Vũ khí Mỹ và xung đột ở Trung Đông: Đục nước béo cò

Chủ Nhật, 10/05/2015, 09:35
Arập Xêút dùng máy bay F-15 mua của Hãng Boeing để tiến hành chiến dịch không kích phiến quân Houthi ở Yemen; còn Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) thì sử dụng máy bay F-16 do Hãng Lockheed Martin sản xuất để ném bom IS ở Syria và Houthi ở Yemen. Sắp tới, UAE sẽ hoàn tất việc thương thảo hợp đồng với Công ty General Atomics (cũng của Mỹ) để mua một đội máy bay không người lái Predator để bay do thám các nước láng giềng… Giới quan sát lo ngại việc Mỹ gia tăng cung cấp vũ khí cho khu vực sẽ dẫn đến tình trạng chạy đua vũ trang.

Chiến dịch ném bom của Arập Xêút tại Yemen đang làm bùng lên mối lo ngại sẽ châm ngòi cho xung đột giáo phái lan rộng; ngay cả Tổng thống Yemen Abdu Abu Mansour Hadi, người đang tị nạn tại Riyadh, cũng phải lên tiếng đề nghị Arập Xêút và các nước đồng minh tìm giải pháp đàm phán thay vì cứ liên tục ném bom. Tuy nhiên, lời đề nghị đó đang bị át bởi tiếng bom.

Arập Xêút đang xây dựng một liên minh gồm các quốc gia cùng giáo phái Sunni sử dụng các loại vũ khí quân sự do Mỹ cung cấp để đẩy mạnh chiến dịch ném bom phiến quân Houthi, với danh nghĩa "khôi phục Chính phủ Yemen" đang bị tê liệt dưới tầm kiểm soát của lực lượng này.

Mà không chỉ Houthi, các quốc gia Arập ở Trung Đông còn tham gia chiến dịch ném bom IS do Mỹ chủ xướng. Vì thế, nhu cầu vũ khí của họ ắt sẽ gia tăng.

Thật vậy, trung tuần tháng 4 vừa qua, các quan chức ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ đã trình lên Quốc hội dự báo nhu cầu đơn hàng từ các đồng minh Arập trong cuộc chiến chống IS, bao gồm Arập Xêút, UAE, Qatar, Bahrain, Jordan và Ai Cập. Các quốc gia này dự kiến sẽ mua thêm hàng ngàn tên lửa, bom và các loại vũ khí khác để bổ sung vào kho vũ khí đã bị tiêu hao do tham gia chiến dịch không kích trong một năm qua.

Máy bay chiến đấu F-15 của Arập Xêút xuất kích ném bom ở Yemen.

Các chuyên gia về Trung Đông cho rằng, sự hỗn loạn của khu vực và quyết tâm của các quốc gia theo dòng Sunni cạnh tranh vị thế cường quốc khu vực với Iran (Shiite) sẽ dẫn đến một sự gia tăng đơn hàng các loại khí tài mới, tối tân và công nghệ cao.

Năm 2014, Arập Xêút đã chi 80 tỉ USD cho vũ khí, cao hơn mức chi tiêu của Pháp, Anh, và trở thành quốc gia tiêu thụ vũ khí lớn thứ tư trên thế giới, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển); còn UAE chi 23 tỉ USD, nhiều gấp 3 lần mức chi tiêu năm 2006.

Qatar, một quốc gia Vùng Vịnh giàu có khác và đang mong muốn khẳng định sức ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, cũng đang bung tiền ra mua sắm vũ khí. Năm ngoái, nước này đã ký một thỏa thuận trị giá 11 tỉ USD với Lầu Năm Góc để mua máy bay trực thăng tấn công Apache, hệ thống tên lửa phòng không Patriot và Javelin.

Năm nay, quốc gia này đang muốn mua số lượng lớn máy bay chiến đấu F-15 của Hãng Boeing để thay thế các máy bay cũ kỹ lỗi thời hiện nay. Dự kiến tháng 5/2015, Qatar sẽ đưa ra danh sách mua sắm của họ.

Các hãng sản xuất vũ khí của Mỹ rất nhạy bén trong việc tranh thủ cơ hội làm ăn khi nhìn thấy nhu cầu phát sinh từ Qatar. Hãng Boeing đã mở văn phòng ở Doha, Qatar năm 2011, và Hãng Lockheed Martin cũng đã mở văn phòng tại đó vào đầu năm nay.

Từ năm 2013, Lockheed Martin đã thành lập một bộ phận chuyên bán hàng cho quân đội nước ngoài, và Tổng giám đốc Marillyn Hewson nói rằng Lockheed cần tăng doanh số ở nước ngoài, hướng đến mục tiêu chiếm 25 - 30% tổng doanh số của hãng nhằm ứng phó với việc Lầu Năm Góc cắt giảm chi tiêu.

Cơ quan tình báo của Mỹ dự báo rằng, các "cuộc chiến ủy thác" ở Trung Đông có thể kéo dài nhiều năm, vì thế các quốc gia trong khu vực này chắc chắn sẽ nảy sinh nhu cầu mua máy bay chiến đấu F-35 - mệnh danh là "viên kim cương" trong kho vũ khí tương lai của Mỹ. Đây là loại máy bay có chi phí sản xuất đắt nhất thế giới, có khả năng tàng hình.

Với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán tên lửa S-300 cho Iran, giới chức quốc phòng Mỹ dự báo rằng nhu cầu mua loại máy bay chiến đấu này sẽ tăng cao, vì F-35 được sản xuất để chống lại khả năng tầm sát của tên lửa S-300.

Trong khi đó, việc cung cấp vũ khí cho các nước khu vực Trung Đông còn mang một ý nghĩa sâu xa khác, đó là tạo khả năng cho các nước theo dòng Sunni đồng loạt tấn công Iran bất cứ lúc nào. Từ khía cạnh này cho thấy lâu nay Mỹ vẫn quan tâm xây dựng một chiến tuyến bao quanh Iran.

Máy bay chiến đấu F-16E của  UAE.

Tuy nhiên, không phải cứ có tiền muốn mua gì là được nấy. Nước Mỹ từ lâu đã đưa ra những quy định hạn chế chủng loại vũ khí, khí tài mà các hãng công nghiệp quốc phòng có thể bán cho các quốc gia Arập.

Năm 2008, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật yêu cầu các hợp đồng bán vũ khí cho khu vực Trung Đông phải bảo đảm Israel duy trì được ưu thế vượt trội về quân sự.

Tất cả các hợp đồng với Trung Đông phải được đánh giá dựa trên tiêu chí chúng sẽ ảnh hưởng thế nào đến vị thế độc tôn về quân sự của Israel. Ngay cả việc cải thiện quan hệ quân sự với một số quốc gia Arập có chọn lọc, tức những nước xem Iran là đối địch, cũng phải cân nhắc đến vấn đề lợi ích an ninh của Israel.

Một vấn đề được giới chuyên gia đặt ra là, liệu vũ khí của Mỹ cung cấp cho các nước Arập có được sử dụng một cách hợp pháp hay không?

Daryl Kimball, Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí của Mỹ đưa ra dẫn chứng cho thấy trong nhiều phi vụ ném bom của Arập Xêút tại Yemen, vũ khí do Mỹ cung cấp đã được sử dụng nhằm vào dân thường.

Ông Kimball bày tỏ quan ngại, việc Mỹ gia tăng cung cấp vũ khí cho khu vực sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang và sự leo thang sử dụng chúng, như Arập Xêút và một số nước đang làm ở Yemen.

An Châu (tổng hợp)
.
.