 người mất tích, khi thân nhân họ gặp cảnh sát để cung cấp thông tin nhận dạng, cũng chẳng thấy ai khai gì về ông ta. Sau này khi bị bắt, Redondo Cain Dellosa thú nhận chính ông ta là người đặt bom theo chỉ thị của Ruben Omar Pestano Lavilla Jr., kẻ lãnh đạo tổ chức khủng bố Rajah Sulaiman.
Ngày 24-7-2008, Ruben bị Cơ quan an ninh Nhà nước Bahrain bắt giữ theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Những lời khai của Ruben cho thấy y là kẻ trực tiếp ra lệnh cho Redondo Cain Dellosa thực hiện vụ đánh bom phà Super Ferry theo chỉ đạo của ASG mà nguyên nhân là trước đó, Công ty WG & A - là sở hữu chủ phà Superferry đã từ chối không chịu nộp 1 triệu USD tiền bảo kê cho ASG! Sau này, Ruben bị dẫn độ về Philippines để ra tòa với tội danh khủng bố.
Ngày 13-12-2006, Cảnh sát Philippines lại phá vỡ một âm mưu đánh bom Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN họp tại thành phố Cebu. Trong vụ này, ngoài các tay súng ASG, còn có sự tham gia của nhóm khủng bố “Chính phủ Việt Nam tự do” của Nguyễn Hữu Chánh và của các chiến binh Jemaah Islamiyah - là một tổ chức khủng bố Hồi giáo xuất phát từ Indonesia - tác giả vụ đánh bom khu du lịch trên đảo Bali ngày 12-10-2002, giết chết 202 người.
Cuộc đào thoát phi thường của con tin 14 tuổi
Theo Đài Truyền hình ABS-CBN của Philippines, từ năm 2000 đến nay đã có ít nhất 20 nhà báo nước ngoài, 3 nhân viên Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cùng hơn 40 du khách bị ASG bắt cóc.
Con tin Stefan Victor Okonek trước lúc bị ASG chặt đầu. |
Gần đây nhất, 17-11-2015, một con tin người Malaysia đã bị ASG chặt đầu sau khi Chính phủ Malaysia không chấp nhận trả tiền chuộc. Trước đó, ngày 21-9-2015, 2 người Canada là Robert Hall, John Ridsdel, một người Na Uy là Kjartan Sekkingstad và một phụ nữ Philippines là Maritess Flor đã bị ASG bắt cóc tại khách sạn Holiday Resort Oceanview thuộc khu nghỉ mát Garden City trên đảo Davao del Norte và đến nay vẫn chưa biết họ sống chết thế nào.
Tất cả những con tin bị ASG bắt cóc nếu không được quân đội Philippines giải cứu hoặc gia đình họ nộp tiền chuộc thì đều bị hành quyết. Chỉ duy nhất có một trường hợp trốn thoát là một thiếu niên người Mỹ 14 tuổi tên là Kevin Lunsmann.
Kevin Lunsmann sau khi trốn thoát. |
Đầu tháng 7-2015, Kevin cùng mẹ là Gerfa Yeatts Lunsmann - một phụ nữ người Mỹ gốc Philippines và người em họ là Romnick Jakaria từ Mỹ đến Philippines để thăm thân nhân tại một hòn đảo gần thành phố Zamboanga.
Tối ngày 12-7, Kevin và mẹ cùng đứa em họ bị ASG bắt cóc. Kevin kể: “Họ xông vào nhà, trói và bịt mắt anh em tôi cùng mẹ tôi rồi đẩy chúng tôi lên một chiếc thuyền máy. Mờ sáng, khi đến nơi, nghe lỏm những câu chuyện trao đổi giữa nhóm ASG với nhau, tôi mới biết mình đang ở bán đảo Basilan”. Sau đó, những kẻ bắt cóc điện thoại cho gia đình Kevin ở Campbell County, bang Virginia, Mỹ, để đòi tiền chuộc. Theo lời Kevin, nhóm bắt cóc đối xử với họ khá tử tế nhưng dọa sẽ chặt đầu cả ba người nếu không có tiền.
Vụ việc được gia đình Kevin báo cáo cho Sứ quán Mỹ ở Manila và Cảnh sát Philippines. Mặt khác, cha của Kevin là ông Heiko Lunsmann âm thầm thương lượng với bọn bắt cóc. Không ai biết số tiền chuộc là bao nhiêu nhưng 2 tháng sau, bà Gerfa Yeatts Lunsmann được ASG phóng thích.
Bà kể: “Nửa đêm, chúng lôi tôi dậy, bịt mắt, đưa tôi lên thuyền rồi chạy một mạch không nghỉ. Đến mờ sáng, thuyền dừng lại, chúng tháo băng bịt mắt và thả tôi xuống một bãi biển hoang vắng. Tôi hỏi con trai và cháu tôi đâu thì chúng bỏ đi, không trả lời. Gần 2 tiếng sau, khi đang lang thang tìm kiếm làng xóm thì có mấy ngư dân nhìn thấy tôi. Nghe tôi kể lại mọi chuyện, họ đưa tôi đến đồn cảnh sát”. Ông Heiko Lunsmann nói: “Thỏa thuận là sau khi nhận được tiền, họ sẽ trả tự do cho vợ tôi, con trai và cháu tôi nhưng cuối cùng chỉ có vợ tôi được thả. Tôi nghĩ họ muốn đòi thêm tiền”.
Dựa theo lời kể của bà Gerfa về những cảnh vật xung quanh mà bà nhìn thấy trong suốt thời gian bị cầm tù, đầu tháng 11, quân đội Philippines mở cuộc đột kích vào một khu vực tình nghi là nơi ASG giam giữ con tin ở gần thị trấn Akbar. Lợi dụng sự hỗn loạn trong lúc hai bên chạm súng, em họ Kevin là Romnick Jakaria trốn thoát. Theo Romnick, anh không biết ASG giam Kevin ở đâu vì ngay sau khi bị bắt cóc, ASG đã tách mỗi người ra một nơi.
Từ đó cho đến tháng 12, ông Heiko Lunsmann nhiều lần liên lạc với bọn bắt cóc nhưng không lần nào ông nhận được trả lời. Lúc đã trốn thoát, Kevin kể: “Sau khi quân đội Philippines đánh vào trại giam, chẳng bao giờ ASG giam tôi một nơi quá 10 ngày. Cứ khoảng 7, 8 ngày là họ dẫn tôi sang chỗ khác. Có chỗ chỉ cách đó 1 ngày đường nhưng cũng có chỗ phải đi mất 3 ngày. Ăn uống thiếu thốn, lại bị bệnh về đường tiêu hóa nên tôi rất yếu. Thỉnh thoảng ASG bảo sẽ chặt đầu tôi vì 4 chiến binh của họ đã chết trong cuộc chạm súng với quân đội”.
Giữa tháng 12, Kevin bị giam trong một cái lán nhỏ giữa rừng, canh gác cậu là 4 tên ASG. Cậu kể: “Gần đó có một con suối nên tôi nghĩ rằng đây chính là cơ hội để tôi trốn thoát vì theo suy luận của tôi, tất cả mọi con suối đều đổ ra sông. Mà ở đảo Mindanao, sông sẽ chảy ra biển. Có nhiều làng chài của ngư dân nằm dọc theo bờ biển nên tôi hy vọng sẽ được cứu”.
Một buổi trưa, Kevin thuyết phục tên lính gác cho cậu ra suối tắm, giặt quần áo vì bệnh kiết lị đã khiến người cậu rất hôi hám. Kevin kể: “Mãi một lúc, hắn ta mới gật đầu và dặn tôi chỉ được tắm trong vòng 15 phút, không được đi xa khỏi dòng suối 3 mét”. Giả bộ xiêu vẹo vì quá yếu, Kevin lết từng bước, lúc đứng, lúc ngồi, tay vạch lá cây tìm đường. Nhìn lại thấy tên lính gác dựa gốc cây hút thuốc, cậu húng hắng ho như thể báo cho gã biết “tôi vẫn còn đây”. Cậu kể: “Đặt chân xuống dòng nước chảy xiết, sau lưng tôi là cây cối rậm rạp, tôi biết tên lính không thể nhìn thấy tôi nên tôi bắt đầu bơi. Dòng nước đưa tôi đi nhanh chóng. Chỉ khoảng 10 phút, tôi đã bơi được khá xa mà không tốn nhiều sức lực. Thỉnh thoảng, chân tôi, ngực và bụng tôi lại va phải những hòn đá ngầm, đau điếng nhưng tôi vẫn không dám tấp vào bờ vì sợ bị bắt lại”.
Bơi thêm một đoạn nữa, Kevin nhận thấy nước chảy càng lúc càng nhanh hơn, mạnh hơn. Xa xa về phía trước, cậu nghe tiếng ì ầm. Kevin nói: “Do đã xem nhiều phim trên truyền hình, tôi đoán là sắp sửa đến một cái thác nên tôi cố hết sức nhoai người vào bờ. May mắn là tôi bám vào được một cành cây chìa ra chứ nếu không thì có Chúa mới biết chuyện gì đang đợi tôi ở trước mặt”.
Quần áo tơi tả, chân không giày dép, thân thể bầm tím nhiều chỗ, Kevin men theo con suối đi tới và những tiếng động mà cậu tưởng là một cái thác thì thật ra chỉ là những tảng đá lớn nhô lên giữa dòng bị nước đập vào. Đến chiều, mặc dù rất lạnh và đói nhưng khi nhìn thấy một ngôi làng nhỏ, Kevin vẫn không dám lại gần vì sợ nó nằm trong vùng kiểm soát của ASG: “Đêm hôm đó, tôi bẻ lá lót xuống một hốc cây lớn rồi chui vào. Trên mình tôi cũng phủ đầy lá cây. Tôi ngủ chập chờn và có lúc, tôi nghĩ rằng tôi sẽ chết”.
Sáng hôm sau, Kevin lại tiếp tục cuộc hành trình trong tuyệt vọng. Buổi trưa, cậu bắt được vài con cua cạnh bờ suối. Không có lửa để nướng, Kevin nhai sống nó. Đến khoảng 4 giờ chiều, khi đang bước thấp bước cao qua những vũng bùn thì cậu nghe tiếng người gọi. Kevin kể: “Quay lại, tôi thấy mấy người đàn ông da nâu đen, tay cầm dao vẫy tôi. Sợ quá, tôi cắm đầu chạy nhưng mới chỉ chạy được vài bước thì tôi quị xuống vì kiệt sức”.
Những người đàn ông bước đến. Kevin nhắm mắt chờ đợi lưỡi dao chém xuống cổ mình nhưng một người trong số họ - có lẽ nhìn thấy nước da trắng và cái mũi cao của cậu nên ông ta hỏi cậu bằng tiếng Anh: “Người Mỹ à?”. Kevin kể: “Lúc ấy, tôi chỉ còn đủ sức để gật đầu. Họ xốc tôi lên, nói với tôi rằng họ là bạn rồi đưa tôi về một ngôi làng gần đó”
Được dân làng báo tin, khoảng 7 giờ tối cảnh sát và quân đội đến. Chỉ huy trưởng Cảnh sát đảo Basilan là ông Edwin de Ocampo nói Kevin Lunsmann được tìm thấy trong tình trạng suy kiệt trầm trọng sau 2 ngày chạy trốn trong rừng. Đại tá Ricardo Visaya, Chỉ huy trưởng Quân sự đảo Basilan nói thêm rằng tin tình báo cho biết kẻ cầm đầu vụ bắt cóc Kevin là Puruji Indama, một thủ lĩnh của ASG ở vùng này.
Kevin sau đó được đưa về một bệnh viện ở Manila. Tại đây, cậu gặp lại mẹ và người em họ của mình. Vài ngày sau, cha cậu là Heiko Lunsmann đã từ Mỹ bay qua gặp cậu. Đại tá Ricardo Visaya nói: “Thật là phi thường. Kevin chỉ là một cậu bé 14 tuổi nhưng sau 5 tháng bị ASG giam giữ, cậu can đảm bỏ trốn và cậu đã hành động đúng khi không vào ngôi làng đầu tiên mà cậu nhìn thấy để nhờ cứu giúp vì ngôi làng ấy nằm trong tầm kiểm soát của ASG…”.