Iraq: Nguồn phóng xạ bị mất đã rơi vào tay IS?
Theo các nguồn tin, quốc gia Trung Đông này bị trộm nguồn phóng xạ công nghiệp hồi cuối năm 2015, khiến chính quyền nước này lo sợ lượng phóng xạ gây chết chóc có thể bị quân khủng bố IS dùng làm vũ khí. BBC mới đây cho hay.
Huy động mọi nguồn lực tìm kiếm
Nguồn tin từ chính phủ Iraq cho biết, quân đội, cảnh sát và Ủy ban phòng chống phóng xạ đang ra sức tìm kiếm nguồn phóng xạ công nghiệp “hết sức nguy hiểm”, bị đánh cắp vào tháng 11-2015 tại thành phố Basra. Các quan chức cấp cao đang lo sợ mặt hàng này bị sử dụng vào mục đích xấu.
Nguồn phóng xạ tại nhà máy lọc dầu ở Iraq đã biến mất. |
Hãng tin Reuters cho biết, đã tìm được tài liệu báo cáo gửi đến Bộ Môi trường Iraq về vụ nước này bị mất trộm nguồn phóng xạ công nghiệp, trong đó cảnh báo rằng, nguồn nguyên liệu bị đánh cắp có thể gây thương tổn cho con người, môi trường cũng như đe dọa tới an ninh quốc gia. Quan chức tại Baghdad cũng cho biết, hiện vẫn chưa xác định được đối tượng đã thực hiện vụ trộm, tuy nhiên điều tra ban đầu cho thấy, có sự tiếp tay của người bên trong cơ sở nơi nguồn phóng xạ này bị đánh cắp.
Phát ngôn viên của lực lượng an ninh tại Basra cho biết, quân đội, cảnh sát và bộ phận tình báo Iraq đang “ngày đêm” ra sức truy tìm số phóng xạ bị mất cắp này. Bộ Môi trường cho hay, đã điều động những nhóm phòng chống phóng xạ đến thành phố tham gia lùng sục tại các mỏ dầu, bãi chứa phế liệu và vùng ven biên giới, sau khi nhận được báo động vào ngày 13-11-2015. Hiện nay, quân đội Iraq đang chiến đấu với nhóm IS tại miền Đông và Bắc nước này với sự trợ giúp của Mỹ.
Tuy Basra nằm cách xa đến 500km về phía nam vùng Anbar, nơi đang bị quân khủng bố IS kiểm soát, nhưng IS cũng đã từng thực hiện một số vụ đánh bom tại vùng quanh thành phố này, trong đó có 1 vụ khiến 10 người chết xảy ra gần khu vực kho chứa của công ty Weatherford vào tháng 10-2015. Nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan này cũng đã từng bị cáo buộc là đã sử dụng chất độc hóa học trong vài năm qua.
Hết sức nguy hiểm
Nguồn phóng xạ đồng vị Ir-192 được đựng trong hộp che chắn có kích thước bằng khoảng một chiếc máy tính xách tay, bị phát hiện đã biến mất khỏi kho chứa của Công ty dịch vụ dầu khí Mỹ Weatherford tại thành phố Basra vào tháng 11-2015. Theo một quan chức môi trường địa phương, nguồn phóng xạ chứa tới khoảng 10 gram chất đồng vị Ir-192 “dưới dạng viên”. Một đồng vị phóng xạ có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và có tác hại đối với người bị phơi nhiễm với nhiều mức độ khác nhau, tùy vào các yếu tố như tuổi thọ và mức lực của nguồn.
Các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm nguồn phóng xạ bị đánh cắp. |
Ví dụ, nguồn đồng vị Ir-192 được dùng trong “dò quét công nghiệp” (bằng tia gamma) được Cơ quan quốc tế về Năng lượng hạt nhân IAIE xếp hạng 2/5 (rất nguy hiểm), nhưng nguồn của cùng đồng vị này dùng trong “cận xạ trị” thì được xếp hạng 4/5 (ít nguy hiểm). Trong công nghiệp, chất đồng vị này cần thiết cho duy trì dò quét bằng tia gamma để tìm ra những vết nứt trong ống dẫn dầu và khí. Ngoài ra, Ir-192 cũng được dùng để chữa ung thư.
Theo như tài liệu của Bộ Phòng chống phóng xạ, mô tả, nguồn Ir-192 bị đánh cắp là “hết sức nguy hiểm và có mức phóng xạ cao”. Nguồn này được xếp vào hạng 2 trong danh mục các nguồn phóng xạ của IAIE, nghĩa là nếu không được che chắn đúng cách, sẽ gây ra những chấn thương vĩnh viễn cho con người trong phạm vi gần đó chỉ trong ít phút, hoặc dẫn đến cái chết nếu bị phơi nhiễm trong nhiều giờ.
Trước đây, một lượng lớn Ir-192 cũng đã bị mất cắp tại Anh và Mỹ, khiến chính quyền lo sợ một vụ tấn công bằng “bom bẩn” có thể xảy ra. Khác với vũ khí hạt nhân phát nổ bằng phản ứng phân hạch phức tạp và tốn kém, “bom bẩn” có thể được chế tạo dễ dàng bằng cách dùng các phương tiện gây nổ thông thường để phát tán chất phóng xạ vào môi trường, gây tổn hại đến con người.
Không chỉ có thể được dùng để làm “bom bẩn” thô sơ, theo nhà vật lý học David Albright, Chủ tịch Viện khoa học và An ninh q uốc tế tại Washington cho biết: “Chỉ cần lấy nguồn phóng xạ này ra khỏi hộp che chắn và đặt ở nơi đông người trong một thời gian là đã có thể gây ra tác hại khó lường”.