IS và Al-Qaeda, hai thế lực hắc ám bắt đầu liên kết
Trong hơn 10 ngày qua, các thủ lĩnh cấp cao của hai tổ chức này đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với thủ lĩnh các nhóm Hồi giáo vũ trang khác thuộc khu vực Trung Đông và châu Phi. Những sự kiện liên tiếp diễn ra cho thấy, IS đang thực hiện một âm mưu thành lập liên minh khủng bố toàn cầu và nguy cơ hiện hữu sẽ gieo rắc kinh hoàng ở nhiều nơi.
Thực lực của Al-Qaeda hiện nay
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ đã tiến hành nghiên cứu về sự ảnh hưởng từ cái chết của Bin Laden đối với sự phát triển của Al-Qaeda và đưa ra kết luận rằng: "Những tổ chức cực đoan tôn giáo thì yếu tố thủ lĩnh là quyết định". Tâm lý những kẻ tham gia các tổ chức khủng bố mang tính cực đoan tôn giáo luôn thần tượng hóa vị lãnh đạo tinh thần, những tư tưởng mà thủ lĩnh của chúng đã "nhồi sọ" dường như được cho là vô địch và không gì thay thế được.
Al-Qaeda không phải là ngoại lệ, cái tên Bin Laden từ lâu đã được sử dụng như một thay thế khi người ta không muốn nhắc đến Al-Qaeda, sự ra đời dựa trên nền tài chính chủ yếu là túi tiền của Bin Laden và tôn chỉ mục đích do chính y phác thảo, và cũng chính bằng túi tiền và tôn chỉ mục đích đó đã nuôi dưỡng tổ chức này phát triển như những năm 1990 đã minh chứng cho tính quyết định của yếu tố cá nhân Bin Laden trong tổ chức này. Zawahiri từ lâu cũng được cho là thủ lĩnh tinh thần của Al-Qaeda, nhưng nhìn vào Al-Qaeda hiện nay chỉ là cái "xác không hồn" mà thôi, cho dù Zawahiri có lớn tiếng tuyên bố hàng loạt các tổ chức khủng bố khác nhau đang gia nhập Al-Qaeda như Al Shabaab ở Somali, Ansar al Sharia ở Libya, Ansar al Din ở Bắc Phi, Jabhat Al Nusra ở Pakistan… và mới đây tiếp tục huênh hoang "trình làng" 2 nhóm khủng bố ở Syria và tiểu lục địa Ấn Độ là Khorasan và nhóm nòng cốt tàn quân Taliban do Asim Umar cầm đầu thì thực tế của việc "án binh bất động" từ sau cái chết của Bin Laden đã minh chứng cho điều này.
Nhân viên cứu trợ Peter Kassig - người mới bị IS sát hại. Ảnh: Reuters. |
Thêm vào đó, một chi nhánh khác của Al-Qaeda tại Iraq do Abu Bakr al Baghdadi cầm đầu đã tuyên bố tách khỏi Al-Qaeda, thành lập tổ chức mới, tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) không những được coi là tổn thất nặng nề đối với Al-Qaeda cả về tài chính lẫn nhân lực và tiềm lực quân sự, mà còn cho thấy uy tín của Al-Qaeda và cá nhân Zawahiri đã giảm sút trầm trọng trong thế giới của các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Ở chiều ngược lại, sự bành trướng của IS đã khiến Mỹ và các nước phương Tây phải tập trung lực lượng để đối phó, qua đó Al-Qaeda cũng có được thời gian "rảnh tay" để củng cố, xây dựng lực lượng. Mỹ và các nước phương Tây luôn cảnh giác điều này và vẫn luôn coi Al-Qaeda là tổ chức nguy hiểm số 1 thế giới. Sức mạnh của Al-Qaeda còn được thể hiện qua những chiến lược tuyên truyền mà Bin Laden đã để lại, đó là chiến lược có bề dày đã ăn sâu trong thế hệ những phần tử Hồi giáo cực đoan vẫn chưa từ bỏ ảo vọng về một thế giới chỉ dành cho người Hồi giáo.
Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Hoa Kỳ đã đưa ra phác thảo về tổ chức Al-Qaeda hiện nay, qua đó xác định đấu tranh loại bỏ Al-Qaeda không phải là tiêu diệt các thành viên của nó qua các con số cụ thể, thậm chí việc Bin Laden bị tiêu diệt trong hoàn cảnh mà Al-Qaeda đã quen với việc thiếu vắng sự chỉ đạo trực tiếp của y cũng là mối quan tâm, lo lắng về sự tái thiết lập của tổ chức này. Nghiên cứu này mô tả AQ như một cây cổ thụ với Al-Qaeda Trung tâm (AQC) là thân cây, các nhóm khủng bố thân cận cấp 1 như Taliban, AQAP, AQIM, Al Shabaab, Jabhat Al Nusria… là cành cây; các nhóm thân cận cấp 2 như Jemaah Islamyiah ở Indonesia, Abu Sayyaf ở Philippines, Những con hổ giải phóng Tamil, các tổ chức khủng bố ở châu Phi, phong trào Hồi giáo Uzbekistan và Trung Á… là nhánh cây.
Các cơ quan tình báo, chống khủng bố của Mỹ và các nước phương Tây cho rằng Al-Qaeda đang tập trung vào việc tăng cường tài chính, củng cố tổ chức và lập kế hoạch cho các cuộc tấn công khủng bố lớn vào đầu 2015; dự báo năm 2015 Al-Qaeda sẽ tập trung xây dựng chi nhánh đại diện ở tiểu lục địa Ấn Độ nhằm tăng cường uy tín tại Nam Á; đồng thời hoạt động mạnh tại khu vực Đông Nam Á nhằm giúp các nhóm khủng bố ở khu vực này như JI, ASG… tái thiết lập tổ chức, tiếp tục thực hiện mục tiêu thiết lập một tiểu vương quốc Hồi giáo ở Đông Nam Á, một phần trong kế hoạch của Al-Qaeda.
IS mở rộng phạm vi, nâng tầm quy mô
Cách đây không lâu, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã cho phát tán một đoạn băng ghi âm kêu gọi những phần tử ủng hộ ở Arập Xêút tham gia vào cuộc chiến chống lại những người lãnh đạo ở quốc gia này, bởi giới lãnh đạo chính là đồng minh của Mỹ chống lại IS ở Syria. Ngoài ra, Abu Bakr al-Baghdadi còn tuyên bố đã mở rộng địa bàn tới 5 nước khác ngoài Syria và Iraq, gồm: Arập Xêút, Yemen, Ai Cập, Libya, Algeria - những nơi có nhiều nhóm vũ trang cực đoan và có khả năng thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ngay lập tức. Cựu điệp viên Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) Ali Soufan cảnh báo: "Hãy nhớ về những gì đã xảy ra với Al-Qaeda sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, chúng ta đã tiêu diệt chúng ở Afghanistan.
Sau đó chúng đã chuyển từ vai trò điều hành các chiến dịch tấn công sang việc thúc đẩy các nhánh chân rết thực hiện điều đó. Lúc này, điều nguy hiểm chính là tư tưởng của chúng chứ không còn là bản thân tổ chức đó nữa. Chúng ta thấy điều đó ở phiến quân IS. Ban đầu chúng hoạt động ở Iraq, rồi đến Syria, và sau đó tuyên bố sẽ tấn công Arập Xêút, Ai Cập, Yemen". Cũng trong đoạn băng ghi âm, khi đề cập đến chiến dịch quân sự do Mỹ đứng đầu chống lại IS ở Iraq và Syria, thủ lĩnh IS nêu rõ: "Mặc dù cuộc thập tự chinh này là cuộc chiến dữ dội và khốc liệt nhất, nhưng nó cũng là thất bại lớn nhất của phương Tây. Chúng ta thấy người Mỹ và đồng minh đang co mình trong sợ hãi, yếu đuối, bất lực và thất bại".
Hôm 10/11, một nhóm vũ trang thường xuyên thực hiện các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Ai Cập có tên Ansar Beit al-Maqdis đã thề trung thành với IS và đe dọa sẽ sớm phát động các cuộc tấn công mới nhằm vào quân đội, cảnh sát Ai Cập. Ở Malaysia, lực lượng an ninh nước này cũng đã bắt giữ 13 công dân đang có kế hoạch đến Syria. Những người này bị nghi có liên kết với IS, thậm chí còn là cầu nối để các thủ lĩnh IS liên hệ với thủ lĩnh cấp cao của các nhóm Hồi giáo vũ trang khác trong khu vực. Tại Đức, hôm 12/11, hơn 200 cảnh sát đã được huy động tham gia chiến dịch truy quét quy mô lớn nhằm vào một mạng lưới được cho là bảo trợ các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Syria. 9 người mang quốc tịch Đức đã bị bắt giữ và bị tình nghi tham gia đưa các tay súng thánh chiến từ Đức sang Syria để chiến đấu trong hàng ngũ IS.
Bất chấp các chiến dịch tiến công mạnh mẽ của Mỹ và đồng minh, ngày 16/11, IS tiếp tục cho thấy mức độ cuồng sát của chúng khi tung lên mạng một đoạn video clip ghi hình các phiến quân hành quyết nhân viên cứu trợ người Mỹ Peter Kassig. Vụ sát hại này, được công bố trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị tăng cường gấp đôi số quân nhân tại Iraq lên 3.000 người trong khuôn khổ chiến dịch quốc tế chống IS, được xem là lời cảnh báo, thách thức, của tổ chức cực đoan này đối với Mỹ.
Các tay súng người Iraq (ảnh trái) và thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của IS. Ảnh: Reuters. |
Nước Mỹ phân cực, đồng minh nghi ngờ
Trong một tuyên bố ngày 17/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định, Washington đang xem xét đẩy nhanh cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria. Cụ thể, quân đội Mỹ muốn đẩy nhanh việc chuẩn bị đào tạo, trang bị cũng như những gì cần thiết cho cuộc chiến chống IS. Mặc dù hồi tuần trước ông Obama đã cho phép triển khai 1.500 lính Mỹ tới Iraq, và cũng đã chấp thuận nâng con số này lên 3.000, nhưng ông vẫn "chắc như đinh đóng cột" rằng các binh lính này sẽ không tham gia chiến đấu trực tiếp. Tuy nhiên trước đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey hôm 13/11 lại thông báo rằng, Lầu Năm Góc đang cân nhắc phương án sử dụng lực lượng bộ binh trong cuộc chiến chống IS. Thêm vào đó, Washington còn mạnh mẽ tuyên bố không hợp tác với Tổng thống Syria al-Assad.
Trả lời báo giới sau Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20, Tổng thống Obama đã nói rõ: "Đối với chúng tôi, việc đứng về phía chính quyền của Bashar al-Assad để chống lại IS là một điều bất hợp lý, nó sẽ làm suy yếu liên minh quốc tế". Đồng quan điểm, một số quan chức Mỹ cũng nhận định rằng, IS không thể bị đánh bại nếu chính quyền Syria hiện tại và Tổng thống Syria Bashar Assad không bị lật đổ. Cụ thể, Washington từ trước tới nay chỉ xem xét sách lược đối phó với IS ở Iraq và Syria mà không hề tính tới việc thay đổi chính quyền Damascus. Tuy nhiên, theo nhận xét của Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Corker, bất cứ một kế hoạch mới nào trong cuộc chiến chống IS tại Syria cũng phải chứa yếu tố mà ông gọi là một "nỗ lực của ông Assad". Ông Bob Corker nêu rõ, việc thiếu sự tham gia của ông Assad trong cuộc chiến chống IS đang cản trở bước tiến trong cuộc chiến này tại Syria. Các đối tác liên minh chống IS sẽ được mở rộng, ví dụ như có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trước tiên là cần phải có một thành phần Assad trong đó.
Bên cạnh đó, việc Mỹ tuyên bố về quan hệ với Syria tương tự như những gì Tổng thống Mỹ từng nói về mối liên hệ giữa họ và Iran trong cục diện cuộc chiến này: "Quan điểm của Mỹ với Iran là nhất quán và chúng tôi không có ý định hợp tác với Iran để giải quyết những vấn đề của Iraq - một người bạn của nước Mỹ". Và cũng chính vì điều này mà trong thời gian gần đây, ông Obama nhận được nhiều lời chỉ trích từ phía các đồng minh thân cận của mình ở Trung Đông, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này cho rằng để ngăn chặn sự phát triển của IS, Washington đang ngấm ngầm "đi đêm" với chính quyền Tổng thống al-Assad. Và, sự nghi vấn mà các đồng minh Trung Đông dành cho Washington không phải là không có cơ sở, bởi như trường hợp Iran, dù ông Obama có nói cứng, thì sự thực giữa người quyền lực nhất nước Mỹ và các lãnh đạo của Iran vẫn có những lần thư từ qua lại. Và sẽ chẳng một bên thứ ba nào biết nội dung các bức "mật thư" ấy.
Ngoài ra, theo giới phân tích, Mỹ đang áp dụng "tiêu chuẩn kép" trong cuộc chiến chống IS lần này. Theo đó, các tổ chức Hồi giáo từng bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố, nay lại được Mỹ tiếp sức để tiền tuyến đương đầu với IS. Trong đó có thể kể tên các tổ chức tiêu biểu như: đảng Công nhân người Kurd (PKK, hoặc PYD - mâu thuẫn đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ), tổ chức Hezbollah (thân cận với Bashar al-Assad ở Syria), tổ chức Lữ đoàn Hezbollah, tổ chức vũ trang hùng mạnh ở Syria Jabhat al-Nursa. Những đồng minh của Mỹ ở Trung Đông hoàn toàn có lý do để lo lắng vì chính sách của Mỹ lúc này, bởi các khái niệm về đồng minh - kẻ thù đối với Washington đang trở lên mong manh và dễ thay đổi hơn bao giờ hết.