ISDS – Phương tiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trục lợi

Thứ Tư, 01/07/2015, 16:05
Một điều ước quốc tế đã lỗi thời, thường gọi là Thỏa thuận dàn xếp tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS), được hình thành từ cách đây 50 năm nhằm bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đang trở thành một công cụ lợi hại để các công ty, tập đoàn đa quốc gia trục lợi bằng cách kiện các quốc gia sở tại đòi bồi thường thiệt hại do các quy định luật pháp quốc gia hay các quyết định của chính phủ đụng chạm đến lợi ích của họ. Một nửa thế giới đã và đang bị kiện, phải bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để dàn xếp các vụ tranh chấp, và chủ quyền quốc gia đang bị thách thức nghiêm trọng.

"Lá bùa" của các tập đoàn tư bản

Moorburg là một làng quê thanh bình ở nước Đức, cách thành phố Hamburg một con sông. Ngôi làng đẹp như tranh với kiến trúc nhà thờ thế kỷ XVI và những đồi cỏ đầy hoa dại. Nhưng cạnh bên ngôi làng lại mọc lên 2 ống khói to đùng, nhả khói xám xịt cả bầu trời. Đó là 2 ống khói của nhà máy điện chạy bằng than ở làng kế bên.

Nhà máy Kraftwerk Moorburg là đề tài chính của một vụ tranh chấp trị giá 1,4 tỉ euro từ năm 2009 giữa nhà đầu tư và nhà nước, trong đó Tập đoàn năng lượng Vattenfall của Thụy Điển đã kiện Nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức ra tòa để đòi bồi thường.

Nguyên do là, vào năm 2008, Vattenfall được cấp phép sử dụng nguồn nước sông Elbe cung cấp cho hoạt động của Nhà máy Kraftwerk Moorburg. Tuy nhiên, do bị dân chúng phản đối quá mạnh, chính quyền địa phương đã áp dụng các điều kiện bảo vệ môi trường nghiêm ngặt nhằm hạn chế việc sử dụng nước sông Elbe và tác động đến loài cá hồi di cư từ Đại Tây Dương đi qua đây.

Vattenfall đã kiện thành phố Hamburg ra tòa án địa phương. Đồng thời, do là nhà đầu tư nước ngoài nên tập đoàn này còn kiện nước Đức ra Tòa án quốc tế.

Theo hồ sơ khiếu kiện, Vattenfall cho rằng, các biện pháp bảo vệ môi trường quá nghiêm ngặt nên đã vi phạm các quyền lợi của công ty được bảo đảm bởi Hiệp định Hiến chương Năng lượng (ECT), một thỏa thuận đa phương về đầu tư ký kết bởi hơn 50 quốc gia, trong đó có Thụy Điển và Đức.

Vattenfall cáo buộc các điều kiện bảo vệ môi trường đặt ra quá nghiêm khắc nên đã làm cho Nhà máy Kraftwerk Moorburg giảm đi hiệu quả kinh tế. Vụ kiện tụng chấm dứt vào năm 2011 với phần thắng thuộc về Công ty Vattenfall.

Người dân Bolivia vui mừng mở hội vì việc khai thác vàng không được cấp phép.

Một giấy phép sử dụng nước mới được cấp cho Nhà máy Kraftwerk Moorburg, trong đó các tiêu chuẩn về môi trường đều bị hạ thấp so với ban đầu. Tuy nhiên, một rắc rối mới lại phát sinh khi Ủy ban châu Âu kiện Đức ra Tòa án Công lý Liên minh châu Âu vì đã không bảo vệ đúng mức các loài cá, trong đó có cá hồi di cư từ Đại Tây Dương.

Vụ tranh chấp Nhà máy Kraftwerk Moorburg là điển hình cho việc các công ty đa quốc gia vận dụng ISDS để kiện nhà nước sở tại, nơi họ đầu tư. Trớ trêu thay, chính nước Đức lại là một trong những quốc gia đi đầu ủng hộ sự ra đời của hệ thống luật lỗi thời và tai hại này.

Vào cuối thập niên 50 thế kỷ XX, một nhóm doanh nhân Đức là những người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng hình thành một cơ chế để bảo vệ các dự án đầu tư của họ ở nước ngoài trước làn sóng các quốc gia đang phát triển mới giành độc lập khỏi ách đô hộ của thực dân châu Âu. Nhóm do Chủ tịch Deutsche Bank khi đó là Hermann Abs dẫn đầu, và họ gọi đề xuất đó là một "đại hiến chương" cho các nhà đầu tư tư nhân.

Sang thập niên 60, ý tưởng đó được Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp nhận. WB cho rằng, một hệ thống luật như thế có thể giúp các quốc gia nghèo của thế giới thu hút đầu tư nước ngoài. Chủ tịch WB khi đó là George Woods khẳng định, "những quốc gia nào có chính sách áp dụng điều ước này để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thu được lợi nhuận hấp dẫn thì sẽ đạt được các mục tiêu phát triển nhanh hơn các quốc gia không áp dụng".

Tại hội nghị thường niên ở Tokyo vào năm 1964, WB đã thông qua một nghị quyết thiết lập cơ chế để giải quyết các vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước, tức ISDS. Một định chế trực tiếp tiếp nhận, xử lý hồ sơ kiện tụng của các công ty đa quốc gia là Trung tâm Quốc tế giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID). ICSID có trụ sở chính tại Washington DC, Mỹ, và một số văn phòng tại nhiều nơi khác London, Paris, Hong Kong và The Hague.

Ngay từ khi mới định hình, cơ chế ISDS đã bị các quốc gia đang phát triển phản đối quyết liệt và cảnh báo rằng chính nó sẽ phá hỏng chủ quyền nhiều quốc gia. Một nhóm 21 quốc gia, bao gồm hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh cộng với Iraq và Philippines, đã bỏ phiếu chống lại đề xuất ISDS. Tuy nhiên, WB đã phớt lờ các quốc gia này và tiếp tục đưa ISDS vào áp dụng thực tế.

Triết lý của ISDS là "một khi nhà đầu tư cảm thấy có một cơ chế công bằng, không thiên vị mà họ có thể tin tưởng được khi có tranh chấp, thì họ sẽ an tâm xúc tiến công việc đầu tư, và khi họ đầu tư vào một quốc gia thì họ sẽ mang đến công ăn việc làm, thu nhập, chuyển giao công nghệ và nhiều thứ”.

Khi ngày càng có nhiều các công ty, tập đoàn đa quốc gia kiện các quốc gia và thu lợi lớn từ các vụ kiện đó. Người ta bắt đầu giật mình xem lại và phát hiện cái giá thật sự cho đòn bẩy xúc tiến đầu tư nước ngoài đó thì đã quá muộn. Từ thập niên 80 thế kỷ XX, các công ty Đức đã kiện nhiều quốc gia đang phát triển ra ICSID để đòi bồi thường hàng tỉ USD.

Trước đó, nước Đức chưa từng đối mặt với các vụ tranh chấp thế này, nhưng kể từ khi bị Vattenfall cho nếm mùi lợi hại của ISDS thì Berlin bắt đầu suy nghĩ lại. Theo thống kê của Trung tâm ICSID, từ năm 2000 trở lại đây, tình trạng các công ty, tập đoàn đa quốc gia kích hoạt hệ thống luật ISDS để kiện các quốc gia có chủ quyền vì lợi ích đầu tư bị sứt mẻ đã gia tăng chóng mặt. Khoảng 500 nhà đầu tư đã kiện hơn một nửa số quốc gia trên thế giới, và con số này đang gia tăng với tốc độ 1 vụ/tuần.

Khai khoáng đang tàn phá môi trường nặng nề ở Mỹ Latinh.

Các công ty kê ra đủ thứ thiệt hại do các hành động quản lý, điều hành của chính phủ sở tại mà họ cho là đe dọa đến lợi tức của họ. Họ không chỉ đòi bồi thường thiệt hại do đất đai, nhà máy bị tịch thu, mà còn vì một loạt chính sách hợp pháp của chính phủ các nước, trong đó có các quy định về bảo vệ môi trường, lợi ích xã hội.

Ban đầu, mục đích của việc kiện tụng là để thu hồi các khoản tiền đầu tư đã bỏ ra, nhưng về sau đã xuất hiện mưu đồ trục lợi riêng. Lợi tức tư bản quá lớn đã khiến cho các công ty, tập đoàn không quan tâm đến các lợi ích khác của xã hội, và một lập luận luôn thắng, đó là "anh vi phạm những điều khoản đã ký trong hiệp định đầu tư thì anh phải chịu trách nhiệm bồi thường".

Cuộc chiến tốn kém của các quốc gia mời gọi đầu tư

Luis Parada, luật sư 55 tuổi người El Salvador, là một trong số các luật sư tham gia bào chữa cho El Salvador. Quốc gia Trung Mỹ này bị Công ty khai khoáng Pacific Rim của Canada kiện năm 2009 vì không cho đào mỏ vàng (về sau Pacific Rim được Tập đoàn OceanaGold của Australia mua lại).

Pacific Rim cáo buộc Chính phủ El Salvador đã khuyến khích công ty này đầu tư "hàng chục triệu USD cho các hoạt động thăm dò khoáng sản". Nhưng khi phát hiện ra các mỏ vàng và bạc có trữ lượng lớn, Chính phủ El Salvador, vì lý do chính trị trong nước, đã không cấp phép để công ty bắt đầu khai thác.

Ban đầu, Pacific Rim đòi bồi thường 300 triệu USD, sau hạ dần xuống còn 284 triệu USD nhưng vẫn nhiều hơn tổng số tiền viện trợ nước ngoài cho El Salvador năm 2014. Chính phủ El Salvador phản bác rằng, công ty không có giấy phép về môi trường, đồng thời không mua được quyền sử dụng các khu đất mà công ty yêu cầu khai thác mỏ, vì nhiều nông dân địa phương từ chối bán đất.

Luật sư Luis Parada, một trong những luật sư bào chữa cho các quốc gia bị kiện vì ISDS.

Trong vụ này, phần thắng nghiêng về El Salvador, với sức mạnh từ phía người dân với các cuộc biểu tình rầm rộ ở thị trấn San Isidro, tỉnh Cabana, phản đối các nhà đầu tư nước ngoài khai khoáng gây ô nhiễm môi trường (do chất cyanua dùng để tách vàng ra khỏi quặng). Mặc dù không phải bồi thường số tiền 284 triệu USD, nhưng El Salvador cũng tiêu tốn 12 triệu USD cho việc bào chữa, tranh tụng trước tòa.

Trở lại trường hợp nước Đức, sau khi dàn xếp xong vụ Nhà máy Kraftwerk Moorburg, Tập đoàn Vattenfall tiếp tục kiện nước Đức ra tòa đòi bồi thường gần 6 tỉ USD do chính phủ nước này quyết định không tiếp tục phát triển và từng bước thu hẹp quy mô ngành công nghiệp điện hạt nhân. Vụ này chưa biết kết quả ra sao, nhưng theo ICSID, việc giải quyết thông qua dàn xếp thỏa thuận là dễ dàng nhất.

Theo ICSID, khoảng 1/3 số vụ tranh chấp cho đến nay đều được giải quyết bằng các thỏa thuận giữa đôi bên, và điều đó đang mang lại những khoản lợi kếch xù cho các nhà đầu tư.

Một nguyên nhân khiến cho các quốc gia đang phát triển hay bị kiện và phải chịu tốn kém để giải quyết các tranh chấp được cho là có phần đóng góp không nhỏ của các hiệp định đầu tư và các thỏa thuận tự do thương mại.

Trên thế giới hiện có đến hàng ngàn hiệp định, thỏa thuận tự do thương mại, đầu tư được ký kết giữa các quốc gia, trong đó "gài" vào điều khoản cho phép các nhà đầu tư nước ngoài kích hoạt cơ chế ISDS nếu họ muốn chống lại quyết định của các chính phủ gây bất lợi cho hoạt động đầu tư của họ.

Các tranh chấp thường được phân xử bởi một hội đồng gồm 3 người - mỗi bên cử một người, còn người thứ ba do cả hai bên cùng nhất trí. Các quyết định của hội đồng là do biểu quyết lấy đa số, có tính ràng buộc cuối cùng, không có khiếu nại phúc thẩm, chỉ có việc áp dụng hay hủy bỏ quyết định đó mà thôi. Một khi quyết định phân xử của hội đồng được đưa ra, nếu quốc gia không chấp hành việc bồi thường thì tài sản của họ sẽ bị niêm phong trên toàn thế giới theo yêu cầu của công ty thắng kiện.

Cho dù việc áp dụng cơ chế ISDS không thể khiến nước sở tại phải thay đổi luật pháp của mình, nhưng chính vì các chi phí tốn kém trong quá trình tranh tụng và thậm chí có nguy cơ bị mất tài sản ở nước ngoài mà nhiều quốc gia đã cân nhắc rất kỹ trước khi hành động.

Hiện nay, việc gài cơ chế ISDS vào các hiệp định thương mại đang gây ra nhiều trở ngại cho tiến trình đàm phán. Ở châu Âu, cơ chế ISDS đang trở thành điểm bất đồng khó giải quyết trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) do Mỹ và EU khởi xướng.

Pháp và Đức, hai trụ cột của EU, không chấp nhận cơ chế ISDS và yêu cầu loại điều khoản kích hoạt cơ chế ISDS ra khỏi hiệp định. Trong khi đó, một số quốc gia vốn trước đây ủng hộ ISDS vì nhu cầu mời gọi đầu tư nay bắt đầu tìm cách "tẩy chay" ISDS, rút khỏi các hiệp định, thỏa thuận đã ký.

Chẳng hạn như Bolivia, vào năm 2000 xảy ra vụ biểu tình của người dân ở thành phố Cachabamba phản đối việc tăng giá nước sinh hoạt quá cao của một công ty tư nhân thuộc Tập đoàn Bechtel, Mỹ. Chính phủ Bolivia khi đó đã can thiệp và ra lệnh chấm dứt quyền khai thác dịch vụ cấp nước của công ty khiến công ty này kiện đòi bồi thường 50 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2006, Bolivia mở một chiến dịch vận động và công ty chấp nhận mức bồi thường tượng trưng 1 USD.

Tại El Salvador, năm 2014, một số tổ chức xã hội đã đăng bài trên tờ báo La Prensa Grafica kêu gọi chính phủ xem xét lại tất cả các hiệp định đầu tư quốc tế đã ký, nghiên cứu đàm phán lại hoặc hủy bỏ hẳn. Nam Phi, sau khi giải quyết xong một loạt tranh chấp đầu tư với các công ty khai khoáng nước ngoài do áp dụng luật khoáng sản mới, cũng đã quyết định rút ra khỏi các hiệp định đầu tư có điều khoản ISDS.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.