Dư âm vụ khủng bố Paris: Châu Âu tích cực chia sẻ dữ liệu tình báo

Thứ Ba, 02/02/2016, 15:20
Sau khi xảy ra vụ khủng bố đẫm máu ở Paris, châu Âu đã nhận ra rằng một “lỗ đen” tình báo do chính phủ các nước không tích cực chia sẻ thông tin, dữ liệu tình báo về khủng bố đã khiến châu lục gặp rủi ro lớn. Điều này đang trở nên bức bách khiến các cơ quan tình báo ở châu Âu bắt đầu tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin tình báo.


Theo Europol, vào thời điểm xảy ra vụ khủng bố Paris ngày 13-11-2015, chỉ khoảng một nửa trong số 28 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tham gia trao đổi thông tin chính thức giữa các nước thành viên EU thông qua hệ thống chia sẻ thông tin của Europol. Hiện nay, trước nguy cơ khủng bố đang đe dọa liên tục, 25 quốc gia đã tham gia kết nối vào hệ thống, còn lại 3 quốc gia đang trong giai đoạn cuối để hoàn tất việc kết nối.

Ông Rob Wainwright, cựu điệp viên MI-5 đang là Chủ tịch Europol cho biết, ông đã từng tham gia tiến trình cải thiện việc chia sẻ thông tin tình báo suốt hơn 10 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên ông thấy được vấn đề chia sẻ thông tin tình báo đã được các nước quan tâm và trở thành một vấn đề chính thống trong các quốc gia.

Theo ông Wainwright, trong nhiều năm qua, các quốc gia chủ chốt của EU đã tin cậy nhau và cùng nhau sử dụng chung một đồng tiền duy nhất, cùng xây dựng vùng đi lại miễn thị thực, miễn thông hành. Nhưng việc chia sẻ thông tin tình báo thì lại rất khó khăn, và phải đến khi xảy ra vụ khủng bố đẫm máu làm chết 130 người thì người ta mới chịu vượt qua thành kiến để tin tưởng mà chia sẻ những thông tin tình báo bí mật cho nhau.

Cảnh sát Romania đang sử dụng hệ thống chia sẻ dữ liệu Schengen để kiểm tra dấu vân tay nhằm xác định đối tượng có phải là tội phạm hay khủng bố hay không.

Vụ tấn công Paris được cho là có dấu ấn của IS, đã phơi bày những hạn chế, thất bại trong việc phối hợp bảo đảm an ninh qua biên giới và trong lòng mỗi quốc gia thuộc khối EU. Trong vấn đề này, Pháp và Bỉ là hai quốc gia bị chỉ trích nhiều nhất vì đã dễ dàng để cho các nghi can tự do đi lại, lưu trú và tẩu thoát sau khi đã gây ra vụ khủng bố. Ngay hôm sau khi gây ra vụ xả súng và đánh bom, một trong các nghi can là Salah Abdeslam đã bị Cảnh sát Pháp chặn lại nhưng sau đó lại được thả cho đi!?

Lý do được cho là do Cảnh sát Bỉ đã không chia sẻ cho các đồng nghiệp Pháp thông tin rằng Salah và anh trai y là Ibrahim (đã tự kích nổ quả bom tự sát tại Paris) đều là những kẻ cực đoan đã từng tìm cách đi sang Syria tham gia thánh chiến cùng IS. Salah Abdeslam hiện còn đang lẩn trốn.

Sau vụ khủng bố Paris, Pháp tăng cường hoạt động đảm bảo an ninh, đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin tình báo.

Vai trò của Europol trong việc điều phối cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm có tổ chức ở châu Âu đã được tăng cường, nâng cấp ngay trước khi xảy ra vụ khủng bố Paris. Cơ quan này đã được cấp thêm kinh phí để thành lập một đơn vị có tên là Trung tâm Chống khủng bố châu Âu (ECTC), trang bị phương tiện và nhân sự theo dõi đường đi của vũ khí, tài chính và các công dân EU tham gia thánh chiến. ECTC đã bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2016.

Mặc dù vậy, ông Wainwright cảnh báo mọi chuyện sẽ không suôn sẻ, vẫn còn những trở ngại phía trước. Ông nói, kết nối hệ thống chia sẻ thông tin là một chuyện, có sử dụng nó hay không là chuyện khác. Một ví dụ của việc kết nối chia sẻ nhưng không sử dụng thông tin ở các quốc gia châu Âu là sự thiếu đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu tội phạm vùng của Europol và dữ liệu mà cảnh sát biên giới miễn thị thực, thông hành của EU, còn gọi là Hệ thống thông tin Schengen. Hệ thống Schengen có thể cảnh báo các cảnh sát bảo vệ biên giới liệu một người đi qua biên giới có tiền án tiền sự hay có bị truy nã hay không.

Kết nối hai hệ thống chia sẻ thông tin, dữ liệu trên sẽ góp phần cho việc sàng lọc hồ sơ di chuyển hiệu quả hơn và giúp chặn bắt khủng bố, đặc biệt là từ cuộc điều tra vụ khủng bố Paris đã cho thấy nhiều nghi can từng dính líu đến các tội phạm thông thường, như buôn bán ma túy, và đã có hồ sơ tiền án tiền sự tại quê nhà đã được chia sẻ trên hệ thống Schengen. “Lẽ ra chúng tôi nên liên tục đối chiếu thông tin dữ liệu giữa hai hệ thống, nhưng chúng tôi đã không làm thế” - ông Wainwright nói.

Chính vì thế, ngày 20-11-2015, các Bộ trưởng Nội vụ các nước EU đã thống nhất vào tháng 3-2016 sẽ bắt đầu việc kết nối hai hệ thống trên lại với nhau. Jurgen Stock, Tổng giám đốc Interpol cho rằng, việc kết nối hai hệ thống chia sẻ thông tin sẽ tạo điều kiện ráp nối dữ liệu các hoạt động đi lại, các vụ tấn công xa vùng xung đột, các giao tiếp trên mạng Internet và hành vi sử dụng giấy tờ thông hành giả để từ đó dẫn đến các quyết định quan trọng trong hoạt động chống khủng bố, có thể đó là những quyết định đúng đắn giúp ngăn chặn khủng bố.

Bên cạnh đó, cảnh sát các nước châu Âu còn nói rằng họ cần được tiếp cận dễ dàng hơn vào cơ sở dữ liệu EURODAC – cơ sở dữ liệu dấu vân tay lấy từ những người xin tị nạn, mà cho đến nay chỉ mới được sử dụng cho mục đích quản lý tị nạn. Một số quy định luật pháp đã được sửa đổi để cho phép Europol và cảnh sát các quốc gia đối chiếu dấu vân tay có liên quan trong các vụ trọng án hình sự với EURODAC, nhưng chỉ trong những trường hợp rất hạn chế và chỉ với những tội phạm rất nghiêm trọng, như giết người và khủng bố.

Sự dính líu của những người không phải công dân EU trong vụ khủng bố Paris – trong đó người ta tìm thấy một giấy thông hành Syria gần thi thể của một nghi can đánh bom tự sát – đã nêu bật nhu cầu đối chiếu thông tin giữa cơ quan quản lý người di cư với các cơ quan tình báo. Điều này xem ra cực kỳ khó.

Trên quan điểm tình báo, ông Wainwright nói rằng, các cơ quan tình báo hoạt động rất tách biệt và đang nâng mức bảo mật thông tin trên các hệ thống chia sẻ thông tin để khắc phục tình trạng thiếu nhiệt tình chia sẻ thông tin của các chính phủ. Mặt khác, Europol cũng cần phải khắc phục sự thiếu tin tưởng lẫn nhau trong các công ty công nghệ để bảo đảm họ chịu giúp một tay chống lại việc các tổ chức Hồi giáo cực đoan lợi dụng mạng xã hội cho hoạt động tuyên truyền.

Đơn vị Khảo sát Internet (IRU) của Europol là đơn vị chuyên truy tìm, phát hiện và phối hợp với các công ty công nghệ yêu cầu gỡ bỏ các video tuyên truyền đầy bạo lực của IS với cảnh chặt đầu con tin. Hiện tại, đơn vị này đang cố gắng để xác định các nội dung của IS trên Internet. Sắp tới, IRU sẽ được tăng cường nhân sự để đẩy mạnh hoạt động này.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.